1. Nhu cầu tiến hành pháp điển tại Cộng hòa Pháp

Cộng hòa Pháp là một nước công nghiệp phát triển, có lịch sử và truyền thống lập pháp lâu đời. Quốc gia này cũng sở hữu một hệ thống pháp luật rất đồ sộ, điều chỉnh gần như toàn bộ các quan hệ xã hội phát sinh. Tuy vậy, cùng với những thành tựu đạt được, cũng không thể không nhận thấy những mặt trái của hệ thống này. Đó là việc có quá nhiều văn bản pháp luật được thông qua mỗi năm, quá nhiều loại văn bản, quá nhiều quy định trong một văn bản cũng như quá nhiều sửa đổi, bổ sung trong một thời gian ngắn làm cho hệ thống pháp luật ngày càng phức tạp, chồng chéo, rất khó tiếp cận nêu không có sự sắp xếp, hệ thống lại. Pháp đang phải đối mặt với vấn đề lạm phát văn bản quy phạm pháp luật. Theo số liệu thống kê năm 2000: có 9.000 luật và khoảng 120.000 nghị định đang có hiệu lực. Ngoài ra hằng năm, có khoảng 70 luật, 50 pháp lệnh, 1.500 nghị định được ban hành mới. Bên cạnh đó, mỗi năm khoảng 10% quy định trong các bộ luật được sửa đổi. Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng đêh khả năng tiếp cận pháp luật của người dân – một quyền quan trọng cần được bảo đảm của công dân trong một Nhà nước pháp quyền.

Do vậy, việc thiết lập và duy trì một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn nhau trở thành một yêu cầu quan trọng để ổn định trật tự xã hội, nâng cao tính dân chủ, khuyến khích phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế toàn cầu. Đây đồng thời cũng là một đòi hỏi của việc thực hiện các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, theo đó, Nhà nước cần có một hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và người dân có thể dễ dàng tiếp cận được. Trên thực tế, việc hệ thống hóa pháp luật tại Cộng hòa Pháp đang được thực hiện chủ yếu thông qua công tác pháp điển hóa hay xây dựng các bộ luật về từng lĩnh vực (“Codes”). Với việc tăng cường áp dụng tiến bộ công nghệ thông tin vào xử lý cơ sở dữ liệu, hoạt động pháp điển hóa ở Pháp ngày càng được đẩy mạnh.

2. Theo quan điểm của Pháp, pháp điển hóa là gì?

Chính sách pháp điển hoá hiện nay được khởi động vào năm 1989 dưới thời Thủ tướng Michel Rocard. Theo đó, pháp điển hóa được hiểu là việc thống nhất các quy phạm pháp luật hiện hành dưới một hình thức bố cục hoàn chỉnh hơn nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng trong việc thực hiện quyền được thông tin về pháp luật, – nâng cao khả năng tiếp cận của pháp luật cũng như tính rõ ràng, minh bạch của pháp luật.

3. Mục đích của hoạt động pháp điển hóa tại Pháp

– Tạo ra một văn bản pháp luật duy nhất (dưới hình thức một bộ luật – “Code”), bao gồm phần các quy phạm luật và một hoặc nhiều phần các quy phạm của văn bản dưới luật hay phần pháp quy;

– Tập hợp theo một trật tự logic các quy phạm pháp luật (cả phần luật và phần văn bản dưới luật) đang nằm phân tán rải rác ở nhiều văn bản nhằm tăng cường khả năng liên kết và tính gần gũi, dễ hiểu của văn bản;

– Minh bạch hóa và bảo đảm tính cập nhật của các quy phạm pháp luật thông qua việc bãi bỏ các nội dung không rõ ràng, mâu thuẫn, không phù hợp với Hiến pháp, với các thỏa thuận, cam kết quốc tế trong các quy phạm hiện hành;

– Chi ra các khiếm khuyết, các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật và đề xuất những cải cách cần thiết. Với mục tiêu này, pháp điển hóa có thể coi như một sự chỉ dẫn, kiến nghị đối với chính quyền nói chung và các nhà lập pháp nói riêng trong quá trình hoàn thiện pháp luật.

4. Hoạt động làm luật và hoạt động pháp điển hóa tách bạch nhau

Có thể hiểu quan điểm của các nhà lập pháp Cộng hòa Pháp là tách bạch giữa hoạt động làm luật và hoạt động pháp điển hóa. Trong khi làm luật là một hoạt động mang tính chính trị, nhằm xác định các nội dung cần điều chỉnh bằng pháp luật và quyết định chính sách pháp luật phù hợp với các nội dung này (tạo ra các quy phạm pháp luật, các đạo luật), thì hoạt động pháp điển hóa được nhìn nhận như một công việc mang tính kỹ thuật làm cho nội dung các chính sách pháp luật được thể hiện dưới hình thức logic, có hệ thống và dễ tiếp cận nhất (dưới hình thức các bộ pháp điển).

5. Nguyên tắc pháp điển và cơ quan thực hiện pháp điển

Pháp điển hóa là một công việc mang tính kỹ thuật cao, tốn nhiều thời gian và công sức. Việc xây dựng các công trình pháp điển hóa có thể kéo dài đến cả chục năm (ví dụ như đối với Bộ luật về chính quyền địa phương của Cộng hòa Pháp). Đây là một trong các lý do khiến Nghị viện Pháp không tham gia sâu vào công việc này mà ủy quyền cho Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đảm trách.

Để đẩy nhanh quá trình pháp điển hóa phần quy phạm luật (partie legislative) của các bộ luật, một loạt các đạo luật được ban hành từ năm 1999 đến năm 2004 đã giao thẩm quyền cho Chính phủ trong việc ra pháp lệnh (ordonnances) thông qua phần quy phạm luật của rất nhiều bộ luật với những điều kiện đã được quy định tại Điều 38 của Hiến pháp Pháp.

Điều 3 của Luật số 2000-321 ngày 12-4-2000 liên quan đến quyền của công dân trong mối quan hệ với cơ quan hành chính đã đưa ra nguyên tắc chỉ tiến hành pháp điển hóa đối với các luật thực định (droit constant). Theo đó, “pháp điển hóa pháp luật là tập hợp và sắp xếp vào trong các bộ luật các luật đang có hiệu lực pháp luật tại thời điểm thống qua các bộ luật đó”, về cơ bản, nội dung được pháp điển hóa vào các bộ luật phải là các quy phạm pháp luật thực định (tức là đang có hiệu lực thi hành). Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết, nhà pháp điển hóa cũng có thể thực hiện các điều chỉnh cần thiết nhằm cải thiện tính gắn kết của các quy phạm được tập hợp, làm hài hòa và bảo đảm trật tự pháp lý của pháp luật, song vẫn bảo đảm không làm thay đổi nội dung của quy phạm được điều chỉnh. Ngoài ra, Luật số 2004-1343 ngày 9-12- 2004 còn bổ sung thêm trường hợp có thể sửa đổi nội dung của các quy phạm pháp luật được pháp điển hóa để sửa chữa những sai sót có thể xảy ra và bãi bỏ những quy định đã trở nên quá lỗi thời, không còn đối tượng điều chỉnh nữa.

Đối với việc pháp điển hóa các quy phạm của văn bản dưới luật hay phần pháp quy của bộ luật (“partie reglementaire”), Chính phủ không buộc phải tuân thủ nguyên tắc pháp luật thực định, vì thẩm quyền ban hành các quy phạm loại này hoàn toàn thuộc về Chính phủ. Do vậy, trong quá trình chuẩn bị phần pháp quy của bộ luật, Chính phủ có thể kết hợp thực hiện những thay đổi cơ bản nhằm tăng hiệu quả và tính hợp lý của các quy phạm dưới luật điều chỉnh các nội dung có liên quan..

Hiện tại, ở Pháp có ủy ban cấp cao về pháp điển hóa là cơ quan trực tiếp giúp Chính phủ thực hiện chức năng đơn giản hóa và minh bạch hóa pháp luật, ủy ban này được đặt dưới sự điều hành của Thủ tướng, có thành viên là đại diện của Thượng viện, Hạ viện, Hội đồng Nhà nước, Tòa phá án, Tòa kiểm toán, Văn phòng Chính phủ và đại diện của một số cơ quan chuyên môn khác thuộc Chính phủ.

6. Nhiệm vụ của ủy ban cấp cao về pháp điển hóa

– Xây dựng chương trình cho các hoạt động pháp điển hóa;

– Quyết định phương pháp soạn thảo các bộ luật (Bộ pháp điển – Code) thông qua việc ban hành các chỉ thị chung;

– Đề xướng hoạt động, thúc đẩy và điều phối các nhóm công tác có trách nhiệm dự thảo các bộ luật và trợ giúp các nhóm công tác này thông qua việc bổ nhiệm người chịu trách nhiệm báo cáo trước ủy ban đối với từng bộ luật cụ thể và bổ sung các cán bộ đủ năng lực khi cần thiết;

– Thống kê các văn bản luật và văn bản dưới luật áp dụng đối với các vùng lãnh thổ hải ngoại; thẩm tra phạm vi áp dụng của các văn bản sẽ được pháp điển hóa đối với những nội dung liên quan đến những vùng lãnh thổ này và kiến nghị Thủ tướng mở rộng phạm vi áp dụng của những văn bản hiện hành tại chính quốc ra cả những vùng lãnh thổ hải ngoại;

– Phê chuẩn và trình lên Chính phủ dự thảo những bộ luật được soạn thảo theo các điều kiện được quy định tại Điều 3 của Luật số 2000-321 ngày 12-4-2000 về quyền của công dân trong môi quan hệ với các cơ quan hành chính.

Ngoài những nhiệm vụ chính nêu trên, ủy ban cấp cao về pháp điển hóa cũng có thể đề nghị đưa ra ý kiến tư vấn đối với những dự thảo văn bản sửa đổi các bộ luật hiện có và cố vân cho Ban Công báo trong việc xử lý các vướng mắc được phát hiện trong quá trình công bố các văn bản cùng tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động này.

7. Bộ pháp điển nào được coi là thành công nhất của Pháp?

Bộ Luật Nã Phá Luân (tiếng Pháp: Code Napoléon; chính thức là Code civil des Français, gọi là (le) Code civil) là bộ dân luật Pháp ban hành năm 1804 trong thời Tam Đầu Chế Pháp. Bộ luật do ủy ban bốn luật gia kiệt xuất soạn thảo và có hiệu lực ngày 21 tháng 3 năm 1804, vì nhấn mạnh về tính rõ ràng, hữu dụng mà coi là bước quan trọng trong việc thay thế đống luật lệ phong kiến trước ở Pháp. Sử gia Robert Holtman nhận xét là một trong vài văn kiện ảnh hưởng toàn thế giới.

Khi đề cập hoạt động pháp điển hóa ở Pháp, mọi người đều thống nhất rằng, thành công lớn nhất của nước Pháp trong công tác này là việc ban hành Bộ luật dân sự Napoleon năm 1804. Sự thành công thể hiện không chỉ về hình thức mà về cả nội dung, mà minh chứng của nó là sự trường tồn hơn 200 năm với rất ít sửa đổi, bổ sung. Chính vì sự thành công của Bộ luật dân sự Napoleon mà nhiều người đôi khi đồng nhát “pháp điển hóa” với việc ban hành các bộ luật. Tuy nhiên, theo quan điểm của luật gia Pháp G.Goulard, mục đích của pháp điển hóa chính là tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tiếp cận pháp luật. Luật gia này cũng cho rằng, “ở Pháp, người ta muốn… hợp nhất các văn bản luật và văn bản dưới luật vào một cuốn sách duy nhất, bao gồm toàn bộ những nguyên tắc pháp luật được áp dụng. Đây chính là pháp điển hoá. Thực chất của việc pháp điển hóa là chuyển hóa các đạo luật và nghị định vào một cuốn sách duy nhất gọi là bộ pháp điển”.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)