1. Chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

Chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành được quy định tại Điều 18 Nghị định 40/2014/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 27/2020/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC. Cụ thể, Nhà khoa học đầu ngành được hưởng các ưu đãi sau:

– Được cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt theo Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được Hội đồng xét chọn nhà khoa học đầu ngành do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua theo tiến độ hằng năm để thực hiện Đề án.

– Được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm trọng điểm khác để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

– Được hỗ trợ kinh phí để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế và giống cây trồng; xuất bản công trình khoa học có giá trị cao về khoa học và thực tiễn.

– Được hỗ trợ kinh phí tham dự hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong nước và nước ngoài; số lần tham dự hội thảo khoa học ở nước ngoài không quá 02 lần/năm, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.

– Được hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành tại Việt Nam.

– Được hưởng ưu đãi hàng tháng bằng 100% mức lương hiện hưởng.

– Được hưởng các chính sách quy định tại Chương II Nghị định 40 và các ưu đãi khác quy định tại Điều 23 Luật Khoa học và công nghệ.

– Được vinh danh, xem xét trao tặng các danh hiệu, giải thưởng về khoa học và công nghệ đối với các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ xuất sắc theo quy định của pháp luật liên quan.

Tại Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC hướng dẫn về hà khoa học đầu ngành được hưởng các ưu đãi sau:

– Hưởng ưu đãi hàng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng kể từ khi có quyết định công nhận là nhà khoa học đầu ngành của cơ quan có thẩm quyền;

– Được cấp kinh phí hàng năm theo đề xuất để thực hiện các hoạt động của nhóm nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực chuyên môn. Thủ trưởng tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đang công tác quyết định thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực chuyên môn theo đề xuất của nhà khoa học;

– Được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nội dung theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP.

2. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành

Điều 19 Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định về kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành, và nội dung này được sửa đổi tại Nghị định 27/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

(i) Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành được bố trí từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.

(ii) Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí khoản kinh phí thích hợp cấp cho nhà khoa học đầu ngành theo nhiệm vụ trong năm để triển khai Đề án định hướng phát triển chuyên ngành khoa học đã được thông qua.

(iii) Đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí thực hiện các chính sách trọng dụng quy định tại Điều 18 Nghị định 40.

Đối với nhà khoa học đầu ngành thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức khoa học và công nghệ có nhà khoa học đầu ngành dự toán kinh phí thực hiện các chính sách trọng dụng quy định tại Điều 18 Nghị định 40 trừ kinh phí ở mục (ii) gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và đề xuất cơ quan có thẩm quyền phân bổ.

 Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC như sau:

– Kinh phí thực hiện các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 23 Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC được bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ; được giao và ghi thành một nội dung riêng trong dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành công tác;

– Mức kinh phí cho các nội dung quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 23 Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC tối đa là 1.500 triệu đồng/năm, việc điều chỉnh mức kinh phí này do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất. Việc sử dụng kinh phí này được kiểm tra, đánh giá hằng năm để bảo đảm sử dụng có hiệu quả;

– Hằng năm, các tổ chức khoa học và công nghệ có nhà khoa học đầu ngành dự toán kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành gửi cơ quan chủ quản tổng hợp chung vào dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ gửi Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp và đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định phân bổ.

3. Tiếp tục hoặc dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành

Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (trong trường hợp nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập) định kỳ 01 lần/ năm giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành để tiếp tục công nhận đối với nhà khoa học đầu ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, nhà khoa học đầu ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản nơi công tác hoặc báo cáo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ (nếu nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập).

Dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành trong các trường hợp sau:

– Không hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ và kết quả công việc thực hiện theo Đề án đã được thông qua trong 03 năm liên tiếp, kể từ khi được áp dụng chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành mà không có lý do chính đáng được cơ quan chủ quản xem xét, chấp thuận;

– Thiếu trung thực trong kê khai hồ sơ làm sai lệch kết quả xét công nhận nhà khoa học đầu ngành;

– Vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ về các hành vi bị cấm trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Nhà khoa học bị dừng áp dụng chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành không được hưởng ưu đãi quy định tại Điều 18 Nghị định 40 kể từ khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đầu ngành công tác hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (đối với nhà khoa học đầu ngành không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập).

Nhà khoa học đầu ngành bị dừng áp dụng chính sách trọng dụng không được xét công nhận trong các lần tiếp theo và phải hoàn trả ngân sách nhà nước khoản kinh phí đã được hưởng theo chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành.

4. Không tiếp tục công nhận, hủy công nhận nhà khoa học đầu ngành

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ định kỳ 5 năm giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành để xem xét tiếp tục công nhận hoặc không tiếp tục công nhận nhà khoa học đầu ngành.

– Tiếp tục công nhận nhà khoa học đầu ngành đối với nhà khoa học đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 15 và hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP;

– Không tiếp tục công nhận, hủy công nhận nhà khoa học đầu ngành thực hiện theo quy định tại các Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP.

Quyết định không tiếp tục công nhận hoặc hủy công nhận nhà khoa học đầu ngành được gửi về cơ quan chủ quản của tổ chức khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ nơi nhà khoa học đang công tác.

5. Chính sách trọng dụng nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia đặc biệt quan trọng

Trong thời gian được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học được hưởng các ưu đãi sau:

Được chủ động sử dụng kinh phí được giao theo phương thức khoán chi theo quy định để thực hiện nhiệm vụ với các nội dung sau:

– Tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm và các hoạt động khác có liên quan;

– Trả tiền lương, tiền công theo thỏa thuận cho các nhà khoa học trực tiếp tham gia và nhân lực gián tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ;

– Mua tài liệu khoa học, sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ;

– Công bố và đăng ký kết quả nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài;

– Tham dự hội thảo khoa học quốc tế ở nước ngoài hoặc tổ chức hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam có liên quan;

– Thuê đất và cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ;

– Mua sắm trang thiết bị, vật tư khoa học phục vụ nhiệm vụ trong trường hợp đặc biệt;

– Các hoạt động khác để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Được chủ động bố trí, sử dụng nhân lực thực hiện nhiệm vụ được giao:

– Đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều động nhân lực khoa học và công nghệ, huy động các tổ chức khoa học và công nghệ tham gia thực hiện nhiệm vụ;

– Thuê hoặc mời chuyên gia trong nước và nước ngoài tư vấn hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Được hưởng mức lương tương đương chuyên gia cao cấp bậc 3 và hưởng ưu đãi hàng tháng bằng 100% mức lương trước thời điểm được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng.

Được sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm khác để thực hiện nhiệm vụ.

Được tiếp cận thông tin, tư liệu từ các thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật quan trọng.

Được bố trí phương tiện đi lại, nhà ở công vụ.

Được hưởng các chính sách quy định tại Chương II Nghị định này và các ưu đãi khác quy định tại Điều 23 Luật Khoa học và công nghệ.

6. Bản đăng ký xét công nhận nhà khoa học đầu ngành

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————-

BẢN ĐĂNG KÝ XÉT CÔNG NHẬN NHÀ KHOA HỌC ĐẦU NGÀNH…………

Kính gửi:       (- Cơ quan, đơn vị đang công tác;

– Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật…;

– Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (quản lý ngành))

Tên tôi là (chữ in hoa):…………………………………………………………. Nam/Nữ:……………

Ngày tháng năm sinh: ……………………………………………………………………………………..

Nơi ở hiện nay: ……………………………………………………………………………………………..

Đơn vị công tác: ……………………………………………………………………………………………

Chức vụ: ………………………………………………………………………………………………………

Trình độ và chuyên ngành đào tạo: …………………………………………………………………….

Ngày tháng năm được tuyển vào vị trí việc làm/HĐLV: …………………………………………..

Hạng chức danh khoa học/chức danh công nghệ hiện nay:……………………….. mã số:………….. Thời gian xếp: ……………

Hệ số lương hiện hưởng:……………………………………… ngày tháng năm xếp:…/…./……

Sau khi nghiên cứu các quy định về việc công nhận nhà khoa học đầu ngành tại Nghị định số …./2020/NĐ-CP và Thông tư số………., tôi tự đánh giá bản thân có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn để tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành ngành…………………..

Tôi làm đơn này kính đề nghị ………………………….(như phần kính gửi) xem xét cho tôi được tham gia xét chọn nhà khoa học đầu ngành.

Tôi xin trân trọng cảm ơn.

 

          …………, ngày … tháng … năm …

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(Ký và ghi rõ họ tên)

Hồ sơ gửi kèm theo đơn này gồm có:

1……………………………………………….

2……………………………………………….

3…………………………………………………………

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group