NỘI DUNG TƯ VẤN:
1. Một số khái niệm cơ bản:
1.1 Khái niệm hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Theo Bộ luật dân sự Việt Nam hợp đồng vận chuyển tài sản (hàng hóa) là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
1.2 Đàm phán hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Khi kí kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa, các bên lúc nào cũng muốn bên mình có lợi ích được nhiều hơn. Ðiều đó phụ thuộc rất nhiều ở tài đàm phán, thương thảo hợp đồng của các bên. Mục tiêu của đàm phán là tìm ra một giải pháp mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nhưng trên thực tế, chúng ta thường thấy, bên thuê dịch vụ vận chuyển luôn muốn trả giá thấp nhất, còn phía đối tác là bên cung ứng dịch vụ vận chuyển lại muốn được trả với giá cao nhất. Bản chất của đàm phán đó là sự thương lượng, thỏa hiệp giữa hai bên nhằm hướng tới đạt được mục tiêu đặt ra. Từ đó, có thể định nghĩa khái quát, đàm phán hợp đồng vận chuyển hàng hóa là hoạt động trao đổi thông tin, nguyện vọng, mong muốn, các yêu cầu giữa các bên trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa để đạt được sự cân bằng quyền và lợi ích đối kháng trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
1.3 Soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Trong quá trình đàm phán, các bên chủ yếu gặp gỡ trực tiếp và thương thảo với nhau bằng ngôn ngữ nói để đạt được lợi ích mà các bên mong muốn. Tuy nhiên, việc đàm phán chưa thể là cơ sở pháp lý vững chắc để các bên có thể ràng buộc lẫn nhau trong quan hệ hợp đồng. Để hiện thực và chi tiết hóa những lý lẽ đàm phán của các bên trên giấy tờ, các bên sẽ chủ động với nhau để soạn thảo một bản hợp đồng vận chuyển hàng hóa căn cứ để xác lập quan hệ hợp tác sau này. Soạn thảo hợp đồng có thể diễn ra trước khi đàm phán hoặc sau khi đàm phán hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Nếu soạn thảo hợp đồng diễn ra trước đàm phán hợp đồng, tức là bản hợp đồng đó sẽ là cơ sở để các bên trình bày quan điểm, ý kiến của mình trong quá trình hợp tác. Việc soạn thảo hợp đồng trước khi đàm phán thông thường khó có thể được chấp nhận mẫu hợp đồng đó. Bởi lẽ, bên soạn thảo trước luôn luôn đặt mình trong thế tận dụng và tối đa hóa lợi ích, có thể làm xâm hại hoặc đối kháng với lợi ích của phía bên kia. Trường hợp, soạn thảo hợp đồng diễn ra sau quá trình đàm phán thì soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa chính là hoạt động chuyển hóa quá trình đàm phán giữa các bên thành một văn bản quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
1.4 Khái niệm rủi ro:
Rủi ro là một bất trắc cụ thể liên quan đến một biến cố không mong đợi.
Rủi ro trong đàm phán, soạn thảo và thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa là những bất trắc có thể xảy ra ngoài ý muốn trong quá trình kí kết và thực hiện hợp đồng, gây thiệt hại cho bên vận chuyển, bên thuê vận chuyển hoặc cả hai.
2. Nhận diện rủi ro trong đàm phán, soạn thảo và thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa
2.1 Những rủi ro trong đàm phán hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Rủi ro khi đàm phán: Phương thức đàm phán được sử dụng chủ yếu bao gồm: đàm phán trực tiếp, đàm phán giao dịch qua điện thoại, đàm phán giao dịch qua thư tín, tùy theo hình thức đàm phán giao dịch và sự thông thạo của người đàm phán mà các bên của hợp đồng có thể gặp những rủi ro cơ bản sau:
Đối với hình thức giao dịch trực tiếp: Đó là sự thiếu hiểu biết về đối tác, chưa chuẩn bị đầy đủ các tư liệu cần thiết có liên quan, thiếu kĩ năng, nghệ thuật đàm phán, thiếu kế hoạch đàm phán.
Đối với đàm phán giao dịch qua điện thoại: các bên có thể gặp rủi ro do ngôn từ sử dụng không rõ rang, gãy gọn, kém linh hoạt, đôi khi sự không lịch thiệp trong giao tiếp có thể làm cho các bên mất đi một hợp đồng có giá trị sinh lợi lớn hay một khách hàng.
Đối với đàm phán giao dịch qua thư tín: đó là sự chuẩn bị kém về nội dung, hình thức làm cho khách hàng có sự nhầm lẫn về ngôn ngữ hay nội dung mà bên vận chuyển muốn chuyển tải do sự khác biệt về văn hóa, tập quán kinh doanh đối với khách hàng ở nơi khác đến có thể là khách nước ngoài.
Đám phán là hành vi hay quá trình, trong đó các bên tiến hành thương lượng, thảo luận về các mối quan tâm chung và những điểm bất đồng, để đi đến 1 thỏa thuận thống nhất.
Các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đàm phán vì những nguyên nhân:
– Thiếu thông tin của đối tác; môi trường văn hóa, chính trị – pháp luật;
– Chuyên môn yếu: người tham gia đàm phán không được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn về vấn đề thương thảo;
– Ngoại ngữ yếu khi tham gia đàm phán thương mại quốc tế;
– Không hiểu biết đầy đủ về hàng hóa – dịch vụ – công việc giao kết;
– Kỹ năng đàm phán, kỹ năng giao tiếp: không khéo léo trong việc đàm phán với đối tác.
2.2 Những rủi ro trong soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Rủi ro khi soạn thảo: Quá trình soạn thảo hợp đồng là một trong những khâu quan trọng, nếu chuẩn bị chu đáo thì các bên của hợp đồng có thể phòng ngừa và hạn chế được những rủi ro khác nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng. Những rủi ro thường gặp trong khâu soạn thảo là không dẫn chiếu các tập, văn bản pháp luật có liên quan, thiếu những điều khoản cần thiết của hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản bảo vệ quyền lợi cho các bên như điều khoản về đăng kí bảo hiểm, điaàu chỉnh giá của hợp đòng có thời gian thực hiện dài, giao hàng, thanh toán, giải quyết tranh chấp… không đưa những thỏa thuận vào trong đàm phán, ngôn từ sử dụng không rõ ràng.
Rủi ro trong quá trình kí kết hợp đồng: quá trình kí kết thường xảy ra rất ít rủi ro đối với các bên kí kết hợp đồng ngoại trừ những nhân tố tiêu cực. Tuy nhiên các bên của hợp đồng có thể mắc các rủi ro sau: không kiểm tra lại các điều khoản trong hợp đồng, không chiếu các khoản đã đạt được cũng như không kiểm tra phụ lục của hợp đồng.
Soạn thảo hợp đồng là một bước rất quan trọng, chẳng thế mà người ta quan niệm bên nào được quyền soạn thảo hợp đồng – bên ấy chiếm ưu thế. Tuy nhiên, hợp đồng cũng là con dao hai lưỡi, nếu bất cẩn, hoàn toàn bên soạn hợp đồng cũng phải gánh chịu những rủi ro, thậm chí là rủi ro rất lớn.
Rủi ro trong quá trình soạn thảo hợp đồng thường gặp gồm những rủi ro:
– Rủi ro do thiếu thẩm định năng lực tài chính, uy tín của đối tác;
– Rủi ro do vô hiệu hợp đồng (vô hiệu về hình thức và nội dung);
– Rủi ro do các điều khoản của hợp đồng không chặt chẽ;
– Rủi ro do thỏa thuận điều khoản về giải quyết tranh chấp;
– Rủi ro do không am hiểu thông lệ kinh doanh quốc tế khi soạn thảo hợp đồng thương mại quốc tế;
2.3 Những rủi ro trong thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Rủi ro do thiên tai: là những rủi do lũ lụt, hạn hạn, động đất dịch bệnh…tác động bất lợi đến quá trình vận chuyển hàng hóa. Hậu quả rủi ro do thiên tai mang lại thường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến việc thực hiện hợp đồng của các bên.
Rủi ro chính trị, pháp lí: Đây là rủi ro mà các bên cũng rất lo ngại. Bởi vì trước khi quyết định kí hợp đồng các bên phải dựa vào tình hình kinh tế xã hội, dựa vào quyết định thuế và luật thuế, mức phí ….sự thay đổi lớn về chính trị, pháp lí xảy ra có thể nằm ngoài dự đoán của các bên, sẽ có thể gây thiệt hại cho một trong hai bên.
Rủi ro hối đoái: là sự không chắc chắn về một khoản thu nhập hay chi trả do biến động tỉ giá gây ra, có thể làm tổn thất đến giá trị dự kiến của hợp đồng, nếu việc thanh toán sử dụng đồng ngoại tệ mà đồng ngoại tệ trong tương lai giảm giá so với đồng nội tệ. Nghĩa là tiền thu về được quy đổi ra đồng nội tệ giảm so với dự kiến.
Rủi ro do biến động giá: Biến động giá cả các yếu tố đầu vào bao gồm biến động các yếu tố giá cả nguyên vật liệu, chi phí lưu thông …. Các chủ thể đặc biệt quan tâm đến rủi ro này mà đặc biệt là bên vận chuyển vì hợp đồng thường do các bên kí trước khi tiến hành hoạt động vận chuyển hàng hóa đặc biệt là các hợp đồng vận chuyển hàng hóa được thực hiện trong thời gian dài.
Rủi ro do thiếu thông tin: các chủ thể kí kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa hơn ai hết phải biết ro thông tin về giá cả của nguyên vật liệu để vận chuyển các chi phí lưu thông vận chuyển, sự biến động cả trên thị trường thế giới vì nó sẽ ảnh hưởng đến giá cả của nguyên liệu thị trường trong nước sau một thời gian nhất định. Và đặc biệt là thông tin về đối tác thì phải được các bên kí kết hợp đồng xác đinh một cách cụ thể chính xác ngay từ khi bắt đầu đàm phán hợp đồng. Việc thiếu thông tin sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho các bên của kí kết hợp đồng. Chẳng hạn, bên thuê vận chuyển thanh toán tiền trước khi bên vận chuyển thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà khi đến hạn thực hiện hợp đồng bên vận chuyển không thực hiện được vì khi xác nhận lại thì các thông tin về bên vận chuyển là không có thực mà chỉ là một chủ thể lừa đảo. Hơn nữa, việc không nắm bắt được những biến động giá cả trên thị trường thế giới của nguyên liệu, nhiều khi bên vận chuyển đã kí hợp đồng với giá thấp đến khi giá chi trả cho nguyên liệu phục vụ việc vận chuyển tăng cao dân đến việc bên vận chuyển bị lỗ. Chính vì sự bùng nổ thông tin như hiện nay, để nhận biết và tránh những sai lệch thông tin không còn cách nào khác là các bên vận chuyển cần phải coi nó như là một trong những yếu tố chủ yếu đem lại rủi ro cho mình.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group