1. Hệ thống chính trị – xã hội

Thực tế đời sống chính trị – xã hội ở nước ta thời gian qua có một số tổ chức xã hội – nghề nghiệp đã phát triển thành tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp. Nhưng cho đến nay, giới khoa học pháp lý và chính trị nước ta mới chỉ để cập tới hệ thống chính trị với ý nghĩa là hệ thống các thiết chế chính trị và chính trị – xã hội gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể quần chúng chứ chưa nghiên cứu hệ thống chính trị – xã hội với ý nghĩa là một hệ thống rộng lớn hơn, trong đó không chỉ có các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội mà còn có cả một số tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác.

Quan niệm về hệ thống chính trị – xã hội như vậy có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện xây dựng và phát huy nền dân chủ, xây dựng nền kinh tê” thị trường và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bỏi lẽ, quyền lực chính trị trong điều kiện hiện nay không chỉ thể hiện vai trò của các thiết chế chính trị, chính trị – xã hội mà còn có xu hướng chịu ảnh hưởng ngày càng sâu sắc bởi các thiết chế xã hội. Sự tác động trực tiếp, mạnh mẽ và nhiều chiều của các yếu tố kinh tế – xã hội đến kiến trúc thượng tầng chính trị là một sự tác động mang tính quy luật trong các xã hội hiện đại. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với quá trình xây dựng và củng cố’ nền dân chủ mà trong đó cốt lõi là việc tôn trọng và bảo đảm các quyền con người của mọi công dân.

2. Các cơ quan bảo vệ quyền con người ở Việt Nam

Các cơ quan bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay bao gồm: hệ thống các thiết chế chính trị, chính trị – xã hội gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị – xã hội, đồng thời phải chú trọng đến tác động của các tổ chức xã hội rộng lớn của nhân dân; cơ chế vận hành các thiết chế đó dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quan niệm về hệ thống chính trị – xã hội như thế được hình thành trên cơ sở gắn kết giữa hai hệ thống thiết chế xã hội là hệ thống chính trị (hệ thống thiết chế trực tiếp thực hiện quyền lực chính trị) và hệ thống xã hội. Trong điều kiện xây dựng cơ chế thực hiện và đảm bảo quyền lực nhân dân ở nước ta hiện nay, sự gắn kết của hai hệ thống này thành một hệ thống lớn là điều có ý nghĩa chính trị – xã hội sâu sắc và cần được chú trọng nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn.

Hệ thống chính trị nước ta có đặc điểm là tính thống nhất cao dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Hệ thống chính trị nước ta không phải là hệ thống của các thiết chế đối lập nhau về lợi ích. Đảng là một thành viên của hệ thống nhưng Đảng giữ vai trò lãnh đạo (vai trò hạt nhân). Vai trò lãnh đạo của Đảng là một tất yếu lịch sử không thể phủ nhận.Trong điều kiện hiện nay, nhận thức đó cần được tiếp tục khẳng định.

Tuy nhiên, khi xem xét dưới góc độ quyền con người, không thể không ghi nhận sự tham gia của các lực lượng xã hội vào hoạt động bảo vệ quyền con người của hệ thống chính trị – xã hội. Kết quả hoạt động của cả hệ thống này là sản phẩm của sự tương tác (tác động qua lại) về chính trị – xã hội rất đa dạng. Trong tính thống nhất của lợi ích quốc gia, dân tộc vẫn có sự đa dạng và phong phú về lợi ích của những nhóm xã hội khác nhau.

3. Đóng góp của các tổ chức xã hội trong hoạt động bảo vệ quyền con người

Hoạt động bảo vệ quyền con người trước hết thuộc về các cơ quan trong hệ thống chính trị – xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể của các tổ chức xã hội rộng lớn của nhân dân, đặc biệt là các hội đoàn trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp, kinh doanh, dịch vụ xã hội… Tuy không trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước nhưng trong điều kiện của nền dân chủ XHCN, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, trong đó bao hàm cả các quyền cơ bản của con người với tư cách là thành viên của các tổ chức đó. Thực tế cho thấy, các tổ chức này có tác động ngày càng to lớn đến đời sống kinh tế – chính trị của đất nước. Đảng, Nhà nước không quản lý trực tiếp đối với các tổ chức này nhưng có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức đó. Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người có được xây dựng và thực thi tốt hay không, nhất là các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các thành viên tổ chức hiệp hội, không thể không tính đến vai trò và sự tác động tích cực của các tổ chức xã hội. Vối ý nghĩa đó thì có thể quan niệm, các tổ chức xã hội được coi là hệ thống phản biện của hệ thống chính trị trong hoạt động bảo vệ quyền con người. Hoạt động tư vấn, giám định và phản biện xã hội đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được coi là hoạt động cơ bản và thể hiện sinh động nhất vai trò mới, tích cực của các tổ chức hiệp hội kinh tế – xã hội. Do vậy, cơ chế chính trị – pháp lý để vận hành mối liên hệ giữa hệ thống chính trị và hệ thống xã hội như đã nêu cũng được xác định là thành tố cơ bản trong cấu trúc của hệ thống chính trị – xã hội có mối quan hệ tương tác trong các hoạt động bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

4. Sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản lý nhà nước là một thành tố tạo nên nền dân chủ

Để có một xã hội dân chủ đúng nghĩa, sự tương tác giữa các công dân với nhau và giữa công dân với Nhà nước là một yêu cầu bắt buộc. Quá trình tương tác này chính là lúc mở ra không gian cho nền dân chủ và là chất xúc tác cho nền dân chủ vận hành. Sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản lý nhà nước là một thành tố tạo nên nền dân chủ, thể hiện rõ trong những vai trò sau:

– Vai trò tăng cường sức mạnh chính trị cho người dân. Với tư cách là một cá nhân đơn lẻ, người dân thường thiếu tự tin, thiếu năng động và ít tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là vào các hoạt động chính trị. Nói cách khác, nếu chỉ là một cá nhân đơn lẻ, mỗi người hầu như khó có nhiều ảnh hưởng đến xã hội. Tuy nhiên, khi gặp gỡ nhau, khi liên kết thành một tổ chức họ sẽ có những sức mạnh nhất định và bắt buộc các chủ thể chính trị phải chú ý đến. Theo cách này, các tổ chức, hiệp hội đã tăng quyền lực cho các cá nhân trong những bối cảnh chính trị cụ thể, và điều này buộc những chủ thể chính trị phải tìm cách thích nghi.

Vai trò tăng cường hiểu biết, trách nhiệm chính trị cho mỗi người dân. Đối với một nền dân chủ, không có một sự đe dọa nào lớn hơn sự dửng dưng và tính thụ động của người dân. Một chế độ quân chủ hay chế độ chuyên quyền có thể làm được chỉ ở một số ít đối tượng, các nền cộng hòa dân chủ không thể tồn tại nếu thiếu công dân. Xu hướng công dân thờ ơ với chính trị là một xu thế gia tăng ở khắp nơi trên thế giới, đặt ra yêu cầu cấp thiết về vấn đề tổ chức xã hội và vai trò của nó trong nền văn minh dân chủ.

Đặc tính tự nguyện của các tổ chức xã hội không những giúp cho các thành viên có cơ hội để chia sẻ ý kiến, suy nghĩ mà còn giúp thực hành các nguyên tắc về lãnh đạo dân chủ. Những thực tập này giúp cho các thành viên ngày một phát triển thêm ý thức trách nhiệm của mình đối với tập thể chung và chuẩn bị cho họ, qua những sinh hoạt điều hành nội bộ như tranh cử, bầu cử… để tham gia vào các sinh hoạt chính trị ở phạm vi toàn xã hội. Nói một cách khác, tổ chức xã hội là nơi tập hợp của các con người dân chủ trong các diện khác nhau của xã hội như nhân quyền, giáo dục, y tế, nghề nghiệp… Điều kiện cần thiết cho sự hình thành của tổ chức xã hội chính là từ sự nhận thức của mỗi cá nhân về vai trò và trách nhiệm của họ trong xã hội nói chung và thúc đẩy họ tham gia vào các sinh hoạt của xã hội. Sinh hoạt trong các tổ chức tự nguyện, mỗi cá nhân có cơ hội phát huy đặc tính của nhân cách dân chủ. Nhân cách dân chủ càng được nảy nở thì tổ chức xã hội càng phát triển và ngược lại. Một tổ chức xã hội năng động sẽ cung cấp năng lượng cho sự vận hành của cả xã hội, nhất là về phương diện chính trị và chính sách phản ánh các mối quan tâm của mọi thành viên trong xã hội.

5. Vai trò giám sát xã hội của các tổ chức xã hội trong các vấn đề về quyền con người

Giám sát chính sách là công tác hết sức quan trọng đối với bất kỳ Nhà nước nào trên thế giới. Việc giám sát xã hội vừa đảm bảo tính dân chủ vừa đồng thời mang tính xây dựng, góp phần hạn chế các sai sót, khuyết điểm của Nhà nước trong quá trình vận hành, giúp xây dựng Nhà nước ngày càng lớn mạnh, xã hội ngày càng phát triển, văn minh. Giám sát xã hội chính là giám sát của nhân dân đối với Nhà nước, nó không phải là việc bên ngoài áp đặt vào quyền lực nhà nước mà chính là yêu cầu khách quan, là thành tố của nhà nước pháp quyền. Việc giám sát chính sách được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau nhưng các tổ chức xã hội chính là một trong những kênh quan trọng. Các tổ chức xã hội chính là những nơi cung cấp thông tin và chất liệu cho các cuộc thảo luận chính trị. Thông qua các cuộc thảo luận này, các vấn đề được mổ xẻ, xới xáo và tìm ra các giải pháp tối ưu cho hoạt động Nhà nước. Có thể thấy, nếu tiếng nói giám sát mà đến từ một công dân riêng lẻ thì nó hầu như không có sức mạnh chính trị và hầu như khó làm cho Nhà nước quan tâm và lắng nghe. Nhưng nếu hoạt động giám sát được đưa ra từ một tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức có uy tín thì nhất định nó sẽ có những sức nặng chính trị và buộc Nhà nước phải quan tâm và giải quyết.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)