Sau khi làm việc tại công ty khác, bạn đó vẫn còn nói chuyện với những nhân viên trong công ty cũ và nói không tốt về sếp mà không có bằng chứng, khuyên mọi người nên nghỉ việc. Nhân viên đó trước khi vào làm đã hứa là sẽ làm ít nhất 2 năm, nhưng khi đang làm thì do mâu thuẫn nên nghỉ khi mới làm được 1,5 năm. Việc hứa làm việc tới 2 năm là thỏa thuận bằng miệng với nhau và không có hồ sơ giấy tờ gì làm bằng chứng cả. Vô tình sếp mình biết được bạn đó đã rời khỏi công ty gần 3 tháng rồi mà vẫn nói xấu sếp và công ty như vậy.

Câu hỏi của mình là: Trong trường hợp này sếp có nên kiện nhân viên đó của công ty vì việc nói xấu làm ảnh hưởng tới danh tiếng của sếp và công ty hay không? Và nên làm như thế nào để không ảnh hưởng tới nhân viên trong công ty và hoạt động kinh doanh của công ty? Nếu khởi kiện thì chi phí sẽ như thế nào. Mình xin cảm ơn

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý: 

Bộ Luật lao động 2012

Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động

Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP

2. Luật sư tư vấn:

Bộ Luật lao động 2012 có quy định: Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Như vậy, việc công ty của bạn không tiến hành giao kết hợp đồng với anh B là trái quy định của pháp luật (theo dữ liệu bạn đưa ra chúng tôi có thể hiểu công ty không ký hợp đồng lao động với người lao động). Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động như sau: 

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Về việc nhân viên B sau khi rời khỏi công ty vẫn liên tục có hành vi nói xấu, bôi nhọ danh tiếng của giám đốc nói riêng và công ty nói chung, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty thì giám đốc công ty A có thể đứng ra kiện B về tội vu khống. Điều 122 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội vu khống như sau:

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Trong trường hợp đã đủ chứng cứ để chứng minh nhân viên B có dấu hiệu của tội vu khống thì công ty bạn có thể tiến hành nộp đơn trình báo với cơ quan công an để yêu cầu khởi tố. Về án phí thì theo quy định tại danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về án phí và lệ phí nêu rõ án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng, án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng.

Còn vấn đề hứa làm 2 năm do bên người lao động và người sử dụng lao động đều không giao kết hợp đồng với nhau nên việc buộc người lao động phải thực hiện đúng giao kết hay nhờ cơ quan Tòa án giải quyết đều rất khó. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191để được giải đáp.

Trân trọng.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group.