1. Khiếu nại trong tố tụng hình sự là gì?

Theo từ điển tiếng việt khiếu nại là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại những quyết định trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tố cáo là việc cá nhân nói cho cơ quan có thẩm quyền biết một hành động, một việc làm phạm pháp nào đó.

Tại Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại 2011 xác địnhkhiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tố tụng hình sự là quá trình tiến hành tiếp nhận, giải quyết vụ án hình sự theo quy định của luật tố tụng hình sự.

Từ những khái niệm trên, có thể rút ra các khái niệm về khiếu nại trong tố tụng hình sự: Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, giải quyết lại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, quan hệ làm phát sinh khiếu nại trong tố tụng hình sự là quan hệ giữa một bên là người chịu tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và họ khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình.

2. Tố cáo trong tố tụng hình sự là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo năm 2018 thì tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tố tụng hình sự là quá trình tiến hành tiếp nhận, giải quyết vụ án hình sự theo quy định của luật tố tụng hình sự.

Từ những khái niệm trên, có thể rút ra các khái niệm về tố cáo trong tố tụng hình sự: Tố cáo trong tố tụng hình sự là việc cá nhân báo cho cơ quan, người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Như vậy, quan hệ làm phát sinh tố cáo trong tố tụng hình sự là giữa người không chịu tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, và họ thực hiện tố cáo có thể để bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chủ thể có quyền tố cáo là cá nhân, pháp luật không quy định cơ quan, tổ chức là chủ thể của quyền tố cáo.

3. Đối tượng điều chỉnh của các quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

Quyết định, hành vi mà khiếu nại, tố cáo hướng đến phải là quyết định, hành vi phát sinh trong quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền. Do vậy quyết định, hành vi phát sinh trong quan hệ quản lý hành chính, dù phát sinh ngay trong các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không phải là đối tượng điều chỉnh của các quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.

Quyết định trái pháp luật, hành vi vi phạm pháp luật làm căn cứ phát sinh khiếu nại, tố cáo là do nhận thức chủ quan và động cơ của người khiếu nại, tố cáo. Còn căn cứ xác định hành vi, quyết định đó có trái pháp luật hay không phải có kết luận cuối cùng của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo luật định.

4. Ý nghĩa của chế định về khiếu nại, tố cáo

Bộ luật tố tụng hình sự không chỉ có nhiệm vụ là bảo đảm ngăn chặn tội phạm, phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn nhiệm vụ quan trọng đó là bảo vệ quyền con người. Việc bảo vệ quyền con người được thể hiện ở nhiều chế định, trong đó chế định về khiếu nại, tố cáo thể hiện rõ vấn đề này, nó là phương thức bảo đảm và thực hiện quyền con người trong tố tụng hình sự; bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện đúng đắn; là biện pháp cần thiết để kịp thời phát hiện và khắc phục các vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng; là nguồn thông tin quan trọng đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng.

Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự còn có ý nghĩa chính trị, xã hội, thể hiện tính dân chủ trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Ai là người có quyền khiếu nại, tố cáo?

Điều 469 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định người có quyền khiếu nại:

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

– Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Theo Điều 478 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thủ tục khiếu nại, tố cáo

Nhằm bảo đảm tính minh bạch của hoạt động tố tụng, đề cao trách nhiệm trước Nhân dân, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi lạm quyền trong hoạt động tư pháp ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của con người, của công dân, đồng thời, xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để cản trở hoạt động tố tụng, cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án, Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi lần này đã đổi mới nhiều quy định trong thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Viện kiểm sát, Bộ luật có nhiều điều chỉnh quan trọng:

Thứ nhất, nhằm phân công hợp lý thẩm quyền giữa các cơ quan trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ việc bắt, tạm giữ) do cấp trưởng xem xét, giải quyết; khiếu nại đối với việc bắt, tạm giam trong giai đoạn xét xử do Chánh án Tòa án giải quyết thay cho quy định hiện nay đang giao cho Viện kiểm sát giải quyết các trường hợp này (Điều 474 và Điều 475).

Thứ hai, nhằm bảo đảm tính cụ thể, tránh lạm dụng, Bộ luật quy định thời hạn Viện kiểm sát giải quyết các khiếu nại đối với lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt, quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, quyết định tạm giam, quyết định phê chuẩn việc bắt, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giam và khiếu nại các hành vi thực hiện các lệnh và quyết định đó phải được giải quyết trong thời hạn 24 giờ thay cho quy định có tính định tính hiện nay “giải quyết ngày’’, đồng thời, bổ sung quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại, các cơ quan, người có thẩm quyền phải chuyển cho Viện kiểm sát các khiếu nại này (Điều 474).

Thứ ba, nhằm phù hợp với tổ chức bộ máy Viện kiểm sát bốn cấp, phù hợp với phạm vi công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 phân định cụ thể như sau: Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết; Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao giải quyết (Điều 476).

Thứ tư, để tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện tốt trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và báo cáo Quốc hội hàng năm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ luật bổ sung quy định: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án có trách nhiệm thông báo việc tiếp nhận và gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền (Điều 482).

Thứ nám, bổ sung và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; theo đó, quy định rõ phạm vi tiến hành kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới để thuận tiện cho thực tiễn thực hiện; bổ sung thẩm quyền ban hành kết luận kiểm sát; thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 483).

Có thể nói, những sửa đổi, bổ sung này đã quán triệt và cụ thể hóa một cách hợp lý nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực vào hoạt động tố tụng hình sự, phân định hợp lý hơn thẩm quyền giữa các cơ quan, tăng tính minh bạch trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết vụ án hình sự nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp nói riêng.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)