1. Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là gì?

Thủ tục rút gọn là một dạng đặc biệt của tố tụng hình sự, trong đó có sự giảm lược bớt một số khâu, một số thủ tục không cần thiết trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nhằm rút ngắn thủ tục tố tụng, làm cho việc xử lý vụ án được nhanh chóng hơn nhưng vẫn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

2. Thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Thủ tục rút gọn không phải là một thủ tục mới trong lịch sử lập pháp và áp dụng pháp luật ở nước ta. Từ năm 1974, ở nước ta đã có những văn bản quy định về thủ tục rút gọn và đã được áp dụng trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử. Trên cơ sở kế thừa những quy định về thủ tục rút gọn của pháp luật tố tụng hình sự trước đó và thực tiễn áp dụng pháp luật.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một chương riêng (chương XXXI) gồm 11 điều luật (từ Điều 455 đến Điều 465) quy định về thủ tục rút gọn. Việc bổ sung thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là một sự cố gắng lớn, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự hiện nay để tăng cường hiệu quả việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời vẫn bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân.

Việc áp dụng chế định thủ tục rút gọn quy định trong Chương XXXI Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là cần thiết, giúp quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu chính trị tại địa phương. Tuy nhiên đến nay, thực tế hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

3. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

Theo khoản 1 Điều 456 BLTTHS 2015:

Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện:

– Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;

– Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

– Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;

– Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

Theo đó, thủ tục rút gọn được quy định cụ thể hơn, có thể được áp dụng khi vụ án đáp ứng đủ 4 điều kiện trên. Khi đã áp dụng thủ tục rút gọn, quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong vòng 42 ngày, kể từ ngày khởi tố vụ án. Như vậy, quy định thời hạn áp dụng thủ tục rút gọn trong điều tra, truy tố, xét xử nhằm rút gọn thời hạn điều tra, truy tố nhanh hơn, nhưng vẫn đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai.

Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện:

– Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;

– Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS 2015 và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

4. Thực tiễn áp dụng thủ tục rút gọn

Theo số liệu thống kê của ngành Kiểm sát Hà Nội, kể từ khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, số vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn như sau: năm 2018: 22 vụ, năm 2019: 29 vụ, 6 tháng đầu năm 2020: CQĐT có 12 vụ/29 bị can, VKS có 9 vụ/15 bị can, TA có 10 vụ/24 bị can.

Qua số liệu có thể thấy, số vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn không nhiều. Vậy nguyên nhân tại sao số vụ án hình sự trong thời gian qua được giải quyết theo thủ tục rút gọn không nhiều so với tổng số vụ án hình sự?

Thực tiễn cho thấy, trong 4 điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS để áp dụng thủ tục rút gọn, thì các điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú và Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng là khá rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện. Còn 2 điều kiện: “Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”; thì trong thực tiễn áp dụng pháp luật để điều tra, truy tố xét xử vụ án còn đang có nhận thức và cách áp dụng khác nhau trong một số trường hợp, dẫn đến, ở những vụ án nội dung tính chất tương tự nhau, nhưng có nơi áp dụng và có nơi thì không áp dụng để giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Ví dụ: Trong các vụ án có ít bị can phạm tội quả tang, có nơi cư trú rõ ràng, chứng cứ rõ ràng, là tội phạm ít nghiêm trọng. Nhưng căn cước lai lịch, nhân thân bị can thì đã có tiền án, cần phải xác minh thu thập tài liệu để xác định Bị can đó thuộc trường hợp tái phạm hay không tái phạm. Hoặc như, trong các vụ án phạm tội quả tang, án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng, nhưng vụ án đó lại có nhiều bị can trong vụ án.

Với các vụ án thuộc loại này, thời gian tiến hành các thủ tục điều tra, xác minh thu thập chứng cứ, nhân thân lai lịch… sẽ mất khá nhiều thời gian. Vậy thì các vụ án thuộc loại này có phải là trường hợp: Phạm tội đơn giản – lý lịch rõ ràng hay không? Có làm án rút gọn được không?

Thông thường, để giải quyết một vụ án theo thủ tục rút gọn, trước hết bắt đầu từ CQĐT, sau đó áp dụng tiếp theo để giải quyết ở giai đoạn truy tố của VKS rồi mới đến giai đoạn xét xử của TA. Tuy nhiên, với những quy định mới đã được bổ sung, sửa đổi về thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2015, thì một vụ án có thể không áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn điều tra, do cần nhiều thời gian để thu thập chứng cứ về nhân thân, lai lịch… nhưng vụ án đó sau đó lại có thể áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn truy tố hoặc xét xử, nếu như đáp ứng đủ điều kiện của Điều 456 BLTTHS. Vì vậy, cần có sự nhận thức thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để áp dụng thủ tục đặc biệt này sao cho phù hợp và hiệu quả, để khi có vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn là phải được thực hiện theo thủ tục này.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thủ tục rút gọn

Tư tưởng hoàn thiện thủ tục rút gọn trong sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là tạo cơ chế thuận lợi nhất nhằm tăng cường khả năng áp dụng thủ tục rút gọn, bảo đảm việc giải quyết vụ án chính xác, khách quan, tiết kiệm thời gian và chi phí của Nhà nước và xã hội. Trên cơ sở đó, đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những rào cản áp dụng thủ tục rút gọn thời gian qua.

Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong thủ tục rút gọn, BLTTHS 2015 đã điều chỉnh nhiều quy định:

Thứ nhất, khi thấy vụ án thuộc trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn, các cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định áp dụng, thay cho quy định tùy nghi áp dụng như hiện nay (Điều 457).

Thứ hai, trong giai đoạn điều tra, khi thấy vụ án thuộc trường hợp luật định, Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, thay vì chỉ có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, quyết định áp dụng như hiện nay (Điều 457).

“Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của Bộ luật này.”

Thứ ba, Bộ luật giao Viện kiểm sát trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng thủ tục này, theo đó, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định; trường hợp xét thấy quyết định của Cơ quan điều tra, Tòa án không đúng luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định của Cơ quan điều tra, kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định, Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị (Điều 457).

Thứ tư, nhằm bảo đảm tính khả thi của thủ tục rút gọn, Bộ luật tăng thời hạn quyết định việc truy tố và thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố là 05 ngày thay cho quy định 04 ngày hiện nay (Điều 459 và Điều 461).

Thứ năm, để nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử, Bộ luật quy định thời hạn Viện kiểm sát gửi quyết định truy tố và hồ sơ vụ án cho Tòa án, giao quyết định truy tố cho bị can và người đại diện của bị can là 24 giờ kể từ khi ra quyết định thay cho thời hạn 03 ngày hiện nay (khoản 3 Điều 461).

Thứ sáu, Bộ luật này quy định thủ tục rút gọn được áp dụng cả ở giai đoạn phúc thẩm thay vì chỉ áp dụng đến thủ tục xét xử sơ thẩm như hiện nay; đồng thời, để bảo đảm Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, Bộ luật này quy định: “Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án” (Điều 464).

Những sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ góp phần quan trọng thực thi nguyên tắc “kịp thời, chính xác, tiết kiệm” trong tố tụng hình sự; mặt khác, đặt ra trách nhiệm rất lớn với Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng thủ tục này. Đồng thời, với tư cách là cơ quan chủ trì một giai đoạn tố tụng (giai đoạn truy tố), khi xét thấy vụ án thuộc trường hợp luật định, Viện kiểm sát phải khẩn trương áp dụng thủ tục rút gọn nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án chính xác, kịp thời.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)