1. Điều tra viên là ai?

Điều tra viên được hiểu đơn giản chính là những người thực hiện nhiệm vụ điều tra hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Điều tra viên được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như ủy viên tư pháp công an, tổ chức tư pháp công an, ủy viên công an quân pháp,… cùng nhiều tên gọi khác nhau.

Họ là người tiến hành tố tụng thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của cấp trên thuộc cơ quan điều tra như thủ trưởng, phó thủ trưởng. Việc tiến hành điều tra nhằm thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm có thật sự phạm tội hay không và làm sáng tỏ các tình tiết vụ án một cách nhanh chóng, toàn diện, không làm oan người vô tội.

Các điều tra viên sẽ có quyền hỏi cung bị can, tuy nhiên không được phép sử dụng tư hình bức cung, bắt buộc tội phạm nhận tội. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can trong vụ án. Điều tra viên sẽ áp dụng những chiến thuật mà pháp luật cho phép để thu thập thông tin từ phía bị can.

2. Điều tra viên gồm có các ngạch nào?

Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ Điều tra hình sự.

Điều tra viên gồm có các ngạch sau đây:

– Điều tra viên sơ cấp;

– Điều tra viên trung cấp;

– Điều tra viên cao cấp.

3. Điều kiện để trở thành Điều tra viên

– Tiêu chuẩn chung của Điều tra viên

  • Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
  • Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.
  • Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật này.
  • Đã được đào tạo về nghiệp vụ Điều tra.
  • Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

– Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp

Người có đủ tiêu chuẩn chung về Điều tra viên nêu trên, là sĩ quan Công an nhân dân tại ngũ, sĩ quan Quân đội nhân dân tại ngũ, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân và có đủ các Điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp:

  • Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;
  • Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng;
  • Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp.

– Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên trung cấp

Người có đủ tiêu chuẩn chung của Điều tra viên và có đủ các Điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp:

  • Đã là Điều tra viên sơ cấp ít nhất là 05 năm;
  • Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
  • Có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp;
  • Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp.

Trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người có đủ tiêu chuẩn chung của Điều tra viên; Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; Có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp; Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp; Đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 09 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp.

– Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên cao cấp

Người có đủ tiêu chuẩn chung của Điều tra viên và có đủ các Điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp:

  • Đã là Điều tra viên trung cấp ít nhất 05 năm;
  • Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp;
  • Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất biện pháp phòng, chống tội phạm;
  • Có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp;
  • Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên cao cấp.

Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người có đủ tiêu chuẩn chung của Điều tra viên; Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất biện pháp phòng, chống tội phạm; Có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp; Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên cao cấp; Đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 14 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên theo BLTTHS 2015

So với Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án và những hoạt động tố tụng mới được quy định, cụ thể như sau:

– Khoản 1 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Điều tra viên trong cả các hoạt động ở giai đoạn khởi tố và điều tra vụ án thay vì chỉ có ở giai đoạn điều tra như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003: “Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự ”.

– Bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn: Trực tiếp kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm (điểm a khoản 1); yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật (điểm c khoản 1); “triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ” (điểm d khoản 1); quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội (điểm đ khoản 1).

– Bổ sung trách nhiệm thi hành lệnh, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền, như: thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng; khai quật tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể (xem điểm e, điểm g khoản 1 Điều 37).

– Bổ sung việc Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tại khoản 2 Điều 37: “Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình”.

5. Những việc Điều tra viên không được phép làm

Bên cạnh quyền hạn và trách nhiệm trong việc điều tra vụ án, thu thập chứng cứ, hỏi cung tội phạm. Các điều tra viên sẽ không được phép làm những việc sau:

– Những việc có trong quy định của pháp luật yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, chiến sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân không được phép làm. Nếu có dấu hiện tiến hành sẽ bị xử phạt theo quy định của nhà nước.

– Tư vấn cho người bị bắt, bị can, bị cáo, đương sự,… những người phạm tội hướng giải quyết không đúng với quy định của pháp luật về vụ án.

– Can thiệp, lợi dụng các mối quan hệ để giải quyết vụ án, vụ việc theo chiều hướng tốt hơn hoặc giảm nhẹ tội cho người phạm tội.

– Tự ý mang hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan. Trừ trường hợp có sự đồng ý của người có thẩm quyền mới được phép đưa những bộ hồ sơ này ra bên ngoài.

– Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hay những người tham gia tố tụng mà mình đang có thẩm quyền giải quyết ngoài những nơi quy định. Việc làm này nếu bị phát hiện, chụp lại bằng chứng sẽ bị xử phạt theo quy định nhà nước. Mức độ nặng nhất chính là tước quyền điều tra viên.

Thông thường, thời hạn bổ nhiệm lần đầu đối với các điều tra viên sẽ là 5 năm. Trường hợp được bổ nhiệm hoặc nâng ngạch thì thời hạn này sẽ được kéo dài hơn là 10 năm. Việc bổ nhiệm này sẽ dựa vào biểu hiện của người điều tra viên xem có làm tốt công việc được giao hoặc có khả năng điều tra phá án được đánh giá cao.

6. Tại sao Điều tra viên là người quyết định cho sự thành bại của hoạt động điều tra vụ án hình sự?

Thứ nhất, Điều tra viên là người trực tiếp tham mưu, đề xuất với thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra về hoạt động điều tra vụ án hình sự. Từ trước tới nay, khi đề cập tới Điều tra viên, chúng ta thường ít quan tâm đến hoạt động tham mưu, đề xuất của Điều tra viên đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra. Các chủ trương, quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, từ quản lý Điều tra đến tiến hành các hoạt động điều tra đều phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất của Điều tra viên. Đây là một thực tiễn đã được kiểm nghiệm và thừa nhận rộng rãi.

Thứ hai, Điều tra viên là người trực tiếp quyết định để các chủ trương, chỉ đạo, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra được triển khai trong thực tiễn điều tra vụ án hình sự. Nếu không có hoạt động của Điều tra viên, các chủ trương, chỉ đạo, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra sẽ chỉ nằm trên giấy và không thể đi vào thực tiễn. Khi việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo và quyết định này của Điều tra viên không đảm bảo yêu cầu, chất lượng thì quá trình điều tra sẽ dẫn đến bế tắc, không giải quyết được các yêu cầu đề ra trong giải quyết vụ án.

Thứ ba, Điều tra viên là một người tiến hành tố tụng có tính độc lập tương đối trong hoạt động điều tra vụ án; là người quyết định để quá trình xử lý vụ án hình sự từ bị động chuyển sang chủ động; cũng là người có thể làm cho quá trình xử lý vụ án dẫn đến oan sai, tiêu cực.

Hoạt động tham mưu và chấp hành của Điều tra viên trong mối quan hệ với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra hoàn toàn ảnh hưởng đến sự độc lập tương đối của Điều tra viên khi thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là một người tiến hành tố tụng. Tính độc lập tương đối của Điều tra viên thể hiện ở chỗ Điều tra viên được đưa ra những ý kiến đề xuất, tham mưu, không phụ thuộc vào việc Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra có đồng ý với đề xuất, tham mưu đó hay không. Tương tự như vậy, Điều tra viên có thể kiến nghị, đề xuất với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra về việc thực hiện hay không thực hiện những chủ trương, chỉ đạo, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; Điều tra viên khi thực hiện nhiệm vụ điều tra chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng cơ quan điều tra về những hành vi, quyết định của mình, và theo quy định của pháp luật thực định cũng như trên thực tế, Điều tra viên có quyền tư pháp đáng kể mặc dù có hạn chế hơn so với quyền của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra.

Thứ tư, Điều tra viên chính là người phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, trở ngại, sự chống trả của tội phạm cũng như các tác động tiêu cực khác đến quá trình điều tra vụ án hình sự một cách trực tiếp và đầy đủ nhất. Hoạt động điều tra vụ án hình sự là giai đoạn đặc biệt khó khăn với rất nhiều thách thức, nguy hiểm, áp lực cho người tiến hành tố tụng so với các giai đoạn tiếp theo nó. Những nguy hiểm, khó khăn, vất vả, thử thách mà Điều tra viên thường phải đối mặt, đó là:

– Áp lực công việc, sự căng thẳng về tâm lý. Có thể khẳng định, điều tra hình sự là một loại hoạt động thực tiễn khiến cho chủ thể của nó rất tổn hại về thể lực và trí lực, mỗi hành vi, quyết định, việc làm của điều tra viên đều là những thao tác của nhận thức, tư duy và thể chất trong thực tiễn. Sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra yêu cầu điều tra viên phân tích, xử lý để đưa ra câu trả lời và quyết định giải pháp thực hiện khi tiến hành tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, mỗi vụ án hình sự xảy ra, tự nó đã là một áp lực cho cơ quan điều tra nói chung và Điều tra viên nói riêng bởi sự mong mỏi của nhân dân, công luận rằng cái ác cần phải bị trừng trị, kẻ phạm tội cần phải được đưa ra xử lý trước pháp luật. Không chỉ vậy, đối mặt với các hoạt động điều tra, tấn công bằng vật chất lung lạc Điều tra viên, thậm chí đe dọa, tấn công Điều tra viên là một trong những thủ đoạn mà bọn tội phạm thường sử dụng. Như vậy, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động điều tra tội phạm để phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, Điều tra viên còn phải đấu tranh với chính bản thân mình vượt qua những cám dỗ để chiến thắng sự mua chuộc của tội phạm cũng như sự đe dọa, tự bảo vệ mình, không để tội phạm tấn công bằng các thủ đoạn khác nhau… Tất cả những thực tế này rõ ràng đã tạo ra sự căng thẳng và áp lực rất lớn đối với Điều tra viên.

– Điều tra viên là người trực tiếp đối mặt với những tình huống nguy hiểm, đòi hỏi sự hi sinh xương máu, thậm chí cả tính mạng trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự. Điều tra hình sự là hoạt động thực tiễn nguy hiểm không chỉ bởi những cám dỗ vật chất và đe dọa của tội phạm mà trong thực tế, sử dụng vũ lực chống trả quyết liệt với điều tra viên để trốn tránh pháp luật là một thủ đoạn, việc làm mà tội phạm ngày nay rất chú ý sử dụng. Trong thực tế, có không ít Điều tra viên, cán bộ điều tra và những người có trách nhiệm khác đã mất một phần xương máu, thậm chí hy sinh tính mạng bởi sự chống trả của tội phạm.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)