1. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra

Điều tra là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẳm quyền điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật định để xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án.

Thủ trưởng là chế độ lãnh đạo, làm việc trong đó người đứng đầu cơ quan, tổ chức có toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan, tổ chức do mình quản lý. Chế độ thủ trưởng thường được áp dụng trong cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn (Bộ, cơ quan ngang Bộ) hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (Sở, Phòng, Ban, Ngành). Bộ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng Phòng… là những người có toàn quyền tự quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và chịu trách nhiệm trước cấp trên về quyết định của mình.

Thủ trưởng cơ quan điều tra là người đứng đầu cơ quan điều tra bao gồm thủ trưởng Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (CQĐT). Trên cơ sở kế thừa những quy định này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung và chi tiết hóa những nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm tại Điều 36, theo đó:

– Phân định rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong việc tổ chức hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra (khoản 1 Điều 36) và trong hoạt động điều tra với cụm từ “Khi tiến hành tố tụng hình sự” được bổ sung vào tiêu đề khoản 2 Điều 36. Việc phân định này là hết sức cần thiết, tránh được sự lẫn lộn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm hành chính tư pháp với nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong hoạt động tố tụng của người đứng đầu Cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án.

– Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với những hoạt động tố tụng mới và người tiến hành tố tụng mới được đưa thêm vào Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như: Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra (điểm a khoản 1); quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố(điểm a khoản 2); quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế và biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật này (điểm b khoản 2); quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, khai quật tử thi, thực nghiệm điều tra, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản (điểm d khoản 2); quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố điều tra vụ án hình sự của Điều tra viên, Cán bộ điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Điều tra viên (điểm c khoản 1)…

– Khoản 3 Điều 36 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra như sau: “Khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình”. Như vậy, khi được phân công thụ lý vụ án, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm như Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong hoạt động tố tụng và trong lĩnh vực hành chính tư pháp đã nâng cao vai trò, tính chủ động và tính chịu trách nhiệm của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, những quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra liên quan trực tiếp đến Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36: “Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm tra việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra” thì Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được tiến hành. Ngoài ra, quy định Điều tra viên còn phải chịu trách nhiệm về những hành vi tố tụng của mình trước Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

– Ngoài việc quy định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định “Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”(khoản 4 Điều 36) nhằm tăng cường vai trò và tính chịu trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng này.

Nghiên cứu các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, và từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, có một số bất cập trong quy định của pháp luật. Cụ thể sẽ được phân tích trong các phần dưới đây.

3. Về nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của Thủ trưởng CQĐT

Điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng CQĐT là chưa đầy đủ. Theo đó, cần bổ sung quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra cả việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Phó Thủ trưởng CQĐT. Bởi lẽ, Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm cho nên cũng có thẩm quyền kiểm tra các hoạt động này. Ngoài ra, việc quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra…” là chưa cụ thể. Cần quy định rõ việc phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT gắn với hoạt động cụ thể như thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc áp dụng trong thực tế.

Tương tự như trên, cần quy định rõ việc quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong các hoạt động cụ thể: Thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; đồng thời, thay cụm từ “Cán bộ điều tra” bằng cụm từ “Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra” để phân biệt với Cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

4. Về nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành TTHS của Thủ trưởng CQĐT

– Khoản 1 Điều 149 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định CQĐT có thẩm quyền quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 lại không quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn này. Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 158 Bộ luật TTHS năm 2015, CQĐT có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “…quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can…” mà không quy định nhiệm vụ, quyền hạn quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự. Do đó, cần bổ sung quy định về những nhiệm vụ, quyền hạn này trong quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT.

– Điểm b khoản 1 Điều 281 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, CQĐT không chỉ có thẩm quyền truy nã, đình nã bị can mà còn có thẩm quyền truy nã, đình nã bị cáo. Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định truy nã, đình nã bị can…”. Để bảo đảm tính thống nhất giữa các điều luật, cần bổ sung cho Thủ trưởng CQĐT nhiệm vụ, quyền hạn truy nã, đình nã bị cáo.

– Điểm d khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “…thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định… yêu cầu thay đổi người định giá tài sản”. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 68 và khoản 6 Điều 69 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định CQĐT có thẩm quyền quyết định việc thay đổi người giám định, người định giá tài sản chứ không phải yêu cầu thay đổi người giám định hay yêu cầu thay đổi người định giá tài sản. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 76 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định CQĐT có quyền yêu cầu, đề nghị cử người bào chữa; khoản 1, 5 Điều 70 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định CQĐT có thẩm quyền yêu cầu, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật, tuy nhiên, các nhiệm vụ, quyền hạn này chưa được quy định tại Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015. Để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, cần sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.

– Khoản 1 Điều 457 và Điều 458 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể Viện kiểm sát, Tòa án được Bộ luật TTHS năm 2015 quy định tại điểm l khoản 2 Điều 41 và điểm c khoản 2 Điều 44. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 lại không quy định nhiệm vụ, quyền hạn này cho Thủ trưởng CQĐT. Để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, cần bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Thủ trưởng CQĐT vào khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.

5. Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Thủ trưởng CQĐT

Khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn phân công Phó Thủ trưởng CQĐT thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tuy nhiên khoản 3 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 lại chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Thủ trưởng CQĐT khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Quy định này không bảo đảm sự thống nhất, chưa bảo đảm cơ sở pháp lý cho Phó Thủ trưởng CQĐT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi được phân công thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Do vậy, cần sửa đổi khoản 3 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)