1. Vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013, thì Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng. Pháp luật tố tụng hình sự quy định Viện kiểm sát là một trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Sự tham gia của Viện kiểm sát đóng vai trò quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo đảm thực thi đúng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quyền lực của nhà nước là thống nhất có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ( theo quy định tại khoản 3 điều 2 Hiến pháp năm 2013). Để cụ thể hóa nguyên tắc này thì đầu tiên là phải bảo đảm sự phân công và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước. Viện kiểm sát nhân dân có hai chức năng là thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của nhà nước. Từ khi thành lập đến nay, Viện kiểm sát với đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức chuẩn mực đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng; trật tự an ninh, an toàn xã hội được giữ vững.

2. Hệ thống Viện kiểm sát

Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân bao gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp có quyền hạn và nghĩa vụ sau:

  • Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
  • Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao.
  • Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa phương mình.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát

Viện trưởng Viện Kiểm sát là người đứng đầu cơ quan Viện kiểm sát, lãnh đạo Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

Theo quy định tại Chương III, IV Luật tổ chức VKSND năm 2014, Viện trưởng Viện kiểm sát bao gồm: Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên và chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao.

– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

4. Phó viện trưởng Viện kiểm sát

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân là một chức vụ tư pháp ở Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Viện trưởng viện kiểm sát được phân rõ thành hai nhóm: nhiệm vụ và quyền hạn chung và nhiệm vụ quyền hạn trong hoạt động tố tụng hình sự.

– Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

– Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

– Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

– Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 ra đời với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung để khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Trong đó, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát có một số thay đổi so với trước đây.

Điều 41 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát. Theo đó:

– Đã phân định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc tổ chức tiến hành tố tụng của Viện kiểm sát (khoản 1 Điều 41) và khi những người này thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 2 Điều 41).

– Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng đối với những hoạt động tố tụng mới và người tiến hành tố tụng mới được bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm tăng cường vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự theo định hướng xây dựng nền công tố mạnh của Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Những bổ sung này được tập trung ở khoản 2 Điều 41. Cụ thể như sau: Bổ sung quyền được yêu cầu cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố” bị can (điểm a); bổ sung việc ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, quyết định nhập, tách vụ án (điểm b); quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; quyết định việc gia hạn kiểm tra và xác minh nguồn tin về tội phạm, gia hạn tạm giữ, gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam, gia hạn truy tố (điểm c); quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng (điểm d); quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản (điểm đ); yêu cầu cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Cán bộ điều tra (điểm e); phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định, lệnh của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm g); quyết định hủy bỏ quyết định, lệnh không có căn cứ và trái pháp luật của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (điểm h); giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố điều tra (điểm i); quyết định áp dụng, đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh (điểm k); quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (điểm 1); quyết định điều tra lại (điểm m); yêu cầu phục hồi điều tra; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với bị can, phục hồi vụ án, phục hồi vụ án đối với bị can (điểm n); thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật (điểm p); ban hành lệnh và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

– Tương tự như Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, khi được phân công tiến hành tố tụng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quy định cho Viện trưởng Viện kiểm sát trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 và “Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình” (khoản 3 Điều 41 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)