1. Nguồn gốc xuất phát các quan điểm

Sự phân tích chính trị các thể chế GATT/WTO đã không trùm lên cách nhìn của các nhà bình luận Mỹ đối với tổ chức này. Quả vậy, nhiều phân tích chính trị và nhiều kiến nghị thay đổi thể chế đưa ra là do sự thúc đẩy của các quan điểm kinh tế và pháp lý truyền thống. Những người cổ vũ cho “dân chủ hóa” WTO đã tham gia vào cuộc tranh luận ngày càng nhiều hơn. Quan điểm chính trị được nêu ra đây là sự bổ sung cho cách nhìn khác này.

Sự phân tích kinh tế các thể chế quốc tế phần lớn xuất phát từ hai phong trào trí thức ở Bắc Mỹ có liên hệ với nhau: phong trào khoa học kinh tế thương mại tại các khoa kinh tế của các trường đại học và các chuyên gia kinh tế, và phong trào luật pháp – kinh tế học tại các trường luật. Các phân tích kinh tế về tính hiệu năng của GATT/WTO được dựa trên các công thức cổ điển của học thuyết lợi thế tương đối và các học thuyết khác. Các nhà kinh tế về thương mại đã chỉ trích suốt một thế hệ các quy tắc của hệ thống thương mại thế giới và các luật lệ thương mại quốc gia về tính kém hiệu năng do các rào cản thương mại. Phong trào thứ hai xuất hiện từ cuối những năm 1950 và 1960, khi các học giả về luật bắt đầu áp dụng các phương pháp kinh tế và đo lường vào phân tích luật pháp (Coase 1960; Calabresi và Melamed 1972). Phương pháp tiếp cận này nở rộ vào những năm 1970 trở thành một trong những phong trào có ảnh hưởng nhất trong nửa cuối thế kỷ qua về phân tích các thể chế luật pháp. Alan Sykes, có thể được coi là học giả nổi tiếng nhất về luật thương mại và kinh tế học, đã không ngừng sử dụng phân tích kinh tế để đẩy mạnh tự do thương mại, chỉ trích sự kém hiệu quả và các mâu thuẫn nội bộ vốn có trong luật thuế quan đối trừ của Hoa Kỳ và chỉ ra các loại tiêu chuẩn sản phẩm kém hiệu quả trên thế giới (Sykes 1998, 1989, 1995). Một số người khác sử dụng phân tích kinh tế để ủng hộ tự do hóa luật đầu tư, chỉ trích các luật pháp về đền bù thương mại của Hoa Kỳ và tinh lọc logic của các lập luận về thương mại và môi trường (Boddez và Tribilcock 1993).

2. Phong trào kinh tế học thương mại

Tính hiệu quả là một mục tiêu quan trọng, thích hợp và trung tâm đối với hệ thống thương mại thế giới, và không có phong trào hàn lâm nào ở Bắc Mỹ trở nên gắn kết, lớn tiếng và có ảnh hưởng đến chính sách thương mại hơn phong trào kinh tế học thương mại. Tuy nhiên, cũng giống như phương pháp lượng hóa chuẩn tắc (normative metrics) khác, sự đánh giá tích cực tính khả thi kết quả của nó phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Sự tối đa hóa hiệu quả không phải là tối đa hóa sự ủng hộ chính trị đối với tự do hóa, đa phương hóa thương mại, một phần là vĩ tối đa hóa tính hiệu quả không thể giải thích quyền lực chính trị tương đối của các nhóm lợi ích đối với các vấn đề chính sách thương mại. Chẳng hạn, những người tiêu dùng có lợi từ tự do hóa thương mại thường gặp phải vấn đề hành động tập thể trong nỗ lực tổ chức để ủng hộ tự do thương mại thuần túy, trong đó các nhà sản xuất, mà một số người là đối thủ cạnh tranh nhập khẩu ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, có thể dễ dàng tổ’ chức để thiên vị cho những tính toán chính trị của các quan chức được bầu (Olsen 1971). Hơn nữa, tùy thuộc vào mức độ kém hiệu quả chưa được phát hiện, cách tiếp cận hướng về hiệu quả không thể ước lượng chính xác sự ổn định chính trị của thương mại tự do chính thống mà nó ủng hộ. Trong khi sự an toàn đối với những bất ổn về kinh tế và xã hội do sự tự do hóa gây ra có thể được bù đắp từ những hiệu quả thu được, thì tính hiệu quả không tự nói lên các vấn đề về công bằng sẽ được giải quyết (Okun 1975). Và nhiều nhà môi trường quan ngại điều đó sẽ vượt quá những ý tưởng truyền thống về giá trị kinh tế (Leopold 1990). Do vậy cách tiếp cận về tính hiệu quả không tự thân nó giải thoát hay đánh giá cao chức năng ổn định chính trị của việc duy trì “các van an toàn” (như là một số luật về bù đắp thương mại) hay cách thức theo đó một thể chế tự do hóa nói chung có thể có một số quy tắc không tự do vì chúng “đã được hiện diện” trong bối cảnh chính trị xã hội cụ thể (Ruggie 1983). Những vấn đề này thường được coi là những yếu tố thể chế thứ yếu và được giải thích bằng lập luận chính trị phụ thêm.

3. Phong trào luật pháp – kinh tế học

Các nhà bình luận pháp lý quốc tế và các nhà hoạt động thực tế có đưa ra những đề nghị về thể chế cho hệ thống GATT/WTO khác với những đề nghị của các nhà kinh tế. Trong khi có những ngoại lệ đáng chú ý, thì phần lớn công việc của các nhà bình luận pháp lý đã làm tăng tính pháp lý của hệ thống GATT/WTO: luật lệ chính xác nhiều hơn; tăng cường ủy quyền giải quyết tranh chấp cho các cơ quan tư pháp; và tăng sự tuân thủ nghĩa vụ của các thành viên. Nhiều nhà bình luận pháp lý của GATT/WTO ủng hộ quan điểm làm cho hệ thống pháp lý của WTO có tính hoàn thiện và dự đoán được, phần lớn bằng cách thông qua lấp đầy các kẽ hở và làm rõ tính chất mơ hồ, cũng như sự tuân thủ, tính mạch lạc và năng động trong hệ thống pháp lý (Pauwelyn 2001; Jackson 2000; Trachtman 1999).

Không nghi ngờ gì nữa, hệ thống GATT/WTO đã được luật pháp hóa ngày càng nhiều kể từ năm 1970, khi mà “Văn hóa luật pháp” bắt đầu xuất hiện tại nhiều nước thành viên. Các thỏa thuận Vòng Uruguay rõ ràng đã đưa hệ thống tiến tới việc xác lập các luật lệ và việc thực thi nhiều hơn. Và từ khi được thành lập, Cơ quan Phúc thẩm của WTO đã đưa ra nhiều quyết định dựa trên việc mở rộng công pháp quốc tế và tăng cường độ chính xác của các luật lệ WTO (Steinberg 2004; Palmeter và Mavroidis 1998).

Phần nhiều những đề xuất này và nội dung của xu thế luật pháp hóa (sẽ thảo luận ở phần sau) có thể không gắn kết với khía cạnh chính trị của định chế thương mại. Chẳng hạn, trong khí nghĩa vụ pháp lý là tuân theo nghiêm ngặt với các quyết định của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO (Jackson 1997b), thì việc tuân thủ này có thể không phù hợp chính trị trong tất cả các bối cảnh. Trong một số hoàn cảnh, khi các thế lực chính trị nội bộ được liên kết với nhau mạnh mẽ hoặc được quần chúng ủng hộ chống lại việc tuân thủ, thì quốc gia có thể cần phải có “sự đền bù” bằng cách hạ thấp thuế quan đối với sản phẩm tử các nước bị vô hiệu hóa hoặc bất lợi do kết quả của sự vi phạm quy tắc WTO (Bello 1996). ở nơi mà việc đền bù giải phóng một khối lượng thương mại bằng với việc đóng cửa thương mại do sự vi phạm quy tắc, thì kết quả của việc này có thể có hệ quả tương đương với khi tuân thủ quy tắc. Sự khác biệt là ở chỗ sự vi phạm có đền bù là có hiệu quả về chính trị nhiều hơn: quốc gia vi phạm sẽ cho rằng việc vi phạm và đền bú có lợi hơn là tuân thủ. Và quốc gia nạn nhân do việc không tuân thủ sẽ không bị thiệt hơn so với thực trạng vì quốc gia đó sẽ được đền bù. Do đó, cách tiếp cận vi phạm thỏa thuận cho phép giải quyết tranh chấp thương mại thông qua một tập hợp các giải pháp thể chế có sự ổn định chính trị nhiều hơn so với cách tiếp cận tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật.

Sự hoàn thiện, tính có thể dự đoán, sự mạch lạc và sự năng động là các mục tiêu hợp lý đối với hệ thống pháp lý của WTO. Nhưng để đạt được các mục tiêu này thông qua Cơ quan Phúc thẩm đòi hỏi phải có luật tư pháp, mà luật này có thể làm yếu đi hay tăng cường sự ủng hộ chính trị dành cho tổ chức này. Sự phân tích chính trị là cần thiết để hiểu được giới hạn hoạt động của luật tư pháp nếu muốn tránh làm suy yếu sự ủng hộ chính trị dành cho hệ thống.

4. Các nhà bình luận phê phán rộng rãi “sự thiếu dân chủ” tại WTO

Cuối cùng, một số nhân tố phi nhà nước mới và các nhà bình luận phê phán rộng rãi “sự thiếu dân chủ” tại WTO. Họ phê phán về việc WTO thiếu sự minh bạch bên ngoài (nghĩa là tính bí mật “của bản thân nó”) và hạn chế các cơ hội cho NGO (Tổ chức phi chính phủ) tham gia vào quá trình quyết sách thương mại và giải quyết tranh chấp của WTO (Charnovitz 2002; Atik 2001; Raustiala 2000; Wallach 2000). Một nhà bình luận cho rằng các quá trình quyết sách của WT0 cần phải giống với “các thông lệ hợp pháp và đã được chấp nhận mà đã được các quốc gia tự do dân chủ tán thành rộng rãi” (Raustiala 2000). Đồng thời, nhiều nhà đàm phán của các nước đang phát triển phê phán về việc thiếu “sự minh bạch nội bộ” trong WT0, cho rằng quá trình đàm phán là “thiếu dân chủ” và thiên vị đối với họ. Những phân tích mới nhất về những khiếm khuyết về tính dân chủ tại WT0 nhanh chóng mổ xẻ “dân chủ” nhằm đo lường kết quả hoạt động của WT0 và đề xuất các giải pháp (Keohane và Nye 2003; Howse 2002b; Dahl 1999).

“Dân chủ” có một sức mạnh hùng biện không thể phủ nhận ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, và do đó đặc tính dân chủ của WT0 làm cho nó có được tính hợp pháp và sự ủng hộ về chính trị dành cho tổ chức. Nhưng theo cách nhìn của những người quan tâm đến việc duy trì hay tăng cường sự ủng hộ chính trị đối với WTO và tự do hóa thương mại, thì thậm chí những người chỉ trích WTO nhiều nhất về tính dân chủ là vừa phiến diện, vì họ nhìn nhận tính hợp pháp chỉ ở khía cạnh dân chủ và không tính đến các yếu tố khác có ảnh hưởng đến tính bền vững chính trị, và vừa ôm đồm, vì họ có thể tính đến một thứ triết lý đạo đức mà không phải là cốt yếu đối với sự ủng hộ chính trị dành cho tổ chức, ở mức độ quốc tế, một quá trình dân chủ đầy đủ sẽ không bền vững về chính trị: chẳng hạn, các nước có thương mại hùng mạnh có thể rút lui khỏi một định chế thương mại VỚI lá phiếu có sức nặng về dân số; và các nước đang phát triển đang chống lại một cách cay cú đối với việc tăng cường tính minh bạch đối với bên ngoài, mà họ coi đó là một phương tiện để các NGO do phía Bắc thống trị thâm nhập nhiều hơn vào WTO.

5. Kết luận

Nói tóm lại, chúng tôi không phủ nhận tầm quan trọng của tính hiệu quả, trật tự luật pháp hay tính dân chủ trong định chế thương mại thế giới. Nhưng trong các giá trị này, chẳng có cái nào có thể hoàn thiện được, và bản thân định chế này cũng không thể tồn tại nếu các thể chế WTO không hoạt động được về mặt chính trị. Do đó, trong các chương sau, chúng ta sẽ khảo sát sự tiến hóa của định chế thương mại dưới khía cạnh các thể chế của nó đã theo kịp – hay không theo kịp so với sự thay đổi nổi bật đang diễn ra trong môi trường chính trị như thế nào.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)