NỘI DUNG TƯ VẤN:

Năm 2015 dự báo vẫn là một năm có nhiều khó khăn, song cũng đã có nhiều tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, người dân bày tỏ kỳ vọng, mong ước một năm mới nhiều thuận lợi và thắng lợi. Trong năm 2015, Việt Nam cũng đã ký kết một số hiệp định thương mại khu vực, góp phần giúp cho nền kinh tế phát triển hơn, sớm hội nhập quốc tế. Song vẫn còn một số khó khăn thách thức cho Việt Nam khi tham gia ký kết các hiệp định này. Để làm rõ hơn vấn đề đang nói đến trên, bạn có thể tham khảo nội dung dưới đây:

1. Giới thiệu chung:

Chủ nghĩa khu vực được mô tả là các hoạt động của Chính phủ nhằm tự do hóa hoặc tạo thuận lợi cho thương mại trên nền tảng khu vực, thường dưới hình thức liên minh hải quan (CUs) hoặc các khu vực thương mại tự do (FTAs). Từ năm 1990, số lượng các hiệp định thương mại khu vực đã tăng lên và tốc độ ký kết các hiệp định thương mại khu vực cũng trở nên nhanh hơn. Đặc điểm chủ yếu của hiệp định thương mại khu vực (viết tắt là RTAs) là các bên tham gia hiệp định dành cho nhau sự đối xử ưu đãi hơn về thương mại so với các đối tác thương mại khác. Sự phân biệt đối xử đó là trái ngược với nghĩa vụ đối xử MFN – một trong những nguyên tắc cơ bản cảu luật WTO. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử đó được chấp nhận theo quy định tại các điều khoản sau: Điều XXIV hiệp định GATT, Điều V hiệp định GATS và điều khoản cho phép và các quy định khác, theo đó các CUs hoặc FTAs được phép thành lập với những điều kiện nhất định. Các án lệ của WTO cũng là nguồn luật rất quan trọng về vấn đề này, đặc biệt là án lệ Turkey – Restriction on Imports of Textiles and other clothing products (1999) và án lệ US – Definitive Safeguard Measures on Imports of Circular Welded Carbon Quality Line Pipe from Korea, 2002. Các quy định nói trên đã tạo ra các ngoại lệ hội nhập kinh tế khu vực của nguyên tắc cơ bản MFN. Việt Nam cũng không ngoại lệ, trong năm 2015, Việt Nam cũng đã ký các hiệp định thương mại khu vực góp phần thúc đẩy nền kinh tế, cũng như đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế. Song cũng có những thách thức được đặt ra khi Việt Nam ký kết các hiệp định này. Em xin trình bày cụ thể trong các phần tiếp theo như sau:

2. Những hiệp định thương mại khu vực được ký kết năm 2015 của Việt Nam:

Từ đầu năm 2015, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu sẽ giảm thuế theo cam kết của 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, năm 2015, nước ta cũng có cơ hội ký kết thêm một số FTA quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực. Hiện nay, bên cạnh việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nước ta đã tham gia các khu vực mậu dịch tự do bao gồm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, Việt Nam – Nhật Bản, ASEAN – Australia – New Zealand, ASEAN – Ấn Độ, và Việt Nam – Chile. Các hiệp định thương mại khu vực Việt Nam ký kết trong năm 2015 cụ thể như sau:

Một là, ngày 05 tháng 05 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick, đại diện cho Chính phủ hai nước đã ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).

Hai là, ngày 29 tháng 05 năm 2015, tại một khu nghỉ mát gần thủ đô Astana của nước Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thủ tướng các nước thành viên Liên minh kinh tế Á – Châu (Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan) đã ký Hiệp định FTA.

Ba là, ngày 04 tháng 08 năm 2015, Lễ công bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Bốn là, ngày 05 tháng 10 năm 2015, Bộ trưởng Thương mại của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam rất vui mừng tuyên bố rằng đã kết thúc thành công đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

3. Những cơ hội của Việt Nam sau khi ký kết các hiệp định thương mại khu vực trong năm 2015:

Sau khi ký kết các hiệp định thương mại trong năm 2015, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để phát triển nền kinh tế, nhanh chóng hội nhập quốc tế. Cụ thể các cơ hội đó như sau:

Thứ nhất, Việt Nam có cơ hội tham gia vào những FTA khu vực có phạm vi toàn diện; có cơ hội tiếp cận thị trường tất cả các nước thành viên của Hiệp định đã ký kết với điều kiện ưu đãi kết nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga và các nước khác, góp phần thúc đẩy đầu tư của các nước thành viên vào Việt Nam.

Thứ hai, giúp Việt Nam phát triển về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, phát triển khuôn khổ pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn.

Thứ ba, giúp Việt Nam có điều kiện tranh thủ sự hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, triển khai chiến lược hội nhập kinh tế nói chung và chiến lược đối ngoại trong các khu vực Việt Nam ký kết nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ tư, việc Việt Nam tham gia các Hiệp định FTA đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, có thể kể đến: Một là, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trong việc mở rộng thị trường thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại, có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn là những đối tác của nước/vùng lãnh thổ có hiệp định FTA với Việt Nam thông qua các hiệp định FTA riêng rẽ mà họ đã ký kết. Hai là, thanh lọc, phát triển được các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu và tham gia các hiệp định FTA, chỉ các doanh nghiệp mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mới có thể trụ được, còn lại sẽ bị bặt khỏi thị trường nếu năng lực cạnh tranh yếu. Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm nhiều việc làm,…

4. Những thách thức đặt ra đối với Việt Nam sau khi ký kết các hiệp định thương mại khu vực trong năm 2015:

Năm 2015, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU, Hàn Quốc, Liên minh hải quan với Nga, Belarus, Kazakhtan đi vào thực hiện và phát huy hiệu lực. Đồng thời Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được Chính phủ 12 nước quyết tâm chiến lược đẩy nhanh tốc độ thực hiện và ký kết sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các ngành sản xuất của Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi, các ngành sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn khó khăn và thách thức rất lớn, đó là:

Thứ nhất, khi tham gia vào các FTA, Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản phi thuế quan. Ví dụ: Hiệp định TPP, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu về xuất xứ nghiêm ngặt; Hiệp định với Liên minh châu Âu Việt Nam sẽ gặp khó khăn theo hướng liên hoàn, nếu một vài sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt sản phẩm khác, EU đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được;…

Thứ hai, năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp còn yếu, nguy cơ mất thị trường nội địa. Khi ký kết các hiệp định FTA, nếu không tận dụng tốt, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, mà ngay thị trường nội địa cũng khó có thể giữ vững, như: ngành công nghiệp ô tô, các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, thủy hải sản; ngành dịch vụ tài chính – ngân hàng; ngành dược phẩm; ngành logistics;…

Thứ ba, nhận thức về các FTA và năng lực hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Việt Nam chưa có nhiều các doanh nghiệp mang tầm quốc tế và khu vực. Năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài còn yếu, còn nhiều thụ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chủ động điều chỉnh theo yêu cầu đòi hỏi của hội nhập kinh tế. Nhận thức về các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn rất hạn chế, sẽ là bất lợi rất lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ tư, thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Việt Nam là nước hội nhập muộn, vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, năng lực thực tế của Việt Nam còn ở mức thấp, thể chế kinh tế thị trường đang dần được hoàn thiện, khả năng hoạch định và thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, khi ký kết TPP Việt Nam phải chấp thuận gia nhập Hiệp định mua sắm chính phủ (GPA), đây là một thách thức đối với Việt Nam.

5. Tổng kết:

Năm 2015 là năm của những hiệp định thương mại tự do, với nhiều tác động có thể dự đoán trước được. Những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết trong năm 2015 đã đem lại những cơ hội lớn cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như phát triển nền kinh tế của đất nước. Song song với những cơ hội là những khó khăn và thách thức mà Việt Nam phải khắc phục và hoàn thiện để phát triển nhanh chóng hơn. Chính vì vậy, khi các FTA chính thức được thực hiện sẽ nảy sinh nhiều tình huống khác, các doanh nghiệp cần quan tâm đến những hiệp định nước ta đã ký kết hoặc đang đàm phán, từ đó tận dụng hiệu quả những lợi ích sẽ có, cũng như khắc phục triệt để tác động tiêu cực.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group