NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Khái niệm hình ảnh:

Theo từ điển Tiếng Việt, hình ảnh được giải thích là “Hình người, vật, cảnh tượng được thu bằng khí cụ quang học như máy ảnh hoặc để lại ấn tượng nhất định và tái hiện được trong trí óc, là khả năng gợi tả sống động trong cách diễn đạt”. Trong triết học, hình ảnh được coi “ là kết quả của sự phản ánh khách thể, đối tượng vào ý thức của con người. Ở trình độ cảm tính, hình ảnh là những cảm giác, tri giác và biểu tượng. Ở trình độ tư duy, đó là những khái niệm phán đoán và suy luận. Về mặt nguồn gốc, hình ảnh là khách quan, về cách nhận thức tồn tại, hình ảnh là chủ quan. Hình thức thể hiện vật chất của hình ảnh là các hành động thực tiễn, ngôn ngữ, các mô hình ký hiệu khác nhau”.

Hình ảnh là những gì chúng ta thấy được thông qua thị giác rồi sau đó chuyển về não giúp ta cảm nhận nhận hình ảnh đó một cách chân thực nhất từ đó đưa ra những phản xạ, cảm nhận về hình ảnh mà ta vừa thu nhận. Về khái niệm hình ảnh cá nhân thì cho tới nay vẫn chưa có một văn bản cụ thể nào quy định rõ. Nhưng dựa vào các quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân cụ thể là Điều 32 BLDS năm 2015 và thực tiễn thì có thể hiểu: “ Hình ảnh của cá nhân bao gồm mọi hình thức tác phẩm nghệ thuật ghi lại hình dáng của con người cụ thể là ảnh chụp, ảnh vẽ, ảnh họa chép và rộng hơn có thể là các bức tượng của cá nhân đó”. Có thể hiểu rằng hình ảnh của cá nhân là những ảnh mang tính chất riêng tư chứ không như hình ảnh ở những nơi sinh hoạt công cộng, ở nơi đông người…Ví dụ như hình ảnh của một người đứng ở công viên nếu trong ảnh chỉ có riêng người đó thì có thể xem là ảnh riêng tư, ảnh của cá nhân. Nhưng nếu là một tấm ảnh chụp quang cảnh chung ở công viên đông người đó, có mặt của nhiều người trong ảnh thì có thể được hiểu đó là ảnh sinh hoạt tập thể nơi công cộng và đó không phải ảnh cá nhân nữa.

Theo “ quyền sở hữu trí tuệ ” thì bức ảnh, tấm hình, pho tượng đều là loại hình tác phẩm nghệ thuật, người sử dụng tác phẩm nghệ thuật trước tiên phải xin phép người chủ bản quyền ( chủ sở hữu quyền tác giả ) và phải trả cho họ một khoản lợi ích vật chất, trả nhuận bút, thù lao cho người sáng tác ( người chụp, sao chép, họa hình…). Nhưng về mặt “quyền nhân thân của con người” thì theo quy định tại Điều 32 BLDS năm 2015 thì ai muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân đều phải được sự đồng ý của người có hình ảnh đó (người thật trong bức ảnh).

Việc sử dụng hình ảnh để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có ảnh bị nghiêm cấm. Nếu đối chiếu với luật của nước ngoài thì cơ chế pháp luật Việt Nam về vấn đề quyền đối với hình ảnh của cá nhân khá hoàn chỉnh. Cá nhân được bảo vệ hình ảnh dưới nhiều hình thức dù là tranh vẽ, ảnh chụp hoặc quy phim. Điều quan trọng là hình ảnh đó lấy từ một người và giống với người đó. Giống như quy định của một số nước, quy định của pháp luật dân sự Việt Nam chỉ bảo vệ hình ảnh của cá nhân mà người trong ảnh có thể nhận dạng, không phụ thuộc vào ảnh có khuôn mặt hay có ghi tên của cá nhân đó, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Thực tế, hầu như mọi cá nhân chưa thực sự nhận thức được đầy đủ, rõ ràng về quyền đối với hình ảnh của chính bản thân mình đồng thời chưa triệt để bảo vệ hình ảnh của cá nhân khi có hành vi xâm phạm của chủ thể khác.

2. Khái niệm và đặc điểm của quyền nhân thân:

2.1 Khái niệm quyền nhân thân:

Điều 25 BLDS 2015 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định này đã nêu lên khái niệm về quyền nhân thân thông qua hai đặc điểm cơ bản là: gắn liền với cá nhân, không chuyển dịch. Nếu chỉ dừng lại ở những đặc điểm đó thì khái niệm quyền nhân thân sẽ vướng phải một số bất cập nhất định sau đây.

Thứ nhất, hai đặc điểm nêu trên thực sự chưa đủ để phân biệt quyền nhân thân với các quyền dân sự khác, bởi lẽ có một số quyền tài sản cũng mang đủ hai đặc điểm này. Pháp luật hôn nhân và gia đình quy định rằng quyền được cấp dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng cũng được gắn liền với những cá nhân nhất định như: giữa cha mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà và cháu, giữa vợ và chồng. Quyền yêu cầu cấp dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng các quyền, nghĩa vụ khác và cũng “không thể chuyển giao cho người khác” (Điều 107 Luật HN&GĐ 2014). Quyền này là quyền tài sản chứ không phải là quyền nhân thân. Điều 365 BLDS 2015 cũng quy định một số quyền tài sản không thể chuyển giao cho người khác như “quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm uy tín”. Các quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại này được phát sinh khi các quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm, chúng là quyền tài sản nhưng cũng gắn liền với cá nhân người bị thiệt hại và cũng không dịch chuyển được sang cho chủ thể khác.

Thứ hai, Điều 25 BLDS 2015 quy định rằng quyền nhân thân là quyền “gắn liền với mỗi cá nhân”, vậy thì các chủ thể khác (như pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác) có các quyền nhân thân của mình không? Điều 584 và Điều 592 BLDS 2015 có đề cập đến “danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác”, vậy đây có được coi là quyền nhân thân của pháp nhân và các chủ thể khác không? Điều 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, quy định rằng “Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin … vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu”. Các quy định đó đều hướng tới sự thừa nhận các quyền nhân thân đối với pháp nhân và các chủ thể khác.

Các phân tích trên cho ta thấy phải chăng khái niệm quyền nhân thân nên được mở rộng không những gắn với cá nhân mà với cả các chủ thể khác. Ngoài đặc điểm được nêu tại Điều 25 BLDS 2015, chúng ta cũng nên bổ sung thêm một số đặc điểm nữa (như: gắn liền với giá trị tinh thần, không định giá được, …) để phân biệt quyền nhân thân với các quyền dân sự khác. Từ đó chúng ta có thể xây dựng khái niệm quyền nhân thân như sau: “Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn với đời sống tinh thần của mỗi chủ thể, không định giá được bằng tiền và không thể chuyển giao cho chủ thể khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

2.2 Đặc điểm của quyền nhân thân:

Quyền nhân thân có một số đặc điểm sau:

Quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định và về nguyên tắc không thể dịch chuyển được cho chủ thể khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định có thể được dịch chuyển và những trường hợp đó phải được pháp luật quy định (quyền công bố tác phẩm của tác giả các tác phẩm, các đối tượng sở hữu công nghiệp,…).

Quyền nhân thân không mang giá trị kinh tế, không thể quy đổi thành tiền. Giá trị nhân thân và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể trao đổi ngang giá.

3. Giới hạn quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân:

Quyền nhân thân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân tuyệt đối của cá nhân, không thể chuyển giao. Tuy nhiên, quyền này cũng có một vài ngoại lệ: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị giới hạn trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền lợi của bên thứ ba hoặc đương sự từ bỏ quyền của mình đối với hình ảnh.

Trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền lợi của bên thứ ba: Bản thân quyền nhân thân đối với hình ảnh là một quyền tuyệt đối của cá nhân. Quyền này hoàn toàn được bảo vệ một cách vô điều kiện khi cá nhân có hình ảnh thấy rằng hình ảnh của mình bị xâm phạm. Thực tế, nhiều văn bản luật dù chặt chẽ đến mấy cũng không thể giải quyết thỏa đáng được tất cả những vấn đề rắc rối phát sinh hàng ngày trong cuộc sống. Bởi vậy, quyền nhân thân đối với hình ảnh không nằm ngoài ngoại lệ này. Điều 32 BLDS 2015 quy định ˝cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình˝. Quy định này dẫn đến cách hiểu là cá nhân hoàn toàn được phép định đoạt những gì mình muốn với hình ảnh của mình, không một ai được quyền ngăn cản hay được phép xâm phạm. Tuy nhiên, quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh bị giới hạn trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung. Nghĩa là quyền đối với hình ảnh có sự khác biệt về giá trị văn hóa, quan điểm và yếu tố xã hội góp phần làm nảy sinh các xung đột với các quyền lợi chung của cộng đồng. Cá nhân không thể viện dẫn quyền nhân thân đối với hình ảnh nếu họ chỉ có mặt trong một bức ảnh chụp phong cảnh hoặc ảnh chụp các buổi tụ tập đông người như mít tinh, biểu tình, … Ở đây, người chụp ảnh không nhằm ghi hình đương sự mà ghi hình phong cảnh hoặc các sự kiện đang diễn ra. Đương sự chỉ là một bộ phận bổ trợ trong phong cảnh hoặc sự kiện đó. Trường hợp người chụp ảnh tập trung mô tả đương sự, trong đó phong cảnh và sự kiện chỉ đóng vai trò làm nền thì vấn đề quyền nhân thân đối với hình ảnh sẽ được đặt ra (đương sự bị chụp cận cảnh và tách hẳn với bối cảnh xung quanh). Tại Việt Nam không có quy định cụ thể nào phân biệt rõ hình ảnh bắt buộc xin phép cá nhân và hình ảnh được phép chụp hình. Ví dụ: đối với hình ảnh được công bố nhằm mục đích truy nã, cơ quan hành pháp được quyền đăng hình tội phạm bị truy nã giúp người dân nhận biết được kẻ nguy hiểm đồng thời giúp trong việc phát hiện tội phạm này. Cũng nên hiểu một cách đúng đắn về vấn đề này, tránh cách hiểu cứ có hành vi phạm tội là cơ quan nào cũng được phép đăng hình.

Trường hợp, xung đột với người thứ ba ở đây, tác giả muốn đề cập đến khía cạnh đối với những bức ảnh chụp chung với mọi người như chụp với bạn bè, gia đình, hoặc với những người nổi tiếng…… Theo luật, việc đăng ảnh cần phải xin phép những người có mặt trong bức hình đó. Tuy nhiên, điều luật nào cũng có những giới hạn và ngoại lệ. Trong trường hợp này quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh cũng đã bị giới hạn. Khi chúng ta đứng vào bức ảnh đó, chụp chung với mọi người thì mặc nhiên thừa nhận là chúng ta đã chấp nhận là người đó được phép đăng ảnh của mình. Việc này không gây thiệt hại gì cho người có mặt trong bức ảnh. Tuy nhiên đối với những bức ảnh chụp lén lút thì ta vẫn hoàn toàn có quyền không cho phép đăng tải lên.

Đương sự từ bỏ quyền của mình đối với hình ảnh: Tất cả các quyền dân sự của cá nhân đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khi hành vi xâm phạm xảy ra thì hai bên có thể tự thỏa thuận. Nguyên tắc hòa giải luôn được pháp luật dân sự khuyến khích. Và chỉ khi hai bên không thống nhất ý chí được với nhau thì tranh chấp mới xảy ra và phát sinh thủ tục tố tụng. Đấu tranh, bảo vệ hình ảnh của mình trước hết phải là nghĩa vụ, quyền của chính người đó. Thực tế, chúng ta cũng chưa xử lý tốt việc truy xét hay tìm ra manh mối kẻ phát tán nhưng hầu như những vụ bị phát tán hình ảnh (đặc biệt là hình ảnh khoả thân) lên mạng thì không thấy người gây ra hành vi nhận trách nhiệm. Điều này đã gây ra tâm lý ngại không muốn khơi ra của chính người bị hại. Nạn nhân không tự mình viết đơn tố cáo, đề nghị cơ quan điều tra, xử lý thì những vụ việc trên chỉ dừng lại ở quan hệ dân sự, các bên tự thoả thuận và giải quyết. Nếu chủ thể nào cần sự phân xử của Tòa án thì buộc phải có yêu cầu thì Tòa mới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Quyền nhân thân đối với hình ảnh là một quyền cơ bản của con người nên cá nhân có toàn quyền xử sự đối với hành vi xâm phạm tới hình ảnh của mình. Nhưng một khi đương sự từ bỏ quyền này của mình thì mặc nhiên quyền nhân thân đối với hình ảnh đó của họ cũng bị từ bỏ. Vì chủ thể tự nguyện từ bỏ thì hình ảnh cũng được từ bỏ.

4. Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân:

Đối với chủ thể có hình ảnh, có thể thấy “ hình ảnh” là yếu tố tinh thần gắn liền với bản thân chủ thể, nó có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của cá nhân đó, vì không chỉ xâm phạm tới hình ảnh thôi mà còn xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Bởi vậy, việc bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân có ý nghĩa lớn trong việc ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm đến hình ảnh của cá nhân, giúp khắc phục được một phần hậu quả về vật chất cũng như tinh thần cho chủ thể bị xâm phạm, tạo điều kiện cho cá nhân yên tâm lao động và sáng tạo.

Về phía Nhà nước việc bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh góp phần hiện thực hóa nội dung của chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, từ đó tăng cường lòng tin của nhân dân vào Nhà nước , vào quy định của pháp luật, để mọi người sống và thực hiện theo hiến pháp và pháp luật.

Việc bảo vệ hình ảnh của cá nhân còn có ý nghĩa to lớn đối với xã hội đó là bảo đảm trật tự xã hội và giáo dục ý thức pháp luật làm cho mọi người tôn trọng quyền đối với hình ảnh của cá nhân.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group