Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
I. Cơ sở pháp lý:
Nghị định 59/2006/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện
Nghị định số 72/2009/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Luật phòng chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13 của Quốc hội
Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 của Quốc hội
Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ
Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ : Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá
Thông tư số 37/2013/TT-BCT của Bộ Công thương : Quy định nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà
Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 của Quốc hội
Quyết định số 05/2013/QĐ – TTg Quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập
Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 của Quốc hội
II. Nội dung tư vấn:
thưa Luật sư của LVN Group, cho em hỏi, giờ em muốn mở dịch vụ cầm đồ cho cá nhân, em ko biết quy trình đăng ký giấy phép kinh doanh như thế nào? và phải chịu những loại thuế nào? mức thuế có cao không ạ?
Theo quy định tại Điểm 10, Mục 2 Phụ lục III Nghị định 59/2006/NĐ-CP thì kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành nghề kinh doanh đặc biệt, cần đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự cho nên bản thân bạn là chủ cửa hàng kinh doanh hay cửa hàng, cơ sở kinh doanh của bạn cũng cần đảm bảo những điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật. Cụ thể những điều kiện cần phải đảm bảo đó là:
Thứ nhất, đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần:
– Không thuộc các trường hợp cấm không được kinh doanh ngành nghề dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự như:
+ Tổ chức, cá nhân mà Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp, cấm thực hiện các hoạt động kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự.
+ Người chưa đủ 18 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nghiện ma túy.
+ Người đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
+ Người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, bị phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; được tạm hoãn đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
+ Người có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội do lỗi cố ý có mức án từ 10 năm trở lên hoặc các tội khác liên quan trực tiếp đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự mà chưa được xóa án tích; người đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.
– Người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và người đại diện hợp pháp theo pháp luật của cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự phải có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng.
Thứ hai, đối với điều kiện của cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ:
– Đảm bảo điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ, phòng độc và vệ sinh môi trường;
– Đảm bảo về trật tự, an toàn công cộng;
– Địa điểm kinh doanh không nằm trong khu vực cấm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị giấy phép để xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Tiếp theo đó làm thủ tục thành lập Hộ kinh doanh cá thể có ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ. Cụ thể trình tự thực hiện như sau:
Về thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Theo đó, kinh doanh dịch vụ cầm đồ sẽ áp dụng theo quy định của Nghị định số 72/2009/NĐ-CP quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cụ thể như sau:
1. Trình tự thủ tục:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại Cơ quan Công an cấp Quận, huyện nơi muốn thành lập cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Cơ quan Công an sẽ kiểm tra hồ sơ:
– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ: Thông báo cho người nộp hồ sơ biết;
– Nếu hồ sơ đã đầy đủ: Tiếp nhận hồ sơ và ghi Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ.
Bước 3: Theo thời hạn tại Giấy biên nhận, người nộp hồ sơ đến nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự tại cơ quan công an.
2. Hồ sơ cần chuẩn bị:
– Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự: 01 bản chính;
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy: 01 bản chính;
– Danh sách nhân viên làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (nếu có);
– Bản khai lý lịch của người đứng đầu cơ sở kinh doanh: (có dán ảnh và xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp): 01 bản chính;
Nếu là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có bản khai nhân sự, bản photocopy hộ chiếu, bản photocopy thẻ cư trú (xuất trình bản chính để kiểm tra).
3. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Cơ quan công an nhân dân cấp quận, huyện.
4. Thời hạn: 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ.
5. Lệ phí: 50.000 đồng.
Sau khi đã có được Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự thì bạn cần tiến hành thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể theo thủ tục sau:
1. Trình tự thủ tục:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện nơi muốn thành lập cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra hồ sơ:
– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ: Thông báo cho người nộp hồ sơ biết;
– Nếu hồ sơ đã đầy đủ: Tiếp nhận hồ sơ và ghi Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ.
Bước 3: Theo thời hạn tại Giấy biên nhận, người nộp hồ sơ đến nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
2. Hồ sơ cần chuẩn bị:
– Giấy đăng ký hộ kinh doanh cá thể có nội dung:
+ Tên hộ kinh doanh, địa điểm kinh doanh;
+ Ngành, nghề kinh doanh;
+ Số vốn kinh doanh;
+ Thông tin đối với người thành lập hộ kinh doanh: Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
– Danh sách thành viên của hộ kinh doanh;
– Biên bản họp thành viên hộ kinh doanh (trong trường hợp hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập hoặc do hộ gia đình thành lập);
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.
3. Cơ quan có thẩm quyền: Cơ quan đăng ký kinh doanh tại UBND cấp quận, huyện nơi có hộ kinh doanh đặt địa điểm.
4. Thời hạn: 05 ngày làm việc;
5. Lệ phí: 30.000 đồng.
Về vấn đề thuế, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây:
Tư vấn về các loại thuế của cửa hàng cầm đồ ?
Thưa Luật sư của LVN Group , gia đình em chuẩn bị mở cửa hàng trang sức vàng bạc . Em muốn hỏi xem cửa hàng có được phép khai trương trước khi có giấy phép kinh doanh không ạ? Vì em nghe nói nhà nước cho phép hạn trong vòng 6 tháng kể từ khi khai trương phải có giấy phép kinh doanh. Em chân thành cảm ơn Luật sư của LVN Group.
Theo phụ lục 4 Luật đầu tư 2014 thì 3 ngành nghề kinh doanh liên quan đến vàng, trang sức sau là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
262 |
Kinh doanh mua, bán vàng miếng |
263 |
Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng |
264 |
Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ |
Khoản 6,7 điều 4 Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng:
6. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
7. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Như vậy chưa có giấy phép kinh doanh thì bạn không thể tiến hành hoạt động khai trương.
Khoản 2, Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, mua bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”
Chào Luật LVN Group. Hiện tại mình đang có mối lá thuốc lá, nếu mình buôn bán cái này thì cần phải có giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá đúng không? Nếu đúng thì cho mình hỏi làm giấy phép này cần chuẩn bị những gì và giá làm giấy phép như thế nào? Mong sớm nhận được hồi âm! Xin cảm ơn
Đối với việc mua bán nguyên liệu thuốc lá bạn cần lưu ý một số điều kiện sau:
Thứ nhất, bạn phải có Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá:
Theo quy định tại Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá thì điều kiện cấp Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá được quy định cụ thể như sau:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mặt hàng nguyên liệu thuốc lá.
2. Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.
3. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị con người:
– Có phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu bảo quản chất lượng của nguyên liệu thuốc lá trong thời gian vận chuyển;
– Có kho nguyên liệu thuốc lá với tổng diện tích không dưới 1.000m2. Kho phải có hệ thống thông gió và các trang thiết bị phù hợp yêu cầu bảo quản nguyên liệu thuốc lá bao gồm: Các nhiệt kế, ẩm kế kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí trong kho, các phương tiện phòng, chống sâu, mối, mọt; phải có đủ các giá hoặc bục, kệ đỡ kiện nguyên liệu thuốc lá được sắp xếp cách mặt nền tối thiểu 20cm và cách tường, cột tối thiểu 50cm;
– Người lao động có nghiệp vụ, chuyên môn, được đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp từ trung cấp trở lên.
4. Có hợp đồng nhập khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thuốc lá hoặc hợp đồng xuất khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá với doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thuốc lá.
5. Điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ.
Phải có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, bạn cần lưu ý:
Doanh nghiệp có Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá chỉ được nhập khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất thuốc lá, Giấy phép chế biến nguyên liệu thuốc lá; xuất khẩu ủy thác cho các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, Giấy phép chế biến nguyên liệu thuốc lá.
Quy trình thủ tục:
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
+ Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Công thương Hà Nội
+ Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Bộ phận TNHS HC và Phòng Quản lý Thương mại.
Thành phần hồ sơ:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá.
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Bảng kê diện tích, sơ đồ kho tàng, văn phòng làm việc và các khu phụ trợ khác, phương tiện vận tải.
4. Bảng kê trang thiết bị: Hệ thống thông gió, phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, ẩm kế, nhiệt kế, các phương tiện phòng, chống sâu, mối, mọt; các giá hoặc bục, kệ đỡ kiện thuốc lá.
5. Bản kê danh sách lao động, bản sao hợp đồng lao động, văn bằng chứng chỉ được đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp từ trung cấp trở lên đối với cán bộ thu mua nguyên liệu.
6. Bản sao hợp đồng nhập khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thuốc lá hoặc hợp đồng xuất khẩu ủy thác nguyên liệu thuốc lá với doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thuốc lá.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ
Phí, lệ phí:
a) Phí thẩm định:
– 1.200.000 đồng/điểm kinh doanh/lần thẩm định: đối với doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa.
– 600.000 đồng/điểm kinh doanh/lần thẩm định: đối với doanh nghiệp trên địa bàn các huyện.
b) Lệ phí cấp giấy:
– 200.000 đồng/giấy/lần cấp: đối với địa bàn thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa.
– 100.000 đồng/giấy/lần cấp: đối với địa bàn các huyện.
Xin chào Luật sư của LVN Group, Luật sư cho hỏi muốn xin giấy phép kinh doanh về 2 mặt hàng là Coffee và Thuốc lá điện tử thì cần những gì ạ. Về Thuốc lá điện tử, hiện tại Việt Nam mình có luật nào cấm bán, nhập khẩu và sử dụng không ạ? Mong nhận được hồi âm sớm của Luật sư. Chúc Luật sư một ngày tốt lành. Cảm ơn. Nam Tran
Thứ nhất, về mặt hàng thuốc lá điện tử:
Theo công văn số 1173/BCT-XNK ngày 18/2/2014 của Bộ Công Thương quy định, việc nhập khẩu mặt hàng thuốc lá điếu điện tử được quản lý như đối với mặt hàng thuốc lá nhập khẩu. Thuốc lá điếu điện tử chỉ được phép nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.
Ngoài ra, thuốc lá điếu điện tử trước khi nhập khẩu phải được thẩm định qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải được đăng ký bảo hộ quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam; phải được dán tem thuốc lá nhập khẩu theo quy định; tuân thủ các quy định hiện hành về công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn và hàm lượng chất độc hại…
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 37/2013/TT-BCT, Bộ Công Thương chỉ định Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) là thương nhân nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà theo cơ chế thương mại nhà nước.
Như vậy, chỉ doanh nghiệp Nhà nước (Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam – Vinataba) mới được phép nhập khẩu các mặt hàng thuốc lá điếu dưới dạng thuốc lá điện tử. Do đó, bạn muốn kinh doanh thuốc lá điện tử phải thông qua làm đại lý cho Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA)
Có được cấp phép kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử?
Theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá thì có quy định về đối tượng áp dụng thì trong đó có là tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh thuốc lá và các hoạt động khác có liên quan đến kinh doanh thuốc lá trên lãnh thổ Việt Nam.
Vì bạn không trình bày rõ là cơ sở bên bạn thực hiện hoạt động phân phối, bán buôn hay bán lẻ sản phẩm thuốc lá nên tùy vào hình thức kinh doanh của bạn để bạn chuẩn bị các hồ sơ để xin phép cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho bạn trong hoạt động kinh doanh theo Điều 26 Nghị định 67/2013/NĐ-CP:
Điều 26. Điều kiện cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá
1. Điều kiện cấp Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá:
a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá;
b) Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;
c) Có hệ thống phân phối sản phẩm thuốc lá trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên (tại địa bàn mỗi tỉnh phải có tối thiểu từ 02 thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá trở lên);
d) Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá;
đ) Có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu tổng diện tích phải từ 100 m2 trở lên) đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian lưu kho;
e) Có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu phải có 02 xe có tải trọng từ 500 kg trở lên); đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian vận chuyển;
g) Có năng lực tài chính bảo đảm cho toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp hoạt động bình thường (có Giấy xác nhận của ngân hàng tối thiểu 02 tỷ Việt Nam đồng trở lên);
h) Có bản cam kết của doanh nghiệp về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
i) Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Điều kiện cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá:
a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán buôn sản phẩm thuốc lá;
b) Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;
c) Có hệ thống bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (tối thiểu phải từ 02 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên);
d) Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá;
đ) Có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu tổng diện tích phải từ 50 m2 trở lên) đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian lưu kho;
e) Có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu phải có 01 xe có tải trọng từ 500 kg trở lên); đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm thuốc lá trong thời gian vận chuyển;
g) Có năng lực tài chính bảo đảm cho toàn bộ hệ thống bán buôn của doanh nghiệp hoạt động bình thường (có Giấy xác nhận của ngân hàng tối thiểu 01 tỷ Việt Nam đồng trở lên);
h) Có bản cam kết của doanh nghiệp về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
i) Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá:
a) Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá;
b) Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;
c) Diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 03 m2 trở lên;
đ) Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá;
đ) Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ hai, về mặt hàng cà phê:
Bên cạnh giấy phép kinh doanh thì bạn cần lưu ý có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm:
Hồ sơ cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm
– Giấy phép đăng ký kinh doanh có đăng ký nghành ngề kinh doanh thực phẩm (bản sao có chứng thực)
– Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng cơ sở
– Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng xung quanh
– Sở đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình phân phối
– Bản thuyết minh trang thiết bị, cơ sở vật chất, dụng cụ của cơ sở
– Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người quản lý
– Giấy xác nhận của chủ cơ sở và người quản lý trực tiếp của cơ sở.
Tuy nhiên, nếu bạn đơn thuần chỉ kinh doanh, thì không cần thiết phải có sơ đồ quy trình sản xuất.
Việc tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm bạn cần đăng ký lớp cho quản lý và nhân viên trước, sau khi có đủ xác nhận, giấy khám sức khoẻ thì nộp kèm hồ sơ xin cấp phép.
Số lượng nhân viên: 3 người. Bạn làm tập huấn và Khám sức khỏe cho cả 3 người, trong đó lưu ý có cả người quản lý.
Mình đang muốn mở một văn phòng tư vấn du học và có nghiên cứu Quyết định 05/2013/QĐ-TTg về quản lý văn phòng tư vấn nhưng theo công văn Số: 3125/BGDĐT-ĐTVNN vào ngày 28/6/2016 có viết như sau Căn cứ khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư 2014, các quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học tại Chương 3 Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2016. Như vậy để mở được văn phòng tư vấn du học mình cần những điều kiện gì và phải làm theo điều luật nào ?
1. Trình tự thủ tục thực hiện:
Căn cứ Điều 10 Quyết định 05/2013/QĐ-TTg: Tổ chức dịch vụ tư vấn du học được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Được thành lập theo quy định pháp luật;
– Có trụ sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn du học;
– Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm giải quyết các trường hợp rủi ro; có tiền ký quỹ tối thiểu 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại;
– Người đứng đầu tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có trình độ đại học trở lên, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.
Bước 1: Thành lập tổ chức có chức năng tư vấn du học hoặc Tổ chức sự nghiệp có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn du học được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy định của pháp luật thì Tổ chức dịch vụ tư vấn du học (gồm: Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học hoặc tổ chức sự nghiệp có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn du học được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).
Bước 2: Sau khi nhận được quyết định thành lập Văn phòng tư vấn, cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc TW nơi Trung tâm tư vấn đặt trụ sở.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ.
– Trường hợp đã đầy đủ giấy tờ hồ sơ: Cấp Giấy biên nhận hồ sơ;
– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ: hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung và hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét và cấp Giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
Trường hợp xem xét thấy không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ tư vấn du học thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Bước 4: Tổ chức, cá nhân căn cứ vào ngày hẹn trên biên nhận đến nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả lời kết quả của Sở Giáo dục và Đào tạo.
2. Hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học (01 bản ban hành kèm theo Quyết định 05/2013/QĐ-TTg)
– Đề án hoạt động của tổ chức dịch vụ tư vấn du học có xác nhận của người đại diện theo pháp luật: 01 bản. Bao gồm những nội dung cơ bản:
+Mục tiêu, nội dung hoạt động;
+ Cơ sở vật chất, khả năng tài chính;
+Trình độ, năng lực của người đứng đầu;
+Khả năng khai thác và phát triển dịch vụ du học ở nước ngoài;
+Minh chứng về khả năng hoạt động của trung tâm
+Kế hoạch thực hiện, các biện pháp thực hiện hoạt động tư vấn du học;
+Các phương án, quy trình tổ chức;
+Phương án giải quyết khi gặp rủi ro trong quá trình tư vấn;
+Danh sách nhân sự.
– Quyết định thành lập Văn phòng dịch vụ tư vấn: 01 bản sao có công chứng;
– Lý lịch của người đứng đầu Văn phòng tư vấn du học có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: 01 bản chính;
– Danh sách trích ngang các nhân viên trực tiếp tư vấn du học: 01 bản. Gồm các nội dung:
+Họ và tên;
+Ngày, tháng, năm sinh;
+Giới tính;
+Trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ;
+Vị trí công việc sẽ đảm nhiệm tại Trung tâm.
– Giấy chứng nhận đã tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học của người đứng đầu, người trực tiếp làm công việc tư vấn du học tại Văn phòng tư vấn du học: 01 bản sao có công chứng;
– Các giấy tờ khác:
+Giấy xác nhận ký quỹ 500 triệu tại Ngân hàng: 01 bản chính hoặc 01 bản sao có công chứng;
+Hợp đồng thuê trụ sở Văn phòng hoặc Giấy chứng nhận quyền sở dụng đất hoặc Sở hữu tài sản trên đất của người đứng đầu Văn phòng: 01 bản sao có công chứng.
3. Cơ quan có thẩm quyền:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quyết định 05/2013/QĐ-TTg thì thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tư vấn du học thuộc về Sở Giáo dục Đào tạo nơi Văn phòng có trụ sở.
4. Thời gian thực hiện thủ tục:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Quyết định 05/2013/QĐ-TTg, trong 25 ngày kể từ sau ngày Sở Giáo dục và Đào tạo nhận được hồ sơ thì cần đưa ra quyết định có hay không việc cấp Giấy phép.
5. Lệ phí: Không thu lệ phí đối với hoạt động đăng ký này.
6. Mẫu đơn có liên quan:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ tư vấn du học (Mẫu 1 – ban hành kèm Quyết định 05/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ).
– Sơ yếu lý lịch (Mẫu 2 – ban hành kèm Quyết định 05/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ).
– Giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ tư vấn du học (Mẫu 3 – ban hành kèm Quyết định 05/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ).
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Luật sư Tư vấn Pháp luật – Công ty Luật LVN Group.