1. Bản án, quyết định vụ án hình sự được thi hành

Bản án, quyết định được thi hành là bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng thuộc trường hợp thi hành ngay.

– Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật:

Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của toà án đòi hỏi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhấn hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành (Xem: Khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật gồm:

+ Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật: Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị nhưng trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

+ Bản án, quyết định phúc thẩm: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Quyết định phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định.

+ Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm: Quyết định của hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

(*) Bản án, quyết định của toà án chưa có hiệu lực pháp luật được thi hành ngay (Điều 363 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015):

về nguyên tắc, việc thi hành án chỉ được thực hiện đối với bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để bảo đảm quyền lợi cho bị cáo, bản án, quyết định của toà án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, cho dù sau đó vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Đó là trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà toà án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam. Trong trường hợp này, hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định trả tự do ngay cho bị cáo tại phiên toà sau khi tuyên án. Hình phạt cảnh cáo cũng được thi hành ngay tại phiên toà.

(**) Thẩm quyền, thời hạn và thủ tục ra quyết định thi hành án (Điều 364 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

2. Thẩm quyền ra quyết định thi hành án hình sự

Bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật chỉ được đưa ra thi hành trong thực tiễn sau khi có quyết định thi hành án. Thẩm quyền ra quyết định thi hành án thuộc về chánh án toà án đã xét xử sơ thẩm hoặc chánh án toà án khác cùng cấp được chánh án toà án đã xét xử sơ thẩm uỷ thác (Xem: Khoản 1 Điều 364 Bộ luật tố tụng hình sự).

3. Thủ tục và thời hạn ra quyết định thi hành án hình sự

Chánh án toà án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Chánh án toà án được uỷ thác ra quyết định thi hành án trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định uỷ thác thi hành của chánh án toà án đã xét xử sơ thẩm.

4. Giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của toà án hình sự

Để bảo đảm thi hành đúng, chính xác bản án, quyết định của toà án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án có quyền yêu cầu toà án đã ra bản án, quyết định giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định (Xem: Khoản 1 Điều 365 Bộ luật tố tụng hình sự). Việc sửa chữa bản án, quyết định của toà án phải theo nguyên tắc không được làm thay đổi bản chất vụ án hoặc bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác (Xem: Khoản 1 Điều 261 Bộ luật tố tụng hình sự năm 215).

Trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của toà án thuộc về thẩm phán chủ toạ phiên toà đã ra bản án, quyết định. Trường hợp thẩm phán chủ toạ phiên toà không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do chánh án toà án đã ra bản án, quyết định đó thực hiện (Xem: Khoản 2 Điều 365 Bộ luật tố tụng hình sự).

5. Giải quyết kiến nghị đối với bản án, quyết định của toà án hình sự

Theo điều 366 Bộ luật tố tụng hình sự nam 2015 thì cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ thi hành án có thể phát hiện căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của toà án. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự kiến nghị với toà án có thẩm quyền về việc xem xét lại bản án, quyết định của toà án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Toà án có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 120 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật hình sự, luật tố tụng hình sự – Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật Minh KHuê