1. Mở đầu

Nhằm cụ thể hóa nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (khoản 5 Điều 103) và tháo gỡ những vướng mắc qua tổng kết thực tiễn thi hành luật, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (Điều 266 và Điều 267); bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường trách nhiệm và tạo điều kiện để Kiểm sát viên thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa.

2. Trong thủ tục xét xử sơ thẩm

Thứ nhất, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) quy định trước khi mở phiên tòa, Kiểm sát viên có quyền đưa ra yêu cầu, đề nghị; Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu, đề nghị này (Điều 279). Cụ thể:

Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải giải quyết các yêu cầu, đề nghị:

  • Yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án;
  • Đề nghị của bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
  • Đề nghị của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín;
  • Đề nghị của người tham gia tố tụng về việc vắng mặt tại phiên tòa.

Thứ hai, BLTTHS 2015 quy định hệ quả của việc điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án nếu dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành cáo trạng mới thay thế cáo trạng trước đó; bổ sung quy định mới về việc Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ, tài liệu nhưng không cần thiết phải trả lại hồ sơ nhằm bảo đảm sự linh hoạt trong thực tiễn và thời hạn bổ sung chứng cứ, tài liệu trong trường hợp này là 05 ngày (Điều 280 và Điều 284).

Thứ ba, nhằm đáp ứng yêu cầu tranh tụng trong những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, đông bị can, BLTTHS 2015 quy định có thể có nhiều Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thay cho quy định tối đa hai Kiểm sát viên tham gia như BLTTHS 2003 (Điều 289 và Điều 350).

Theo Điều 289 BLTTHS 2015:

“Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì có thể có nhiều Kiểm sát viên. Trường hợp Kiểm sát viên không thể có mặt tại phiên tòa thì Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu được thay thế để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa.”

Thứ tư, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc việc xét xử được giới hạn trong phạm vi truy tố, truy tố đến tối đâu – xét xử tới đó, BLTTHS 2015 tiếp tục khẳng định nội dung nguyên tắc này, đồng thời, nhằm bảo đảm sự độc lập của Tòa án, Bộ luật được bổ sung quy định: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó” (khoản 3 Điều 298).

Thứ năm, nhằm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa mô hình tố tụng thẩm vấn và mô hình tố tụng tranh tụng, BLTTHS 2015 đổi mới trình tự xét hỏi tại phiên tòa theo hưởng: trong mọi trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi trước, sau đó quyết định “hỏi ai” và “quyết định người hỏi trước, hỏi sau” theo thứ tự hợp lý (khoản 1, 2 Điều 307), thay cho quy định hiện hành “Thẩm phán chủ tọa hỏi trước, rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự’.

Thứ sáu, bổ sung đầy đủ nội dung luận tội nhằm bảo đảm tính pháp lý, tính có căn cứ, tính toàn diện trong việc luận tội bị cáo (Điều 321).

Thứ bảy, quy định trách nhiệm của Kiểm sát viên khi tranh luận phải đưa ra những chứng cứ, tài liệu, lập luận để đối đáp đến cùng với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác nhằm tăng cường trách nhiệm tranh tụng của Kiểm sát viên (Điều 322).

3. Trong thủ tục xét xử phúc thẩm

Thứ nhất, BLTTHS 2015 bổ sung điều luật quy định cụ thể nội dung quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn thực hiện (Điều 336)

Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có các nội dung chính:

  • Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị;
  • Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị;
  • Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm;
  • Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát;
  • Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị.

Thứ hai, BLTTHS 2015quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát phải gửi quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát cho bị cáo và những người có liên quan thay cho quy định Tòa án phải gửi như trong BLTTHS 2003 (Điều 338).

“Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định kháng nghị, Viện kiểm sát phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, gửi quyết định kháng nghị cho bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị. Viện kiểm sát đã kháng nghị phải gửi quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát khác có thẩm quyền kháng nghị.”

Thứ ba, nhằm khắc phục khoảng trống của pháp luật, BLTTHS 2015 được bổ sung trách nhiệm của Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu; thời hạn nghiên cứu hồ sơ là 15 ngày đối với Viện kiểm sát cấp tỉnh, 20 ngày đối với Viện kiểm sát cấp cao, trường hợp vụ án thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì thời hạn này có thể dài hơn nhưng không quá 25 ngày đối với Viện kiểm sát cấp tỉnh, 30 ngày đối với Viện kiểm sát cấp cao (Điều 341).

Thử tư, BLTTHS 2015 bổ sung trách nhiệm Viện kiểm sát phải tham gia phiên họp xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và phát biểu quan điểm tại phiên họp; đồng thời, quy định trách nhiệm của Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát nghiên cứu và thời hạn Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án là 05 ngày (Điều 362).

4. Trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Thứ nhất, để phù hợp với tổ chức bộ máy bốn cấp kiểm sát, BLTTHS 2015 quy định những người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc ngành Kiểm sát gồm: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (Điều 373).

Thứ hai, BLTTHS 2015 quy định cụ thể trách nhiệm và thủ tục Viện kiểm sát các cấp tiếp nhận thông báo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; nếu thông báo bằng văn bản thì phải vào sổ nhận thông báo; nếu thông báo trực tiếp bằng lời nói thì phải lập biên bản (Điều 375).

” Khi nhận được thông báo bằng văn bản thì Tòa án, Viện kiểm sát phải vào sổ nhận thông báo.

Khi người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trình bày trực tiếp về vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án, Viện kiểm sát phải lập biên bản; nếu người thông báo cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật thì Tòa án, Viện kiểm sát phải lập biên bản thu giữ. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Tòa án, Viện kiểm sát đã nhận thông báo, lập biên bản phải gửi ngay thông báo, biên bản kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) cho người có thẩm quyền kháng nghị và thông báo bằng văn bản cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết.”

Thứ ba, nhằm đề cao trách nhiệm trước nhân dân, BLTTHS 2015 bổ sung quy định khi xét thấy không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì người có thẩm quyền kháng nghị phải trả lời bằng văn bản cho người đã kiến nghị biết rõ lý do của việc không kháng nghị (Điều 379).

Thứ tư, nhằm cụ thể hóa nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, BLTTHS 2015 quy định tranh tụng được thực hiện cả trong thủ tục giám đốc thẩm; theo đó, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án; Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ trước Tòa án (Điều 386).

Thứ năm, để có căn cứ quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị tái thẩm, BLTTHS 2015 bổ sung quy định Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh tình tiết mới của vụ án và chuyển kết quả xác minh cho Viện kiểm sát (Điều 399).

“Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Trường hợp Tòa án nhận được thông báo hoặc tự mình phát hiện tình tiết mới của vụ án thì phải thông báo ngay bằng văn bản kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm. Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.

Viện kiểm sát phải xác minh những tình tiết mới; khi xét thấy cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm yêu cầu Cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh tình tiết mới của vụ án và chuyển kết quả xác minh cho Viện kiểm sát.”

5. Kết luận

Những sửa đổi, bổ sung nêu trên đặt trách nhiệm cao hơn với các Kiểm sát viên, phải theo sát, gắn chặt, nắm chắc vụ án từ giai đoạn điều tra; chuẩn bị kỹ lưỡng, dữ liệu các tình huống tại phiên tòa để chủ động tranh tụng với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác; bản lĩnh bảo vệ quan điểm truy tố, nhưng đồng thời, cần khách quan, cầu thị, trên cơ sở kết quả diễn biến tại phiên tòa để luận tội bị cáo chính xác, đúng pháp luật.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)