1. Giới thiệu về Chính phủ
Chính phủ Việt Nam là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Trước khi có tên là Chính phủ, cơ quan này được gọi với tên là Hội đồng chính phủ trong giai đoạn 1959-1980 và Hội đồng Bộ trưởng trong giai đoạn 1980-1992.
- Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp đầu tiên thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946 gọi là Chính phủ. Chủ tịch nước đứng đầu Chính phủ, giúp việc cho Chủ tịch nước có Nội các do Thủ tướng đứng đầu cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Phó Thủ tướng.
- Hiến pháp 1959, có hiệu lực từ ngày 31 tháng 12 năm 1959, gọi với tên gọi Hội đồng Chính phủ.
- Hiến pháp 1980, có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 1980, gọi là Hội đồng Bộ trưởng.
- Hiến pháp 1992, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 1992 được đổi lại là Chính phủ
- Hiến pháp 2013, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 vẫn giữ nguyên tên gọi Chính phủ
Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ
Trên cơ sở vị trí pháp lý mà Hiến pháp đã ghi nhận, Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
+ Lãnh đạo công tác của các bộ, các cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước thống nhất từ trung ương đến cơ sở; hương dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
+ Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân;
+ Trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội;
+ Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, các dịch vụ công; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia;
+ Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình; bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và của xã hội; bảo vệ môi trường;
+ Củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;
+ Tổ chức và lãnh đạo công tác kiểm kê, thống kê của Nhà nước; công tác thanh tra và kiểm tra nhà nước, chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong bộ máy nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
+ Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp do Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác; đàm phán, ký, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
+ Thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; thống nhất quản lý công tác thi đua khen thưởng;
+ Quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố’ trực thuộc trung ương;
+ Phối hợp với uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương của đoàn thể nhân dân trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; tạo điều kiện để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.
3. Chính phủ là một cơ quan giữ vị trí thiết yếu trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người
Trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là một cơ quan giữ vị trí thiết yếu trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Bởi lẽ, các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người chỉ được đi vào đời sống khi Chính phủ triển khai thực hiện các biện pháp, hành động cụ thể và thiết thực trong phạm vi quyền hạn của mình. Chính phủ với chức năng vừa là thiết chế chấp hành của Quốc hội, vừa là cơ quan có nhiệm vụ tổ chức điều hành hoạt động hành chính của Nhà nước giữ vị trí trung tâm của việc thực hiện quyền hành pháp. Trong đó, mối quan hệ giữa người dân với cơ quan thực hiện quyền hành pháp được xem là mối quan hệ có tính phổ biến. Trong mối quan hệ giữa người dân với Chính phủ và đội ngũ cán bộ công chức trong Nhà nước XHCN được xác định là mối quan hệ gắn bó máu thịt. Chính phủ tổ chức các hoạt động quản lý xã hội, quản lý đất nước nhằm mục đích đảm bảo các quyền cơ bản của con người và quyền của công dân trên mọi lĩnh vực của đối sống như kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, v.v… Mặc dù Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ quy định trong số 11 nhiệm vụ và quyền hạn, chỉ có một nhiệm vụ là: “Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình song cần thấy rằng, tất cả các nội dung nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ chính là nhằm một mục đích lớn lao là thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang triển khai thực hiện.
Do đó, muốn xác định vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cần nhìn nhận vai trò của Chính phủ trong mối tương quan với việc tổ chức quyền lực trong nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Chính phủ có vai trò đảm bảo về thể chế bảo vệ quyền con người.
Thứ hai, Chính phủ không chỉ là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện pháp luật về quyền con người mà Chính phủ là cơ quan có vai trò chỉ đạo, phối hợp công việc giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Thứ ba, Chính phủ có vai trò phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến việc thực hiện các quyền cơ bản của con người.
Thứ tư, Chính phủ có vai trò trong việc tạo điều kiện pháp lý, đảm bảo tính công khai trong hoạt động để người dân dễ dàng thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp của minh.
Thứ năm, Chính phủ có vai trò trong việc cung cấp các thiết chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Thứ sáu, Chính phủ có vai trò tạo nguồn nhân lực cho việc tổ chức và thực hiện các quyền con người.
Thứ bảy, Chính phủ có vai trò tạo lập môi trường bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
Thứ tám, Chính phủ có vai trò nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân một cách rộng rãi cho mọi đối tượng.
Thứ chín, Chính phủ có vai trò xây dựng cơ chế giải quyết thỏa đáng các khiếu nại và tố cáo của công dân.
4. Thành tựu trong vấn đề thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
Vai trò của Chính phủ trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người được thể hiện cụ thể bằng hệ thống quy phạm pháp luật đa dạng và phong phú với những nỗ lực lập quy của Chính phủ trong những năm gần đây. Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước để tăng cường các cơ chế đảm bảo các quyền dân chủ cho người dân. Những tiến bộ nổi bật và đáng ghi nhận trong việc phát huy vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người thể hiện trong thực tiễn phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bình đẳng giới, chăm lo đời sống văn hóa, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cho đồng bào thiểu số và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trẻ em, người tàn tật, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo lương thực, cung cấp dịch vụ y tế cơ sở cho người dân, nhất là ỏ các vùng nông thôn, giữ vững ổn định xã hội v.v Bên cạnh đó, thành tựu của Chính phủ cũng thể hiện trong việc thúc đẩy bình đẳng giữa các dân tộc. Chính phủ Việt Nam cũng rất nỗ lực trong việc tham gia nghiên cứu và xây dựng cơ sở thực tiễn về vật chất và nhân lực cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về nhân quyền, tăng cường sự phối hợp của Việt Nam để thành lập cơ chế nhân quyền ASEAN. Để đạt được các thành tựu đó, Chính phủ Việt Nam đã có những sáng tạo và quyết liệt trong việc tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật như phát triển thông tin để làm cơ sở cho việc thúc đẩy và bảo đảm phát triển quyền con người.
5. Những hạn chế còn tồn tại
Hệ thống pháp luật về quyền con người còn thiếu đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến khó khăn, thậm chí hiểu sai làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi và minh bạch trong quá trình đảm bảo quyền con người.
Chính phủ chưa sử dụng các hình thức pháp lý và phương pháp quản lý phù hợp với các đối tượng chịu sự quản lý nên vô hình chung đã tạo ra các rào cản cho cá nhân thực hiện các quyền của mình như quyền tự do kinh doanh (một hiện tượng thường thấy là không quản lý được thì cấm).
Đội ngũ cán bộ, công chức bị phân tán, không yêu nghề và trình độ chuyên môn chưa phù hợp, nhận thức về vai trò của họ trong việc bảo đảm quyền con người trong hoạt động công vụ chưa thống nhất.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)