Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật thương mại năm 2005
– Luật cạnh tranh năm 2018
– Nghị định 75/2019/NĐ-CP
2. Nhượng quyền thương mại là gì?
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
3. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là gì?
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Tác động hạn chế cạnh tranh là tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường.
4. Thỏa thuận có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh trong nhượng quyền thương mại kinh doanh dịch vụ ăn uống
Bên nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống phải luôn đảm bảo, duy trì tính đồng bộ, thống nhất trong chuỗi hệ thống nhượng quyền thương mại. Sự đồng bộ về giá thành của từng sản phẩm cụ thể, sự thống nhất về danh sách số lượng các loại sản phẩm cung ứng ra thị trường, sự giống nhau trong mô hình vận hành, quản lý, và quan trọng phải đồng nhất về chất lượng sản phẩm. Nhằm thực hiện được việc đồng bộ nêu trên, các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại phải thống nhất các thỏa thuận buộc phải có khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền thương mại và một số thỏa thuận trong hoạt động nhượng quyền thương mại lại được điều chỉnh bởi pháp luật cạnh tranh. Một số thỏa thuận phổ biến trong hoạt động nhượng quyền thương mại đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng có dấu hiệu là các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như sau:
4.1. Thỏa thuận về giá bán cho sản phẩm kinh doanh
Hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại trong phạm vi dịch vụ ăn uống với đặc điểm riêng biệt là toàn bộ sản phẩm kinh doanh phải thống nhất một giá bán, người tiêu dùng nhận biết sản phẩm yêu thích thông qua mức giá bán ra bên cạnh các yếu tố khác, như khẩu vị sản phẩm, cách thức bày trí sản phẩm và cả về lượng sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng. Do vậy, bên nhượng quyền luôn đề ra “thỏa thuận” yêu cầu bên nhận quyền chỉ cung ứng sản phẩm theo đúng mức giá đã được ấn định.
Hành vi thỏa thuận giá bán trong nhượng quyền thương mại được thực hiện dưới các hình thức sau:
Một là, bên nhượng quyền thỏa thuận với các bên nhận quyền giá bán cố định của sản phẩm. Nghĩa là bên nhượng quyền đưa ra giá bán sản phẩm và yêu cầu bắt buộc các bên nhận quyền bán cho người tiêu dùng với mức giá cố định đó.
Hai là, bên nhượng quyền thỏa thuận cho bên nhận quyền mức giá bán lại tối đa cho sản phẩm. Nghĩa là bên nhận quyền được quyền bán sản phẩm với mức giá không cao hơn mức giá mà bên nhượng quyền cho phép.
Ba là, bên nhượng quyền thỏa thuận cho các bên nhận quyền về giá bán lại tối thiểu cho sản phẩm. Nghĩa là bên nhận quyền được quyền bán sản phẩm với mức giá không được thấp hơn mức giá mà bên nhượng quyền cho phép trong thỏa thuận.
Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống, bên nhượng quyền thỏa thuận với các bên nhận quyền về giá bán lại cố định cho sản phẩm khi bán ra cho người tiêu dùng. Giá bán lúc này sẽ thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống nhượng quyền, không phân biệt sự khác nhau về vị trí địa lý.
Hành vi thỏa thuận giá bán xuất phát từ các doanh nghiệp trong cùng thị trường kinh doanh dịch vụ ăn uống và do đó, thỏa thuận này có thể bị cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Cạnh tranh năm 2018 (Luật Cạnh tranh). Nhưng hành vi thỏa thuận ấn định giá bán lại được xem là thỏa thuận hợp lý trong nhượng quyền thương mại và sự thỏa thuận này có gây ra hạn chế cạnh tranh về giá bán đối với bên thứ hai mới là yếu tố cần xem xét.
4.2. Thỏa thuận vị trí kinh doanh của các bên trong cùng hệ thống nhượng quyền thương mại
Thỏa thuận về vị trí kinh doanh là thỏa thuận thống nhất giữa bên nhượng quyền và các bên nhận quyền về khoảng cách địa lý tối thiểu, khu vực kinh doanh do bên nhượng quyền chuyển giao. Trong khoảng cách địa lý theo thỏa thuận, bên nhượng quyền có nghĩa vụ không được hợp tác nhượng quyền (bên nhận quyền mới phát sinh) để kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ăn uống, đồng nghĩa với việc các bên nhận quyền cũng không được thay đổi vị trí kinh doanh trong khu vực địa lý tối thiểu. Thỏa thuận góp phần tối đa hóa lợi nhuận, hạn chế cạnh tranh giữa các bên trong cùng hệ thống nhượng quyền thương mại, thu hút được lượng khách hàng cố định tại khu vực kinh doanh – do đó, hành vi thỏa thuận vị trí kinh doanh là một dạng thức thỏa thuận phân chia khách hàng. Các doanh nghiệp tham gia thị trường nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống có thể xem thỏa thuận này là cần thiết, phù hợp nhưng do các bên trong cùng thị trường liên quan tham gia vào thỏa thuận; điều này có thể bị coi là vi phạm luật cạnh tranh.
4.3. Thỏa thuận cung ứng nguồn nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ kèm theo
Lĩnh vực nhượng quyền thương mại trong kinh doanh dịch vụ ăn uống với đặc trưng riêng biệt về chất lượng sản phẩm phải đồng nhất trong toàn bộ hệ thống. Do đó, một trong các nghĩa vụ bắt buộc[5] là bên nhượng quyền phải có nghĩa vụ đào tạo, chuyển giao toàn bộ bí quyết trong kinh doanh – cách thức tạo ra sản phẩm cùng chất lượng cho các bên nhận quyền.
Từ nghĩa vụ này, bên nhượng quyền đưa ra “thỏa thuận” với các bên nhận quyền trong việc phải sử dụng nguồn cung nguyên liệu theo yêu cầu của bên nhượng quyền. Sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại về nguồn cung ứng nguyên liệu[6] để tạo thành sản phẩm được xem là hợp lý trong phạm vi nhượng quyền thương mại. Người tiêu dùng yêu thích hương vị của thương hiệu nhượng quyền thương mại nên dễ dàng nhận biết chất lượng sản phẩm và khi ở khu vực địa lý khác cũng vẫn chỉ lựa chọn thương hiệu đã tin dùng. Bên cạnh sự đồng bộ về chất lượng sản phẩm trong cùng hệ thống nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền còn tạo dựng thương hiệu thông qua nét đặc trưng riêng của hệ thống bằng hình thức bài trí không gian kinh doanh[7], sản phẩm, dịch vụ phụ khác trong kinh doanh bán kèm theo. Các sản phẩm, dịch vụ bán kèm theo cũng góp phần hình thành nét đặc sắc riêng của thương hiệu nhượng quyền thương mại. Chẳng hạn, người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thức uống tại cửa hàng nhượng quyền thương mại bởi đơn vị này còn cung ứng loại bánh ngọt đặc trưng riêng.
Thỏa thuận cung ứng nguồn nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ kèm theo trong cùng hệ thống nhượng quyền thương mại giữa các bên khi kinh doanh dịch vụ ăn uống là phù hợp với đặc điểm loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, thỏa thuận này sẽ ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường, sự thỏa thuận các bên trong hệ thống nhượng quyền thương mại gây ra tác động làm hạn chế cạnh tranh trong cùng thị trường liên quan.
4.4. Thỏa thuận hạn chế quảng cáo từ bên nhượng quyền trong kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với các bên nhận quyền
Quảng bá sản phẩm, dịch vụ thông qua các hình thức quảng cáo là một trong các biện pháp thu hút khách hàng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu kinh doanh. Khi mối quan hệ nhượng quyền thương mại hình thành, bên nhượng quyền có nghĩa vụ chuyển giao quyền thương mại cho các bên nhận quyền. Trong mối quan hệ pháp lý thì bên nhượng quyền và nhận quyền có mối quan hệ độc lập, không bị ràng buộc, chi phối về hoạt động kinh doanh. Để đạt hiệu quả kinh doanh, thu hút khách hàng, ngoài các yếu tố về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá thành, để mở rộng thị trường, đưa sản phẩm, dịch vụ đến nhanh với người tiêu dùng thì việc quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ là nội dung cần thiết. Tuy nhiên, trong hoạt động nhượng quyền thương mại, hoạt động quảng cáo, khuyến mại cho sản phẩm, dịch vụ hầu hết cũng do bên nhượng quyền áp đặt, chi phối, đưa ra nội dung nào cần trong việc quảng cáo, khuyến mại hay mật độ, hình thức quảng cáo, khuyến mại cho sản phẩm, dịch vụ. Trong khi đó, nội dung này rõ ràng không liên quan đến đối tượng chính của hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa các bên.
Trường hợp, bên nhượng quyền yêu cầu, áp đặt các nghĩa vụ như tuân thủ chương trình quảng cáo, khuyến mại chung của toàn hệ thống để cùng thúc đẩy thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ, việc tuân thủ pháp luật về quảng cáo, khuyến mại hoặc việc quảng cáo, khuyến mại phải gắn liền với nhãn hiệu kinh doanh nhượng quyền không được lồng ghép cho sản phẩm, dịch vụ khác là điều hợp lý, có tác dụng thúc đẩy cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh doanh. Thế nhưng vẫn còn một số trường hợp, bên nhượng quyền áp đặt nghĩa vụ đối với bên nhận quyền như không được thực hiện các chương trình quảng cáo, khuyến mãi riêng biệt bởi có khả năng dẫn tới tính cạnh tranh với các bên nhận quyền trong cùng hệ thống, trong cùng khu vực địa lý. Như vậy, sự áp đặt nghĩa vụ hạn chế quảng cáo, khuyến mại làm hạn chế một phần quyền tự do kinh doanh của bên nhận quyền, gây ra sự bất lợi trong việc thu hút khách hàng, mở rộng kinh doanh. Khoản 2 Điều 286 Luật Thương mại năm 2005 (Luật Thương mại) quy định về quyền của thương nhân nhượng quyền trong việc “Tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại” nhưng không có nghĩa đồng thời cấm hay hạn chế quyền tự quảng cáo của thương nhân nhận quyền cho các sản phẩm, dịch vụ được chuyển quyền thương mại. Trong trường hợp bên nhượng quyền mở chiến dịch quảng cáo quy mô để quảng bá thương hiệu với chi phí tốn kém thì việc một số bên nhận quyền mới tham gia vào hệ thống phải chịu khoản kinh phí tự bỏ ra để cùng tham gia sẽ có nguy cơ thiệt hại về kinh tế cho chính bên nhận quyền (hay thời gian thu hồi vốn do bỏ chi phí tham gia quảng cáo quá lớn).
5. Điều chỉnh hành vi thỏa thuận cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống
Điều 11 Luật Cạnh tranh liệt kê cụ thể các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; từ các dạng thỏa thuận này, Điều 12 Luật Cạnh tranh quy định: cấm các thỏa thuận được phân chia theo mối quan hệ trên thị trường liên quan. Do đó, khi bên nhượng quyền và nhận quyền cùng thống nhất nội dung dẫn đến thực hiện thỏa thuận và nếu đó là một trong các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thì sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh.
Thứ nhất, hành vi thỏa thuận thống nhất giá bán cố định hay được xem là “thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” giữa bên nhượng quyền và các bên nhận quyền trong kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ bị điều chỉnh bởi quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Cạnh tranh, là một trong các thỏa thuận bị cấm giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan. Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh lại xem hình thức thỏa thuận giá bán là hành vi ấn định giá do bên nhượng quyền đưa ra. Ấn định giá trực tiếp cho hàng hóa, dịch vụ là đưa ra mức giá cụ thể cho hàng hóa, dịch vụ, còn việc ấn định giá gián tiếp có thể là các thỏa thuận ấn định các thành phần cấu thành nên giá sản phẩm, nguyên liệu thô, cùng thỏa thuận mức giảm giá, chiết khấu giá. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền thương mại được xác định đã vi phạm “Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp”, pháp luật cạnh tranh quy định mức chế tài là phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận và phải chịu các chế tài bổ sung như việc tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm và phải khắc phục hậu quả bằng cách loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh.
Pháp luật cạnh tranh đã đưa ra các quy định cho việc điều chỉnh hành vi thỏa thuận ấn định giá đối với hoạt động thương mại. Tuy nhiên, việc điều chỉnh pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động nhượng quyền thương mại liên quan đến hành vi thỏa thuận ấn định giá cần xem xét, đánh giá mang tính cẩn trọng vì suy cho cùng, hành vi thỏa thuận ấn định giá là bản chất vốn có của hoạt động nhượng quyền thương mại. Đây là một trong các thỏa thuận đảm bảo cho bên nhượng quyền điều tiết, kiểm soát được mối quan hệ trong kinh doanh nhượng quyền góp phần cho hoạt động này phát triển, và có thể xem là sự mong muốn từ đa số các bên nhận quyền với mục đích duy trì, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng nhận biết “tên thương mại” của lĩnh vực đang kinh doanh nhượng quyền.
Thứ hai, hành vi thỏa thuận vị trí kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhượng quyền thương mại trong kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Khi bên nhượng quyền đề ra thỏa thuận vị trí kinh doanh sẽ nhận được sự đồng thuận cao từ các bên nhận quyền. Hành vi thỏa thuận này đã tối ưu lợi thế trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, hạn chế tính cạnh tranh giữa các bên nhận quyền trong cùng hệ thống do việc phân chia rõ các khu vực địa lý. Đây chính là hành vi phân chia khách hàng, phân chia thị trường kinh doanh.
“Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ” là một trong các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được liệt kê tại Điều 11 Luật Cạnh tranh. Hành vi thỏa thuận này cũng bị cấm đối với các doanh nghiệp nhượng quyền thương mại trong kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thỏa thuận vị trí kinh doanh trong hoạt động nhượng quyền thương mại nhằm mục đích phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đã làm hạn chế tính cạnh tranh trên thị trường. Xét trên đặc điểm nhượng quyền thương mại trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thì thỏa thuận vị trí kinh doanh góp phần đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh, thỏa thuận mong muốn đạt được từ cả bên nhượng quyền và nhận quyền, hình thành dạng thỏa thuận buộc phải có trong hợp đồng NQTM. Trong khi đó, dạng thỏa thuận này không đáp ứng được các điều kiện cho phép miễn trừ và như vậy, hoạt động thương mại trong lĩnh vực nhượng quyền kinh doanh đã vi phạm quy định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo pháp luật cạnh tranh.
Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định, hành vi thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ sẽ bị phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận; các hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm cùng với biện pháp khắc phục hậu quả như buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh.
Thứ ba, hành vi thỏa thuận cung ứng nguồn nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ kèm theo trong nhượng quyền thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Thỏa thuận cung ứng nguồn nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ kèm theo là sự thống nhất của bên nhượng quyền và bên nhận quyền, theo đó bên nhận quyền chỉ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trong quá trình hoạt động nhượng quyền thương mại từ sự chỉ định của bên nhượng quyền. Sự thỏa thuận thống nhất trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ kèm theo trong hoạt động nhượng quyền thương mại là thỏa thuận quan trọng để tạo ra sự kết nối, thống nhất trong hệ thống nhượng quyền thương mại, góp phần duy trì tính đồng bộ trong hoạt động nhượng quyền thương mại, trong đó bao gồm cả sự đồng bộ về chất lượng sản phẩm và hình thức bên ngoài của sản phẩm; giúp cho bên nhượng quyền thuận tiện trong việc kiểm soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền – đây là một trong các quyền của bên nhượng quyền được pháp luật quy định; đảm bảo đồng bộ về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ tạo ra từ bên nhận quyền do sử dụng đúng nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể dễ dàng, thuận tiện nhận biết sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu mình mong muốn lựa chọn thông qua danh sách các sản phẩm, dịch vụ được cung ứng, hạn chế được sự giả mạo thương hiệu.
Khoản 5 Điều 11 Luật Cạnh tranh liệt kê thỏa thuận với nội dung trên là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và thỏa thuận này bị cấm mà không phân biệt có cùng thị trường liên quan hay không. Dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, hành vi thỏa thuận nguồn nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ từ các bên trong hoạt động nhượng quyền thương mại đã làm hạn chế cạnh tranh trong thương mại, cụ thể:
Một là, bên nhận quyền xuyên suốt quá trình hoạt động kinh doanh nhượng quyền phải có nghĩa vụ cung ứng đúng loại sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu của bên nhượng quyền, khi đó đã làm hạn chế việc tiếp cận thị trường sản phẩm, dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh, hạn chế cả sự lựa chọn sản phẩm, dịch vụ từ nguồn cung ứng của doanh nghiệp khác.
Hai là, người tiêu dùng khi đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ một bên nhận quyền sẽ bị hạn chế tiếp cận sản phẩm, dịch vụ khác nếu có nhu cầu vì bên nhận quyền chỉ cung ứng đúng số lượng sản phẩm, dịch vụ được chỉ định từ bên nhượng quyền.
Ba là, gây hạn chế cạnh tranh trong cùng hệ thống nhượng quyền, cụ thể là hạn chế sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các bên nhận quyền do không tạo ra được sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ cung ứng trong quá trình kinh doanh.
Từ đó, hành vi thống nhất thỏa thuận giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền trong việc chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ được cung ứng từ một doanh nghiệp cụ thể – bên có mối quan hệ với bên nhượng quyền mà không được sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngoài bên được chỉ định đã hình thành nên thỏa thuận “ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường…”. Đây là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm giữa các doanh nghiệp mà không cần phân biệt có cùng thị trường liên quan hay không theo quy định tại Điều 12 Luật Cạnh tranh. Mức xử phạt đối với hành vi thỏa thuận cung ứng sản phẩm, dịch vụ kèm theo nếu bị chứng minh để ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường sẽ phải đối diện mức phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp. Song song với việc bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, sẽ là tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh.
Thứ tư, Điều 11 Luật Cạnh tranh liệt kê các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; hành vi thỏa thuận nằm ngoài nội dung này sẽ không vi phạm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Do đó, khi bên nhượng quyền đề ra thỏa thuận phải tuân thủ các chương trình quảng cáo, nội dung hoặc hạn chế quyền quảng cáo riêng lẻ thì không bị cấm. Luật Cạnh tranh không quy định thỏa thuận hạn chế quảng cáo vào danh sách các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, và do đó, khả năng bên nhượng quyền áp đặt nghĩa vụ “hạn chế quảng cáo” đối với bên nhận quyền hay việc tham gia bắt buộc vào các chương trình quảng cáo tốn kém đều gây thiệt hại cho bên nhận quyền. Khoản 8 Điều 11 Luật Cạnh tranh quy định, thỏa thuận nhằm buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không phải là đối tượng của hợp đồng sẽ là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, “đối tượng” trong hợp đồng nhượng quyền thương mại ngoài đối tượng chính là “quyền thương mại” mà các bên nhận quyền được sử dụng thì bên nhượng quyền có thể bổ sung các nội dung khác trong hợp đồng nhượng quyền thương mại là “đối tượng” chính khác bên cạnh quyền thương mại, khi đó sẽ không vi phạm về thỏa thuận cạnh tranh.
Trường hợp các bên nhận quyền không chấp nhận thêm “đối tượng” khác trong hợp đồng ngoài quyền thương mại là rất khó. Bởi lẽ, bên nhượng quyền sẽ luôn nắm ưu thế về lập luận và áp đặt nghĩa vụ bất lợi cho bên nhận quyền, vì nếu không chấp nhận thỏa thuận thì bên nhận quyền sẽ không được tham gia vào hệ thống kinh doanh nhượng quyền, bị từ chối chuyển giao quyền thương mại do “việc chuyển giao quyền thương mại sẽ có ảnh hưởng bất lợi lớn đối với hệ thống nhượng quyền thương mại hiện tại”.
6. Giải pháp điều chỉnh thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhượng quyền thương mại trong kinh doanh dịch vụ ăn uống
Một là, dựa trên đặc điểm NQTM với các thỏa thuận của các bên trong quan hệ NQTM, pháp luật cạnh tranh cần xem xét mở rộng điều kiện miễn trừ như sau:
(i) Các thỏa thuận được xem xét miễn trừ phải được ghi nhận bằng điều khoản cụ thể trong Hợp đồng nhượng quyền thương mại,
(ii) Các thỏa thuận này phải đảm bảo tính “hợp lý” dựa trên đặc điểm của hoạt động nhượng quyền thương mại. Việc xem xét tính “hợp lý” của các thỏa thuận chính là sự thể hiện cách tiếp cận áp dụng phân tích kinh tế, pháp luật nhằm đánh giá tính chất hạn chế cạnh tranh của hành vi hay không.
(iii) Hợp đồng nhượng quyền thương mại của các doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực ăn uống phải đăng ký Cơ quan cạnh tranh quốc gia.
Đối với điều kiện (iii), pháp luật cạnh tranh bổ sung quy định hợp đồng nhượng quyền thương mại là loại hợp đồng mẫu. Khi đó, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được ghi nhận trong hợp đồng không phù hợp hoạt động nhượng quyền thương mại hoặc vượt quá phạm vi nhượng quyền thương mại có khả năng gây hạn chế cạnh tranh sẽ không được ghi nhận. Các doanh nghiệp trong kinh doanh nhượng quyền thương mại có thể tham khảo các điều khoản thỏa thuận này để nhận biết nhằm loại bỏ các điều khoản “bất hợp lý” khi đăng ký Hợp đồng mẫu với cơ quan cạnh tranh quốc gia.
Hai là, nhằm đảm bảo tính hợp lý đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, Cơ quan cạnh tranh cần ban hành Bộ tiêu chí đối với các thỏa thuận cơ bản trong nhượng quyền thương mại khi kinh doanh dịch vụ ăn uống, như thỏa thuận thống nhất giá, thỏa thuận chấp nhận cung ứng nguồn nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm cùng chất lượng, thỏa thuận khu vực kinh doanh. Các bên khi tham gia vào thị trường nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể đưa ra các thỏa thuận phù hợp mà không vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Ba là, sửa đổi khoản 8 Điều 11 Luật Cạnh tranh theo hướng bổ sung giải thích thuật ngữ “đối tượng của hợp đồng”. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp nhượng quyền ngoài việc chuyển giao “quyền thương mại” cho các bên nhận quyền là một trong các đối tượng hợp đồng thì có thể thỏa thuận thêm các “đối tượng” khác như việc tuân thủ các nghĩa vụ quảng cáo theo yêu cầu của bên nhượng quyền. Nội dung thỏa thuận quảng cáo không được liệt kê là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và do đó, khi thỏa thuận dạng này được ghi nhận thêm trong hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ không vi phạm pháp luật cạnh tranh. Hình thức tuân thủ nghĩa vụ quảng cáo chung với hệ thống nhượng quyền thương mại là dạng thỏa thuận phổ biến trong thực tế hiện nay; việc hạn chế quyền quảng cáo sẽ làm hạn chế tính cạnh tranh theo nguyên tắc bình đẳng của các doanh nghiệp. Việc bổ sung nội dung này sẽ giúp cho sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh đối với các hoạt động nhượng quyền thương mại được hiệu quả hơn.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập