1. Niêm phong là gì?
Niêm là dính vào, phong là đóng kín lại do đó hiểu nôm na niêm phong là hành động đóng lại, gói lại một loại hàng hóa nào đó nhằm mục đích tránh sự xâm phạm từ các tác nhân bên ngoài. Trên phương diện pháp lý, niêm phong là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện bằng cách sử dụng những phương tiện phù hợp nhằm giữ nguyên trạng đồ vật là vật chứng và tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án để phục vụ công tác giải quyết vụ án.
2. Tại sao cần niêm phong?
Tùy vào từng lĩnh vực hoạt động cụ thể mà việc niêm phong hướng đến những mục đích khác nhau, tuy nhiên mục đích cơ bản và chủ yếu là nhằm giữ nguyên trạng thái của đồ vật, đảm bảo tính bảo mật, khách quan.
3. Việc niêm phong được diễn ra như thế nào?
Thông thường việc niêm phong được tiến thành bởi những người có thẩm quyền, theo những nguyên tắc, trình tự nhất định đồng thời có sự tham gia giám sát của những cá nhân, tổ chức khác có liên quan nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác.
Các công cụ, sản phẩm được dùng để niêm phong rất đa dạng như tem niêm phong, seal niêm phong. Trong đó, tem niêm phong ghi chú những thông tin liên quan đến hàng hóa cần niêm phong như tên sản phẩm, ngày tháng niêm phong, chữ ký của người có thẩm quyền niêm phong,…. Còn seal niêm phong là loại dây rút niêm phong bằng nhựa hoặc thép, cấu trúc gồm ba phần đầu seal, thân seal, cuống seal với chiều dài từ 15 – 30cm và có thể rút được khoảng 2/3 seal khi tiến hành niêm phong.
4. Khi nào cần niêm phong?
Việc niêm phong được tiến hành khi cần bảo đảm giữ nguyên hiện trạng đồ vật nhằm phục vụ những hoạt động cần thiết. Có thể thấy hoạt động niêm phong diễn ra phổ biến trong các trường hợp sau:
4.1. Niêm phong vật chứng
Khái niệm niêm phong vật chứng:
Hoạt động niêm phong vật chứng diễn ra trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tung hình sự, trong đó vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Vật chứng cần phải được niêm phong thì phải tiến hành niêm phong ngay sau khi thu thập trừ các trường hợp sau: Vật chứng là động vật, thực vật sống; vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong. Niêm phong vật chứng là việc bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng bằng cách:
– Đưa vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn, bao gồm gói, đóng hộp, đưa vào thùng, chai, lọ và các hình thức khác (gọi là đóng gói, đóng kín) và dán giấy niêm phong đè lên nhũng phần có thể mở để lấy, đổi vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng.
– Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng.
– Đối với một số loại vật chứng có thể sử dụng khóa, kẹp dây chì, dây thép và các hình thức khác để bao bọc vật chứng sau đó dán giấy niêm phong.
Nguyên tắc niêm phong vật chứng:
Việc niêm phong vật chứng phải tuân theo các nguyên tắc cụ thể sau:
– Chỉ thực hiện niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
– Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này.
– Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.
Người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng:
Người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên; cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đang thụ lý vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của họ là: Chủ trì thực hiện niêm phong vật chứng; mời, triệu tập người tham gia niêm phong vật chứng; kiểm tra vật chứng cần niêm phong; chuẩn bị điều kiện cần thiết để niêm phong vật chứng; ký, ghi rõ họ tên vào giấy niêm phong; chú thích họ tên người điểm chỉ (nếu có) vào giấy niêm phong; đóng gói hoặc đóng kín vật chứng (đối với vật chứng đóng gói hoặc đóng kín được) và dán giấy niêm phong; kiểm tra niêm phong của vật chứng; ký, ghi rõ họ tên vào biên bản niêm phong vật chứng; chú thích họ tên người điểm chỉ (nếu có) vào biên bản niêm phong vật chứng.
Người tham gia niêm phong vật chứng:
Người tham gia niêm phong vật chứng gồm: Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng; người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có); người bào chữa (nếu có). Đồng thời người tham gia niêm phong vật chứng có những trách nhiệm như sau: Có mặt tham gia niêm phong vật chứng khi có yêu cầu của người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng; chứng kiến quá trình niêm phong vật chứng; ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ vào giấy niêm phong vật chứng; tham gia kiểm tra niêm phong của vật chứng; ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ vào biên bản niêm phong vật chứng.
Trình tự, thủ tục niêm phong vật chứng:
Việc niêm phong vật chứng được thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
– Chuẩn bị thực hiện niêm phong vật chứng:
+ Người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng mời hoặc triệu tập người tham gia niêm phong vật chứng.
Trong trường hợp người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong bị mất năng lực hành vi theo quy định của pháp luật hoặc đã chết, thì người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng mời người thân thích hoặc người đại diện hợp pháp của họ tham gia niêm phong vật chứng.
Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng cần niêm phong là bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam thì khi niêm phong, người tổ chức thực hiện niêm phong mời người thân thích của họ hoặc người bào chữa của họ (nếu có) hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tổ chức niêm phong vật chứng chứng kiến.
Đối với vật chứng cần điều kiện bảo quản đặc biệt như chất độc, chất phóng xạ, chất nổ, chất cháy, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại, mẫu máu, mô, bộ phận cơ thể người và các mẫu vật khác của cơ thể người hoặc vật chứng khác có tính chất tương tự phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn khi thực hiện niêm phong vật chứng. Trường hợp cơ quan chuyên môn chưa đến kịp mà xét thấy cần phải niêm phong ngay để bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng thì vẫn có thể thực hiện niêm phong vật chứng nhưng phải bảo đảm an toàn.
Đối với vật chứng không thể niêm phong được tại hiện trường, thì phải niêm phong từng phần hoặc những phần quan trọng, sau đó đưa về địa điểm do cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ án quyết định để tiến hành niêm phong theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này.
+ Chuẩn bị những điều kiện cần thiết để niêm phong vật chứng.
Người chủ trì tổ chức niêm phong vật chứng phải chỉ đạo chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện cần thiết để phục vụ cho việc niêm phong, dán giấy niêm phong, bảo quản, di chuyển vật chứng.
– Thực hiện niêm phong vật chứng:
+ Kiểm tra vật chứng cần niêm phong để mô tả cụ thể, đầy đủ, chính xác thực trạng của vật chứng vào biên bản niêm phong vật chứng.
+ Đóng gói hoặc đóng kín vật chứng cần niêm phong (trường hợp vật chứng đóng gói hoặc đóng kín được.
+ Những người tổ chức thực hiện niêm phong, tham gia niêm phong vật chứng ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên người điểm chi) vào giấy niêm phong (viết hoặc điểm chỉ rõ ràng bằng mực khó phai).
+ Đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng hoặc của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng vào giấy niêm phong.
+ Dán giấy niêm phong.
Đối với vật chứng đóng gói hoặc đóng kín, giấy niêm phong phải dán đè lên những phần có thể mở được để lấy vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng.
Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được, giấy niêm phong phải dán đè lên những phần quan trọng có tính xác định nguồn gốc, xuất xứ, đặc trưng của vật chứng và những phần ghép, nối của vật chứng.
Tùy từng trường hợp cụ thể, phải có hình thức bảo vệ giấy niêm phong cho phù hợp với điều kiện vận chuyển và bảo quản.
+ Kiểm tra niêm phong của vật chứng (giấy niêm phong phải đảm bảo không bị rách, biến dạng; không bị mất, biến dạng các thông tin ghi trên giấy niêm phong).
– Kết thúc niêm phong vật chứng:
Lập biên bản niêm phong vật chứng. Biên bản phải mô tả đúng thực trạng của vật chứng trước và sau khi niêm phong, có đầy đủ chữ ký, họ tên hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên người điểm chỉ) của những người tổ chức thực hiện, tham gia niêm phong vật chứng theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này. Biên bản được lập, đưa vào hồ sơ vụ án và giao 01 bản cho người, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong.
Trong trường hợp người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong, người bào chữa không ký vào biên bản niêm phong, giấy niêm phong, thì người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng phải lập biên bản ghi rõ lý do với sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng.
Trong nhũng trường hợp: Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (hoặc người thân thích, đại diện hợp pháp của họ), người bào chữa không có mặt hoặc không đến, không có lý do chính đáng theo yêu cầu của cơ quan, người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng; vật chứng không có chủ sở hữu hoặc chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp thì phải lập biên bản, ghi rõ lý do và yêu cầu những người tham gia niêm phong ký vào biên bản.
4.2. Niêm phong đề thi và bài thi
Sự công bằng, minh bạch trong các kỳ thi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với không chỉ các thí sinh tham dự kỳ thi mà còn ảnh hưởng đến các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác trong toàn xã hội. Để đảm bảo các kết quả mà các thí sinh đạt được trong kỳ thi không có sự gian lận, phản án đúng năng lực của họ thì cần phải tiến hành các hoạt động niêm phong để đề thi được bảo mật, kết quả làm bài của thí sinh không có sự tác động vì mục đích tư lợi từ các yếu tố bên ngoài. Cụ thể, trong các Kỳ thi THPT quốc gia, nhãn niêm niêm phong túi đựng phải được làm bằng loại giấy pelure, mỏng, độ bám dính cao, khi bóc là rách; có chiều rộng là 4,5cm và chiều dài là 8cm. Bên ngoài túi bài thi phải ghi đầy đủ các thông tin: Hội đồng thi, điểm thi, phòng thi, buổi thi (thời gian, ngày thi); tên bài thi, họ tên, chữ ký của 2 cán bộ coi thi; họ tên, chữ ký của Trưởng điểm thi và Phó trưởng điểm thi là cán bộ của trường đại học, cao đẳng phối hợp. Cán bộ coi thi bàn giao bài thi cho Trưởng điểm thi, khi bàn giao bài thi cho Trưởng điểm thi, cán bộ coi thi phải cùng ký kiểm đếm bài thi, niêm phong túi bài thi. Bài thi phải được bảo bảo quản trong tủ riêng biệt, không để chung với tủ đựng đề thi. Tủ đựng đề thi, bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong. Nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi là người của trường đại học, cao đẳng phối hợp, chìa khóa do Trưởng điểm thi giữ. Ngoài ra, khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong; đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong, biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của Trưởng điểm thi và những người chứng kiến. hu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày và phải bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải bảo đảm an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày; có một Phó trưởng Điểm thi là người của trường phổ thông không có thí sinh dự thi tại Điểm thi trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi. Riêng trong các ngày thi, thời gian trực tại phòng bảo quản đề thi, bài thi của Phó trưởng Điểm thi được tính kể từ thời điểm kết thúc công việc của buổi thi cuối ngày thi trước đến thời điểm bắt đầu công việc buổi thi thứ nhất của ngày thi hôm sau.
5. Việc niêm phong được quy định tại đâu?
Nhìn chung, tùy vào từng lĩnh vực cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục cho hoạt động niêm phong của tổ chức mình. Hoạt động niêm phong vật chứng có thể được tìm thấy trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Ngoài ra, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 11 năm 2017 nhằm quy định khái niệm, nguyên tắc; trình tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đối với hoạt động niêm phong đề thi và bài thi thì tùy từng Kỳ thi cụ thể mà các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ ban hành những văn bản hướng dẫn cho phù hợp. Ví dụ, hoạt động niêm phong đề thi và bài thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được quy định trong Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT.