1. Nộp đơn tố cáo lừa đảo ở đâu ?

Thưa Luật sư của LVN Group, tôi bị một người ở Sài Gòn lừa đưa người sang nước ngoài lừa đảo lấy tiền của tôi đã gần 2 năm mà tôi lại ở Nghệ An. Vậy tôi phải làm sao để lấy được tiền và muốn gửi đơn tố cáo tôi phải gửi ở đâu ?
Xin tư vấn sớm giúp tôi. Cảm ơn Luật sư của LVN Group nhiều!

>> Luật sư tư vấn hình sự trực tuyến, gọi:1900.0191

 

Trả lời:

Hành vi của người lừa đưa người sang nước ngoài lấy tiền của bạn có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiểm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì:

Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Do vậy, bạn có thể tố giác hành vi lừa đảo chiểm đoạt tài sản của người kia với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác.

2. Cách xử lý hành vi lừa đảo có tổ chức?

Thưa Luật sư! Ngày 11 tháng 9 năm 2015 qua sự giới thiệu của một người môi giới, tôi mua một chiếc xe tải nhỏ với giá 60 triệu đồng, anh ta xin 1 triệu. Nghĩ là tiền dịch vụ nên tôi đồng ý, tôi nói với bố mẹ, bố mẹ không đồng ý. Anh môi giới này nói với bố mẹ rằng chủ xe bán trong vòng 1 tháng sẽ mua lại xe vì anh ta đang chạy cầm bằng để khoán cho mấy người mua bán xe.
Bố mẹ tôi đã đồng ý đưa tiền cho tôi và nói khi nào tôi lên coi xe thì đồng ý mua. mẹ của anh môi giới đó nói với tôi bán 1 tháng rồi cầm bằng khoảng 1 tỷ sẽ mua lại trong thời gian đợi người bán cho tôi. Anh đó nói vợ anh ta đang cầm giấy tờ lên uỷ ban công chứng. Chiều thứ 6, lúc 2h vợ anh nói người trên ủy ban đi học hết rồi nên không ai làm công chứng, xong bảo tôi đưa 60 triệu. Họ viết cho tôi 1 tờ giấy bán có 2 vợ chồng ghi tên người làm chứng nhận tiền, sáng thứ 7 ngày hôm sau sẽ đi làm công chứng nhưng tôi không chịu. Họ nói đưa sổ hộ khẩu cho tôi và tôi đã đồng ý.
Tới ngày sau họ vẫn chưa đi làm công chứng. Ngày 19.9.2015 tôi tới và họ nói giấy tờ xe bị công an giao thông bắt, họ viết cho tôi 1 cam kết trong vòng 30 ngày sẽ làm công chứng. Hôm nay tôi lại lên gặp và nói đưa xe hoặc trả lại tôi 60 triệu và họ lại hứa. Giờ tôi muốn kiện những người này tội lừa đảo có tổ chức có được không?
Tôi xin cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài 24/7: 1900.0191

 

Trả lời:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

….

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Như vậy, ​để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi vi phạm phải đáp ứng các yếu tố: “dùng thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản của người khác”. Do đó, trong trường hợp này, để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự, bạn phải chứng minh nhóm người này dùng thủ đoạn gian dối thông qua việc hứa bán xe để lừa tiền của bạn, số tiền chiếm đoạt là 60 triệu đồng.

Cụ thể, 4 yếu tố cấu thành tội phạm (Khách thể của tội phạm; Chủ thể của tội pham; Mặt khách quan của tội phạm; Mặt chủ quan của tội phạm) được thể hiện như sau:

1. Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

2. Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách gian dối. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt.

a. Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản:

– Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

– Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối

Ở đây thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

– Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt (chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng), thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.

Do đó, thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 dấu hiệu là: Thứ nhất, người phạm tội đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, trái sự thật, nói không thành có, nói ít thành nhiều, tẩy xóa con số để được nhiều hơn),… ; Thứ hai, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Thỏa mãn 2 yếu tố này mới cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

b. Ngoài ra, còn có dấu hiệu khác về giá trị tài sản chiếm đoạt, đó là giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên.

4. Mặt chủ quan của tội phạm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt cấu thành tội lạm dụng tín nhiếm chiếm đoạt tài sản. Vì trong một số trường hợp phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định

Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Nếu sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng ( như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).

 

3. Cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ?

Chào Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Anh A làm việc trong công ty B. Công ty B có hợp đồng với công ty C gia công sản phẩm đồng thời chịu trách nhiệm quản lí sản phẩm tại kho của công ty C. Anh A lấy hàng của công ty B trong kho của công ty C (hàng công ty B do thủ kho bên C quản lí), có trả tiền lấy hàng cho bên công ty C.Trong giấy xuất kho của công ty C có ghi rõ người nhận hàng là B, đồng thời ghi rõ lý do là: “bán” với số tiền là X. Nếu như công ty B tố cáo A tội chiếm đoạt tài sản thì A có bị chịu trách nhiệm về tội chiếm đoạt tài sản không?
Mong Luật sư của LVN Group tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Nội dung câu hỏi của bạn chưa đề cập rõ về việc anh A lấy hàng của công ty B với tư cách gì, tại sao bên C lại đồng ý giao hàng cho anh A với phần người nhận hàng là B, số tiền X này anh A đã thanh toán hay cụ thể về vấn đề thanh toán thỏa thuận với bên C như thế nào? Nếu A có hành vi bỏ trốn, không hợp tác trả lại tiền thì họ có thể tố cáo lên cơ quan điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của A, kèm theo đó là các chứng cứ mà họ có, cụ thể:

Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

 

4. Tố cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tôi có đơn tố cáo sai sự việc chiếm đoạt tài sản ? Khi tới công an giải quyết thì tôi bị vu khống, bên công an cố tình không trả lời tôi ? Vậy tôi muốn luật sư tư vấn cho tôi làm đơn gửi bên công an trả lời tôi bằng văn bản theo đúng pháp luật ?
Cảm ơn!
 

Trả lời:

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vu khống như sau:

Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, nếu hành vi này cấu thành tội vu khống theo quy định trên thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án và bạn sẽ không có quyền yêu cầu cơ quan này trả lời bằng văn bản mà có thể dựa vào quyết định khởi tố để có căn cứ về trường hợp của mình.

Nếu như đối tượng mà bạn tố cáo hoàn toàn không có dấu hiệu nào đối với hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản mà phía cơ quan điều tra xác định được việc bạn làm là nhằm mục đích bôi nhọ danh dự của người khác, bịa đặt rằng họ phạm tội rồi tố cáo với cơ quan có thẩm quyền thì có thể bạn sẽ bị xem xét về việc truy tố theo tội vu khống nêu trên.

 

5. Tố giác tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ?

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản X lừa tôi thuê công ty làm môi giới bán bất động sản, tôi ký hợp đồng thỏa thuận với công ty do ông Y làm giám đốc:
Công ty chịu trách nhiệm rao bán và môi giới cho người mua đất của tôi, trong thời hạn 1 tháng. Nếu bán được tôi trả cho công ty 0,3% giá bán, nếu không bán được, công ty hoàn lại cho tôi số tiền 1.500.000đ ( một triệu rưởi). Đến ngày hết hợp đồng tôi liên hệ với công ty nhiều lần nhưng không được giải quyết, ngày 24/5.2016, tôi đến địa chỉ trên thì được biết công ty đã thanh lý hợp đồng với bên cho thuê trước đó rồi. Trong trường hợp này tôi tố cáo với cơ quan nào? Tiền lừa đảo tôi chỉ một triệu rưỡi, không đáng gì, nhưng chỉ sợ chúng còn lừa gạt nhiều người khác nữa ?
Cảm ơn Luật sư của LVN Group nhiều.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến: 1900.0191

 

Trả lời:

Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ

Như vậy, thực tế trong trường hợp này theo thông tin bạn cung cấp thì vẫn chưa xác định được một cách chắc chắn về “thủ đoạn gian dối” của phía Công ty X với bạn, mà có thể cân nhắc về việc công ty X này đã không thực hiện đúng thỏa thuận với bạn như ban đầu.

Do đó, tranh chấp này có thể giải quyết theo quy định của pháp luật về Dân sự – tranh chấp liên quan đến giao dịch dân sự theo quy định của Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khi đó thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty X đặt trụ sở.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì về ý kiến tư vấn xin hãy liên hệ với tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900.0191 để được tư vấn trực tiếp. Trân trọng ./.