Nhưng khi tôi ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm với tôi thì chỉ ký mức lương là 3.500.000 đồng mà tôi có bằng Đại học. Vậy xin cho hỏi: Việc công ty ký hợp đồng lao động với tôi với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng có đúng quy định của pháp luật không? Tôi phải làm gì để bảo đảm quyền lợi cho mình?

Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý: 

Bộ luật Lao động năm 2012

Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP

 Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

2. Luật sư tư vấn:

Căn cứ theo Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về tiền lương:

“1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.”

Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 3 Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận Thành phố Hà Nội là 3.980.000 đồng/tháng. Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, tức là đối với khu vực này phải ít nhất là 4.258.600 đồng. Do vậy, việc công ty bạn ký hợp đồng lao động với bạn mà mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định là không đúng với quy định của pháp luật. Công ty của bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.

Căn cứ khoản 4 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định về vi phạm tiền lương:

“4. Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây: 

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; 

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; 

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên. “

Như vậy, trong trường hợp này, bạn nên thỏa thuận lại với công ty để được trả một mức lương phù hợp đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn. Ngược lại, nếu công ty của bạn không đồng ý, bạn có thể đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động hoặc bạn có thể nộp đơn Khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này là Chủ tịch Ủy ban nhân cấp huyện, quận, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra lao động.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về yêu cầu của bạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group