1. Về mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh:

Bộ luật Lao động năm 2019, tại khoản 1 Điều 2, bổ sung thêm đối tượng “Người làm việc không có mối quan hệ lao động” thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật. Từ đó, có thể hiểu Bộ luật Lao động năm 2019 đã mở rộng phạm vi áp dụng, không còn chỉ điều chỉnh các mối quan hệ lao động (hình thành trên cơ sở hợp đồng lao động) mà còn điều chỉnh cả những đối tượng làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng họp đồng lao động.

Quy định này là sự thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, đó là “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” (khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013), đồng thời thể hiện sự phù hợp vớỉ khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, thích ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động, thúc đẩy áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động không có quan hệ lao động và góp phần dịch chuyển lao động từ khu vực không có quan hệ lao động sang khu vực cọ quan hệ lao động.

Từ việc mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, Bộ luật đã đồng thời bổ sung các quy định khác cho phù hợp, cụ thể là quy định chính sách của Nhà nước về lao động: “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động” (khoản 1 Điều 4); “Áp dụng một số quy định của Bộ luật này đối với người làm việc không có quan hệ lao động” (khoản 3 Điều 4); Thực hiện quản lý nhà nước đối với lao động này “Thúc đẩy việc áp dụng quy định của Bộ luật này đối với người làm việc không có quan hệ lao động” (khoản 4 Điều 212).

Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý cụ thể đối với đối tượng này về các lĩnh vực tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,… không được thể hiện trong Bộ luật mà chỉ có các quy định chủ yếu mang tính định hướng. Chẳng hạn, tại khoản 3 Điều 220 quy định:

“Chế độ lao động đối với… người làm việc không có quan hệ lao động do các văn bản pháp luật khác quy định nhưng tùy từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật này”.

2. Sửa đổi quy định về giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định tên chương IV là “Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề”. Song tiêu đề này có vấn đề trùng lặp và nhất là không thống nhất với Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Bởi vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 đã thay đổi tên chương thành “Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề”, theo đó nội dung chỉ chú trọng giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người học nghề để làm việc cho đơn vị hoặc cho người lao động đang làm việc trong đơn vị. Trường hợp người học nghề để tự tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm do Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 điều chỉnh.

Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung thêm quy định liên quan đến thời gian học nghề, tập nghề. Theo đó, thời gian học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thời hạn tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động không quá 03 tháng. Trong đó, quy định cụ thể về học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động và tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động. Cụ thể: “Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc”, “Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc”. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đãng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao (Điều 61).

3. Sửa đổi quy định về thanh tra lao động

Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ quy định một điều chung về thanh tra lao động, vì thế không rõ ràng trong việc xác định các loại thanh tra lao động và thẩm quyền của thanh tra lao động. Bởi vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ ràng hơn về nội dung thanh tra lao động; thanh tra chuyên ngành về lao động; quyền của thanh tra lao động. Theo đó cũng đảm bảo phù hợp với Công ước số 81 năm 1947 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại, nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đảm bảo tuân thủ pháp luật trên thực tiễn.

Luật LVN Group (phân tích)