Nhà tôi thời điểm trong sổ hộ khẩu có 4 người, trong đó gồm có bà nội tôi là chủ hộ, và còn có bố, mẹ tôi và tôi. Nhà tôi được ubnd xã cấp cho 4 sào ruộng. Bà nội tôi trước khi mất đã có nói bố mẹ tôi là sau này sẽ để lại cho tôi 1 sào. Tuy không có di chúc nhưng tôi được biết là theo điều 678 luật dân sự năm 1995 có mục a khoản 1 có quy định người thừa kế được hưởng tài sản mà không có di chúc để lại. Năm 2011, số đất ruộng đó đã được nhà nước để quy hoạch làm khu dân cư với giá đền bù là 80 triệu vnđ/ sào. Thời điểm đó, là tôi đã đủ 18 tuổi để được quyền thừa kế và đủ tuổi để để chịu những quy định về hành vi trước pháp luật. Nhưng tôi đã nói với bố mẹ tôi là giao lại quyền sở hữu đó cho tôi thì họ không đưa mà chiếm đoạt làm của riêng. Vậy giờ tôi làm khiếu nại ra sao để yêu cầu họ phải giao lại số tài sản thuộc về tôi ?
Xin luật LVN Group tư vấn giúp tôi và mong nhận được tư vấn hồi âm. .
Trả lời:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Dân sự 1995 (Bộ luật dân sự năm 2005; Bộ luật dân sự năm 2015)
Luật đất đai năm 1993 (Luật đất đai năm 2003; Luật đất đai năm 2013)
2. Luật sư tư vấn:
Thời điểm bà nội bạn mất và việc chia di sản thừa kế được diễn ra khi bộ luật Dân sự 1995 có hiệu lực, vậy căn cứ vào bộ luật này, chúng tôi xin giải đáp thắc mắc về việc chia di sản lúc đó như sau:
Điều 654 quy định về di chúc miệng như sau:
1- Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản, thì có thể di chúc miệng. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
2- Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt, thì di chúc miệng bị huỷ bỏ.
Như vậy, việc bà nội bạn trước khi mất đã có nói bố mẹ bạn là sau này sẽ để lại cho bạn 1 sào có xảy ra ngay trước khi bà nội bạn qua đời trước ít nhất 2 người làm chứng hay không, nếu có thì việc đó có được ghi chép lại và được bà nội bạn ký tên hoặc điểm chỉ hay không? Chỉ khi thỏa mãn các điều kiện trên thì di chúc bằng miệng của bà nội bạn mới hợp pháp. Nếu không, việc chia di sản sẽ được tiến hành theo quy định về chia thừa kế theo pháp luật.
Điều 679 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.
2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, thì bố của bạn mới là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, được quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật hợp pháp. Do đó, bạn không có quyền thừa kế mảnh đất bạn đang muốn tranh chấp. Nếu bạn tiến hành khiếu nại thì cũng không có đủ căn cứ chứng minh phần đất đó thuộc về bạn và sẽ không được tòa án thụ lý..
Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group về Phân chia đất ruộng không có di chúc được quy định như thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Đất đai – Công ty luật LVN Group