1. Phản cung là gì?

Phản cung là đưa ra lời khai lần sau ngược lại hoàn toàn, phủ nhận một phần hay toàn bộ lời khai trước đây mà bị can, bị cáo hoặc những người tham gia tố tụng khác đã cung cấp trong quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự.

Trong thực tế, việc phản cung của những người nói trên có thể xảy ra ở giai đoạn điều tra nhưng cũng có thể xảy ra ở giai đoạn xét xử về những mục đích khác nhau. Phản cung có thể do bị xúi giục, mua chuộc, khống chế, cũng có thể do ngoan cố, trốn tránh trách nhiệm hoặc bị oan sai. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thận trọng khi xem xét, nghiên cứu lời phản cung, đồng thời, phải kiểm tra, đánh giá tất cả những tình tiết liên quan đến vụ án để xác định lời phản cung đó có đúng hay không và nhằm mục đích gì.

2. Pháp luật hình sự Việt Nam có quy định cụ thể về phản cung không?

Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định nào cụ thể nói về việc “phản cung” trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên quyền được “phản cung” được các nhà làm luật lồng ghép xuyên suốt trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự cũng như hành chính.

Cụ thể tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015, các lời khai của người làm chứng, bị hại… được quy định từ Điều 91 đến Điều 98 của Bộ luật này. Tại cụ thể từng điều, BLTTHS quy định về lời khai của các cá nhân này. Không có quy định nào đề cập riêng về việc thay đổi lời khai, cũng như toàn bộ quy định về TTHS cũng không có quy định nào về việc “phản cung”.

Tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cũng không có quy nào đề cập về việc thay đổi lời khai trong quá trình tố tụng. Điều tương tự cũng được thể hiện xuyên suốt trong Luật tố tụng hành chính 2015.

Mặc dù trong các quy định tố tụng không có quy định nào cụ thể về việc quyền được phản cung của các cá nhân, tổ chức tham gia tố tụng. Nhưng pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào cấm hành vi này. Như vậy, các cá nhân, tổ chức tham gia trong quá trình tố tụng được quyền “phản cung” trong xuyên suốt quá trình tố tụng diễn ra.

Cụ thể, theo BLTTHS 2015 quy định:

“Điều 91. Lời khai của người làm chứng

1. Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 92. Lời khai của bị hại

1. Bị hại trình bày những tình tiết về nguồn tin về tội phạm, vụ án, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội và trả lời những câu hỏi đặt ra.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do bị hại trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 93. Lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự

1. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 94. Lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Điều 95. Lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ

Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.

Điều 96. Lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm

Người tố giác, báo tin về tội phạm trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ tố giác, báo tin về tội phạm.

Điều 97. Lời khai của người chứng kiến

Người chứng kiến trình bày những tình tiết mà họ đã chứng kiến trong hoạt động tố tụng.

Điều 98. Lời khai của bị can, bị cáo

1. Bị can, bị cáo trình bày những tình tiết của vụ án.

2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.”

3. Hậu quả pháp lý của việc phản cung

Câu trả lời là có thể có. Bởi theo quy định tại Điểm S Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, việc thành khẩn khai báo là tình tiết được xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bị cáo trong tố tụng hình sự có sự “phản cung”, tức là có sự không nhất quán trong lời khai, dễ bị coi là “quanh co chối tội” và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự kể trên rất có thể sẽ không được Tòa xem xét trước khi đưa ra bản án cuối cùng.

4. Ví dụ minh hoạ về ph trong hoạt động điều tra và xét xử

4.1. Tóm tắt vụ án

Vụ án được tóm tắt theo cáo trạng số 40/KSĐT- TA ngày 4/7/2017 do VKSND TX Phúc Yên truy tố như sau:

Do mâu thuẫn cá nhân trên mạng xã hội nên khoảng 15h ngày 12/4/2016, Nguyễn Quang Sự (SN 1999, trú ở TT.Gia Khánh, huyện Bình Xuyên) đã rủ Trần Quỳnh Anh (SN 1994, trú ở xã Bá Hiến), Đặng Văn Ngọc (SN 1997), Đặng Văn Hoàng (SN 1997), đều trú tại xã Thiện Kế,huyện Bình Xuyên, Phan Văn Chiến (SN 1993, trú xã Trung Mỹ), Nguyễn Văn Thắng (SN 1995), Nguyễn Văn Soi (SN 1997), đều trú xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, đồng ý tới đánh Nguyễn Văn Quân (SN 1997, trú xã Sơn Lôi) đang ở khu vực bờ hồ Đại Lải.

Tại đây, Sự là người cố tình tìm cớ gây sự đánh nhau trước với Quân. Lúc này, có Nguyễn Văn Tuyên (SN 1999, trú tại Sơn Lôi, Bình Xuyên) là một trong hai người bạn đi cùng Quân có phản kháng lại thì bị cả nhóm 7 người trên đánh hội đồng. Quân và người bạn còn lại bỏ chạy được nên không bị thương tích.

Trong quá trình gây án, Sự nhặt một hòn đá kích thước 7x10cm đập một nhát vào đầu bên phải làm Tuyên bất tỉnh, chảy máu vùng đầu. Sau đó, Sự vứt hòn đá xuống hồ Đại Lải. Sau đó, cả nhóm ra về.

Nạn nhân Tuyên bị thương tích rồi dẫn tới hôn mê, đã được điều trị ở một số bệnh viện ở Vĩnh Phúc và Hà Nội nhưng đến ngày 16/10/2016 thì tử vong – sau hơn 6 tháng xảy ra sự việc.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TX Phúc Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng nêu trên để điều tra và bị đề nghị truy tố theo khoản 3, điều 104, BLHS 1999, về tội: “Cố ý gây thương tích”. Riêng trường hợp của Đặng Văn Hoàng do đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã có quyết định tách vụ án hình sự xử lý sau.

4.2. Diễn biến hoạt động xét xử

Vào các ngày 25 và 26/9/2017 vừa qua, Tòa án nhân dân TX Phúc Yên đã đưa vụ án nêu trên ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, diễn biến tại phiên tòa xuất hiện nhiều tình tiết bất thường, các bị cáo Sự, Chiến, Thắng và Ngọc đồng loạt phản cung, khai bị ép phải nhận tội, quá trình điều tra có nhiều dấu hiệu không khách quan dẫn tới oan sai, phải đợi đến ngày tòa ra xét xử công khai các bị cáo mới có cơ hội nói sự thật. Đồng thời, các bị cáo cho rằng bị truy tố về tội: “Cố ý gây thương tích” là không có căn cứ.

Vì thế, lời khai báo của các bị cáo tại cơ quan điều tra và tại tòa có sự thay đổi, xuất hiện những điểm mâu thuẫn không thống nhất dẫn tới việc khó xác định lời khai nào có giá trị chứng minh.

Đối với bị cáo Nguyễn Quang Sự khai ban đầu tại cơ quan điều tra không tham gia đánh nhau, chỉ chứng kiến sự việc nói trên (được thể hiện tại bản tự khai ngày 25/4). Nhưng tại đơn đầu thú ngày 23/9/2016, và các biên bản ghi lời khai tiếp theo lại nhận rằng có hành vi đánh anh Tuyên.

Sau đó, từ ngày 19/10/2016, khi có Luật sư của LVN Group bào chữa tham gia lấy lời khai Sự đã phủ nhận toàn bộ nội dung những lời khai trước. Tại tòa án sơ thẩm công khai, một lần nữa Sự phản cung phủ nhận hoàn toàn việc tham gia đánh Tuyên.

Trường hợp của Sự là người chưa thành niên nhưng cơ quan điều tra đã không tuân thủ quy định của pháp luật là buộc phải có người giám hộ khi tiến hành các thủ tục hỏi cung, xét hỏi.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Sự và người giám hộ là mẹ bị cáo, bà Đặng Thị Yên (SN 1977) cáo khẳng định tại thời điểm viết đơn đầu thú và biên bản lời khai ngày 23/9/2016, không có sự chứng kiến tham gia của bà Yên. Chữ ký của bà Yên do điều tra viên ký bổ sung sau khi đã kết thúc buổi làm việc.

Do đó, có thể khẳng định những bản lời khai trên là vi phạm pháp luật và không có giá trị chứng minh

Vì vậy, khi có mặt của Luật sư của LVN Group bào chữa, đặc biệt tại phiên tòa sơ thẩm công khai, bị cáo Sự khẳng định mình bị oan, lý do thay đổi lời khai vì trước đây là do sự ép buộc của cán bộ điều tra.

Bị cáo Nguyễn Văn Thắng tại phiên tòa công khai liên tục kêu oan, trong quá trình lấy lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo khai không biết vụ việc gây thương tích cho anh Tuyên nhưng bị đánh sưng tím chân tay, ép phải nhận tội. Do không chịu được đòn đau nên phải nhận tội và viết theo hướng dẫn…

Tương tự, bị cáo Phan Văn Chiến và Đặng Văn Ngọc cũng đồng loạt phản cung cho biết, bị bức cung ép viết vào những bản khai theo sự hướng dẫn của cán bộ điều tra. Do sợ bị dùng nhục hình nên âm thầm làm theo đợi đến ngày ra tòa xét xử công khai mới dám nói lên sự thật.

Lời khai nhân chứng cũng bị bóp méo?

Trong vụ án này, theo truy tố của VKS cho thấy các bị cáo trước khi gây án đã có liên hệ với nhau bằng điện thoại di động, nhưng khi cơ quan điều tra thu hồi để trích xuất dữ liệu điện tử nhưng không chứng minh được các bị cáo đã liên lạc cho nhau như trên.

Đồng thời, những người thân của bị cáo Thắng, Chiến, Ngọc lại khẳng định những bị cáo này có bằng chứng ngoại phạm. Tuy nhiên, tình tiết này đã không được cơ quan điều tra “lưu tâm” làm rõ trong quá trình điều tra. Đây có thể là một thiếu sót dẫn tới việc chứng minh tội phạm chưa thuyết phục.

Trong khi đó, lời khai của những người làm chứng cũng mâu thuẫn, thiếu cơ sở khẳng định lời khai nào là trung thực có giá trị chứng minh.

Trong vụ án này, Nguyễn Văn Quân là nhân chứng quan trọng vì có mâu thuẫn từ trước và chứng kiến toàn bộ sự việc. Tuy nhiên, lời khai của Quân cũng có nhiều điểm mâu thuẫn không thống nhất.

Cụ thể, ngay sau khi xảy ra sự việc, Quân khai tại cơ quan điều tra “nhóm thanh niên đánh Tuyên gồm 4 người và không biết ai trong nhóm đó”; “ngoài nhóm thanh niên gây thương tích còn có 4 bạn nữ đứng chơi trước đó và anh Nguyễn Quang Sự vẫn đang đứng đó” (lời khai ngày 21/4/2016).

Quân khẳng định Sự không đánh gây thương tích cho Tuyên. Đến này 25/8/2016, tại bản khai khác Quân vẫn khẳng định: “trong những người có mặt ở nơi xảy ra sự việc thì tôi có biết mặt nam thanh niên tên là Nguyễn Quang Sự, nhưng anh Sự chỉ đứng ở trên không xuống đánh chúng tôi”.

Theo tư duy logic và tâm lý thông thường thì đây là những lời khai đầu tiên, gần với thời điểm xảy ra vụ việc.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là những bản lời khai về sau Quân lại khai đối lập hoàn toàn với nội dung trước đây, cho rằng những bị cáo nói trên đều tham gia và đánh Tuyên.

Tại lời khai (ngày 18/5/2017), Quân có đưa ra lời giải thích: “có sự thay đổi lời khai là do trước đây nhớ nhầm, lời khai hôm nay mới là sự thật”?. Còn tại phiên tòa sơ thẩm, Quân lại vắng mặt nên không được xét hỏi để làm rõ thêm những mâu thuẫn trong vụ án.

Một nhân chứng quan trọng khác là Triệu Thị Lan (SN 1997, Lục Yên, tỉnh Yên Bái) trong nhóm 4 người đi chụp ảnh cùng với Sự, trực tiếp chứng kiến sự việc.

Trong lời khai ban đầu, thể hiện Lan cùng Sự và 3 người bạn khác lên hồ Đại Lải chơi, chứng kiến một nhóm thanh niên đánh Tuyên nhưng không biết ai trong số đó.

Thế nhưng sau đó, tại bản lời khai 24/9/2016, Lan khai nhóm thanh niên đánh Tuyên có cả Sự.

Đặc biệt, trong quá trình giải quyết vụ án, chị Triệu Thị Lan đã có đơn thư phản ánh, tố cáo về sai phạm của cán bộ điều tra đã ép phải khai theo sự hướng dẫn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, một lần nữa, Lan lại thay đổi lời khai cho biết, bị cáo Sự không tham gia đánh Tuyên. Lý do thay đổi bởi trước kia bị hù dọa ép buộc khai báo theo sự hướng dẫn của cán bộ điều tra.

Chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng

Cần nói thêm rằng, hoạt động thu thập chứng cứ, nghĩa vụ chứng minh là những chế định lớn, quan trọng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) trước đây và được kế thừa trong Bộ luật TTHS 2015 (Có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).

Cụ thể, Điều 15 Bộ luật TTHS 2015 quy định rất rõ:

“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.

Như vậy, có thể thấy, việc xác định sự thật của vụ án là một nguyên tắc xuyên suốt của quá trình tố tụng hình sự. Các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cũng đều để làm rõ nội dung này. Nhưng trên đời này thì sự thật thì chỉ có một, không thể có việc, tại 1 thời gian, địa điểm lại đồng thời xảy ra việc “đánh” và “không đánh” cũng như không thể có việc một con người nhưng lại “phân thân” xuất hiện được ở hai nơi?!