Cùng với sự phát triển của đất nước, các quan hệ xã hội phát sinh ngày càng nhiều hơn, đa dạng, phức tạp hơn, đòi hỏi phải được điều chỉnh bằng pháp luật chặt chẽ, chính xác hơn, dẫn đến số lượng quy phạm pháp luật ngày một nhiều hơn và các ngành luật mới lần lượt được hình thành, phát triển như ngành luật lao động, ngành luật đất đai, ngành luật kinh tế, ngành luật môi trường…
+ Luật hiến pháp (còn gọi là luật nhà nước) là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng nhất gắn liền với việc tổ chức quyền lực nhà nước của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Luật hành chínhlà hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành của nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
+ Luật hình sựlà hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm xác định những hành vi nguy hiểm nào cho xã hội là tội phạm đồng thời quy định các hình phạt đối với những người có hành vi phạm tội. Luật hình sự được chia thành hai phần: Phần chung gồm những quy định pháp luật quy định những nguyên tắc, nhiệm vụ của luật hình sự, những vấn đề chung về tội phạm và hình phạt… Phần các tội phạm (phần riêng) gồm những quy định pháp luật quy định các tội phạm cụ thể, loại và mức hình phạt với các loại tội phạm đó.
+ Luật tố tụng hình sự là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và quá trình kiểm sát việc điều tra, truy tố, xét xử những vụ án hình sự.
+ Luật dân sự là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá tiền tệ và một số quan hệ nhân thân trên nguyên tắc bình đẳng, độc lập của các chủ thể tham gia vào các quan hệ đó.
+ Luật tố tụng dân sự là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa toà án, viện kiểm sát, các đương sự và những người tham gia tố tụng khác trong quá trình điều tra và giải quyết vụ án dân sự.
+ Luật hôn nhân và gia đình là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh những quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản phát sinh do việc kết hôn giữa nam và nữ.
+ Luật kinh tế là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức quản lí và thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau và với các cơ quan quản lí nhà nước.
Trong nền kinh tế thị trường nhiều người chuyển sang nghiên cứu sâu hơn về các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động thương mại và xác định ngành luật thương mại là bộ phận chủ yếu của ngành luật kinh tế.
+ Luật lao động là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động (cá nhân, tổ chức).
+ Luật tài chính là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hoạt động tài chính của nhà nước, trong quá trình thành lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của các chủ thể hoạt động phân phối của cải dưới hình thức giá trì.
+ Luật ngân hàng là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng.
+ Luật đất đai là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc sở hữu, quản lí, bảo vệ và sử dụng đất.
Ngoài các ngành luật nói trên, một số học giả còn phân định thêm một số ngành luật khác nữa như: Luật an sinh xã hội (gồm các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến bảo hiểm xã hội, ưu đãi xã hội, cứu trợ xã hội… để bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội); luật môi trường (gồm các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh từ các hoạt động quản lí, bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, môi trường đô thị, khu dân cư…)…
Có thể mô hình hoá hệ thống pháp luật ở Việt Nam là một khối trụ hình chóp bao gồm nhiều khối trụ hình chóp nhỏ hơn, mỗi khối trụ hình chóp nhỏ tượng trưng cho ngành luật hoặc chế định pháp luật… Mỗi ngành luật có vị trí, vai trò nhất định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chúng luôn có mối liên hệ với nhau, thống nhất với nhau trong điều chỉnh các quan hệ xã hội ở Việt Nam.
Luật LVN Group (biên tập)