1. Khái niệm

Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội và chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Nghiên cứu chủ thể của tội phạm với ý nghĩa là một yếu tố cấu thành tội phạm, chúng ta chỉ nghiên cứu những điều kiện cần và đủ để một người có thể là chủ thể của tội phạm.

Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể (thể nhân), chứ không phải là một pháp nhân. Đây là vấn đề về lý luận và thực tiễn cũng có nhiều ý kiến khác nhau, và pháp luật hình sự của các nước trên thế giới cũng quy định khác nhau. Có quan điểm cho rằng, ngoài thể nhân, pháp nhân cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm. Trong quá trình soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999 cũng có ý kiến cho rằng cần quy định pháp nhân cũng có thể là chủ thể của tội phạm trong một số trường hợp có hành vi phạm tội xảy ra, nhưng khó xác định hoặc không xác định được người nào (thể nhân) thực hiện hành vi phạm tội đó. Ví dụ: một Nhà máy khi xây dựng đã không có biện pháp xử lý chất thải nên khi sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường, vậy ai là người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây ô nhiễm môi trường? Tuy nhiên, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một pháp nhân thì lại mâu thuẫn ngay đến nguyên tắc quyết định hình phạt và việc áp dụng hình phạt đối với một pháp nhân phạm tội. Ví dụ: nếu Tòa án áp dụng hình phạt tù đối với pháp nhân thì ai sẽ là người trong pháp nhân đó phải thi hành hình phạt này. Qua nhiều lần thảo luận xem xét, Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn chỉ quy định chủ thể của tội phạm là con người mà không quy định pháp nhân cũng có thể là chủ thể của tội phạm. Một người có đủ điều kiện là chủ thể của tội phạm khi họ ở một độ tuổi nhất định và không bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác, làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thiếu một trong hai điều kiện này thì không thể là chủ thể của tội phạm.

2. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Luật hình sự nước nào cũng quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhưng không phải nước nào cũng giống nhau, điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm của mỗi nước, vào sự phát triển về sinh học của con người ở mỗi quốc gia khác nhau: ở Anh từ 8 tuổi, ở Mỹ từ 7 tuổi, ở Thụy Điển từ 15 tuổi, ở Nga từ 14 tuổi, ở Pháp từ 13 tuổi, ở các nước đạo Hồi như Ai -Cập, Li-băng, I -Rắc từ 7 tuổi, v.v…

Ở nước ta, căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, có tham khảo luật hình sự của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, Bộ luật hình sự đã quy định:

– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác.

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS; trong đó:

+ Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Vấn đề đặt ra về lý luận cần phải giải quyết đó là: Vì sao người chưa đủ 14 tuổi lại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng? Khoa học luật hình sự xác định tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn về sự phát triển tâm sinh lý của con người, mà chủ yếu là sự phát triển về quá trình nhận thức của con người và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Người chưa đủ 14 tuổi, trí tuệ chưa phát triển đầy đủ nên chưa nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình, chưa đủ khả năng tự chủ khi hành động nên họ không bị coi là có lỗi (lỗi hình sự) về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện. Một hành vi được coi là không có lỗi cũng tức là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nên họ không phải chịu trách nhiệm hình sự (loại trừ trách nhiệm hình sự)

Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi được coi là người chưa có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Do đó họ cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm theo quy định của pháp luật, chứ không chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm. Theo luật hình sự nước ta thì người từ đủ 14 tuổi trở nên nhưng chưa đủ 16 tuổi, chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự).

Nếu người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi lại phạm tội do vô ý thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Trần Văn K 15 tuổi 10 tháng là học sinh lớp 9 trường phổ thông cơ sở Quang Trung thị xã T.B. Trên đường đi học về, K vô ý ném tàn thuốc lá vào đống rơm của gia đình bà H, vì trời hanh khô nên bắt lửa làm cháy đống rơm và toàn bộ ngôi nhà của gia đình bà H và cháy lây sang các nhà khác thiệt hại trị giá hàng tỷ đồng. Đây là quy định nghiêm khắc hơn Bộ luật hình sự năm 1985. Bộ luật hình sự quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi lại phạm tội do vô ý, thì dù tội phạm đó là tội phạm gì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một người chưa đủ 18 tuổi khi thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì khi điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) phải xác định rõ tuổi của họ. Cách tính đủ tuổi là tính theo tuổi tròn. Ví dụ: Sinh ngày 1-1-1980 thì ngày 1- 1-1994 mới đủ 14 tuổi và ngày 1-1-1996 mới đủ 16 tuổi. Trong trường hợp không có điều kiện xác định chính xác ngày sinh thì tính ngày sinh theo ngày cuối cùng của tháng sính. Ví dụ: Chỉ biết tháng sinh của người phạm tội là tháng 4-1981 mà không biết ngày nào thì lấy ngày 1- 4-1981 là ngày sinh của họ. Trường hợp cũng không có điều kiện xác định chính xác tháng sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng năm sinh là ngày sinh của người phạm tội. Ví dụ: Chỉ biết năm sinh của người phạm tội là năm 1983 thì ngày sinh của người phạm tội là ngày 1- 12-1983. Các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử phải tiến hành hết các biện pháp xác minh mà không thể chứng minh được ngày tháng năm sinh, thì mới lấy ngày cuối cùng trong tháng hoặc tháng cuối cùng trong năm làm ngày sinh của người phạm tội. Trong hồ sơ vụ án nhất thiết phải có bản sao giấy khai sinh (nếu là trường hợp có giấy khai sinh) hoặc các biên bản xác minh có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền (nếu là trường hợp không có giấy khai sinh).

3. Năng lực trách nhiệm hình sự

Bộ luật hình sự không quy định người có năng lực trách nhiệm hình sự là một người có những điều kiện gì, mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Vì vậy, để xác định một người có năng lực trách nhiệm hình sự, thì nhất thiết phải nghiên cứu trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật hình sự, thì tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác, làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Như vậy, tiêu chuẩn (dấu hiệu) để xác định một người không có năng lực trách nhiệm hình sự là mắc bệnh (tiêu chuẩn y học) và tâm lý (mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển). Cả hai dấu hiệu này có mối liên quan chặt chẽ với nhau, cái này là tiền đề của cái kia và ngược lại. Một người vì mắc bệnh nên mất khả năng điều khiển và bị mất khả năng điều khiển vì họ mắc bệnh.

Cho đến nay chưa có giải thích chính thức nào về trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đã thừa nhận một người không có năng lực trách nhiệm hình sự khi họ mắc một trong các bệnh sau: Bệnh tâm thần kinh niên, bệnh loạn thần, các bệnh gây rối loạn tinh thần tạm thời.

Một người bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh làm mất khả năng nhận thức phải được Hội đồng giám định tâm thần xác định và kết luận, ở nước ta, ngành tâm thần học mới ra đời, nhưng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, những kiến thức về tâm thần học trong nhân dân và ngay trong đội ngũ cán bộ y tế còn hạn chế, chưa dáp ứng được sự đòi hỏi về phòng và chữa bệnh tâm thần, cũng như việc xác định năng lực trách nhiệm hình sự đối với người mắc bệnh tâm thần thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Có nhiều trường hợp, có những kết luận trái ngược nhau về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự giữa các Hội đồng giám định tâm thần, làm cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đốì với người phạm tội không chính xác. Thậm chí có trường hợp kết luận của Hội đồng giám định không được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận vì kết luận đó thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với trạng thái tâm thần của người phạm tội.

Thực tiễn xét xử cho thấy có trường hợp một người bị mắc bệnh tâm thần nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, bởi vì khi thực hiện hành vi phạm tội họ không mắc bệnh. Pháp luật nước ta cũng như một số nước trên thế giới đều quy định: Chỉ người nào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng họ đang bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, thì mới không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (loại trừ trách nhiệm hình sự).

Chỉ khi nào người mắc bệnh tâm thần tới mức làm mất khả năng nhận thức hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra, mới được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu bệnh của họ chưa tới mức làm mất khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thì tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, họ phải chịu toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm hình sự.

Một người mắc bệnh tâm thần trong khi thực hiện hành vi phạm tội họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng họ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Đối với người lúc thực hiện hành vi phạm tội họ không mắc bệnh tâm thần, nhưng sau khi phạm tội và trước khi bị kết án mà họ lại mắc bệnh tâm thần tới mức không nhận thức được hành vi của mình, thì họ cũng được áp dụng biện pháp bắt- buộc chữa bệnh, nhưng sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Người phạm tội cũng được loại trừ trách nhiệm hình sự nếu khi thực hiện hành vi phạm tội họ mắc một bệnh nào đó, và bệnh đó đã làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình. Đây là trường hợp người phạm tội vẫn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhưng vì bị bệnh nên họ không điều khiển được hành vi của mình theo ý muốn nên đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Thông thường những người ở trong tình trạng này là trường hợp theo quy định của pháp, luật buộc họ phải hành động, nhưng vì bị bệnh nên họ không thể hành động theo ý muốn nên đã gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: Một nhân viên Đường sắt có nhiệm vụ bẻ ghi cho Tàu hỏa đi vào đúng đường ray, nhưng vì người này bị lên cơn sốt ác tính nên không thể thực hiện được nhiệm vụ được giao, làm cho Tàu hỏa đâm vào đoàn tàu đang đỗ trong ga gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến người và tài sản.

Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật hình sự thì Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật hình sự nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới không loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác. Bởi vì trước đó họ là người có năng lực trách nhiệm hình sự và khi họ uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích là tự họ đặt mình vào tình trạng “say” nên họ có lỗi. Say rượu là một hiện tượng không bình thường trong xã hội, là một thói xấu trong sinh hoạt, việc bắt người say rượu phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do họ gây ra còn là biểu thị thái độ nghiêm khắc của xã hội đối với tệ nạn say rượu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu người phạm tội không có lỗi trong việc uống rượu và như vậy họ cũng không có lỗi trong việc say rượu, sẽ được thừa nhận là không có năng lực trách nhiệm hình sự vì đó là trường hợp “say rượu bệnh lý”.

Thực tiễn xét xử cũng đã xảy ra trường hợp Hội đồng giám định pháp y tâm thần của kết luận người phạm tội do say rượu bệnh lý, nhưng họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là trường hợp Phạm Đình T ở Nghệ An (cũ) sau khi uống rượu cùng với Thầy giáo cũ tại nhà thầy; trong đêm hôm đó T đã thức dậy dùng dao chém nhiều nhát vào vợ, con và thầy giáo, nhưng chỉ có vợ con Thầy giáo chết còn thầy giáo của T thì thoát nạn. Do có hai bản giám định trái ngược nhau về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, nên Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định pháp y tâm thần và kết luận Phạm Đình T tội phạm do say rượu bệnh lý. Căn cứ vào hành vi phạm tội của Phạm Đình T, có xem xét đến kết quả giám định của Hội đồng giám định pháp y tâm thần do Bộ y tế thành lập nên Tòa án đã phạt tù chung thân đối với Phạm Đình T về tội giết người. Như vậy, về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, ở nước ta không thừa nhận tình trạng say rượu dù đó là say rượu bệnh lý cũng không được loại trừ trách nhiệm hình sự. Ớ một số nước, trong đó có các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ coi trường hợp say rượu bệnh lý được loại trừ trách nhiệm hình sự.

4. Chủ thể đặc biệt

Trong một số trường hợp chỉ một hoặc một số người mới là chủ thể của tội phạm, ngoài những người đó ra, người khác có đủ năng lực trách nhiệm hình sự cũng không thể là chủ thể của tội phạm được, khoa học luật hình sự gọi là “chủ thể đặc biệt”. Ví dụ: Chỉ có người mẹ mới là chủ thể của tội giết con mới đẻ quy định tại Điều 94 Bộ luật hình sự, hoặc chỉ những người có chức vụ mới là chủ thể của các tội phạm về chức vụ quy định tại Chương XXI Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong một vụ án có đồng phạm, đối với người đồng phạm khác không phải là người thực hành thì vấn đề chủ thể đặc biệt không đặt ra đối với họ. Ví dụ: Một người không có chức vụ, quyền hạn gì, nhưng lại là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người có chức vụ quyền hạn tham ô tài sản thì họ vẫn là chủ thể của tội tham ô tài sản.

5. Các yếu tố tác động đến vấn đề tuổi chịu trách nhiệm hình sự

– Tình trạng một bộ phận dân cư không đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, hong làm chứng minh thư nhân dân đặc biết là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng miền núi, xa ôi hẻo lánh. Ở các thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại một số lương trẻ em vô gia cư, lý lịch không rõ ràng. Những yếu tồ này gây khó khăn lớn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xác minh độ tuổi của đương sự do không có giấy tờ cần thiết chứng minh.
– Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam ngày càng tăng và theo đó số lượng người nước ngoài phạm tội cũng ngày càng tăng lên. Đặc biết trong số này, có nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép, không có giấy tờ tùy thân. Những vấn đề này sẽ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xác minh để giải quyết các vụ án họ gây ra ở Việt Nam.
– Công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu được hoàn thiện hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định tuổi các đương sự. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận các bộ công chức còn non kém về nghiệp vụ hoặc bị thoái hóa sẽ làm sai lệch các thông tin tuổi của đương sự nên có thể gây nhầm lẫn khi tiến hành xác định tuổi.