Cùng với sự phát triển của nhận thức khoa học pháp lí, thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội thì tính độc lập của các ngành luật chỉ là tương đối, sự giao thoa, đan xen giữa các ngành luật là không thể tránh khỏi và trong nhiều trường hợp sự tách bạch một cách rành mạch quan hệ xã hội cụ thể thuộc ngành luật nào điều chỉnh cũng khiến nhiều nhà nghiên cứu và áp dụng pháp luật bối rối.

Ví dụ: quan hệ lao động hiểu theo nghĩa rộng được nhiều ngành luật điều chỉnh: Lao động, dân sự, hành chính và thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấy nhiều khi việc phân định một quan hệ lao động là do luật lao động hay luật dân sự điều chỉnh không phải là đơn giản. Luật lao động có thể nói là một ngành luật đặc thù, nó vừa có tính xã hội, vừa có tính kinh tế; vừa có tính cá nhân, vừa có tính tập thể… Do đó, luật lao động có mối quan hệ với nhiều ngành luật khác như luật hiến pháp, luật dân sự, luật an sinh xã hội, luật hành chính, luật tố tụng dân sự,…

1. Quan hệ giữa luật lao động và luật hiến pháp

Quan hệ giữa luật lao động và luật hiến pháp là mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung. Luật hiến pháp quy định các vấn đề có tính nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lí để luật lao động cụ thể hoá như: quy định về các quyền và nghĩa vụ lao động của công dân; quyền làm việc và nghỉ ngơi; quyền được bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội; quyền bình đẳng nam nữ; quyền tự do lập hội, quyền sở hữu tài sản hợp pháp… Trên cơ sở đó việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật lao động phải phù hợp với Hiến pháp đồng thời luật lao động phải tạo điều kiện để các quyền đó của công dân (trong lĩnh vực lao động) có khả năng được hiện thực hoá với môi trường và điều kiện thuận lợi nhất.

2. Quan hệ giữa luật lao động và luật dân sự

Lịch sử phát triển của luật lao động cho thấy trước đây nó là một bộ phận của luật dân sự, quan hệ HĐLĐ là một loại quan hệ hợp đồng dân sự thông thường. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, tư tưởng dân chủ tư sản, quan điểm khoa học pháp lí cũng như nhận thức của người lao động và tính chất đặc thù của quan hệ lao động chủ – thợ trong thị trường nên dẫn đến nhu cầu tách nó khỏi luật dân sự và cần phải có những quy định riêng điều chỉnh loại quan hệ này. Đó chính là lí do luật lao động ra đời. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận tính chất dân sự trong quan hệ lao động,[1] hơn nữa, về phương diện quan điểm khoa học hiện nay các quy định về hợp đồng trong BLDS được coi là những quy định có tính nguyên tắc chung cho các loại hợp đồng nói chung, vì vậy những vấn đề luật chuyên ngành chưa quy định hoặc quy định chưa rõ thì áp dụng quy định của BLDS.

3. Quan hệ giữa luật lao động và luật hành chinh

Xét ở góc độ quan hệ xã hội do ngành luật điều chỉnh, luật lao động và luật hành chính cùng điều chỉnh quan hệ lao động, song do khác nhau về tính chất của quan hệ, phạm vi, đối tượng áp dụng (luật hành chính điều chỉnh quan hệ lao động của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, luật lao động chủ yếu điều chỉnh các quan hệ làm công theo hợp đồng) nên có sự khác nhau về nội dung pháp lí khi điều chỉnh quan hệ. Tuy nhiên, giữa hai ngành luật này cũng có mối liên hệ nhất định với nhau, cụ thể: Luật hành chính điều chỉnh quan hệ lao động cán bộ, công chức, viên chức nhà nước dựa trên cơ sở các quy định của Luật cán bộ, công chức (Quốc hội khoá XII thông qua ngày 13/11/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 được sửa đổi, bổ sung bằng luật số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019), Luật Viên chức (Quốc hội khoá XII thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 được sửa đổi, bổ sung bằng luật số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019) nhưng có một số nội dung lại vận dụng trên cơ sở quy định của BLLĐ như thòi giờ làm việc và nghỉ ngơi; an toàn lao động, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội… hoặc trong luật lao động những vấn đề liên quan đến tổ chức, quản lí, sử dụng lao động… và đặc biệt là hoạt động quản lí nhà nước liên quan nhiều đến luật hành chính. Sự khác biệt lớn nhất trong hai ngành luật này về điều chỉnh quan hệ lao động là luật hành chính (thuộc lĩnh vực luật công) thuần tuý áp dụng trên cơ sở quy định của pháp luật, còn luật lao động (thuộc cả lĩnh vực luật công và tư) thì các bên có quyền tho ả thuận nội dung quan hệ trên cơ sở không trái pháp luật.

4. Quan hệ giữa luật lao động và luật an sinh xã hội

Đây là hai ngành luật có mối quan hệ mật thiết với nhau. Có thể nói luật lao động là một trong những ngành luật mà yếu tố xã hội biểu hiện và ảnh hưởng rất lớn đến sự tôn tại và vận động của quan hệ mà nhiều khi bản thân các quy phạm pháp luật lao động không thể và không có khả năng giải quyết hết các vấn đề xã hội nảy sinh từ thị trường, từ quan hệ lao động. Trong khi đó, luật an sinh xã hội là ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm đảm bảo an toàn cuộc sống trong trường hợp các thành viên xã hội gặp hoàn cảnh rủi ro, cuộc sống khó khăn cần sự giúp đỡ của xã hội, của cộng đồng. Mối quan hệ giữa luật lao động và luật an sinh xã hội biểu hiện rõ nét thông qua các quy định về bảo hiểm xã hội. Luật an sinh xã hội quy định các chế độ bảo hiểm xã hội, loại hình bảo hiểm xã hội (bắt buộc, tự nguyện), mức thu nhập được bảo hiểm và thời gian hưởng bảo hiểm… thông qua đó, quyền lợi của người lao động về bảo hiểm xã hội được đảm bảo. Còn luật lao động quy định bảo hiểm xã hội là một nội dung chủ yếu của HĐLĐ, tham gia bảo hiểm xã hội là nghĩa vụ của các bên quan hệ lao động, trên cơ sở đó an sinh xã hội cho người lao động được thực hiện.

Ngoài ra, luật lao động còn có mối quan hệ với luật hợp tác xã trong việc điều chỉnh quan hệ lao động của xã viên như các vấn đề về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn lao động và vệ sinh lao động; cấm phân biệt đối xử… Luật lao động còn có mối quan hệ với luật tố tụng dân sự, khi có tranh chấp lao động mà các bên đưa vụ việc đến toà án nhân dân để giải quyết thì toàn bộ các thủ tục tố tụng tại toà án để giải quyết vụ án lao động theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật lao động, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật lao động trực tuyến.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật lao độngCông ty Luật LVN Group (biên tập)