Các loại hình pháp nhân trong mỗi quốc gia rất đa dạng. Tất cả các loại hình pháp nhân đểu có thể là chủ thể của quan hệ pháp luật nhưng không phải tất cả đểu được xác định có thể là chủ thể của trách nhiệm hình sự. Mỗi quốc gia có thể và cần xác định rõ phạm vi các loại hình pháp nhân có thể là chủ thể của trách nhiệm hình sự để đảm bảo việc xác định này phù hợp với thực trạng vi phạm pháp luật và các điểu kiện thực tế khác của quốc gia mình.

1. Phân tích phạm áp dụng việc truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân

Theo đó, chủ thể của trách nhiệm hình sự theo Pháp là các pháp nhân (trừ Nhà nước); theo Áo là pháp nhân, các công ty hợp danh, các hiệp hội vì lợi ích kinh tế châu Âu và theo Thuỵ Sỹ là pháp nhân theo luật tư, pháp nhân theo luật công (trừ các tổ chức vùng lãnh thổ), các công ty, các doanh nghiệp tư nhân; theo Trung Quốc là công ty, xí nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Việt Nam xác định chủ thể của trách nhiệm hình sự chỉ có thể là pháp nhân thương mại. Việc xác định phạm vi các tổ chức có thể là chủ thể của trách nhiệm hình sự là quyền lựa chọn của mỗi quốc gia. Khi đã thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân, các quốc gia cẩn xác định cụ thể các loại hình tổ chức có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và đặt tên chung cho các chủ thể đã được xác định đó. Khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cũng cẩn xác định phạm vi các tội phạm mà chủ thể này có thể phải chịu trách nhiệm cũng như các chế tài có thể được áp dụng (bao gồm các hình phạt và các biện pháp phi hình phạt).

1.1. Khái niệm pháp nhân thương mại phạm tội:

Theo điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau :pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cùng với đó, Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

1.2. Nguyên tắc xử lý đối với phạm nhân thương mại:

Pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm khi pháp nhân có quan hệ đặc biệt với tội phạm đã thực hiện cũng như với người đã thực hiện tội phạm đó mà quan hệ đặc biệt này được luật phản ánh qua các điều kiện phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Trong các quốc gia được nghiên cứu, chỉ có Trung Quốc giới hạn phạm vi các tội danh mà tổ chức có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 30 BLHS Trung Quốc, tổ chức chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm được xác định rõ trong từng điều luật. Theo đó, “Tội phạm do tổ chức thực hiện chiếm khoảng 1/3 tổng số tội phạm được quy định trong BLHS, trong đó đa số tội phạm do tổ chức thực hiện thuộc loại tội phạm phá hoại trật tự kinh tế xã hội chủ nghĩa…”.Pháp cũng giới hạn phạm vi các tội phạm mà pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi bắt đầu quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhưng hiện nay, giới hạn này đã bị xóa bỏ.

Khoản 2 Điều 3 BLHS năm 2015 quy định năm nguyên tắc xử lý đối với PNTM phạm tội bên cạnh xử lý đối với người phạm tội như sau:

Mọi hành vi phạm tội do PNTM thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

– Mọi PNTM phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

– Nghiêm trị PNTM phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với PNTM tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.

Về chế tài hình sự quy định cho pháp nhân, các quốc gia có thể sử dụng hình phạt đã được quy định cho cá nhân mà có thể áp dụng cho pháp nhân là hình phạt tiền. Đó là hình phạt có tính “trừng trị”, răn đe pháp nhân. Ngoài ra, một số biện pháp an ninh có tính phòng ngừa cũng có thể được quy định để áp dụng cho pháp nhân. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và trách nhiệm hình sự của cá nhân/thể nhân tuy có chung sở là hành vi cấu thành tội phạm của cá nhân nhưng là hai trách nhiệm hình sự có tính độc lập với nhau và không loại trừ nhau. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân không thay thế trách nhiệm hình sự của cá nhân/thể nhân mà là trách nhiệm hình sự mở rộng. Tính độc lập của hai loại trách nhiệm hình sự này thể hiện ở các khía cạnh sau:

– Trách nhiệm hình sự của cá nhân/thể nhân dựa trên cơ sở hành vi phạm tội của chính cá nhân nên không phụ thuộc vào trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Trách nhiệm hình sự của hai chủ thể này cùng tồn tại, trong đó trách nhiệm hình sự của pháp nhân được coi là trách nhiệm hình sự mở rộng.

– Trách nhiệm hình sự của pháp nhân dựa trên cơ sở hành vi của cá nhân (một cá nhân hoặc nhiều cá nhân) đã cấu thành tội phạm cụ thể mà không phụ thuộc trách nhiệm hình sự của cá nhân. Cá nhân có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhưng điều này không có nghĩa pháp nhân vì đó mà cũng được miễn trách nhiệm hình sự.

– Trách nhiệm hình sự của pháp nhân có tính độc lập với trách nhiệm hình sự của cá nhân nhưng không độc lập với hành vi phạm tội của cá nhân. Khi hành vi của cá nhân (một cá nhân hoặc nhiều cá nhân) đã cấu thành tội phạm cụ thể thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nếu các điều kiện phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thỏa mãn. Không thể vì lý do nào đó để có thể thêm dấu hiệu cho hành vi phạm tội khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Việc bổ sung dấu hiệu định tội như vậy không chỉ trái với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân mà đã giới hạn không có cơ sở phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, làm giảm ý nghĩa của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

2. Quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại:

Khoản 2 Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

“Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự “.

Như vậy, nội dung quy định này vừa khẳng định cơ sở pháp lí của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, vừa chỉ rõ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã xác định phạm vi (giới hạn) các tội danh mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi thoả mãn các điều kiện được quy định tại Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội xâm phạm trật tự quản lí kinh tế, một số tội phạm về môi trường và một số tội xâm phạm an toàn công cộng, ttật tự công cộng được xác định tại Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đó là:

– Tội buôn lậu (Điều 188); tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 189); tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 195); tội đầu cơ (Điều 196)…

– Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai, vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239)…

-Tội tài trợ khủng bổ (Điều 300); tội rửa tiền (Điều 324).

3. Hình phạt và những quy định áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội :

Một điểm mới trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 so với những bộ luật trước đây là đã có thêm quy định về hệ thống hình phạt và một chương độc lập riêng tại chương XI về quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Về hình phạt, BLHS năm 2015 quy định hai loại là hình phạt chính và hình phạt bổ sung áp dụng đối với PNTM phạm tội như sau:

Hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

– Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính (khoản 2 Điều 33 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

Ngoài ra, Chương XI “Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội” đã quy định đầy đủ về điều kiện, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự; nội dung cụ thể về các hình phạt và biện pháp tư pháp cụ thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự việc quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn hình phạt và xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án (các điều 74-89). Đây là những căn cứ quan trọng để cùng với đó, tại Phần các tội phạm Bộ luật hình sự có quy định 33 tội danh cụ thể mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự , qua đó, bảo đảm tính hệ thống trong toàn bộ Phần những quy định chung và Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự năm 2015.

Như vậy, có thể khẳng định, những quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật nước ta, mà còn nhằm thực thi các cam kết, nghĩa vụ của nước ta trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, qua đó, bảo đảm công bằng, minh bạch, bình đẳng giữa pháp nhân thương mại Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân thương mại nước ngoài tại nước ta.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group