NỘI DUNG TƯ VẤN:

Pháp luật cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp ở Việt Nam:

1. Khái quát chung về cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

1.1 Khái niệm, đặc điểm và vai trò của cạnh tranh:

Cạnh tranh là một sản phẩm tất yếu của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là sự ganh đua về kinh tế giữa những chủ thể trong nền sản xuất hàng hóa nhằm có những điều kiện tốt hơn trong sản xuất và tiêu thụ để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Đặc điểm của cạnh tranh:

+ Cạnh tranh là hiện tượng xã hội diễn ra giữa các chủ thể.

+ Về mặt hình thức, cạnh tranh là sự ganh đua giữa các doanh nghiệp.

+ Mục đích của các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh là cùng tranh giành thị trường mua hoặc bán sản phẩm.

Vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường:

+ Cạnh tranh là động lực để phát triển kinh tế – xã hội

+ Cạnh tranh khuyến khích việc áp dụng khoa học, kỹ thuật mới, cải tiến công nghệ nhằm kinh doanh hiệu quả

+ Cạnh tranh dẫn đến giá thấp hơn cho người tiêu dùng và làm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.

+ Cạnh tranh buộc các doanh nghiệp cũng như các quốc gia phải sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài nguyên một cách tối ưu nhất.

1.2 Khái niệm và đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Luật cạnh tranh Việt Nam quy định: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với những chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Đặc điểm:

+ Đây là hành vi do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện, nhằm mục đích lợi nhuận.

+ Đây là hành vi có tính chất đối lập, đi ngược lại các thông lệ tốt, các nguyên tắc đạo đức kinh doanh, có thể hiểu là quy tắc sử xự chung đã được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trên thị trường.

+ Hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho các đối tượng khác.

2. Khái quát chung về sở hữu công nghiệp.

2.1 Khái niệm về quyền sở hữu công nghiệp

Theo luật sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sang chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫ, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sang tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Vai trò của việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp gồm:

+ thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới hoạt động sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế.

+ Khuyến khích các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ.

+ Bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

2.2 Khái quát về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Đến nay pháp luật hoàn toàn chưa đưa ra khái niệm cụ thể về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp mà pháp luật chỉ liệt kê ra các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực này nhưng dựa vào định nghĩa mà luật Việt Nam đưa ra có thể hiểu hành vi về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp là: hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với những chuẩn mực thồn thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

2.3 Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh:

Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và ý nghĩa của việc bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp:

Về quyền chống cạnh tranh không lành mạnh: luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định như sau: “quyền sở hữu công nghiệp” là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu , tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Ý nghĩa của bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh: Nhằm hỗ trợ cho việc bảo hộ có hiệu quả các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung trong đó có sở hữu công nghiệp.

3. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật:

Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp ở Việt Nam:

Thứ nhất, cần phải phân biệt rõ hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thông thường và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu sở hữu công nghiệp. Pháp luật nước ta chưa phân định sự khác biệt rõ ràng giữa hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thông thường với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp. Điều này dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng điều luật để giải quyết trong từng trường hợp cụ thể. Ngay cả những cơ quan chuyên môn như: Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Quản lý cạnh tranh cũng gặp rất nhiều vướng mắc khi xem xét, giải quyết những vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp. Có một số người cho rằng, hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhưng có yếu tố cạnh tranh không lành mạnh. Một số người lại cho rằng, cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp là hành vi cạnh tranh liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp.

Thứ hai, cần thống nhất về nguyên tắc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Theo quy định của khoản 3 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, tức là, các hành vi cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp sẽ được áp dụng theo các quy định của Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh để xử lý. Thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc về Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương. Việc xử lý hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh phải tuân theo trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh được quy định tại Chương VI của Luật Cạnh tranh và các quy định tại Chương III của Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh và Nghị định số 119/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại Nghị định số 116/2005/NĐ-CP. Tuy nhiên, Điều 14 của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng có những quy định khá chi tiết về việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm thuộc về Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương theo nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38 và Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trên thực tế hiện nay, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được giải quyết chủ yếu bằng các biện pháp xử phạt hành chính, mà trong đó, các cơ quan quản lý thị trường là cơ quan xử lý nhiều vụ nhất. Các biện pháp giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như pháp luật cạnh tranh, pháp luật sở hữu trí tuệ, pháp luật dân sự, pháp luật hành chính, pháp luật hình sự. Công tác xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp với sự tham gia của rất nhiều cơ quan như: Cục Quản lý cạnh tranh, Thanh tra chuyên ngành về khoa học & công nghệ, Thanh tra chuyên ngành về thông tin – truyền thông, Quản lý thị trường, Công an, Hải quan… tạo nên sự chồng lấn về thẩm quyền, mâu thuẫn về trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc; không có giải pháp trong trường hợp không xác định được người đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền; thiếu quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp… Bởi vậy, đặt ra yêu cầu phải có sự thống nhất giữa Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh trong việc xác định nguyên tắc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp.

Chúng ta nên học tập kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn của Nhật Bản để xác định: (i) Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp đã được đăng ký bảo hộ, có chủ thể quyền sở hữu công nghiệp rõ ràng thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; (ii) Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp chưa đăng ký bảo hộ được giải quyết theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Khi quyền sở hữu công nghiệp không tồn tại như trường hợp một nhãn hiệu hàng hóa hay tên thương mại mà không đăng ký, Luật Cạnh tranh sẽ đóng vai trò bổ sung, nếu không muốn nói là thay thế để bảo vệ doanh nghiệp chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ phía đối thủ. Chủ thể bị vi phạm sẽ phải chứng minh được có hành vi cạnh tranh không lành mạnh với lỗi cố ý từ phía đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan trong việc sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn (như sử dụng nhái lại khẩu hiệu kinh doanh của người khác gây nhầm lẫn đối với khách hàng nhằm mục đích lôi kéo khách hàng của đối thủ).

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email lienh[email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group