1. Thi có giải là gì? Lĩnh vực nào được tổ chức thi có giải?

Cũng giống như hứa thưởng, thi có giải cũng là một loại giao dịch dân sự và được thể hiện dưới dạng hành vi pháp lý đơn phương. Khi tổ chức một cuộc thi có giải, tất cả các vấn đề có liên quan như điều kiện tham dự cuộc thi; điều kiện đạt giải; cơ cấu giải thưởng; phương thức thi,… đều do bên tổ chức cuộc thi có giải đưa ra. Thi có giải có thể được tổ chức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học kỹ thuật,… Mục đích tổ chức cuộc thi có giải có thể là nhằm tìm kiếm tài năng trong các lĩnh vực khác nhau.

Theo Khoản 1 Điều 573 Bộ luật dân sự 2015 thì “Việc tổ chức các cuộc thi văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học, kỹ thuật và các cuộc thi khác không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”

2. Chủ thể tổ chức cuộc thi có giải phải đảm bảo tuân thủ những điều kiện gì?

Chủ thể tổ chức cuộc thi có giải phải đảm bảo tuân thủ những điều kiện sau:

Thứ nhất, mục đích và nội dung của cuộc thi không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Thi có giải cũng là một dạng giao dịch dân sự đơn phương (hành vi pháp lý đơn phương) nên việc tổ chức một cuộc thi có giải cũng phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Thứ hai, khi tổ chức cuộc thi có giải, người tổ chức các cuộc thi phải công bố điều kiện dự thi, thang điểm, các giải thưởng và mức thưởng mỗi giải.

Theo khoản 2 Điều 573 Bộ luật dân sự 2015:

Người tổ chức các cuộc thi phải công bố điều kiện dự thi, thang điểm, các giải thưởng và mức thưởng của mỗi giải.

Việc thay đổi điều kiện dự thi phải được thực hiện theo cách thức đã công bố trong một thời gian hợp lý trước khi diễn ra cuộc thi.”

Đây là nghĩa vụ bắt buộc của người tổ chức cuộc thi, bởi vì kết thúc cuộc thi, người tổ chức cuộc thi sẽ phải trao giải thưởng cho người trúng thưởng. Nếu không niêm yết đầy đủ các thông tin này sẽ dẫn đến tình trạng khó có thể xác định người thắng cuộc, khó xác định mức thưởng được trao và những người được trao thưởng. Tất cả những vấn đề này gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dự thi. Khi biết được các thông tin này, người tham dự cuộc thi có thể hiểu rõ được các quyền và nghĩa vụ của mình để có thể tự quyết định tham gia hay không tham cuộc thi. Hơn nữa, khi đã giành giải thưởng tương ứng, những thông tin này là cơ sở để người dự thi có thể yêu cầu người tổ chức cuộc thi phải thực hiện nghĩa vụ trao giải như đã thông báo.

Trên thực tế, có thể vì nhiều lý do khác nhau mà cuộc thi có thể sẽ bị hoãn hoặc không diễn ra như mong muốn. Trong trường hợp không thể tổ chức cuộc thi theo đúng lịch đã thông báo ban đầu, người tổ chức cuộc thi có giải phải thực hiện việc thông báo sự thay đổi đó theo cách thức đã được công bố trong một khoảng thời gian hợp lý.

3. Điều kiện có hiệu lực của thi có giải

Thi có giải là hành vi pháp lý đơn phương nên các điều kiện để một cuộc thi có giải có hiệu lực tương tự như điều kiện có hiệu lực hành vi pháp lý đơn phương.

Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự, trong đó thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình hoặc bên còn lại trong quan hệ. Tuy nhiên, bên kia có thể tham gia hoặc không tham gia giao dịch. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan hoặc khách quan.

Điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý đơn phương:

– Thông thường, hành vi pháp lý đơn phương được xác lập theo ý chí của một bên chủ thể duy nhất. Ví dụ: Lập di chúc, từ chối hưởng thừa kế…Trong nhiều trường hợp, hành vi pháp lý đơn phương chỉ phát sinh hậu quả pháp lý khi những người khác đáp ứng được điều kiện do người xác lập giao dịch đưa ra. Ví dụ: Hứa thưởng, thi có giải…

– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

– Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

– Không thuộc trường hợp vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác:

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đọa đức xã hội.

+ Giao dịch dân sự do giả tạo.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

+ Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ về hình thức.

4. Người đoạt giải

Người đạt giải là người tham dự đầy đủ các vòng thi do bên tổ chức đặt ra và phải đạt mức điểm trong giới hạn đạt giải tính từ người điểm cao nhất trở xuống cho đến khi chọn đủ số người thắng cuộc. Khi đã có quyết định công nhận người thắng cuộc, người tổ chức cuộc thi sẽ phải trao giải theo đúng mức và trong thời hạn đã công bố.

Khoản 3 Điều 573 Bộ luật dân sự 2015: “Người đoạt giải có quyền yêu cầu người tổ chức thi trao giải thưởng đúng mức đã công bố.”

Thực tế cho thấy, rất nhiều cuộc thi đã kết thúc, người thắng cuộc đã được xác định nhưng việc trao giải thường chậm trễ hơn so với thời gian đã thông báo, đặc biệt là các cuộc thi về học thuật. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đạt giải. Do đó, nếu bên tổ chức cuộc thi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trao giải thưởng thì người đạt giải có thể trực tiếp yêu cầu hoặc thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền để buộc bên tổ chức phải thực hiện đúng nghĩa vụ trao giải và phải bồi thường thiệt hại nếu có.

So với quy định tại Điều 593 Bộ luật dân sự trước đây, Điều 573 Bộ luật dân sự 2015 có sự thay đổi về điều kiện tổ chức cuộc thi. Theo đó, trong Bộ luật dân sự cũ, cuộc thi có giả “không trái pháp luật, đạo đức xã hội”, trong Bộ luật năm 2015, cuộc thi có giải phải ‘‘không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Sự thay đổi này cho thấy, phạm vi các cuộc thi có giải cũng như các lĩnh vực tổ chức cuộc thi có giải được mở rộng, theo đó chỉ khi luật có quy định cấm thì mới không được tổ chức cuộc thi có giải. Sự thay đổi này là hợp lý bởi vì nó thể hiện sự tương đồng giữa quy định về điều kiện có hiệu lực của một loại giao dịch cụ thể (thi có giải) với quy định chung về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015.

5. Thi có giải khác hợp đồng ở điểm nào?

Cả hợp đồng và hành vi pháp ý đơn phương đều là những giao dịch dân sự theo quy định pháp luật. Do đó có đầy đủ các tính chất, tuân thủ đúng quy định của giao dịch dân sự. Như trên đã phân tích, thi có giải là hành vi pháp lý đơn phương nên sự khác nhau giữa thi có giải và hợp đồng chính là điểm khác nhau giữa hành vi pháp lý đơn phương và hợp đồng.

– Cơ sở pháp lý:

Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 116. Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 385 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 385. Khái niệm hợp đồng

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

– Hợp đồng là giao dịch dân sự trong đó thể hiện ý chí của của hai hoặc nhiều chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Trong thực tiễn cuộc sống, có thể nói hợp đồng dân sự là một loại giao dịch dân sự phổ biến. Hợp đồng thường có hai bên tham gia mà ở đó, mỗi bên sẽ hướng tới những lợi ích nhất định, chỉ khi nào hai bên thống nhất ý chí, cảm thấy việc giao kết hợp đồng đem lại lợi ích nhất định cho mình thì mới tham gia vào mối quan hệ mang tên hợp đồng. Lợi ích của các bên trong hợp đồng có thể là không giống nhau nên rất dễ gây ra mâu thuẫn. Vì thế, tính chất tạo nên hợp đồng sự thỏa thuận. Hay nói cách khác, trong hợp đồng ý chí của một bên phải đòi hỏi được đáp trả của phía bên còn lại thì mới nên hợp đồng. Hợp đồng dân sự là thỏa thuận nhằm thông nhất ý chí của hai hay nhiều bên về việc xác lập, thay đổi chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Trong các giai đoạn của hợp đồng từ đề nghị giao kết, giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng thì pháp luật đều ghi nhận nguyên tắc cần tuân theo đầu tiên là nguyên tắc thỏa thuận.

– Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự trong đó thể hiện ý chí của một bên trong việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Hành vi pháp lý đơn phương có điểm khác biệt cơ bản nhất với hợp đồng là cách thức thể hiện ý chí của chủ thể. Nếu hợp đồng đề cao sự thỏa thuận giữa các chủ thể, coi thỏa thuận là nguyên tắc cơ bản nhất thì hành vi pháp lý đơn phương lại chỉ thể hiện ý chí của một bên chủ thể. Thông thường hành vi pháp lý đơn phương được xác lập trên ý chí của một bên chủ thể duy nhất, chủ thể này xác lập. giao dịch dân sự nhằm làm thay đổi, chấm dứt, phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự cho bên còn lại tham gia vào giao dịch.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.