Với tính chất là đạo luật gốc của quốc gia, tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhất để tổ chức, thực hiện các chức năng của Nhà nước về đối nội và đối ngoại; thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Là một bộ phận của …
1. Khái quát chung
Các quy định về chủ thể, nguyên tắc, nội dung và hình thức (trình tự, thủ tục) HTQT trong TTHS theo pháp luật Việt Nam được quy định cụ thể tại BLTTHS năm 2015 (trước ngày 01/01/2018 là BLTTHS năm 203) và Luật TTTP năm 2007. Tuy nhiên, các nội dung và trình tự, thủ tục hoạt động cụ thể còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác như BLHS năm 99 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội phạm và hình phạt, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (quy định về thi hành án đối với người bị dẫn độ), Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 204 (sửa đổi, bổ sung các năm 2006 và 2009), hiện nay là Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (quy định về các cơ quan có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ, thi hành quyết định dẫn độ), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Đặc xá năm 2018, Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn xử lý các hành vi phạm tội cụ thể, hướng dẫn lựa chọn án lệ… và các văn bản pháp luật khác có liên quan (xem Bảng 5). Cụ thể như sau:
2. Hiến pháp năm 2013
Với tính chất là đạo luật gốc của quốc gia, tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhất để tổ chức, thực hiện các chức năng của Nhà nước về đối nội và đối ngoại; thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Là một bộ phận của hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật về HTQT trong lĩnh vực TTHS phải tuân thủ Hiến pháp năm 2013, nhất là những quy định tại Điều 12 về chính sách đối ngoại và tăng cường hội nhập quốc tế; các quy định tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong đó, Điều 17 quy định công dân Việt Nam không bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác; bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
3. Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự
a) BLHS quy định về tội phạm và hình phạt, làm cơ sở xem xét các yêu cầu TTTPHS, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù… Khi tiến hành các hoạt động HTQT trong TTHS, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, căn cứ vào các quy định của BLHS để xác định tội phạm, hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội và thẩm quyền xét xử đối với hành vi phạm tội này có cấu thành tội phạm theo quy định trong BLHS của Việt Nam hay không (nghĩa là có bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép hay không). Đồng thời, BLHS cũng quy định về thời hiệu, thẩm quyền tài phán, phạm vi áp dụng… là các cơ sở quan trọng để xem xét và thực hiện yêu cầu dẫn độ. Các điều 5, 6 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về hiệu lực của BLHS đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, bao gồm hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam mà BLHS quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu TNHS tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này. Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam có thể bị truy cứu TNHS theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước CHXHCN Việt Nam hoặc theo quy định của ĐƯQT mà CHXHCN Việt Nam là thành viên.
b) BLTTHS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, thay thế BLTTHS năm 203. Với 510 điều 36 chương 9 phần (bổ sung mới 176 điều, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều), BLTTHS năm 2015 đã quy định một cách toàn diện về TTHS, trong đó có các quy định HTQT. Cụ thể là các quy định tại Phần thứ 8 với 02 chương (Chương XXXV. Những quy định chung và Chương XXXVI. Một số hoạt động HTQT) và 18 điều (từ Điều 491 đến Điều 508). Trong đó, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung các quy định mới so với BLTTHS năm 203 về HTQT trong TTHS, cụ thể như sau:
– Quy định khái niệm HTQT trong TTHS
BLTTHS năm 203 không đưa ra khái niệm HTQT trong TTHS. Khắc phục hạn chế này, BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể, làm rõ nội hàm hoạt động HTQT trong TTHS; theo đó, “HTQT trong TTHS là việc các cơ quan có thẩm quyền của nước CHXHCN Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phối hợp, hỗ trợ nhau để thực hiện hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự” (khoản 1 Điều 491 BLTTHS năm 2015). Quy định định nghĩa như vậy đã xác định rõ chủ thể và mục đích, phạm vi không gian, thẩm quyền của HTQT trong TTHS.
– Quy định rõ phạm vi HTQT trong TTHS
Trên cơ sở khái niệm HTQT trong TTHS, BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể phạm vi các hoạt động HTQT trong TTHS gồm: TTTPHS; Dẫn độ; Tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và Các hoạt động HTQT khác. Các hoạt động này được thực hiện nhằm phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Các nội dung, nguyên tắc, chủ thể, trình tự, thủ tục hợp tác với phía nước ngoài trong hoạt động TTTPHS, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được quy định cụ thể trong Luật TTTP năm 2007 và các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên, hoặc nguyên tắc có đi có lại trong trường hợp không được ĐƯQT điều chỉnh cụ thể.
– Quy định về nguyên tắc HTQT trong TTHS
Kế thừa quy định về nguyên tắc HTQT trong TTHS trong BLTTHS năm 203, BLTTHS năm 2015 tiếp tục quy định HTQT trong TTHS được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và ĐƯQT mà CHXHCN Việt Nam là thành viên. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập ĐƯQT có liên quan thì việc HTQT trong TTHS được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế (Điều 492 BLTTHS năm 2015).
– Quy định về cơ quan trung ương trong HTQT về TTHS
Khác với BLTTHS năm 203, BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ cơ quan trung ương trong từng lĩnh vực cụ thể trong HTQT về TTHS, cụ thể: Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; VKSNDTC là Cơ quan trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động TTTPHS và những hoạt động HTQT khác theo quy định của pháp luật (Điều 493). Quy định này tương thích với quy định về trách nhiệm của Bộ Công an và VKSNDTC trong hoạt động TTTP tại Điều 64 và Điều 65 Luật TTTP năm 2007. Cần lưu ý, BLTTHS năm 2015 đã trao thẩm quyền cho VKSNDTC là Cơ quan trung ương không chỉ đối với hoạt động TTTPHS mà còn những hoạt động HTQT khác theo quy định của pháp luật như xử lý, thu hồi tài sản do phạm tội mà có [22], [35].
4. Văn bản pháp luật khác có quy định về các hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
4.1 Việc đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT về dẫn độ
được thực hiện căn cứ Luật ĐƯQT năm 2016 (trước năm 2016 là Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005) và các văn bản hướng dẫn
Thời gian qua, công tác đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện ĐƯQT thiết lập quyền tài phán, lập cơ chế hợp tác về TTTPHS, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, các hoạt động HTQT khác được quan tâm chỉ đạo, nhờ đó, có nhiều ĐƯQT đã được ký kết, gia nhập. Thực trạng được tổng hợp như sau:
Theo quy định của Luật ĐƯQT năm 2016 (trước đây là Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005) và thực tiễn triển khai các luật này cho thấy, các hiệp định về TTTPHS, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là ĐƯQT cấp Nhà nước, có các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ nhiều bộ, ngành, bao gồm cả lĩnh vực đối ngoại và hành chính – tư pháp. Do đó, trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin thực tiễn, pháp lý đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết, Bộ Công an, VKSNDTC đã xây dựng dự thảo ĐƯQT gửi xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan (Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC). Trên cơ sở ý kiến góp ý, bộ, ngành chủ trì hoàn thiện Hồ sơ báo cáo cấp Chủ tịch nước cho phép đàm phán, ủy quyền cho lãnh đạo làm Trưởng đoàn đàm phán ĐƯQT, thành lập Đoàn đàm phán, gồm Trưởng đoàn đàm phán cấp Nhà nước được Chủ tịch nước ủy quyền và đại diện các bộ, ngành liên quan. Trong thực tế, việc tổ chức đàm phán hiệp định về dẫn độ, TTTPHS, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù thường được tiến hành với hai vòng (Vòng thứ nhất tại Việt Nam và Vòng thứ hai ở nước đối tác). Kết thúc đàm phán, hai Trưởng đoàn ký tắt dự thảo Hiệp định. Sau đó, cơ quan chủ trì hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Ngoại giao kiểm tra. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, cơ quan chủ trì hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chủ tịch nước quyết định ký ĐƯQT. Sau khi lễ ký hiệp định được tiến hành, hồ sơ trình Chủ tịch nước quyết định phê chuẩn điều ước. Trên cơ sở ĐƯQT được phê chuẩn và có hiệu lực, cơ quan trung ương của các hoạt động HTQT chủ trì thực hiện điều ước đó.
Việc gia nhập ĐƯQT chủ yếu được tiến hành với ĐƯQT đa phương. Trình tự, thủ tục đề xuất gia nhập được thực hiện theo quy định tại Mục 7 Luật ĐƯQT năm 2016 (trước đây là Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005). Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình, yêu cầu HTQT, cơ quan chủ trì đề xuất, trình Chủ tịch nước quyết định về việc gia nhập ĐƯQT theo thẩm quyền, cụ thể là các ĐƯQT có quy định về HTQT trong lĩnh vực TTHS. Trong hồ sơ đề xuất việc gia nhập ĐƯQT, cần lưu ý thu thập đầy đủ thông tin liên quan, như: Danh sách các thành viên của ĐƯQT, văn bản sửa đổi, bổ sung ĐƯQT, bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu, tuyên bố của các bên ký kết nước ngoài đối với ĐƯQT, thủ tục pháp lý cần thiết và các thông tin khác liên quan đến việc gia nhập ĐƯQT.
4.2 Quy định về tương trợ tư pháp về hình sự
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định định nghĩa về “tương trợ tư pháp” và “tương trợ tư pháp về hình sự”. Tuy nhiên, trên góc độ nghiên cứu khoa học pháp lý, có thể hiểu TTTP là việc các cơ quan có thẩm quyền của các nước trợ giúp lẫn nhau thực hiện các hành vi tố tụng theo trình tự, thủ tục, thể thức nhất định để thi hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, cá nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau, thúc đẩy phát triển HTQT [6]. Nhìn nhận trên bình diện pháp luật quốc tế và pháp luật về hình sự có thể thấy, TTTPHS là thủ tục pháp lý quốc tế, trong đó các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của các quốc gia có liên quan hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thu thập, cung cấp thông tin, chứng cứ, lời khai và các tài liệu khác có liên quan trên cơ sở ĐƯQT, pháp luật trong nước để điều tra, xử lý vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Việc thực hiện TTTPHS giữa các quốc gia được trao đổi thông qua Cơ quan Trung ương của mỗi quốc gia trên cơ sở ĐƯQT song phương hoặc đa phương mà các quốc gia là thành viên hoặc nguyên tắc “có đi có lại” [6].
TTTPHS là một hình thức của HTQT trong TTHS, được pháp luật quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và cơ sở pháp lý cụ thể. Điều 17 Luật TTTP quy định phạm vi TTTPHS giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm:
– Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến TTTPHS;
– Triệu tập người làm chứng, người giám định;
– Thu thập, cung cấp chứng cứ;
– Truy cứu TNHS;
– Trao đổi thông tin;
– Các yêu cầu TTTP khác về hình sự.
Trong một số ĐƯQT đa phương, các hiệp định TTTPHS mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định về phạm vi TTTPHS rộng hơn so với Luật TTTP năm 2007 của Việt Nam, cụ thể là: Thu hồi, tịch thu tài sản do phạm tội mà có; phân chia tài sản trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố (Hiệp định TTTPHS giữa CHXHCN Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; Hiệp định TTTPHS giữa các nước ASEAN năm 2004). Về nguyên tắc, các ĐƯQT sẽ được ưu tiên áp dụng nếu có quy định khác về cùng một vấn đề với pháp luật trong nước, trừ Hiến pháp.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra cụ thể ở Việt Nam được tiến hành theo quy định của BLTTHS năm 2015. Một số nội dung chỉ được quy định trong các ĐƯQT, như truy cứu TNHS là việc quốc gia yêu cầu đề nghị quốc gia được yêu cầu thực hiện việc truy cứu TNHS đối với một người (thường là công dân của Nước được yêu cầu) đã phạm tội trên lãnh thổ Nước yêu cầu nhưng đã bỏ trốn đến Nước được yêu cầu. Yêu cầu truy cứu TNHS thường được đưa ra sau khi có yêu cầu dẫn độ nhưng quốc gia được yêu cầu dẫn độ đã từ chối việc dẫn độ người đó đến quốc gia yêu cầu. Về việc này, các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam phải lập yêu cầu TTTP gửi đến VKSNDTC để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị tương trợ, phối hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG ngày 16/8/2013 của VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu TNHS. Điều 103 BLTTHS 2015 quy định về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và HTQT khác: Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và HTQT khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án. Điều 494 BLTTHS năm 2015 quy định về giá trị pháp lý của tài liệu, đồ vật thu thập được qua HTQT trong TTHS. Tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thu thập theo ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi đến Việt Nam để ủy thác truy cứu TNHS có thể được coi là chứng cứ. Nếu tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89 của BLTTHS thì có thể được coi là vật chứng.
Điều 495 BLTTHS năm 2015 quy định việc tiến hành tố tụng của người có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài và người có thẩm quyền của nước ngoài ở Việt Nam được thực hiện theo quy định của ĐƯQT mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại. BLTTHS năm 2015 quy định cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho người làm chứng, người giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại nước được đề nghị có mặt ở Việt Nam để phục vụ việc giải quyết vụ án hình sự.
Theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể cho phép người làm chứng, người giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam có mặt ở nước đã đề nghị để phục vụ việc giải quyết vụ án hình sự (Điều 496). Người làm chứng, người giám định, người đang chấp hành án phạt tù khi có mặt ở nước ngoài để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự không bị điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm khác xảy ra trước khi có mặt tại quốc gia đó, việc này phải được cam kết bằng văn bản trước khi tiến hành.
Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội mà có để phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Việc truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch thu tài sản do phạm tội mà có tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của BLTTHS và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan. Việc xử lý tài sản do phạm tội mà có tại Việt Nam thực hiện theo quy định của ĐƯQT mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo thoả thuận trong từng vụ việc cụ thể giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan (Điều 507). Việc hợp tác phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện trên cơ sở ĐƯQT mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo thoả thuận trong từng vụ việc cụ thể giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan. Các hoạt động phối hợp điều tra thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện theo quy định của BLTTHS và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan (Điều 508). Cũng như quy định HTQT trong xử lý tài sản do phạm tội mà có, HTQT trong phối hợp điều tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử) lần đầu tiên được luật hóa và nhằm đáp ứng nghĩa vụ HTQT điều tra chung được quy định trong các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên theo yêu cầu của UNTOC, UNCAC [22].
Pháp luật Việt Nam cũng quy định cụ thể những trường hợp từ chối TTTPHS, bao gồm: Văn bản uỷ thác không phù hợp với ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên, không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam; hành vi được nêu trong yêu cầu TTTP là tội phạm chính trị, tội phạm mang động cơ chính trị, hành vi vi phạm mang tính chính trị; việc thực hiện TTTPHS có thể ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích thiết yếu của quốc gia; trường hợp uỷ thác tư pháp có liên quan đến việc truy cứu TNHS về hành vi phạm tội mà người đó đã bị kết án, được tuyên không có tội hoặc được đại xá, đặc xá; hết thời hiệu truy cứu TNHS theo quy định của pháp luật quốc gia hữu quan; hành vi vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm – nguyên tắc tội phạm kép; từ chối TTTPHS đối với trường hợp thực hiện hành vi phạm tội về quân sự. Những người này bị xét xử tại toà án quân sự (Điều 21 Luật TTTP năm 2007). Những quy định nêu trên xuất phát từ các nguyên tắc chung của HTQT trong lĩnh vực TTHS, TTTP như đã phân tích ở Chương 1 của luận án.
Trình tự, thủ tục, thời hạn, cơ quan có thẩm quyền và quan hệ phối hợp lập yêu cầu, thực hiện yêu cầu (gửi đi) hoặc tiếp nhận yêu cầu TTTPHS (theo ĐƯQT hoặc theo nguyên tắc có đi có lại) được quy định tại Điều 22 Luật TTTP năm 2007 và BLTTHS năm 2015.
4.3 Quy định về dẫn độ
Khoản 2 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác”. Như vậy, quyền không bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác là quyền hiến định của công dân Việt Nam. Việc xác định công dân ở Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
BLTTHS năm 2015 quy định Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước CHXHCN Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Điều 493).
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 (sửa đổi năm 2008); Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật CAND năm 2018 quy định: “Bộ Công an thực hiện công tác ĐƯQT về bảo đảm an ninh, trật tự; công tác thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Công an; thực hiện công tác dẫn độ…”; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2006 (sửa đổi, bổ sung các năm 2008, 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018); Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định về HTQT trong PCTP ở các góc độ khác nhau, chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực HTQT phòng, chống các loại tội phạm cụ thể…
Luật TTTP năm 2007, có hiệu lực từ ngày 01/7/2008 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguyên tắc, chủ thể, đối tượng và các trường hợp dẫn độ: Luật gồm 7 chương với 71 điều, trong đó, Chương 1 (Những quy định chung) quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, áp dụng pháp luật, nguyên tắc TTTP, ngôn ngữ trong TTTP, uỷ thác tư pháp và hình thức thực hiện TTTP, hợp pháp hoá lãnh sự và việc công nhận giấy tờ, tài liệu uỷ thác tư pháp; Chương IV (Dẫn độ), gồm 17 điều (từ Điều 32 đến Điều 48), quy định về dẫn độ để truy cứu TNHS hoặc thi hành án; trường hợp bị dẫn độ; không truy cứu TNHS, dẫn độ cho nước thứ ba; từ chối dẫn độ cho nước ngoài; hồ sơ yêu cầu dẫn độ; văn bản yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo; tiếp nhận yêu cầu dẫn độ; xem xét yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người; quyết định dẫn độ; các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ; thi hành quyết định dẫn độ; áp giải người bị dẫn độ; hoãn thi hành quyết định dẫn độ và dẫn độ tạm thời; dẫn độ lại; chuyển giao đồ vật, vật chứng liên quan đến vụ án; quá cảnh; chi phí về dẫn độ (xem Bảng số 6).
Các quy định nêu trên là cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam hợp tác, phối hợp, giúp đỡ các cơ quan tương ứng của nước ngoài trong tiến hành dẫn độ.
4.4 Quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gồm: Hiến pháp năm 2013, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) BLTTHS năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật ĐƯQT năm 2016, Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật CAND năm 2014, Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Đặc xá năm 2018 và Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (nay là Luật Thi hành án hình sự năm 2018, sửa đổi, bổ sung các quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện để bảo đảm phù hợp với quy định tại BLTTHS năm 2015, tương thích với các quy định của các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên và pháp luật quốc tế). Trong đó, Khoản 1 Điều 49 Luật TTTP năm 2007 quy định: “Người đang chấp hành hình phạt tù có thể được chuyển giao đến nước mà người đó mang quốc tịch hoặc đến nước khác đồng ý tiếp nhận chuyển giao để tiếp tục chấp hành hình phạt tù mà nước chuyển giao đã tuyên đối với người đó”. Để hướng dẫn chi tiết Luật TTTP năm 2007, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, VKSNDTC và TANDTC đã ban hành Thông tư số 01/2013/TTLT-BCA-BTP- BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù (có hiệu lực từ ngày 15/4/2013) (xem Bảng 6).
4.5 Quy định của pháp luật về những hoạt động HTQT trong TTHS khác
– Điều tra chung, phối hợp điều tra, HTQT trong áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định tại Điều 508 BLTTHS năm 2015. Đây là quy định mới để nội luật hóa quy định tương ứng của UNTOC, UNCAC [22]. Theo đó, Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể hợp tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Cơ sở pháp lý của việc hợp tác phối hợp điều tra hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là ĐƯQT mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo thoả thuận trong từng vụ việc cụ thể giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan. Các hoạt động phối hợp điều tra thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định tại Chương XVI BLTTHS năm 2015, theo đó, gồm các hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn áp dụng, giá trị pháp lý của thông tin, tài liệu thu thập được thông qua việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Cụ thể là: Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử (Điều 223 BLTTHS năm 2015). Việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể được tiến hành đối với các trường hợp tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án. Thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Pháp luật nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.
– Bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác được quy định tại Chương XXXIV BLTTHS năm 2015. Những nội dung quy định cơ bản liên quan đến HTQT trong lĩnh vực TTHS như sau:
Những người được bảo vệ gồm: (1) Người tố giác tội phạm; (2) Người làm chứng; (3) Bị hại; (4) Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại (Điều 484 BLTTHS năm 2015). Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ gồm Cơ quan điều tra của CAND, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.
Các biện pháp bảo vệ gồm: Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ; hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ; giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ; di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý; răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật; các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật (Điều 486 BLTTHS năm 2015).
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group