1. Phạt bao nhiêu khi uống rượu bia tham gia giao thông?

Kính gửi công ty: Xin hỏi quy định về mức phạt khi tham gia giao thông mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu bia hiện nay? Tôi muốn biết để tham gia giao thông cho đúng và biết về pháp luật giao thông để xử lý khi vi phạm ? Xin cảm ơn.

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn chúng tôi sẽ đưa ra 2 trường hợp, căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Xử phạt người điều khiển, xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

– Căn cứ tại Điểm c Khoản 6 Điều 5, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài ra bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng, quy định tại Điểm e Khoản 11 Điều 5.

– Căn cứ tại Điểm c Khoản 8 Điều 5, phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài ra bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng, quy định tại Điểm g Khoản 11 Điều 5.

– Căn cứ tại Điểm a Khoản 10 Điều 5, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài ra bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng, quy định tại Điểm g Khoản 10 Điều 6.

Trường hợp 2, Xử phạt người điều khiển, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

– Căn cứ tại Điểm c Khoản 6 Điều 6, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài ra bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng, quy định tại Điểm đ Khoản 10 Điều 6.

– Căn cứ tại Điểm c Khoản 7 Điều 6, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài ra bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng, quy định tại Điểm e Khoản 10 Điều 6.

– Căn cứ tại Điểm e Khoản 8 Điều 6, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài ra bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng, quy định tại Điểm g Khoản 10 Điều 6.

2. Gây tai nạn khi say rượu, bia phạt như thế nào?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin cho tôi hỏi : mẹ tôi đi xe đạp về đến gần cổng nhà mình thì bị 2 thanh niên say rượu chở nhau đi từ bên phải đường do say rượu nên đi sang trái đường tông phải mẹ tôi, mẹ tôi ngã xuống đường và đi viện thì chụp chiếu bác sĩ chuẩn đoán bị chấn thương đầu, vai, mông.
Gia đình tôi có báo cảnh sát giao thông vào xử lí và đã thu xe đạp và cả xe máy của đối tượng gây tai nạn về huyện công an rồi. ( vụ việc xảy ra hôm thứ 2 ) và mẹ tôi vẫn đang nằm viện điều trị đối tượng cầm lái hôm nay có lên facebook chửi mẹ tôi, gia đình tôi đã chụp lại hình ảnh và có tải về cả video đối tượng này live stream uống rượu trước khi gây tai nạn làm bằng chứng.
Vậy cho tôi hỏi đối tượng gây tai nạn với mẹ tôi có hành động say rượu và sau đó xúc phạm danh dự mẹ tôi thì phải chịu những hình phạt nào trước pháp luật ?
Tôi xin chân thành cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Giao thông miễn phí, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì việc có nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện giao thông là một trong các hành vi bị cấm. Cụ thể:

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

……8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài ra, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

……..2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

………b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

Đối chiếu với các quy định trên, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu có nồng độ cồn vượt mức 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở thì đối tượng điều khiển xe va chạm với mẹ bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bạn cần xác minh xem nồng độ cồn trong máu các đối tượng trên có vượt mức quy định hay không. Nếu vượt mức quy định và gây tai nạn giao thông hoặc nếu chưa vượt mức cho phép nhưng tỷ lệ tổn thương cơ thể của mẹ bạn từ 61% trở lên thì gia đình bạn có thể làm đơn yêu cầu khởi tố những đối tượng trên về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ngoài ra, hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự của những đối tượng trên, bạn có thể thu thập, sao lưu lại để tố cáo về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

3. Xử phạt người tham gia giao thông uống bia rượu?

Thưa Luật sư! Ngày 5/1/2020, Ba của em (gần 60 tuổi) đi đám giỗ về có uống bia. Khi dừng đèn đỏ tại ngã 4 vô tình ngay tại chốt giao thông đang nhiệm vụ ( Ba em chay xe rất chậm và chấp hành tín hiệu đèn).
Ba em bị mời vào lề đường làm việc có xuất trình bằng lái xe, cà vẹt xe và cmnd, sau đó bị yêu cầu thổi kiểm tra nồng độ cồn nhưng thực tế là không có ngậm vào miệng trực tiếp và chỉ là bắn hơi thở (không đưa trực tiếp vào miệng). Lúc đó có đôi co qua lại với anh xử lý và ba em chịu ký vào biên bản. Lúc đó, bị tạm giữ xe – cà vẹt – bằng lái (không giữ cmnd). Sau khi về đội giao thông thì yêu cầu ngày 7/1/2020 lên ký biên bản vi phạm. Đúng ngày đó em và ba em lên đội GT để xem và ký tên. Nhưng khi nhìn thấy hồ sơ vi phạm thì đã ban hành các quyết định xử phạt với số tiền phạt là 7.000.000đ ( nồng độ cồn) + 150.000đ ( em thắc mắc hỏi là vì không cung cấp cmnd nên phạt ). Em yêu cầu được xem lại các quyết định và nội dung phạt thì cán bộ phụ trách không cho, nói lộn xộn quá , kêu về địa phương làm giải trình sau đó lên mới cho ký tên. Ngày 9/1/2020 em và ba em lên lần nữa để ký tên và đi về nhưng chưa nhận được bất kỳ giấy tờ nào liên quan. Hiện tại chưa nhận được bất kì thông tin nào khác. Em xin được hỏi: – Theo Luật định thời điểm tạm giam phương tiện 07 ngày đối với nồng độ cồn, được bắt đầu tính từ thời điểm nào ?
– Việc mức phạt 7.000.000đ do nồng độ cồn có đúng và thỏa đáng không? Bởi vì thực tế ba em chưa ngậm đầu thổi, dụng cụ thổi chỉ tiếp xúc phía ngoài cho nên khả năng chính xác mức độ đo nồng độ hoàn toàn không có cơ sở chính xác. Em có thể yêu cầu bên giao thông cung cấp vật chứng gì để xác định chính xác hay không? – Mức phạt 150.000đ về cmnd như vậy có thỏa đáng không ?
Kính mong được giải quyết và hướng dẫn chi tiết. Xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật dân sự trực tuyến, gọi:1900.0191

Trả lời:

– Căn cứ vào Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về mức độ khi vi phạm nồng độ cồn cụ thể:

– Tại Điểm c Khoản 6 Điều 6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài ra, tại Điểm đ Khoản 10 Điều 6 bố bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng.

– Tại Điểm c Khoản 7 Điều 6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài ra tại Điểm e Khoản 10 Điều 6 bố bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

– Tại Điểm e Khoản 8 Điều 6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/ 100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Ngoài ra tại Điểm g Khoản 10 Điều 6 bố bạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Căn cứ vào quy định trên, việc có nồng độ cồn trong phạm vi quy định, người tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứ không bị tịch thu phương tiên. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền có quyền tạm giữ phương tiện giao thông theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:

Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính

1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

…….

c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.

2. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.

Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:

Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính:
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính
…”

Như vậy trong mọi trường hợp, bố bạn đều có quyền yêu cầu người xử phạt về vi phạm hành chính chứng minh rằng bố bạn bạn đã có hành vi vi phạm hành chính.

Về vấn đề CMND, theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT đã nói rất rõ quyền hạn của CSGT.Cụ thể, khoản 1 Điều 5 cho biết CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật. CMND là giấy tờ chứng minh một người là công dân Việt Nam. CSGT không chỉ được quyền kiểm tra CMND của lái xe, mà còn kiểm tra CMND của người ngồi sau. “Nếu không xuất trình được CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền thì người vi phạm hoàn toàn có thể bị xử phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng theo Nghị định 167/2013”

4. Uống rượu say bị tai nạn có được bồi thường không?

Chào Luật sư, tôi có câu hỏi sau xin được Luật sư tư vấn: Em trai tôi đang trên đường về nhà, người có chút hơi men rồi, thì bị 1 chiếc xe ô tô tải vừa đổ cát trong lề đường đi ra, khi đó em trai tôi không kịp thắng lại và đâm vào xe đó, hậu quả em tôi bị gãy xương đùi. Trong trường hợp như vậy, em tôi có được đền bù thiệt hại không ?

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự qua điện thoại1900.0191

Trả lời:

Căn cứ điều 363 Bộ luật dân sự 2015Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:

Điều 363. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi

Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, em trai bạn được bồi thường thiệt hại hay không còn phụ thuộc vào việc em trai bạn có lỗi trong việc gây ra tai nạn không. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của em trai bạn thì em trai bạn sẽ không được bồi thường, còn nếu em bạn cũng có lỗi thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng mức độ lỗi của mình gây ra. Do vậy, phải xem xét yếu tố lỗi của em trai bạn trong tai nạn này. Trường hợp, chiếc xe ô tô trong lề đường đi ra mà đi đúng luật giao thông đường bộ, em trai bạn uống rượu khi điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ và đâm vào xe ô tô thì lỗi ở đây hoàn toàn là lỗi của em bạn và như vậy, em bạn sẽ không được bồi thường thiệt hại.

Trường hợp, chiếc xe ô tô trong lề đường đi ra vi phạm luât giao thông đường bộ và em trai bạn cũng vi phạm luật giao thông đường bộ dẫn tới việc đâm vào chiếc xe ô tô thì em trai bạn được bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của chiếc ô tô gây ra. Trường hợp, em trai bạn không có lỗi, lỗi do chiếc xe ô tô đi không đúng luật giao thông đường bộ khiến em trai bạn không xử lí được kịp nên đâm vào thì em trai bạn được bồi thường thiệt hại do lỗi của người gây thiệt hại gây ra. Những chi tiết trong câu hỏi bạn đưa ra chưa thể kết luận được em trai bạn bị thiệt hại trong trường hợp nào. Do vậy, chúng tôi không thể khẳng định được việc em trai bạn có được bồi thường thiệt hại hay không.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

5. Uống rượu say gây thiệt hại có phải bồi thường?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Anh T uống rượu say đã đâm xe máy vào cửa hàng của anh H làm vỡ tủ kính. Khi T tỉnh rượu, anh H yêu cầu T bồi thường. T không chịu vì cho rằng do say chứ T không cố ý phá phách, gây thiệt hại cho anh H. Hỏi T có phải bồi thường cho anh H không ? Cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Trả lời:

Bạn thân mến, trường hợp của bạn thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tại khoản 1 Điều 596 BLDS năm 2015 có quy định rõ về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra như sau: “Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường”.

Mặt khác, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi đủ 4 yếu tố : có thiệt hại xảy ra ( bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần); hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; phải có lỗi vô ý hoặc cố ý của người gây thiệt hại. Theo đó, xét trường hợp của bạn, lúc say rượu, anh T đã không làm chủ được bản thân – tức là anh T đã tự đặt mình vào tình trạng say làm cho bản than không làm chủ được hành vi và đã đâm xe máy vào cửa hàng anh H làm vỡ tủ kính . Với hành vi của anh T đã đủ 4 yếu tố để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cụ thể ở đây là trường hợp bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra được quy định tại Khoản 1 Điều 596 BLDS năm 2015 đã nêu trên. Do vậy, anh T phải bồi thường cho anh H một cách kịp thời và toàn bộ dựa trên mức thiệt hại đã gây ra, cho anh H mặc dù anh T không cố ý.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật giao thông – Công ty luật LVN Group

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.