1. Phạt tiền là gì?
Phạt tiền là hình thức xử phạt tác động trực tiếp đến kinh tế của người bị xử phạt
Phạt tiền trong từng lĩnh vực (hành chính hoặc hình sự) sẽ có các tính chất khác nhau
+ Phạt tiền trong lĩnh vực hình sự có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung, khi bị áp dụng hình phạt này người phạm tội sẽ được tính là có án tích (vì khi đã bị áp dụng hình phạt có nghĩa là hành vi bạn thực hiện là tội phạm nên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự)
+ Còn phạt tiền trong lĩnh vực hành chính là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính, không bị tính là có án tích và hành vi vi phạm bị xử phạt cũng không bị xem là tội phạm.
2. Quy định pháp luật về phạt tiền
2.1. Trong lĩnh vực hình sự
Căn cứ Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
“Điều 35. Phạt tiền
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;
b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.
4. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này.”
Điều 35 Bộ luật hình sự quy định hình phạt “phạt tiền” gồm 04 nội dung như sau:
Thứ nhất, phạt tiền là hình phạt buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước. Đây là hình thức tước đi lợi ích vật chất của người phạm tội, tác động thẳng đến tài sản qua đó tác động đến ý thức, thái độ của người phạm tội. Là một hình phạt nên phạt tiền cũng mang mục đích răn đe, giáo dục đối với người phạm tội và người khác trong xã hội.
Thứ hai, do phạt tiền là vừa là hình phạt chính và hình phạt bổ sung nên Khoản 1 và Khoản 2 quy định cụ thể cách thức áp dụng hình phạt này
Phạt tiền là hình phạt chính trong các trường hợp:
– Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định.
– Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Phạt tiền là hình phạt bổ sung trong trường hợp người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác như: các tội phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về chức vụ,…
Thứ ba, Khoản 3 Điều 35 quy định mức phạt tiền được quy định tại các điều luật về các tội phạm cụ thể nhưng phải đảm bảo tối thiểu không thấp hơn 1.000.000 đồng.
Thứ tư, Khoản 4 Điều 35 quy định phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại điều 77 Bộ luật hình sự:
“Điều 77. Phạt tiền
1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
2. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng”.
Theo đó hình phạt phạt tiền là hình phạt chính hoặ chình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức phạt tiền được quy định cụ thể theo từng điều kiện nhất định nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.”
Có thể thấy. tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà các chủ thể đã thực hiện, khả năng tài chính và biến động giá cả thị trường thì Tòa án có thể tùy nghi ấn định mức hình phạt tiền trong phạm vi mức phạt tiền mà điều luật cụ thể quy định đối với các chủ thể thực hiện hành vi phạm tội nhưng không được thấp hơn 01 triệu đồng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là cá nhân (Điều 35), không thấp hơn 50 triệu đồng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là pháp nhân thương mại (Điều 77). Chúng tôi thống kê các điều luật được quy định trong BLHS thì mức hình phạt tiền thấp nhấp mà chủ thể thực hiện tội phạm phải chấp hành đối với cá nhân là 01 triệu đồng, đối với pháp nhân thương mại là 50 triệu đồng. Hình phạt tiền cao nhất có thể áp dụng với cá nhân là 05 tỷ đồng (hình phạt chính), 500 triệu đồng (hình phạt bổ sung); mức hình phạt tiền cao nhất có thể áp dụng với pháp nhân thương mại là 20 tỷ đồng (hình phạt chính), 05 tỷ đồng (hình phạt bổ sung).
2.2. Trong lĩnh vực hành chính
Theo Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:
“Điều 23. Phạt tiền
1. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này.
Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.
2. Chính phủ quy định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể theo một trong các phương thức sau đây, nhưng khung tiền phạt cao nhất không vượt quá mức tiền phạt tối đa quy định tại Điều 24 của Luật này:
a) Xác định số tiền phạt tối thiểu, tối đa;
b) Xác định số lần, tỷ lệ phần trăm của giá trị, số lượng hàng hóa, tang vật vi phạm, đối tượng bị vi phạm hoặc doanh thu, số lợi thu được từ vi phạm hành chính.
3. Căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội đặc thù của địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này.
4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”
3. Đối tượng nào bị áp dụng hình phạt tiền?
3.1. Trong lĩnh vực hình sự
BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định bên cạnh chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự truyền thống là cá nhân thì hiện nay nhà nước ta quy định thêm chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đó là pháp nhân thương mại. Theo đó, hình phạt tiền cũng được BLHS quy định áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là pháp nhân thương mại với cả hai tư cách là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo quy định tại điều 76 BLHS thì hình phạt tiền có thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại khi pháp nhân thương mại phạm các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 (gồm 33 tội danh thuộc các nhóm tội trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh kế, môi trường; nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng).
Như vậy, đối tượng bị áp dụng hình phạt tiền chính là các chủ thể của tội phạm hình sự gồm cá nhân và pháp nhân thương mại.
Đối với chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là cá nhân dưới 18 tuổi, thì việc áp dụng hình phạt tiền cũng bị hạn chế và có những điều kiện nhất định. Người dưới 18 tuổi không bị áp dụng hình phạt bổ sung (Điều 91), người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 có thể bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính nếu người phạm tội có thu nhập hoặc tài sản riêng (Điều 99). Khi áp dụng hình phạt tiền thì mức hình phạt người phạm tội có thể bị áp dụng thấp hơn ½ mức hình phạt tiền áp dụng đối với người thành niên. Như vậy, hình phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính với người dưới 18 tuổi, không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi.
3.2. Trong lĩnh vực hành chính
Căn cứ Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2015 quy định:
“Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính
1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
b) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là cá nhân được quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này.
Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.”
4. Trong Bộ luật Hình sự có quy định liên quan đến hình thức phạt tiền thay cho phạt tù hay không?
Bộ luật hình sự không có quy định về chế độ “phạt tiền thay phạt tù”
Tuy nhiên trong một số lỗi nhất định nếu bạn bồi thường thiệt hại, hoàn trả được 3/4 số tiền tham nhũng thì bạn sẽ được hưởng mức án nhẹ hơn
Ví dụ: Điều 353 BLHS 2015 quy định đối với tội tham ô với mức hình phạt cao nhất là tử hình thì khi giao nộp lại 3/4 số tiền tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ được chuyển sang mức án chung thân