Trả lời:

1. Sự điều chỉnh của pháp luật doanh nghiệp

Từ góc độ điều chỉnh của pháp luật doanh nghiệp thì mua bán doanh nghiệp là một quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư. Theo đó, quy định về mua bán doanh nghiệp bao gồm những nội dung: quy định về thẩm quyền thông qua quyết định bán tài sản doanh nghiệp; quy định về các điều kiện chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; quy định về các điều kiện chào mua công khai cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; quy định về thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu tài sản, thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp.

Ở Hoa Kỳ, quy trình phê duyệt bán công ty đều bị chi phối bởi các yêu cầu mang tính pháp lý mà mọi hoạt động của công ty đều phải tuân theo. Tùy giá trị, quy mô của thương vụ, cổ đông hoặc ban giám đốc hoặc giám đốc điều hành thông qua việc bán tài sản của doanh nghiệp. Hầu hết các giao dịch mua bán doanh nghiệp đều được nhà nước và toà án điều chỉnh theo cách thức cụ thể. Mục đích điều chỉnh những thương vụ mua bán doanh nghiệp là để bảo vệ các nhà đầu tư. Các công ty tư nhân chỉ cần tuân thủ các quy định pháp luật về việc đưa ra các quyết định mua bán doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp, ủy ban Giao dịch và chứng khoán (Securities and Exchange Commission – SEC) được thành lập sau cuộc đại khủng hoảng năm 1929, chủ yếu quan tâm tới bảo vệ quyền lợi của những nhà đầu tư cá nhân, theo đó SEC quan tâm tới trách nhiệm công khai và trách nhiệm ủy thác. Có nghĩa là nhà đầu tư cá nhân phải được thông tin đầy đủ, chính xác về thương vụ mua bán doanh nghiệp. SEC cũng quan tâm tới những trách nhiệm ủy thác của ban giám đốc và ban điều hành công ty đảm bảo họ đã hành động vì lợi ích cao nhất của cổ đông. Sự điều chỉnh của Nhà nước chủ yếu tập trung vào các công ty đại chúng.

Cộng hoà Liên bang Nga quy định về thủ tục mua bán doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật như bộ luật dân sự Liên bang Nga (phần 1 có hiệu lực từ ngày 30/9/1994 số 51-LBN; phần 2 có hiệu lực từ ngày 26/01/1996 số 14-LBN; phần 3 có hiệu lực từ ngày 26/10/2001 số 146-LBN; phần 4 có hiệu lực từ ngày 18/12/2006 số 230-LBN) sửa đổi, bổ sung từ ngày 07/5/2013, Luật liên bang về đăng ký đối với tài sản bất động sản và các giao dịch với loại tài sản đó, số 112, có hiệu lực kể từ ngày 21/7/1997, sửa đổi, bổ sung ngày 07/5/2013 quy định mua bán doanh nghiệp trải qua ba giai đoạn là: Ký kết hợp đồng và đăng ký hợp đồng; Chuyển giao doanh nghiệp; Đăng ký quyền sở hữu của người mua đối với doanh nghiệp. Việc đăng ký mua bán doanh nghiệp ở Nga thực hiện tại cơ quan nhà nước thống nhất nơi có bất động sản theo pháp luật của Liên bang.

Mua bán doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán chịu sự điều chỉnh của pháp luật chứng khoán hoặc Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tùy theo cách đặt tên luật của mỗi quốc gia. Nhìn chung quy định vê thủ tục mua bán doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đều quy định cho nhà thành viên công ty biết “danh tính” các nhà đầu tư có ý định mua lại công ty qua việc chào mua công khai hoặc quy định trao thẩm quyền cho tổ chức nào đó kiểm soát việc chào mua công khai.

Thủ tục mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam được quy định tại các văn bản pháp luật về doanh nghiệp; văn bản pháp luật về đầu tư. Theo đó, mua bán doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục: thông qua chủ trương bán doanh nghiệp; ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp; đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Việc giám sát chào mua công khai cổ phần thuộc thẩm quyền của ủy ban chứng khoán nhà nước theo quy định của Luật Chứng khoán.

2. Sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh

Các quốc gia đều quan tâm tới tác động của mua bán doanh nghiệp tới trật tự cạnh tranh trên thương trường, vì vậy, kiểm soát mua bán doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của pháp luật cạnh tranh. Từ góc độ cạnh tranh, mua bán doanh nghiệp được hiểu như hành vi tập trung kinh tế gắn với quá trình mà số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh ưanh trên thị trường bị giảm đi. Bản chất của mua bán doanh nghiệp và các hình thức tập trung kinh tế khác là tăng thêm tư bản do hợp nhất nhiều tư bản lại. Việc hợp nhất các tư bản có thể dẫn đến phá vỡ cấu trúc cạnh tranh trên thị trường và cần phải được Nhà nước kiểm soát thông qua chính sách, pháp luật cạnh tranh.

Pháp luật cạnh tranh phải quy định “ngưỡng” để kiểm soát tập trung kinh tế nhằm đảm bảo không xâm phạm quyền tự do tập trung kinh tế của các nhà đầu tư đồng thời vẫn bảo vệ cạnh tranh trên thị trường. Ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế ở các quốc gia có sự khác nhau. Pháp và Đức căn cứ vào ngưỡng doanh thu để kiểm soát hành vi tập trung kinh tế; Hoa Kỳ căn cứ ngưỡng theo tiêu chí doanh thu và tài sản; ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế ở Việt Nam căn cứ vào tiêu chí thị phần theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004 và được Luật Cạnh tranh năm 2018 bổ sung các tiêu chí: Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế.

Căn cứ vào ngưỡng kiểm soát tập trung kinh tế, pháp luật cạnh tranh quy định các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm thực hiện; tập trung kinh tế có điều kiện để kiểm soát tập trung kinh tế. Cụ thể:

+ Các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm: Nhà nước không cấm các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động mua bán doanh nghiệp nhưng Nhà nước sẽ kiểm soát việc mua lại doanh nghiệp, xem xét việc mua lại doanh nghiệp đó có gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể không?

Các quốc gia đều quy định một số trường hợp cấm các doanh nghiệp không được tham gia thương vụ mua bán doanh nghiệp trên cơ sở tính toán các điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia trong từng thời kì nhất định. Mục đích của việc cấm các thương vụ mua bán doanh nghiệp là nhằm ngăn cản việc hình thành một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường và sẽ lạm dụng các vị trí đó thủ tiêu cạnh ttanh, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế – xã hội. Ở Việt Nam, ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố sau đây: Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước; Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế để ra quyết định tập trung kinh tế bị cấm thực hiện hay thuộc trường hợp tập trung kinh tế có điều kiện. Tập trung kinh tế bị cấm là tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

+ Tập trung kinh tế có điều kiện: Tập trung kinh tế có điều kiện là tập trung kinh tế được thực hiện nhưng phải đáp ứng một hoặc một số điều kiện nhất định.

Để ra quyết định tập trung kinh tế bị cấm hoặc tập trung kinh tế có điều kiện đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải đánh giá tổng thể những tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế – xã hội phát sinh từ hành vi tập trung kinh tế nói chung và mua bán doanh nghiệp nói riêng, có tính đến yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Một số quốc gia còn sử dụng khái niệm tập trung kinh tế được miễn trừ. Miễn trừ đối với tập trung kinh tế được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp nằm trong ngưỡng thị phần hoặc doanh thu phải chịu sự kiểm soát về tập trung kinh tế được thực hiện các dự án trên cơ sở đáp ứng một số tiêu chí hiệu quả kinh tế – xã hội nhất định. Cơ quan lập pháp phải xác định mục tiêu của Luật Cạnh tranh để từ đó xây dựng các nguyên tắc và tiêu chí miễn trừ cụ thể. Tùy vào điều kiện kinh tế – xã hội của từng quốc gia trong những giai đoạn nhất định mà Luật Cạnh tranh các nước xác định những mục tiêu cụ thể. Ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã không sử dụng khái niệm tập trung kinh tế được miễn trừ, thay vào đó là khái niệm tập trung kinh tế có điều kiện.

+ Pháp luật cạnh tranh quy định về cơ quan có chức năng kiểm soát các vụ việc tập trung kinh tế và có thẩm quyền xử lý các vụ việc tập trung kinh tế vi phạm pháp luật cạnh tranh. Mỗi một quốc gia đặt tên cho cơ quan này với những tên gọi khác nhau như Cục Các-ten ở Đức, ủy ban thương mại lành mạnh ở Nhật Bản, ủy ban cạnh tranh Quốc gia ở Việt Nam… Các cơ quan này đều có nhiệm vụ kiểm soát các hành vi tập trung kinh tế khi các bên tham gia vụ tập trung kinh tế đó đạt đến ngưỡng pháp luật cạnh tranh điều chỉnh nhằm bảo vệ cạnh tranh trên thương trường.

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)