1. Quảng cáo là gì?
Quảng cáo gắn liền với sự phát triển của kinh tế thị trường và nền sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Khoa học và công nghệ phát triển đã kéo theo hoạt động quảng cáo ngày càng sôi động và phong phú hơn, quảng cáo xuất hiện nhiều nơi, được thể hiện bằng nhiều hình thức, truyền tải bằng nhiều phương tiện khác nhau, là hoạt động kinh tế nhưng đồng thời cũng là sự sáng tạo văn hóa của con người.
Ở góc độ ngôn ngữ học, quảng cáo có nghĩa là thông báo, thông tin một cách rộng rãi, nhằm thu hút sự chú ý của mọi người đến đối tượng được quảng cáo. Theo Từ điển Tiếng Việt, “Quảng cáo là một loại thông tin phải trả tiền, có tính đơn phương không dành riêng cho ai, có vận dụng mọi biện pháp, mọi phương tiện thông tin nhằm hỗ trợ một sản phẩm, một nhãn hiệu hoặc một tổ chức được nêu tên trong quảng cáo đó”.
Dưới góc độ kinh tế, theo Từ điển Kinh tế thị trường thì “Quảng cáo là trình bày để giới thiệu rộng rãi cho nhiều người biết nhằm tranh thủ được nhiều khách hàng”.
Dưới góc độ pháp lý, “quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân” (khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018 (Luật Quảng cáo năm 2012).
2. Hoạt động quảng cáo trên Youtube
Quảng cáo trên YouTube là một hình thức quảng cáo thông qua mạng Internet nằm trong hệ thống quảng cáo trên Google, thuộc quyền quản lý và phát triển bởi Google. Tất cả các quảng cáo mà hiển thị trên nền tảng YouTube, bao gồm: YouTube.com và ứng dụng YouTube đều gọi là quảng cáo YouTube. Đây là hoạt động quảng cáo có độ phủ sóng rất cao khi YouTube là kênh video số 1 tại Việt Nam với 11,2 triệu IP người dùng mỗi tháng trên Desktop. Trung bình mỗi ngày có 1.883.000 thành viên ghé thăm trang YouTube, tần suất thành viên ghé thăm YouTube mỗi tháng là 10.1 lần (số liệu tổng hợp từ các nguồn trên internet). Thời gian truy cập YouTube của người Việt Nam đứng thứ 3 khu vực châu Á – Thái Bình Dương (>8 triệu giờ/ngày) (số liệu tổng hợp từ các nguồn trên internet), chỉ xếp sau Thái Lan và Nhật Bản. Quảng cáo trên YouTube có thể tiếp cận tới khách hàng ở từng khu vực hoặc trên toàn thế giới, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau về độ tuổi, giới tính, sở thích…
Quảng cáo trên YouTube được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau bao gồm:
2.1. Youtube Homepage (Quảng cáo hiển thị trên trang chủ Youtube)
Đây là một hình thức quảng cáo xuất hiện ngay trên trang chủ YouTube rất bắt mắt và thu hút người xem, có tính tương tác cao trong 24 giờ. Người xem dễ nhìn thấy quảng cáo nên có lượt xem, tỷ lệ nhấp chuột cao và tùy chọn điều chỉnh không giới hạn, đồng thời có thể tiếp thị lại.
2.2. YouTube Video Ads (Quảng cáo trong video của YouTube)
YouTube Video Ads bao gồm 04 dạng: Trueview In-Stream, In-Stream Non-skippable, In-Stream Preroll Ads và In-Stream Select. Trueview In-Stream là một định dạng quảng cáo tiếp cận khách hàng khi họ xem video, người xem chỉ có thể bỏ qua sau 5 giây quảng cáo. Nhà quảng cáo chỉ phải trả tiền sau 30 giây hoặc khi kết thúc video; In-Stream Non-skippable là dạng quảng cáo xuất hiện trên các trang YouTube và các websites thuộc hệ thống Display của Google có hỗ trợ quảng cáo video; In-Stream Preroll Ads là hình thức quảng cáo xuất hiện không chỉ trên YouTube mà còn những trang embed video từ YouTube; In-Stream Select là dạng quảng cáo xuất hiện trên YouTube và các websites chứa link video từ YouTube, trong đó người xem có thể bỏ qua quảng cáo.
2.3. YouTube Display Ads (Quảng cáo hiển thị trên YouTube)
YouTube Display Ads bao gồm 04 dạng: TrueView In-Display on Watch page, TrueView In-Display on Search Page, Standard Display và In-Video (Overlay). TrueView In-Display on Watch page là dạng quảng cáo YouTube xuất hiện bên cạnh một video khi người dùng đang xem. Nhà quảng cáo phải trả tiền khi người dùng ấn vào thumbnail và xem video; TrueView In-Display on Search Page xuất hiện khi người dùng tìm kiếm, nhà quảng cáo phải trả tiền khi người dùng ấn vào thumbnail và xem video; Standard Display xuất hiện bên cạnh một video khi người dùng xem hoặc trên YouTube search. Nhà quảng cáo phải trả tiền khi người dùng ấn vào banner quảng cáo, link đích có thể là YouTube channel, video hoặc website của người xem; In-Video (Overlay) xuất hiện trong luồng khi bạn xem một video. Nhà quảng cáo phải trả tiền khi người dùng ấn vào banner quảng cáo, link đích có thể là YouTube channel, video hoặc website của người xem.
2.4. YouTube Brand Channel
Đây là một hình thức quảng cáo trên Youtube thông qua các trang mạng xã hội giúp doanh nghiệp lưu trữ và truyền tải video đến đông đảo khách hàng, với giao diện tùy chỉnh một cách chuyên nghiệp và đẳng cấp tạo nét cá tính riêng.
Như vậy, bằng nhiều hình thức khác nhau, quảng cáo trên Youtube có thể dễ dàng tiếp cận người dùng bất cứ đâu, bất cứ khi nào và bất kể đối tượng là ai, vì Internet là toàn cầu và Internet hiện diện 24/24 – Internet không bao giờ ngủ.
3. Thực trạng xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động quảng cáo trên Youtube ở Việt Nam
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, cạnh tranh khốc liệt giữa các chủ thể kinh tế như hiện nay, người dùng rất dễ dàng bắt gặp các quảng cáo trên Youtube, vì đây là một hoạt động đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dùng Youtube không khỏi bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo vi phạm đạo đức trong kinh doanh, ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng, xã hội và tác động xấu đến hình ảnh cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp xuất hiện một cách tràn lan trên Youtube.
Hiện nay, chỉ cần mở một vài video trên YouTube, chúng ta dễ dàng bắt gặp các video quảng cáo có gắn “mác” hoặc Logo của các chương trình do Đài truyền hình Việt Nam sản xuất như VTV1, VTV2 và VTV3. Thậm chí các video quảng cáo này còn sử dụng hình ảnh của các biên tập viên, người dẫn chương trình truyền hình đang làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam. Những video quảng cáo này phổ biến đến nỗi những câu nói của họ đã trở thành trào lưu mới trong giới trẻ. Không những thế, những video quảng cáo này còn được phát một cách tràn lan, bất kể người xem là ai, thuộc đối tượng, thành phần hay lứa tuổi nào. Hành vi này đã xâm phạm đến bản quyền của các đài truyền hình quốc gia, nghiêm trọng hơn là đưa thông tin quảng cáo sai lệch đến người xem.
Căn cứ vào các hành vi xâm phạm hiện nay, có thể phân loại video giả danh đài truyền hình thành ba loại sau:
Một là, video sử dụng nội dung tự sản xuất sau đó gắn logo nhà đài.
Hai là, chủ sở hữu video nhái lại hình thức của nhà đài nhưng sử dụng tên khác. Hiện một số quảng cáo thuốc đông y trên YouTube đang tự tạo các nhà đài riêng như DDTV, VCTC…
Ba là, cắt ghép một bản tin có sẵn, lồng ghép hình ảnh và thông điệp riêng. Những đơn vị kinh doanh các sản phẩm cần uy tín như thuốc, dịch vụ y khoa thường sử dụng hình thức này nhằm tạo uy tín với mục đích đánh lừa người sử dụng.
Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 và năm 2019 (Luật SHTT năm 2005) quy định về hành vi xâm phạm các quyền liên quan như sau:
1. Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
2. Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
3. Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
4. Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
5. Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
6. Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
7. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
Như vậy, việc sử dụng, sao chép các đoạn video bắt đầu của các chương trình phóng sự trên truyền hình, các thiết kế mỹ thuật ứng dụng của các chương trình phóng sự như phông nền đằng sau biên tập viên, phông chữ, bảng thông tin hiển thị trong quá trình phỏng vấn, logo của các kênh truyền hình đều là hành vi vi phạm tài sản trí tuệ của nhà đài, được bảo hộ theo Luật SHTT năm 2005. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, với hình thức trên, chắc chắn các video quảng cáo này sẽ không được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc theo quy định của pháp luật và đương nhiên là không được bất kỳ cơ quan, chức năng nào kiểm chứng về tính an toàn, hiệu quả của thuốc. Khoản 1 Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.”
Câu hỏi đặt ra, đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng tại sao lại xuất hiện một cách tràn lan trên YouTube? Quảng cáo trên Youtube cũng giống như nguyên tắc đấu giá, ai trả cao hơn sẽ ưu tiên hiển thị đầu tiên. Mức giá xuất hiện quảng cáo trên YouTube rơi vào khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng trên một lần hiển thị, nhưng bộ phận quảng cáo thuốc đông y không rõ nguồn gốc này sẵn sàng trả đến 500.000 đến 1.000.000 đồng cho một lần xuất hiện trên YouTube (lợi nhuận nếu có 1 đơn hàng là rất lớn).
Theo chính sách nền tảng, Google hạn chế quảng cáo những nội dung có liên quan đến sức khỏe của người dùng. Tuy nhiên, trên thực tế những video quảng cáo chữa bệnh, bán thuốc đông y không rõ nguồn gốc lại được YouTube phê duyệt và xuất hiện rộng khắp. Liệu rằng có hành vi tiếp tay của Youtube vì mục đích lợi nhuận bất chấp các hậu quả xảy ra với người dùng trên nền tảng hay không và có bị xử lý vi phạm hay không? Hiện nay, cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm về quảng cáo trên YouTube là Luật Quảng cáo năm 2012, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP). Tuy nhiên, đây chỉ là các văn bản pháp luật điều chỉnh chung chung về hoạt động quảng cáo và hoạt động sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Các vấn đề cụ thể về hoạt động quảng cáo trên YouTube chưa được đề cập một cách đầy đủ, hoàn chỉnh nhất.
4. Giải pháp điều chỉnh hiệu quả hoạt động quảng cáo trên Youtube ở Việt Nam
Trong bối cảnh YouTube đang được phủ sóng rộng rãi trên thị trường quảng cáo như hiện nay, hình thức quảng cáo mới này đang dần thay thế quảng cáo truyền hình xưa cũ và truyền thông đa phương tiện quen thuộc. Do đó, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm, chú trọng đến vấn đề này, để các thông tin quảng cáo đến với người xem một cách chuẩn mực, chính xác nhất, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, biến YouTube thành một công cụ kiếm tiền bất hợp pháp để lại nhiều hệ quả tiêu cực. Để góp phần xử lý vấn đề nêu trên, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nghiên cứu ban hành nghị định quy định chi tiết về hoạt động quảng cáo trên YouTube. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi quảng cáo diễn ra trên nền tảng YouTube, từ đó điều chỉnh hành vi của các chủ thể tiến hành quảng cáo theo hướng chuẩn mực, bảo vệ quyền lợi của người dùng.
Thứ hai, tổ chức nghiên cứu sâu về mô hình quảng cáo Binomo, để từ đó kết luận, có nên cấm hay vẫn cho phép quảng cáo kiểu Binomo, nhưng phải hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, thành lập cơ quan chuyên trách quản lý, chịu trách nhiệm rà soát, tiến hành thẩm tra, kiểm chứng tính thật, giả của nội dung được đăng tải quảng cáo; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất và trang thiết bị công nghệ cao, hiện đại đảm bảo triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý về cả hành chính và kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm theo pháp luật.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập