1. Khái niệm quốc thư
Quốc thư là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia cấp nhằm xác nhận tư cách đại diện hợp pháp của người đại diện chính thức cho quốc gia đó khi tham gia quan hệ quốc tế.
2. Trao bản sao quốc thư
Trên cơ sở Quyết định của Chủ tịch nước và thông tin về tên, chức danh đầy đủ của Nguyên thủ Quốc gia, Quốc hiệu, thủ đô nước tiếp nhận do Vụ khu vực cung cấp, Cục Lễ tân Nhà nước sẽ soạn thảo Quốc thư (gồm Thư ủy nhiệm Đại sứ mới – Letter of Credence và Thư triệu hồi Đại sứ tiền nhiệm – Letter of Recall) trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký tắt, sau đó trình Chủ tịch nước ký chính thức.
Trước khi đi nhận nhiệm vụ, Đại sứ đến Cục Lễ tân nhận Quốc thư để mang theo. Quốc thư tại mỗi nước (kể cả nước kiêm nhiệm) gồm: hai bản chính (một bản để trình lên Nguyên thủ Quốc gia nước tiếp nhận, một bản để Đại sứ lưu), một bản sao (bản sao này không có chữ ký và không đóng dấu) để Đại sứ trình đại diện Bộ Ngoại giao (có thể là Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng hoặc Vụ trưởng Lễ tân tùy theo quy định của từng nước) trước khi trình chính thức.
Đại sứ có trách nhiệm kiểm tra kĩ các thông tin ghi trong Quốc thư, nếu thấy có sai sót hoặc bạn đã thay đổi Nguyên thủ Quốc gia thì yêu cầu làm lại Quốc thư.
Trao bản sao Quốc thư được thể hiện như sau:
Theo thông lệ lễ tân, sau khi đến thủ đô nước tiếp nhận một vài ngày, Đại sứ gặp Vụ trưởng Vụ Lễ tân để trao bản sao Quốc thư (ở một vài nước, Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Ngoại giao nhận bản sao).
Nói chung, các nước không tổ chức thành buổi lễ mà chỉ tổ chức cho Vụ trưởng Lễ tân tiếp Đại sứ để nhận bản sao Quốc thư và giới thiệu nghi thức, thời gian lễ trình Quốc thư.
Tại cuộc tiếp này, Đại sứ chủ động trao bản sao cho Vụ trưởng Vụ Lễ tân, sau đó Vụ trưởng sẽ thông báo về lễ trình thư (nghi lễ, thời gian, trang phục, số lượng cán bộ Đại sứ quán tham dự). Gần đây, một số nước yêu cầu Đại sứ trao bản sao là bản chụp Quốc thư.
Tại buổi tiếp này, nếu Vụ trưởng Vụ Lễ tân không đề cập thì Đại sứ chủ động hỏi quy định của nước sở tại về những hoạt động, tiếp xúc mà Đại sứ tiến cử (Đại sứ đã trao bản sao mà chưa trình Quốc thư lên Nguyên thủ Quốc gia: Ambassador – Designate) được làm. Nhiều nước có quy định khi chưa trình Quốc thư thì Đại sứ không ký các văn bản chính thức, không chủ trì các hoạt động chính thức, không chào xã giao, làm việc với lãnh đạo cấp cao.
3. Trình Quốc thư
Nhìn chung, mỗi nước có nghi thức lễ trình Quốc thư khác nhau. Một số nước có cử Quốc thiều hai nước và duyệt đội danh dự. Một số nước có quy định trong lễ trình Quốc thư, Đại sứ phải nói một vài câu trước khi trình thư lên Nguyên thủ Quốc gia nước tiếp nhận.
Ở một số nước, nghi thức buổi lễ trình Quốc thư rất đơn giản, Nguyên thủ Quốc gia nhận Quốc thư và chụp ảnh lưu niệm, không tiếp riêng.
Nếu nước sở tại không quy định cụ thể về trang phục trình Quốc thư (ví dụ: áo đuôi tôm đối với một số nước quân chủ), trang phục trình Quốc thư (của Đại sứ Việt Nam) là comple đối với Đại sứ nam và áo dài đối với Đại sứ nữ.
Khi trình Quốc thư lên Nguyên thủ Quốc gia, Đại sứ phải trình cả Thư ủy nhiệm Đại sứ mới và Thư triệu hồi Đại sứ tiền nhiệm (nếu đã có). Trước khi đi trình thư, Đại sứ chú ý kiểm tra lại thư và trực tiếp cầm thư, đặc biệt không nên đưa cho người ngồi xe khác cầm hộ để tránh xảy ra sự cố nếu xe đi sau bị chậm.
Tùy theo thực tế từng địa bàn, ngay sau khi kết thúc lễ trình Quốc thư trở về, Đại sứ quán có thể tổ chức cocktail nhẹ cảm ơn lãnh đạo, cán bộ lễ tân và đội xe hộ tống Đại sứ đi trình thư hoặc có quà lưu niệm tặng họ.
Theo thông lệ lễ tân, sau khi trình Quốc thư, Đại sứ gửi tới Đại sứ các nước khác trong Đoàn Ngoại giao thông báo đã trình Quốc thư. Thư cần gửi sớm, tốt nhất là 1-2 ngày sau khi đã trình Quốc thư.
4. Quan hệ quốc tế
Quan hệ quốc tế là một ngành của chính trị học, nghiên cứu về ngoại giao và các vấn đề toàn cầu giữa các nước thông qua những hệ thống quốc tế, bao gồm các quốc gia, tổ chức đa chính phủ (IGO), tổ chức phi chính phủ (NGO), và các công ty đa quốc gia (MNC). Bên cạnh chính trị học, quan hệ quốc tế còn quan tâm đến những lĩnh vực khác nhau như kinh tế, lịch sử, luật, triết học, địa lý, xã hội học, nhân loại học, tâm lý học, và văn hóa học. Ngành này liên quan đến những vấn đề đa dạng như toàn cầu hóa và những tác động đến xã hội và chủ quyền của các quốc gia, bảo vệ sinh thái, tăng trưởng hạt nhân, chủ nghĩa dân tộc, phát triển kinh tế, khủng bố, tội phạm có tổ chức, an ninh nhân loại, và nhân quyền.
Quan hệ quốc tế là mối quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền. Mọi quốc gia đều có quyền quyết định tối cao và tự do. Các quốc gia không ở dưới một uy quyền nào và đối nghịch với nhau, sử dụng quyền lực để thực hiện các mục tiêu và thỏa mãn các quyền lực của quốc gia mình. Quan hệ quốc tế có thể bao gồm nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Theo học thuyết Marx – Lenin cho rằng, quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ quốc tế, là do quan hệ vật chất (đó là hình thức kinh tế – xã hội, hiện tượng xã hội) quyết định ra. Quan hệ quốc tế được tiếp tục trong phạm vi quốc tế, các mối quan hệ xã hội được tiếp tục trong phạm vị dân tộc, và chính sách đối ngoại của quốc gia là từ chính sách đối nội mà ra. Hiển nhiên, chính sách đối ngoại độc lập có tác động trở lại đến chính sách đối ngoại quốc gia (mục tiêu, chính sách) nhưng theo một mức độ nào đó mà thôi. Động lực chính khiến cho quan hệ quốc tế xuất hiện đó là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp khác nhau, các quốc gia và các chế độ xã hội khác nhau để giải quyết mâu thuẫn đối kháng giữa họ với nhau. Tương quan lực lượng các giai cấp, các quốc gia, các tổ chức chính trị – xã hội khác nhau sẽ quyết định đến quan hệ quốc tế. GS người Nga Sygankov thì cho rằng, quan hệ quốc tế là loại quan hệ xã hội đặc biệt vượt ra ngoài quan hệ xã hội bên trong quốc gia. Để làm rõ vấn đề này, ông đề ra 2 tiêu chí: các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chiến lược đối nội – đối ngoại; vai trò của người tham gia của nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, đảng phái… Quan hệ quốc tế thực ra rất đa dạng, nhiều chiều và có sự tác động qua lại lẫn nhau. Chúng bao gồm các hoạt động thực tiễn của con người từ chính trị đến kinh tế, quân sự, thể thao…, do đó quan hệ quốc tế là loại quan hệ đặc biệt.
Tại Việt Nam, các nguồn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, nước ta cũng thiết lập nhiều mối quan hệ kinh tế, thương mại với các quốc gia khác. Do đó, nhu cầu nhân lực đối với ngành Quan hệ Quốc tế ngày càng nhiều hơn, là cơ hội thể hiện bản thân của những người trẻ nắm vững chuyên môn, năng động và giỏi ngoại ngữ.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với khoảng 180 nước thành viên Liên Hợp Quốc và quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, nước ta còn là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và thế giới.
Những con số trên phản ánh vị thế của Việt Nam trên toàn cầu và phần nào hứa hẹn một tương lai nghề nghiệp rộng mở cho sinh viên ngành Quan hệ Quốc tế. Nói về triển vọng của ngành Quan hệ Quốc tế, chúng ta sẽ không quá bất ngờ nếu ngành học này vẫn chưa hề giảm độ “hot” trong những năm sắp tới.
5. Chủ thể của tham gia quan hệ Quốc tế
Chủ thể tham gia quan hệ quốc tế (chủ thể của Luật Quốc tế) là những thực thể đang tham gia hoặc có khả năng tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế một cách độc lập, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ quốc tế và khả năng gánh vác trách nhiệm pháp lý quốc tế từ những hành vi mà chính chủ thể thực hiện.
Khi xét về vị trí, tính chất, vai trò chức năng và bản chất pháp lý… thì các chủ thể của Luật Quốc tế có sự khác nhau, tuy nhiên chúng bao giờ cũng có chung các đặc điểm cơ bản và đặc trưng sau:
– Là thực thể đang tham gia hoặc có khả năng tham gia quan hệ pháp Luật Quốc tế.
– Độc lập về ý chí, không chịu sự tác động của các chủ thể khác.
– Được hưởng quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế.
– Có khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế do những hành vi mà chủ thể đó gây ra.
Hiện nay, trong quan hệ pháp Luật Quốc tế hiện đại thì chủ thể của Luật Quốc tế bao gồm:
– Các quốc gia, đây là chủ thể cơ bản và chủ yếu của Luật Quốc tế.
– Các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập, đây là chủ thể tiềm tàng của Luật Quốc tế.
– Các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đây là chủ thể phái sinh của Luật Quốc tế, được hình thành bởi sự hợp tác của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực hướng đến lợi ích của các quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng.
– Các chủ thể đặc biệt khác.
Tuy nhiên trong trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, vai trò của các cá nhân, tập đoàn, công ty đa quốc gia, các hiệp hội phi chính phủ trong quan hệ quốc tế ngày càng tăng cho nên việc thừa nhận các chủ thể có sự tham gia vào một số quan hệ pháp luật quốc tế ở một số lĩnh vực nhất định, do đó có quan điểm cho rằng đây cũng là chủ thể của Luật Quốc tế.
=> Vậy chủ thể quan hệ quốc tế gồm 4 đặc trưng chính như sau:
– Có mục đích khi tham gia quan hệ quốc tế, tức là có động cơ tham gia quan hệ quốc tế. Động cơ được cụ thể hoá bằng các lợi ích trong quan hệ quốc tế. Động cơ quyết định việc tham gia quan hệ và sự theo đuổi của chủ thể trong quan hệ quốc tế. Không có mục đích, chủ thể sẽ không tham gia quan hệ quốc tế và không còn là chủ thể quan hệ quốc tế.
– Có tham gia vào quan hệ quốc tế, tức là tham gia vào quan hệ với nước ngoài và là một bên trong quan hệ đó. Tham gia vào quan hệ quốc tế quy định tính “quan hệ quốc tế” của chủ thể. Không tham gia vào quan hệ với nước ngoài, quan hệ quốc tế không hình thành và chủ thể không trở thành chủ thể quan hệ quốc tế.
– Có khả năng thực hiện quan hệ quốc tế, tức là phải có năng lực, sự độc lập hay sự tự trị nhất định. Chủ thể không có năng lực thì không hình thành và thực hiện được quan hệ quốc tế. Chủ thể không độc lập hoặc thiếu sự tự trị thì chỉ là công cụ của chủ thể khác mà không phải là chủ thể quan hệ quốc tế thực sự.
– Hành vi quyết định có ảnh hưởng nhất định tới quan hệ quốc tế, tức là hành vi và quyết định của nó phải có khả năng tác động đến chủ thể khác để hình thành hoặc làm thay đổi quan hệ. Đồng thời, việc có ảnh hưởng cũng khiến các chủ thể khác phải tính đến nó trong chính sách đối ngoại của mình.
Trân trọng!
Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)