Nội dung của nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự xác định quyền của đương sự tự quyết định về việc tham gia tố tụng dân sự, tự quyết định quyền và lợi ích của họ trong tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật và trách nhiệm của tòa án giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác[1

QTĐĐ của đương sự trong việc giải quyết vụ án dân sự.

QTĐĐ của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự.

Quyền khởi kiện VADS là một trong các quyền TTDS của đương sự, được thực hiện đầu tiên trong quá trình TTDS. Với quy định tại các Điều 4, 5, 9, 186, 187 BLTTDS, Nhà nước chính thức ghi nhận quyền khởi kiện của cá nhân, cơ quan tổ chức yêu cầu TA bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Thực hiện quyền khởi kiện chính này là một biểu hiện của nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong khởi kiện VADS. Đương sự có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác khởi kiện VADS (nếu đủ năng lực hành vi TTDS) hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự sẽ quyết định việc khởi kiện (nếu đương sự không đủ năng lực hành vi TTDS).

Khoản 1 Điều 4 BLTTDS quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác”. Khoản 1 Điều 5 BLTTDS quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Điều 186 BLTTDS về quyền khởi kiện vụ án: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 184 BLTTDS quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ dân sự thì đương sự được tự định đoạt trong việc yêu cầu áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu khi có yêu cầu của một bên hoặc các bên và yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc[2].

QTĐĐ của bị đơn trong việc đưa ra yêu cầu.

Bị đơn cũng có quyền quyết định đưa ra yêu cầu phản tố, chấp nhận hoặc bác bỏ yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Khoản 4 và 5 Điều 72 BLTTDS quy định như sau: “3. Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; 4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này”.

Trong tố tụng dân sự thì quyền phản tố được hiểu là bị đơn khởi kiện ngược lại nguyên đơn về một yêu cầu khác yêu cầu nguyên đơn đưa ra. Còn phản đối là việc bị đơn đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lý, lý lẽ để không chấp nhận hoặc bác bỏ khởi kiện của nguyên đơn. Đồng thời, khoản 1 Điều 200 BLTTDS quy định: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”.

QTĐĐ trong việc đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là người tham gia vào vụ kiện của người khác để bảo vệ quyền, lợi ích độc lập của mình đối với đối tượng tranh chấp mà Tòa án đang xem xét và giải quyết. Trong vụ án dân sự, lợi ích pháp lý của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập luôn độc lập với lợi ích pháp lý của nguyên đơn, bị đơn nên yêu cầu của họ có thể chống lại cả nguyên đơn, bị đơn. Như vậy, khởi kiện vụ án dân sự là hành vi đầu tiên của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác, là cơ sở pháp lý làm phát sinh các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc khi có đơn khởi kiện hoặc yêu cầu của các chủ thể. Đương sự có quyền quyết định khởi kiện hay không khởi kiện, nội dung khởi kiện và bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập với đương sự.

QTĐĐ trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu.

Căn cứ các Điều 70, 71, 217, 245 và 249 BLTTDS, đương sự có quyền quyết định việc thay đổi, bổ sung hay rút yêu cầu. Theo khoản 4 Điều 70 BLTTDS thì đương sự có quyền: “Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này”. Theo khoản 4 Điều 71 BLTTDS thì nguyên đơn có quyền: “Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện”. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn tố tụng mà việc thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện có thể được tòa án chấp nhận hoặc không, căn cứ khoản 1 Điều 244: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”.

Quyền tự định đoạt của đương sự trong việc rút yêu cầu tức là quyền quyết định rút đơn khởi kiện đối với nguyên đơn, rút yêu cầu phản tố đối với bị đơn, rút yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Thực chất, việc rút yêu cầu là hành vi định đoạt của đương sự được biểu hiện ở hai khía cạnh là sự từ bỏ yêu cầu (dựa trên luật nội dung) và sự từ bỏ phương tiện bảo vệ yêu cầu bằng con đường tố tụng (thông qua Tòa án) hoặc chỉ là từ bỏ phương tiện bảo vệ yêu cầu bằng con đường tố tụng (trong trường hợp đương sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đối với đương sự khác không muốn tiếp tục tranh chấp với đương sự khác).

QTĐĐ của đương sự trong thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự.

Khoản 2 Điều 5 BLTTDS 2015 quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”. Để tạo điều kiện cho các đương sự thực hiện quyền này thì Điều 10 BLTTDS 2015 quy định về hòa giải trong TTDS như sau: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Cụ thể, theo quy định tại Điều 205 BLTTDS 2015, thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không hòa giải được (Điều 206, 207 BLTTDS). Việc hòa giải phải được tiến hành theo nguyên tắc: tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực, bắt các đương sự thỏa thuận không phù hợp ý chí… Theo quy định tại Điều 212 BLTTDS: “Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”.Còn nếu như đang trong giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm mà các đương sự có thỏa thuận được với nhau thì HĐXX sơ thẩm hoặc phúc thẩm ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án (Điều 246, 300 BLTTDS).

QTĐĐ của đương sự trong việc kháng cáo, thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu kháng cáo đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự.

Quyền kháng cáo bản án, quyết định giải quyết VADS là một quyền tố tụng cơ bản của đương sự. Thông qua việc kháng cáo, đương sự chống lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong kháng cáo, đương sự cũng có quyền tự định đoạt. Điều 271 BLTTDS 2015 quy định về người có quyền kháng cáo: “Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.

Điều 284 BLTTDS 2015 quy định khi chưa hết thời hạn kháng cáo thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu; trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu; Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo. Để đảm bảo quyền của đương sự trong kháng cáo, theo điều 293 BLTTDS, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại những phần bản án, quyết định có kháng cáo hoặc liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo.

QTĐĐ của đương sự trong việc giải quyết việc dân sự.

QTĐĐ của đương sự trong việc đưa ra yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Quyền yêu cầu giải quyết VDS là một trong những quyền TTDS cơ bản của đương sự. Việc thực hiện được quyền này trong TTDS cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và do đương sự tự định đoạt.

Điều 4 BLTTDS 2015 quy định đương sự có quyền yêu cầu giải quyết VDS, Tòa án không được từ chối giải quyết VDS vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Khoản 2 Điều 5 BLTTDS quy định Tòa án chỉ thụ lý giải quyết VDS khi có đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn yêu cầu đó. Khoản 1 Điều 363 BLTTDS quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu. Khoản 1 Điều 365 BLTTDS quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết VDS, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Khoản 1 Điều 366 BLTTDS quy định trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. Như vậy, pháp luật TTDS hiện hành đã quy định tương đối đầy đủ quyền tự định đoạt của đương sự trong việc yêu cầu Tòa án giải quyết VDS và các biện pháp đảm bảo cho đương sự thực hiện được quyền này trên thực tế.

QTĐĐ của đương sự trong việc rút đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Người yêu cầu giải quyết VDS có quyền rút đơn yêu cầu giải quyết VDS. Việc rút đơn do đương sự tự định đoạt và có thể thực hiện trong mọi giai đoạn TTDS. Thủ thục rút đơn yêu cầu giải quyết VDS, theo điều 361 BLTTDS giống rút đơn khởi kiện VADS. Khoản 2 Điều 5 BLTTDS 2015 quy định đương sự có quyền tự định đoạt trong việc chấm dứt yêu cầu. Khoản 4 Điều 70 BLTTDS quy định đương sự có quyền rút yêu cầu. Theo điểm c khoản 2 Điều 366 BLTTDS, Tòa án phải giải quyết đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu.

QTĐĐ của đương sự trong việc thỏa thuận giải quyết việc dân sự.

Đối với những VDS có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, khi giải quyết VDS, cần đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự trong thỏa thuận giải quyết VDS. Để đảm bảo, TTDS đã quy định các nội dung tại các Điều 5, 10, 397 về thỏa thuận của đương sự, Tòa án có trách nhiệm hòa giải,…

Theo khoản 2 Điều 5 BLTTDS, đương sự có quyền định đoạt thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Theo khoản 2 Điều 10 BLTTDS thì Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định. Khoản 2 Điều 397 BLTTDS quy định trong giải quyết thuận tình ly hôn, Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ.

QTĐĐ của đương sự trong việc kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự.

Quyền kháng cáo là một trong những quyền bảo vệ quan trọng của đương sự trong TTDS, cũng nhằm để đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử. Trong VDS, đương sự có quyền kháng cáo, đồng thời có quyền tự định đoạt trong việc thực hiện quyền này.

Điều 371 BLTTDS 2015 quy định: “Người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo,… quyết định giải quyết việc dân sự để yêu cầu Tòa án trên một cấp trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm, trừ quyết định giải quyết việc dân sự quy định tại khoản 7 Điều 27, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 của Bộ luật này[3]”. Điều 372 BLTTDS quy định về thời hạn kháng cáo là 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định, trong trường hợp họ không có mặt tại phiên họp giải quyết việc dân sự thì thời hạn đó được tính từ ngày họ nhận được quyết định giải quyết việc dân sự hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết. Ngoài ra, các Điều 373, 375 BLTTDS còn quy định cụ thể trách nhiệm và thủ tục xét kháng cáo. Như vậy, BLTTDS đã quy định khá đầy đủ các vấn đề liên quan đến kháng cáo và giải quyết kháng cáo quyết định giải quyết VDS để đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự trong việc kháng cáo quyết định giải quyết VDS.

Trách nhiệm của Tòa án trong việc đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự trong TTDS

Điều 5 BLTTDS quy định: “TA chỉ thụ lí giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Quy định này có nghĩa đương sự được quyền tự định đoạt trong việc kiện hay không kiện? Kiện ai? Kiện về vấn đề gì hay yêu cầu giải quyết việc gì? TA chỉ thụ lí giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự. Nếu không có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự TA không được thụ lí giải quyết bất kì vụ việc nào, và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, yêu cầu đó không giải quyết thiếu, hay vượt quá phạm vi yêu cầu đó. Đây là quy định xác định cụ thể về trách nhiệm của TA trong việc bảo đảm QTĐĐ của đương sự, chứng minh pháp luật tố tụng luôn tôn trọng QTĐĐ của đương sự.

Qua phân tích về QTĐĐ trong TTDS ở trên, có thể thấy NTQTĐĐ của đương sự đã được quy định khá cụ thể trong BLTTDS. Nó là những quyền rất cơ bản của đương sự tạo điều kiện cho đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước TA. TA phải bảo đảm QTĐĐ đó của đương sự được thực hiện trên thực tế.


[1] Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 47.

[2] Bùi Mạnh Cường (2018), Quyền tự định đoạt của đương sự và thực tiễn áp dụng tại các Tòa án nhân dân ở tỉnh Lạng Sơn, Luận văn thạc sĩ Luật học, Hà Nội, tr. 22 – 23.

[3] Trừ các quyết định công nhận thỏa thuận ngoài Tòa án, quyết định yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và quyết định công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.