1. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo BLHS

Xuất phát từ đặc điểm về độ tuổi, tâm sinh lý của người dưới mười tám tuổi phạm tội (người chưa thành niên phạm tội), thì việc nhận thức về xã hội, pháp luật của họ cũng chưa đầy đủ so với người trưởng thành trong nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề. Vì vậy, yêu cầu tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giám sát giáo dục người dưới mười tám tuổi phạm tội là cần thiết.

Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 qui định thay thế việc áp dụng hình phạt và biện pháp tư pháp bằng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn là hoàn toàn phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo được mục đích giáo dục, vẫn giúp họ nhận thức rõ lỗi lầm và có cơ hội khắc phục sửa chữa những sai phạm đối với dưới mười tám tuổi phạm tội trong giai đoạn hiện nay.

Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là một trong các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với người dưới mười tám tuổi phạm tội. Đây là những qui định mới hết sức tiến bộ được qui định tại Điều 95 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mục đích tăng khả năng áp dụng các qui định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới mười tám tuổi phạm tội, hạn chế thấp nhất việc áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp đối vớicác đối tượng này.

Theo qui định tại Điều 95 BLHS thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng các biệp pháp giáo dục tại xã phường thị trấn từ 1 đến 2 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Phạm tội ít nghiêm trọng, hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp qui định tại điểm a khoản 2 điều 91 BLHS.

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp qui định tại điểm b khoản 2 điều 91 BLHS.

Khi được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục thì các đối tượng phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

+ Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động.

+ Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã phường, thị trấn.

+ Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép.

+ Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc.

+ Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

+ Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.

Nếu người được giám sát giáo dục tại xã phường thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của UBND cấp xã nơi được giao giám sát giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã phường thị trấn.

2. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo BLTTHS 2015

Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì khi miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 92 và Điều 95 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết. Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 429 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

 Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có các nội dung chính:

a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;

b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;

c) Lý do, căn cứ ra quyết định;

d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;

đ) Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự đã áp dụng;

e) Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

g) Trách nhiệm của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị áp dụng biện pháp này cư trú.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao quyết định cho người bị áp dụng biện pháp này, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú.

Tóm lại, đây là những quy định mới, hết sức tiến bộ với mục đích tăng khả năng áp dụng các quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, hạn chế thấp nhất việc phải áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội; tạo các thủ tụng tố tụng linh hoạt, có tính nhân đạo cao trong xử lý người chưa thành niên phạm tội. Xuất phát từ đặc điểm về độ tuổi, tâm sinh lý người chưa thành niên phạm tội, cũng như yêu cầu tăng cường trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên, việc áp dụng các biện pháp xử lý nêu trên với tính chất nhằm thay thế hiệu quả việc áp dụng hình phạt và biện pháp tư pháp là hoàn toàn phù hợp, bảo đảm mục đích giáo dục, phòng ngừa đối với người chưa thành niên phạm tội trong tình hình hiện nay. Việc quy định áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục bắt buộc sẽ bảo đảm kết hợp giữa việc quyết định miễn trách nhiệm hình sự và khả năng giáo dục – phòng ngừa xã hội cùng được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, giúp người chưa thành niên phạm tội nhận thức rõ lỗi lầm, có cơ hội khắc phục sai phạm.

3. Các nguyên tắc thực hiện việc giám sát, giáo dục người dưới 18 phạm tội được miễn TNHS

Theo Nghị định số 37/2018/NĐ-CP, việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự phải đảm bảo nguyên tắc sau:

– Bảo đảm mục tiêu phục hồi cho người được giám sát, giáo dục; nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người được giám sát, giáo dục; phòng ngừa tái phạm;

– Tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục;

– Bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, độ tuổi, giới tính, nhu cầu cá nhân và vì lợi ích tốt nhất của người được giám sát, giáo dục; 

– Tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người được giám sát, giáo dục;

– Bảo đảm sự tham gia của gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.

Thời hạn giám sát, giáo dục được tính từ ngày người được giám sát, giáo dục có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để nghe thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Nghị định quy định Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục. Căn cứ vào tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, năng lực cán bộ và các điều kiện khác ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định danh sách người trực tiếp giám sát, giáo dục gồm từ 3 đến 5 người được lựa chọn trong số các cá nhân quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho người trực tiếp giám sát, giáo dục hoặc cử người trực tiếp giám sát, giáo dục tham gia các chương trình tập huấn thích hợp do cấp huyện hoặc cấp tỉnh tổ chức để thực hiện nhiệm vụ.

Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã) làm nhiệm vụ đầu mối, tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục tại địa phương.

Cán bộ, chiến sỹ công an, công an viên, công chức văn hóa – xã hội, công chức tư pháp – hộ tịch, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư có đạo đức tốt, có điều kiện, khả năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trực tiếp thực hiện việc giám sát, giáo dục theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Nhà trường, gia đình và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ thực hiện việc giám sát, giáo dục.

4. Nội dung và hình thức giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS

Nội dung giám sát, giáo dục gồm: Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật; trang bị các kỹ năng sống cơ bản; hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, học nghề, tìm việc làm; tổ chức cho người được giám sát, giáo dục tham gia lao động tại cộng đồng với hình thức phù hợp; các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác quy định tại Điều 71 Luật trẻ em nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Hình thức giám sát, giáo dục gồm: Yêu cầu người được giám sát, giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giám sát, giáo dục; hướng dẫn, động viên người được giám sát, giáo dục tham gia các lớp học về kỹ năng sống, học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề; thông báo cho gia đình người được giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành của người đó và yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện trước cơ quan có thẩm quyền./.

5. Chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Theo Điều 23 Nghị định 38/2018/NĐ-CP:

– Khi nhận được đề nghị của người trực tiếp giám sát, giáo dục hoặc đơn đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Công an cùng cấp tổ chức cuộc họp xem xét việc đề nghị cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giáo dục cho người được giám sát, giáo dục.

Thành Phần tham gia cuộc họp gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; người trực tiếp giám sát, giáo dục; đại diện Công an cấp xã; Ban bảo vệ trẻ em cấp xã; người được giám sát, giáo dục; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục.

Tại cuộc họp, người trực tiếp giám sát, giáo dục nhận xét về quá trình thực hiện nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục; người tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kết luận.

– Trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, công an cấp xã có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp lập hồ sơ đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn, gửi cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Hồ sơ đề nghị gồm có:

  • Đơn đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn của người được giám sát, giáo dục;
  • Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đề nghị cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giám sát, giáo dục cho người được giám sát, giáo dục;
  • Bản nhận xét về quá trình thực hiện nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)