1. Người dưới 18 tuổi phạm tội

Người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là phạm tội. Đây là chủ thể của tội phạm nhưng cũng là đối tượng được bảo vệ đặc biệt.

Những đặc điểm của người chưa thành niên phạm tội:

  • Chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý
  • Trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế
  • Thiếu những điều kiện và bản lĩnh để tự lập
  • Khả năng tự kiềm chế chưa cao
  • Có xu hướng muốn tự khẳng định, được đánh giá, được tôn trọng
  • Dễ tự ái, tự ti, hiếu thắng và thiếu kiên nhẫn
  • Nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế
  • Dễ bị kích động, lôi cuốn nhưng dễ thay đổi, uốn nắn

2. Các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục sau đây đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự:

– Khiển trách;

– Hòa giải tại cộng đồng;

– Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Quy định của BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về biện pháp khiển trách

Kế thừa nguyên tắc nhân đạo của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi quan trọng trong chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong đó, BLHS năm 2015 đã sửa đổi theo hướng cụ thể hơn BLHS năm 1999 và khẳng định nguyên tắc: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. BLHS năm 2015 quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Theo đó, trường hợp áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có quyền quyết định áp dụng biện pháp khiển trách, khi người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 93 BLHS năm 2015, nhằm mục đích để người dưới 18 tuổi phạm tội sửa chữa sai lầm, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, không phải tất cả người dưới 18 tuổi phạm tội đều được áp dụng biện pháp khiển trách, mà họ chỉ được áp dụng biện pháp khiển trách khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 93 BLHS năm 2015, như sau:

“1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi…”.

Để biện pháp khiển trách được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả thì tại khoản 3 Điều 93 BLHS năm 2015 quy định người bị áp dụng biện pháp khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ như sau:

a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp”.

Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.

4. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khiển trách theo BLTTHS 2015

Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự năm 2015, khiển trách được áp dụng đối với: người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng; hoặc người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án, nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ.

Khi miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện, căn cứ áp dụng biện pháp khiển trách theo quy định tại Điều 92 và Điều 93 của Bộ luật hình sự 2015 thì, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết. Quyết định áp dụng biện pháp khiển trách phải có đủ các nội dung chính theo quy định tại khoản 2 Điều 427 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Quyết định áp dụng biện pháp khiển trách có các nội dung chính:

a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;

b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người có thẩm quyền ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;

c) Lý do, căn cứ ra quyết định;

d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;

đ) Tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự đã áp dụng;

e) Thời gian thực hiện nghĩa vụ của người bị khiển trách.

Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 2015, tuỳ từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ đối với người bị khiển trách theo quy định tại khoản 4 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao ngay quyết định áp dụng biện pháp khiển trách cho người bị khiển trách, cha mẹ hoặc người đại diện của họ.

5. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp khiển trách

Thứ nhất: Khi xét thấy người dưới 18 tuổi phạm tội có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp khiển trách, thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

Vấn đề đặt ra, nếu việc khiển trách chỉ diễn ra trước sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội, thì việc khiển trách này chỉ mang tính hình thức, làm cho bản thân người bị khiển trách khó cảm thấy ăn năn, hối lỗi về hành vi phạm tội của mình. Mặt khác, nếu chỉ có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội mà không thông báo hoặc không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương nơi bị can, bị cáo cư trú, làm việc sẽ không phù hợp với thực tế áp dụng biện pháp khiển trách.

Bởi lẽ, trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không thông báo cho chính quyền địa phương biết việc người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp khiển trách hoặc người thân của người bị áp dụng biện pháp khiển trách hoặc người bị áp dụng biện pháp khiển trách cố tình không thông báo cho chính quyền địa phương biết việc người dưới 18 tuổi phạm tội đang bị áp dụng biện pháp khiển trách, thì chính quyền địa phương sẽ không biết, qua đó, không theo dõi, giám sát được người đó để yêu cầu họ thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 BLHS 2015 như: Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Từ đó, việc áp dụng biện pháp khiển trách rất hình thức và không hiệu quả cho người dưới 18 tuổi phạm tội cũng như không đảm bảo trong việc chính quyền địa phương theo dõi, nhận xét, đánh giá sự tiến bộ của người bị áp dụng biện pháp khiển trách để giúp họ nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, giảm nguy cơ tái phạm.

Thứ hai: Đối với nghĩa vụ mà người bị áp dụng biện pháp khiển trách phải thực hiện tại khoản 3 Điều 93 BLHS 2015 như: Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nào có nhiệm vụ theo dõi, giám sát cũng như thực hiện việc đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện các nghĩa vụ của người đó? Đây là vấn đề mà BLHS chưa quy định rõ, cần có một quy định hướng dẫn cụ thể về cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát, giáo dục và đánh giá kết quả chấp hành pháp luật của người bị áp dụng biện pháp khiển trách, nhằm đảm bảo cho người đó có trách nhiệm chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ. Cụ thể, trong trường hợp này, BLHS năm 2015 nên quy định giao cho cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị áp dụng biện pháp khiển trách cư trú, làm việc có trách nhiệm giám sát, giáo dục, đánh giá trong thời gian người đó thực hiện biện pháp khiển trách. 

Thứ ba: Tại khoản 3 Điều 427 BLTTHS 2015 quy định về việc giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm phải giao ngay quyết định áp dụng biện pháp khiển trách cho người bị khiển trách, cha mẹ hoặc người đại diện của họ mà Luật không quy định rằng quyết định phải được giao cho chính quyền địa phương nơi người bị áp dụng biện pháp khiển trách cư trú, làm việc. Bởi lẽ, chính quyền địa phương là nơi theo dõi, giám sát cũng như yêu cầu người đó tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 93 BLHS 2015.

Thứ tư: Ngoài ra, tại điểm c khoản 3 Điều 93 BLHS 2015 còn quy định người bị khiển trách phải thực hiện nghĩa vụ “tham gia lao động với hình thức phù hợp”. Như vậy, hiểu thế nào là lao động với hình thức phù hợp hay tiêu chí nào để xác định tính phù hợp của hình thức thức lao động; các hình thức lao động đó là gì; cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền giám sát quá trình lao động này của người bị khiển trách…? Vì vậy, đây cũng là vấn đề cần sớm được hướng dẫn cụ thể.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)