Quy định của các điều ước quốc tế về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự  mà Việt Nam là thành viên

1. Quy định thẩm quyền tài phán của quốc gia đối với tội phạm xuyên quốc gia

Các ĐƯQT đa phương mà Việt Nam là thành viên điều chỉnh PCTP đều yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện việc nội luật hóa quy định ĐƯQT để tăng cường HTQT PCTP. Các quy định như vậy đã xác định thẩm quyền xét xử của quốc gia đối với các hành vi phạm tội, cụ thể là:
Việt Nam là thành viên của 13/18 ĐƯQT phòng, chống khủng bố của Liên hợp quốc và ASEAN; 03 ĐƯQT về phòng, chống ma túy, gồm: Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 đã được bổ sung bởi Nghị định thư năm 1972; Công ước về các chất hướng thần năm 1971; Công ước của Liên hợp quốc chống buôn bán trái phép các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988; Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền châu Á; Công ước Luật biển quốc tế năm 1982 (từ Điều 100 đến Điều 107 quy định về hành vi cướp biển); Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học, vi trùng và công việc tiêu hủy chúng; Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật hoang dã nguy cấp (CITES); Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989; Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em, về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000; Công ước về các biện pháp cấm và ngăn ngừa nhập khẩu, xuất khẩu và chuyển giao bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ năm 1970; Công ước liên quan đến bảo vệ các di sản văn hóa và tự nhiên; Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Công ước Berne về bảo vệ tác phẩm nghệ thuật; Công ước Paris về bảo vệ sở hữu công nghiệp. Các ĐƯQT đa phương này đều có quy định yêu cầu quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp để quy định các hành vi được quy định trong các ĐƯQT này là tội phạm trong pháp luật hình sự trong nước; đồng thời, yêu cầu các quốc gia phải tiến hành các biện pháp hành pháp, lập pháp hoặc tư pháp để tăng cường HTQT PCTP (xem Bảng 1).
Ví dụ: UNTOC quy định các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ hình sự hoá những hành vi có tính chất nguy hiểm cao trong nội luật và xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử các hành vi “tham gia nhóm tội phạm có tổ chức” (khoản 1 Điều 5), hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có (khoản 1 Điều 6), tham nhũng (Điều 8) và cản trở hoạt động tư pháp (Điều 23). Điều 5 UNTIP quy định các quốc gia thành viên phải hình sự hóa hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. UNCAC quy định nghĩa vụ hình sự hóa các quy định từ Điều 15 đến Điều 25 của Công ước gồm các hành vi: Hối lộ công chức quốc gia, hối lộ công chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế công, tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác bởi công chức; lạm dụng ảnh hưởng, lạm dụng chức năng để trục lợi; hối lộ trong khu vực tư; biển thủ tài sản trong khu vực tư; che dấu tài sản; cản trở hoạt động tư pháp; khuyến nghị các quốc gia hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp và hành vi tẩy rửa tài sản do phạm tội mà có trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia. (xem Bảng 1).

2. Quy định về tương trợ tư pháp về hình sự

Tính đến tháng 8/2019, Việt Nam là thành viên của 22 ĐƯQT đa phương và đã ký kết 28 ĐƯQT song phương có quy định về TTTPHS, trong đó, có 01 ĐƯQT đa phương và 16 ĐƯQT song phương chuyên biệt về TTTPHS (xem Bảng 1, Bảng 2). Mặc dù không thực hiện trực tiếp các quy định về TTTPHS ở các ĐƯQT đa phương, nhưng nếu giữa Việt Nam và quốc gia đối tác chưa ký kết hiệp định TTTPHS song phương, các quốc gia này có thể gửi yêu cầu TTTPHS trên cơ sở ĐƯQT đa phương.

3. Quy định về dẫn độ

Việt Nam là thành viên của 22 ĐƯQT đa phương, 11 hiệp định TTTP song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ. Việt Nam hiện đang tuyên bố không coi 12/22 ĐƯQT đa phương là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ (xem Bảng 3). Trên thực tế, các ĐƯQT nói chung và các hiệp định về dẫn độ nói riêng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xung đột pháp luật giữa các quốc gia, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia có thể căn cứ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp tác trong hoạt động dẫn độ. Việc tăng cường ký kết và thực hiện các ĐƯQT song phương về dẫn độ đã, đang và sẽ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý hợp tác cho hoạt động này.

4. Quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Tính đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 3 ĐƯQT đa phương và 14 ĐƯQT song phương có quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Các điều ước đa phương về chống buôn bán bất hợp pháp ma túy và các chất hướng thần, UNTOC, UNCAC quy định mang tính nguyên tắc, có tính khuyến nghị các nước thành viên điều ước tăng cường hợp tác về chuyển giao người bị kết án phạt tù về các tội nêu trong Công ước mà không có những quy định cụ thể để có thể áp dụng trực tiếp (xem Bảng 1).
Thực hiện các ĐƯQT đa phương và đặc biệt sau khi Luật TTTP năm 2007 có hiệu lực, Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định chuyên biệt về chuyển giao người bị kết án phạt tù với các nước (xem Bảng 2). Các điều ước song phương đều quy định cụ thể về giải thích từ ngữ; các nguyên tắc chung; cơ quan trung ương; điều kiện chuyển giao; thủ tục chuyển giao; yêu cầu và trả lời yêu cầu; sự đồng ý và việc xác nhận; hiệu lực của việc chuyển giao đối với Nước nhận; tiếp tục thi hành hình phạt; hiệu lực của việc thi hành xong hình phạt đối với Nước chuyển giao; việc xem xét lại phán quyết và đặc xá, đại xá hoặc giảm án; chấm dứt việc thi hành án; thông tin về việc thi hành hình phạt; quá cảnh; chi phí; ngôn ngữ; phạm vi áp dụng; giải quyết bất đồng; bàn giao người bị kết án; sửa đổi, bổ sung; điều khoản cuối cùng liên  quan đến hiệu lực.

5. Quy định về các hoạt động hợp tác quốc tế khác trong lĩnh vực tố tụng hình sự

5.1 Điều tra chung, phối hợp điều tra, hợp tác quốc tế trong sử dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt

Điều 19 UNTOC quy định: “Các quốc gia thành viên của Công ước xem xét ký kết các hiệp định hay thoả thuận song phương hoặc đa phương để qua đó, đối với những vấn đề là đối tượng của quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử ở một hay nhiều quốc gia thành viên, các cơ quan chức năng hữu quan có thể thành lập các cơ quan liên kết điều tra. Trong trường hợp không có các hiệp định hoặc thoả thuận đó, việc liên kết điều tra có thể được tiến hành theo thoả thuận về từng vụ việc một. Các quốc gia thành viên liên quan phải bảo đảm rằng chủ quyền của quốc gia thành viên nơi đang tiến hành việc điều tra phải được tôn trọng đầy đủ”.
Các biện pháp kỹ thuật điều tra đặc biệt có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đấu tranh chống các tội phạm có tổ chức mang tính chất xuyên quốc gia như: Buôn lậu ma tuý, buôn bán người nhằm theo dõi đường đi của tội phạm, phát hiện và bắt giữ những tên đầu sỏ và những tên tham gia đường dây phạm tội cũng như để thu thập các chứng cứ.
Điều 20 của UNTOC ghi nhận biện pháp vận chuyển hàng hoá có kiểm soát, giám sát bằng các phương tiện, thiết bị điện tử và hoạt động điều tra bí mật. Biện pháp vận chuyển hàng hoá có kiểm soát đặc biệt có ích trong trường hợp hàng lậu bị nhận dạng hoặc bị chặn trên đường quá cảnh và sau đó được tiếp tục vận chuyển đi dưới sự giám sát để phát hiện người nhận hàng hoặc người chỉ huy việc phân phối hàng thông qua một tổ chức tội phạm. Hoạt động đặc tình có thể được sử dụng để cho nhân viên đặc tình hoặc người khác thâm nhập vào một tổ chức tội phạm để thu thập chứng cứ. Biện pháp giám sát bằng các phương tiện, thiết bị điện tử thường được áp dụng thích hợp hơn khi nhóm tội phạm có sự liên kết rất chặt chẽ mà người bên ngoài không thể nào thâm nhập được hoặc khi việc cài cắm người thâm nhập vào tổ chức tội phạm hoặc biện pháp giám sát tỏ ra quá mạo hiểm cho việc điều tra hoặc cho sự an toàn của điều tra viên. Nói chung, biện pháp giám sát bằng các phương tiện, thiết bị điện tử chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt của Tòa án và phải tuân thủ hàng loạt các quy định an toàn để phòng ngừa việc lạm dụng.
Theo Điều 20 của UNTOC thì mỗi quốc gia thành viên sẽ:
– Trong khả năng của mình, quy định biện pháp vận chuyển hàng hoá có kiểm soát là một biện pháp điều tra có hiệu lực trong nước và quốc tế, nếu các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật trong nước cho phép và theo các điều kiện được quy định trong pháp luật quốc gia;
– Có khả năng về mặt pháp lý để HTQT đối với việc vận chuyển hàng hoá có kiểm soát trên nguyên tắc có đi có lại, nếu điều đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật trong nước;
– Khi thích hợp, quy định hoạt động đặc tình và việc giám sát bằng các phương tiện, thiết bị điện tử là một biện pháp điều tra có hiệu lực trong nước và quốc tế.
Khoản 1 Điều 20 của UNTOC yêu cầu các quốc gia thành viên phải quy định biện pháp vận chuyển hàng hoá có kiểm soát là một biện pháp điều tra đặc biệt, nếu điều đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật quốc gia; khuyến khích các quốc gia thành viên sử dụng hoạt động điều tra bí mật và giám sát bằng các phương tiện, thiết bị điện tử. Các biện pháp kỹ thuật đặc biệt này có thể là con đường duy nhất giúp cơ quan thi hành pháp luật có thể thu thập được những chứng cứ cần thiết để điều tra, xử lý hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức mà thông thường là các nhóm tội phạm có tổ chức bí mật.

5.2 Về bảo vệ nhân chứng và hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân

Điều 24 và Điều 25 UNTOC quy định về bảo vệ nhân chứng và hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. Theo đó, về bảo vệ nhân chứng, Điều 24 quy định: Mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp theo khả năng của mình để bảo vệ nhân chứng trong các vụ án hình sự một cách hiệu quả khỏi nguy cơ bị trả thù hoặc đe doạ khi họ cung cấp chứng cứ liên quan đến các hành vi phạm tội được UNTOC điều chỉnh, và nếu cần thiết, bảo vệ họ hàng hay những người thân thích của họ. Không làm phương hại tới các quyền của bị cáo, trong đó có quyền khiếu kiện chính đáng, các biện pháp được quy định tại khoản 1 của Điều 24 có thể bao gồm nhưng không giới hạn những biện pháp sau:
– Thiết lập các thủ tục để bảo vệ về mặt thân thể cho những người nói trên, ví dụ như, trong chừng mực cần thiết và khả thi, thay đổi chỗ ở của họ và, nếu thích hợp, cấm hoặc hạn chế tiết lộ thông tin liên quan đến nhận dạng và chỗ ở của những người đó;
– Quy định các quy tắc về thu thập chứng cứ để có thể lấy được lời khai của nhân chứng mà vẫn đảm bảo được an toàn cho họ, như cho phép lấy lời khai thông qua việc sử dụng kỹ thuật thông tin như kết nối vi-đê-ô hoặc các biện pháp thích hợp khác.
Các quốc gia thành viên sẽ xem xét việc ký kết các hiệp định hoặc thoả thuận với các quốc gia khác để thay đổi chỗ ở của những người như được nêu trong khoản 1 của Điều 24 UNTOC. Các nạn nhân đồng thời là nhân chứng cũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ tương tự.
Về hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, Điều 25 UNTOC quy định: Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp trong khả năng của mình để hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân của các hành vi phạm tội được Công ước này điều chỉnh, đặc biệt là trong các trường hợp bị đe doạ trả thù hoặc hăm doạ. Mỗi quốc gia thành viên sẽ thiết lập các thủ tục cần thiết để đền bù và bồi thường cho nạn nhân của các hành vi phạm tội được Công ước này điều chỉnh. Theo pháp luật trong nước của nước mình, quốc gia thành viên sẽ để nạn nhân được trình bày ý kiến, nguyện vọng và phải xem xét ý kiến, nguyện vọng của nạn nhân trong những giai đoạn thích hợp của quá trình tố tụng, không làm phương hại tới quyền bào chữa.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group