– Làm việc theo tuần với bộ phận hành chính:

+ Thứ Hai – Thứ Sáu: 8.00 – 17.30 (Bao gồm 1 giờ nghỉ ăn trưa)

+ Thứ Bảy: 8.00 – 12.30 (Bao gồm 30 phút ăn trưa).

Chúng tôi sẽ phải làm việc 2 thứ Bảy trong 1 tháng so le nhau. Nay tôi muốn hỏi, giờ làm việc theo tuần có đúng với quy định hiện hành của Bộ Lao động không? Như thế nào là giờ làm việc theo tuần? Giả sử nếu làm việc theo tuần thì trong ngày thời gian bị bóc tách thành 8.00-12.00 và 13.00-17.30, giờ nghỉ trưa 12.00-13.00 và cách ghi 8.00-17.30 (bao gồm 1 giờ nghỉ ăn trưa) có gì khác nhau không ?

Xin trân trọng cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập bởi chuyên mục tư vấn luật lao động của Công ty luật LVN Group.

>> Luật sư tư vấn luật lao động trực tuyến, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Xin chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho luật LVN Group. Chúng tôi xin được trả lời bạn như sau:

1. Quy định về thời giờ làm việc của người lao động từ năm 2021

Căn cứ Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về thời giờ làm việc bình thường của người lao động:

– Thời giờ làm việc bình thường sẽ không quá 8 giờ trong 1 ngày và không được quá 48 giờ trong 1 tuần.

– Người sử dụng lao động có quyền quy định về thời giờ làm việc theo ngày hoặc là theo tuần nhưng phải thực hiện thông báo cho người lao động biết; trong trường hợp làm việc theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường sẽ không được quá 10 giờ trong 1 ngày và không được quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước có khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện 1 tuần làm việc không quá 40 giờ đối với người lao động.

– Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm giới hạn về thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật.

Căn cứ theo Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về thời gian làm thêm giờ như sau:

– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không được quá 50% so với số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trong trường hợp áp dụng quy định về thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường của người lao động và số giờ làm thêm sẽ không được quá 12 giờ trong 1 ngày và không được quá 40 giờ trong 1 tuần.

– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không được quá 200 giờ trong 1 năm. Trừ các trường hợp thuộc một số ngành, nghề theo luật định thì số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm.

Trong một số trường hợp đặc biệt theo Điều 108 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị hạn chế về số giờ làm thêm, và người lao động không được từ chối:

– Thực hiện lệnh động viên, huy động đảm bảo nhiệm vụ an ninh, quốc phòng theo quy định.

– Thực hiện các công việc nhằm bảo đảm tính mạng của con người, tài sản của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong phòng ngừa hoặc khắc phục hậu quả của hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh, nguy hiểm, thảm họa. Nhưng nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động theo quy định thì người lao động có quyền từ chối thực hiện.

Đối với người lao động là người cao tuổi thì theo Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019 có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hàng ngày hoặc là áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

2. Quy định về thời giờ nghỉ ngơi của người lao động từ 2021

Quan tâm đến thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động là một điều cần thiết. Nhất là thời giờ nghỉ ngơi, cần phải nắm rõ để quyền lợi được đảm bảo trong một số trường hợp nhất định.

* Quy định về nghỉ trong giờ làm việc:

– Người lao động làm việc từ 6 giờ trở lên trong cùng một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút liên tục, nếu làm việc vào ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất là 45 phút liên tục.

– Nếu như người lao động làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ sẽ được tính vào thời giờ làm việc.

– Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng có thể bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Quy định về nghỉ chuyển ca: nếu người lao động làm việc theo ca thì sẽ được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang một ca làm việc khác.

* Quy định về nghỉ hằng tuần:

– Mỗi tuần sẽ được nghỉ ít nhất là 24 giờ liên tục. Trong một số trường hợp có thể không nghỉ hằng tuần nhưng phải đảm bảo nghỉ ít nhất 4 ngày trong 1 tháng.

– Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết thì người lao động sẽ được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

* Quy định về ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết:

– Hàng năm, vào dịp lễ Quốc khánh (2/9), người lao động sẽ được nghỉ hai ngày theo một trong hai phương án sau: nghỉ 2 ngày vào ngày 2/9 và 3/9 (dương lịch); nghỉ hai ngày vào ngày 1/9 và ngày 2/9 (dương lịch).

– Nghỉ Tết dương lịch: 1 ngày (1/1 dương lịch).

– Nghỉ Tết âm lịch: 5 ngày.

– Ngày Chiến thắng: 1 ngày (30/4 dương lịch).

– Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (1/5 dương lịch).

– Ngày Giỗ tổ Hùng Vương: 1 ngày (10/3 âm lịch).

– Nếu là người lao động nước ngoài làm việc ở tại Việt Nam thì sẽ được nghỉ theo các ngày nghỉ như trên và nghỉ 1 ngày theo Tết cổ truyền và 1 ngày Quốc khánh của đất nước họ.

* Người lao động sẽ được nghỉ việc riêng và vẫn được hưởng nguyên lương:

  • Kết hôn: được nghỉ 3 ngày.
  • Con đẻ hoặc con nuôi kết hôn: được nghỉ 1 ngày.
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, mẹ nuôi, cha nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, mẹ nuôi, cha nuôi của vợ hoặc là chồng; vợ hoặc là chồng; con đẻ hoặc con nuôi chết: được nghỉ 3 ngày.

– Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm của người lao động sau khi đã tiến hành tham khảo ý kiến của người lao động, phải thực hiện thông báo trước cho người lao động được biết (đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động).

3. Giải đáp thắc mắc của khách hàng

3.1 Thế nào là giờ làm việc theo Tuần:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Như vậy giờ làm việc theo tuần là giờ làm việc tính theo tổng số làm thực tế trong tuần nhưng phải đảm bảo không quá 48h trên tuần và mỗi ngày không quá 10h.

Chiếu theo lịch làm việc của công ty bạn hiện tại với những người làm công việc hành chính cố định đang làm việc theo tuần với mỗi ngày làm việc từ 8h – 17h30 và nghĩa trưa 1h, vậy thời gian làm việc một ngày của người lao động là 8h30p, mỗi tuần làm 5 ngày và một buổi sang thứ 7, tổng thời gian làm trong tuần là 46h30p.

Vậy cả thời gian làm trong ngày và tổng thời gian làm trong tuần của công ty bạn là đúng theo quy định pháp luật về thời gian làm việc tính theo tuần.

3.2 Hai cách ghi thời gian làm việc theo tuần có gì khác nhau

Giả sử nếu làm việc theo tuần thì trong ngày thời gian bị bóc tách thành 8.00-12.00 và 13.00-17.30, giờ nghỉ trưa 12.00-13.00 và cách ghi 8.00-17.30 (bao gồm 1 giờ nghỉ ăn trưa) có gì khác nhau không ?

– Với cách ghi thời gian làm việc trong ngày tách 2 khoảng thời gian là từ 8.00 – 12.00 và 13.00 – 17.30 thì hoàn toàn hợp lý về thời gian làm việc trong ngày theo quy định của Bộ luật lao động. Đảm bảo thười gian làm việc không quá 10h và có khoảng thời gian nghỉ giữa ca.

– Với cách ghi thời gian làm việc trong ngày từ 8.00 – 17.30 (bao gồm giờ nghỉ ăn trưa) nhưng không quy định rõ giờ nghỉ trưa là khoảng thời gian nào? thì cách ghi này sẽ dẫn đến việc có thể doanh nghiệp sẽ lách quy định của luật để quy định thời gian ăn trưa quá sớm hoặc quá muộn, điều này dẫn đến không đảm bảo sức khỏe người lao động và có thể không đảm bảo chế độ về lương. Cụ thể ta xét mọt ví vụ:

Trường hợp công ty cho NLĐ nghỉ ăn từ 14.00 – 15h.00: xét trường hợp này thì tổng thời gian làm trong ngày của người lao động không thay đổi nhưng thời gian nghỉ ngơi của người lao động pahir tính vào thời gian làm việc của họ và hưởng đủ lương. Cụ thể được quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động như sau:

Điều 109. Nghỉ trong giờ làm việc

1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

Vậy nếu NLD làm liên tục 6h mới được nghỉ ăn trưa thì thời gian nghỉ trưa 1h đó phải được tính vào thời gian làm việc và hưởng nguyên lương. Vậy ngày đó đi làm người lao động được tính thời gian làm việc để hưởng lương là 9h30p. 

Vậy việc quy định cụ thể 2 khoảng thời gian làm việc hay chỉ ghi chung là thời gian làm việc của một ngày từ 8h-17h30 sẽ ảnh hưởng đến việc tính lương của người lao động trong một số trường hợp phải kéo dài thời gian làm việc liên tục đến 6h.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn luật lao động – Công ty luật LVN Group