1. Người tiến hành tố tụng là gì?

Khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người tiến hành tố tụng gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.

Để giải quyết vụ án hình sự, Nhà nước giao cho các cơ quan có thẩm quyền là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng các biện pháp tố tụng, xử lý người phạm tội. Tuy nhiên, tương ứng với mỗi cơ quan nói trên phải có những người tiến hành tố tụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ tố tụng tương ứng của các cơ quan tiến hành tố tụng này. Người tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký phiên tòa…) là những người làm việc trong các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) thay mặt Nhà nước thực hiện các biện pháp hợp pháp mà pháp luật tố tụng hình sự quy định nhằm giải quyết vụ án hình sự đúng đắn, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ngoài ra, trong số những người tiến hành tố tụng còn có Hội thẩm (Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân) không phải là người làm việc trực tiếp, thuộc biên chế trong các cơ quan tiến hành tố tụng, mà là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội. Sự tham gia của Hội thẩm vào việc giải quyết vụ án hình sự là một trong những hình thức thu hút quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tội phạm và luật tố tụng hình sự cũng định họ là một trong những người tiến hành tố tụng. Do đó, có thể hiểu: Người tiến hành tố tụng là những người trong các cơ quan tiến hành tố tụng và những người trong các cơ quan nhà nước khác, các tổ chức xã hội thực hiện những nhiệm vụ trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành bản án hình sự nhằm bảo đảm giải quyết vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

2. Những người tiến hành tố tụng trong các cơ quan tiến hành tố tụng

Theo quy định của khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 nêu trên thì có những người tiến hành tố tụng trong các cơ quan tiến hành tố tụng tương ứng:

Thứ nhất, những người tiến hành tố tụng trong Cơ quan điều tra bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;

Thứ hai, những người tiến hành tố tụng trong Viện kiểm sát bao gồm: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

Thứ ba, những người tiến hành tố tụng trong Tòa án bao gồm: Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên và Hội thẩm.

3. Những điểm mới so với BLTTHS 2003

So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì quy định về người tiến hành tố tụng trong Bộ luật tố tụng 2015 đã được bổ sung thêm Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên và Thẩm tra viên là những người tiến hành tố tụng với quyền hạn và trách nhiệm tố tụng tương ứng. Việc bổ sung này trước hết xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn tố tụng giải quyết vụ án, khi những người này phải tiến hành các hoạt động tố tụng nhưng không có chức danh và vị trí tố tụng tương ứng nên dẫn đến tình trạng:

– Sự tham gia của những người này trong quá trình tố tụng là cần thiết, mang tính tất yếu nhưng không được quy định là người tiến hành tố tụng với các quyền và trách nhiệm tương ứng nên hoạt động của họ không có sơ số pháp lý;

– Khi tiến hành tố tụng họ hoạt động dưới danh nghĩa của người tiến hành tố tụng nên về nguyên tắc người tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm về hành vi do họ tiến hành, điều này không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm pháp chế trong tố tụng hình sự và nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhất là trong giai đoạn thực hiện cải cách tư pháp hiện nay;

– Không phát huy được tính chủ động và tăng cường tính chịu trách nhiệm của những người này khi tiến hành tố tụng.

Mặt khác, triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định những chức danh này trong hệ thống các chức danh của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nên đòi phải hỏi bổ sung Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên là người tiến hành tố tụng cho phù hợp với các luật tổ chức đã ban hành.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng

Chương III Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng (từ Điều 36 đến Điều 38, Điều 41 đến Điều 48) theo hướng tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, phân định hợp lý thẩm quyền giữa Thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng với những người trực tiếp tiến hành tố tụng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) ngày 23 tháng 3 năm 2015 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã lý giải: thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, bảo đảm phân định hợp lý thẩm quyền cho các chức danh tố tụng, dự thảo quy định:

– Trong lĩnh vực được phân công phụ trách, cấp phó không chỉ được giao thẩm quyền tiến hành tố tụng như hiện hành, mà còn được giao thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp;

– Phân định thẩm quyền giữa Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng với người trực tiếp tiến hành tố tụng theo hướng: những thẩm quyền có tính chất quyết định việc “đóng, mở” một giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân giao cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định; hầu hết những thẩm quyền có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp quyết định trừ quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, quyết định thực nghiệm điều tra, truy nã bị can, bị cáo vì ngoài lý do liên quan đến kinh phí, liên quan đến nhiều địa phương, thậm chí, hên quan đến quốc tế thì việc ban hành 04 quyết định nêu trên còn làm phát sinh trách nhiệm của các cơ quan khác (Ví dụ: cơ quan giám định, Hội đồng định giá). Tăng cơ bản thẩm quyền cho Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa để phù hợp với nguyên tắc Hiến định “bảo đảm độc lập trong xét xử”.

Trên cơ sở này, Quốc hội đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng.

5. Phân biệt khái niệm người tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Theo điểm b khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự bao gồm người tiến hành tố tụng và những người được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Do đó, cần phân biệt giữa người tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Người tiến hành tố tụng là những người được đề cập ở phần trên (Cụ thể khoản 2 Điều 34 BLTTHS 2015), còn những người được giao tiến hành một số hoạt động điều tra theo khoản 2 Điều 35 BLTTHS 2015 bao gồm:

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm lâm gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh sát biển gồm Tư lệnh, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm ngư gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân gồm Giám đốc, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, Giám thị, Phó Giám thị Trại giam theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân gồm Giám thị, Phó Giám thị Trại giam; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.

– Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.

Như vậy, phạm vi chủ thể tiến hành hoạt động tố tụng hình sự nhỏ hơn phạm vi những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)