Quy trình thương lượng tập thể, hiểu theo nghĩa rộng, là trình tự, thủ tục các bên phải thực hiện trong suốt các giai đoạn trước, trong và sau thương lượng. Giai đoạn trước thương lượng, bao gồm các thủ tục tham vấn nội bộ, đặc biệt là thủ tục tham vấn trong nội bộ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở với đoàn viên công đoàn hoặc/và người lao động trong tổ chức mình, để từ đó có sự thống nhất chung về nội dung đề xuất thương lượng. Giai đoạn đề xuất và tiến hành thương lượng, bao gồm các trình tự công việc các bên được thực hiện khi đề xuất yêu cầu, chấp nhận yêu cầu, tiến hành phiên họp thương lượng, quyền và nghĩa vụ các bên trong việc đưa ra ý kiến, phản biện ý kiến, thống nhất ý kiến, sự can thiệp của bên trung gian thứ ba khi các bên không thống nhất được ý kiến… Sau thương lượng, gồm các thủ tục thực hiện công việc khi kết thúc thương lượng như lấy ý kiến các bên về kết quả thương lượng, giải quyết bế tắc khi bên đại diện người lao động không đồng ý với kết quả thương lượng, thủ tục chuẩn bị tiến hành kí kết hiệp ước cuối cùng khi một thoả thuận tập thể được các bên cùng nhất trí bằng các hình thức: thoả ước lao động tập thể, thoả thuận tập thể, biên bản, bản ghi nhớ,…

Theo quy định của pháp luật một số quốc gia như Singapore, Philipines, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam thì quy trình thương lượng tập thể hiểu theo nghĩa hẹp hơn, được bắt đầu bằng việc đề xuất thương lượng tập thể của một trong hai bên quan hệ lao động. Theo đó, quy trình thương lượng tập thể có thể khái quát gồm các bước: Đề xuất yêu cầu thương lương tập thể; Tiến hành thương lượng tập thể; Kết thúc thương lượng tập thể.

1. Đề xuất yêu cầu thương lượng tập thể

Trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ lao động, nếu các bên (bên đại diện người lao động hoặc bên người sử dụng lao động) thấy cần thiết phải thương lượng tập thể thì có quyền yêu cầu phía bên kia thương lượng tập thể. Bên nhận được yêu cầu không được từ chối việc thương lượng. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và nội dung thương lượng, các bên thoả thuận về địa điểm, thời gian bắt đầu thương lượng. Thời gian bắt đầu thương lượng không được quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng tập thể. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm và các điều kiện càn thiết để tổ chức các phiên họp thương lượng tập thể.

2. Tiến hành thương lượng tập thể

Việc thương lượng tập thể được thực hiện thông qua phiên họp thương lượng tập thể. Phiên họp này do người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức. Chủ thể tham gia phiên họp thương lượng tập thể và số lượng người tham gia (do các bên thoả thuận) phải có mặt. Ngoài tổ chức đại diện người lao động , đại diện người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện của người sử dụng lao động thì trong phiên họp thương lượng còn có sự tham gia của bên thứ ba. Ở nhiều quốc gia, bên thứ ba này thường là cơ quan nhà nước dưới hình thức trung gian hoà giải hoặc trọng tài để hỗ trợ cho quá trình thương lượng thành công mà các bên không cần phải dùng đến các hành động công nghiệp (đình công, bế xưởng, phong toả, tẩy chay, lãn công…) gây ảnh hưởng đến lợi ích của bên kia cũng như ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên.

Ở Việt Nam, ngoài đại diện các bên, pháp luật hiện hành quy định còn có sự tham gia của đại diện tổ chức đại diện cấp trên của các bên. Thời gian tiến hành thương lượng tập thể không được quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu thương lượng, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Trong quá trình thương lương tập thể, tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động (đối với thương lượng tập thể cấp doanh nghiệp hoặc thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia) hoặc tổ chức đại diện của người sử dụng lao động (đối với trường hợp thương lượng tập thể ngành) cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và nội dung khác liên quan trực tiếp đến nội dung thương lượng, trừ thông tin về bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ. Đồng thời tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức thảo luận, lấy ý kiến người lao động về nội dung, cách thức tiến hành và kết quả của quá trình thương lượng tập thể.

Việc thương lượng tập thể phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ nội dung đã được các bên thống nhất, nội dung còn có ý kiến khác nhau. Biên bản họp thương lượng tập thể phải có chữ kí của đại diện các bên thương lượng và của người ghi biên bản.

3. Kết thúc thương lượng tập thể

Sau quá trình tiến hành thương lượng tập thể theo quy định, tổ chức đại diện người lao động công bố rộng rãi, công khai biên bản thương lượng tập thể đến toàn bộ người lao động . Do người lao động là người trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ lao động và được hưởng các quyền lợi trên cơ sở kết quả thương lượng nên họ phải được biết và bày tỏ ý kiến đồng ý hay không đồng ý với kết quả này. Vì thế, việc thương lượng tập thể thành công hay không tuỳ thuộc vào sự tán thành của người lao động đối với nội dung mà các bên đã thống nhất trong phiên họp thương lượng tập thể.

Trên thực tể, không phải cuộc thương lượng tập thể nào cũng thành công và các bên đều có thể kí kết được bản hiệp ước. Trong nhiều trường hợp thương lượng tập thể không thành công. Ví dụ: một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định; đã hết thời hạn thương lượng theo quy định mà các bên không đạt được thoả thuận; chưa hết thời hạn thương lượng theo quy định nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thoả thuận (Điều 71 Bộ luật lao động năm 2019). Khi thương lượng tập thể không thành như vậy thì các bên thương lượng có quyền tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)