1. Chính trị

Đông Timor theo chế độ cộng hòa bán tổng thống. Đứng đầu nhà nước là Tổng thống Đông Timor, được bầu lên bằng phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Mặc dù vai trò chỉ mang tính biểu tượng và quyền hành pháp hạn chế, tổng thống có quyền phủ quyết đối với một vài loại đạo luật. Sau bầu cử, tổng thống sẽ chỉ định người đứng đầu đảng đa số hoặc liên minh đa số trong nghị viện làm Thủ tướng Timor-Leste. Là người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng sẽ điều hành Nội các.

Cơ quan lập pháp duy nhất ở Đông Timor là Nghị viện Quốc gia (Parlamento Nacional) đơn viện, các nghị sĩ được đầu phổ thông cho nhiệm kỳ 5 năm. Số ghế có thể thay đổi từ mức tối thiểu 52 đến mức tối đa 65 ghế, mặc dù có trường hợp ngoại lệ là 88 thành viên như hiện tại, do đây là nhiệm kỳ đầu tiên. Hiến pháp Đông Timor phỏng theo Bồ Đào Nha. Đất nước vẫn đang trong quá trình xây dựng hệ thống hành chính và cơ quan chính phủ hoàn chỉnh.

2. Kinh tế

Cuối năm 1999, khoảng 70% cơ sở hạ tầng kinh tế Đông Timor đã bị phá huỷ bởi quân đội Indonesia và các du kích chống độc lập, và 260,000 người đã phải bỏ chạy về phía tây. Từ năm 2002 tới năm 2005, một chương trình quốc tế do Liên hiệp quốc lãnh đạo, được quản lý bởi các cố vấn dân sự, 5,000 lính gìn giữ hòa bình (8,000 lúc cao điểm) và 1,300 sĩ quan cảnh sát, đã dần khôi phục cơ sở hạ tầng. Tới giữa năm 2002, hầu như toàn bộ 50,000 người tị nạn đã quay trở về.

Một dự án dài hạn nhiều hứa hẹn là việc liên doanh phát triển các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí tự nhiên với Australia ở vùng lãnh hải phía đông nam Timor. Cơ quan hành chính thuộc địa Bồ Đào Nha đã nhượng cho Oceanic Exploration Corporation quyền khai thác các trầm tích này. Tuy nhiên, việc này đã bị cắt ngang bởi cuộc xâm lược của Indonesia năm 1976. Các nguồn tài nguyên đã được phân chia giữa Indonesia và Australia theo Hiệp ước đoạn nối Timor năm 1989.

Đông Timor không được thừa hưởng các biên giới biển cố định khi họ giành được độc lập, coi Hiệp ước Nối Timor là bất hợp pháp. Một thỏa thuận tạm thời (Hiệp ước Biển Timor, đã được ký kết khi Đông Timor trở thành độc lập ngày 20 tháng 5 năm 2002) xác định một Vùng Cùng Khai thác Dầu khí (JPDA), và trao 90% nguồn thu từ các dự án hiện hữu trong khu vực đó cho Đông Timor và 10% cho Australia.

Năm 2007 một vụ mất mùa khiến nhiều người chết ở nhiều vùng thuộc Timor-Leste. Tháng 11 năm 2007, mười một khu vực vẫn cần sự trợ giúp lương thực quốc tế.

Đông Timor cũng có một ngành công nghiệp cà phê lớn và giàu tiềm năng, nước này bán cà phê cho nhiều nhà bán lẻ Fair Trade và trên thị trường tự do. Hiện tại ba ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Dili: ANZ của Australia, Banco Nacional Ultramarino của Bồ Đào Nha, và Bank Mandiri của Indonesia. Tính đến năm 2016, GDP của Đông Timor đạt 2.501 USD, đứng thứ 163 thế giới, đứng thứ 43 châu Á và đứng thứ 11 Đông Nam Á.

3. Tôn giáo

Sau khi độc lập, Đông Timor trở thành nước thứ hai ở Châu Á mà số người theo Công giáo Rôma chiếm đa số (cùng với Philippines). Đa số dân chúng được xác định là theo Công giáo Rôma (90%), mặc dù truyền thống duy linh địa phương có một tác động vững chắc và mạnh mẽ lên văn hóa. Các tôn giáo khác bao gồm Hồi giáo(5%), là tôn giáo của cựu Thủ tướng Đông Timor Mari Alkatiri, và Tin Lành (3%). Còn lại là đạo Hindu (0,3%), đạo Phật (0,1%) và tín ngưỡng duy linh truyền thống. Số người theo Công giáo tăng nhanh chóng dưới thời trị vì của Indonesia, vì tư tưởng quốc gia của Indonesia Pancasila không công nhận đức tin truyền thống và yêu cầu tất cả công dân phải tin vào Chúa trời. Mặc dù sự đấu tranh không phải về tôn giáo, nhưng với tư cách là bộ phận ăn sâu vào nhân dân, Giáo hội Công giáo không chỉ tượng trưng cho sự khác biệt của Đông Timor với đa số Hồi giáo của Indonesia, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong các phong trào phản kháng, đại diện là Linh mục Carlos Filipe Ximenes Belo, người đoạt giải Nobel Hòa bình. Hiến pháp hiểu được vai trò của Giáo hội trong nhân dân Đông Timor mặc dù họ cũng quy định nguyên tắc không đổi là đảm bảo tự do tôn giáo cho mọi người.

4. Dân tộc

Dân số của Đông Timor là 1.343.530 người vào ngày 26/06/2021 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc. Dân số Đông Timor hiện chiếm 0,02% dân số thế giới. Đông Timor đang đứng thứ 156 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Gần đây đã có sự gia tăng khá mạnh vì tỷ lệ sinh cao, nhưng cũng bởi những người tị nạn quay trở về. Dân số đặc biệt tập trung tại các vùng xung quanh Dili.

Người Timor được gọi là Maubere bởi một số tổ chức chính trị của họ, một cái tên ban đầu có nghĩa xúc phạm đã biến thành một cái tên kiêu hãnh bởi Fretilin. Họ gồm một số sắc tộc riêng biệt, chủ yếu là hậu duệ lai của người Malay-Polynesia và Melanesia/Papua. Các nhóm sắc tộc Malay-Polynesia lớn nhất là Tetum (hay Tetun) (100.000), chủ yếu ở bờ biển phía nam và xung quanh Dili; người Mambae (80,000), ở vùng núi non trung tâm; người Tukudede (63,170), ở vùng quanh Maubara và Liquiçá; người Galoli (50,000), giữa các bộ lạc Mambae và Makasae; người Kemak (50,000) ở hòn đảo trung bắc Timor; và người Baikeno (20,000), ở vùng quanh Pante Macassar. Các bộ tộc chính chủ yếu có nguồn gốc Papuan gồm Bunak (50,000), ở vùng nội địa trung tâm của đảo Timor; người Fataluku (30,000), ở mũi phía đông hòn đảo gần Lospalos; và người Makasae, ở phía đông cuối hòn đảo. Ngoài ra, như một số cựu thuộc địa Bồ Đào Nha khác nơi các cuộc hôn nhân giữa các sắc tộc thường diễn ra, có một phần nhỏ dân cư là người lai Timor và Bồ Đào Nha, được gọi trong tiếng Bồ Đào Nha là mestiço. Người mestiço Đông Timor nổi tiếng nhất thế giới là José Ramos-Horta, người phát ngôn phong trào kháng chiến hải ngoại, và hiện là Tổng thống Đông Timor. Mário Viegas Carrascalão, thống đốc được Indonesia chỉ định từ năm 1987 tới năm 1992, cũng là một mestiço. Đông Timor cũng có một số lượng nhỏ người Trung Quốc, chủ yếu là người Khách Gia. Đa số đã ra đi sau cuộc xâm lược của Indonesia, hầu hết sống ở Australia dù một số người Trung Quốc-Timor đã quay trở lại, gồm cả Pedro Lay, Bộ trưởng Hạ tầng.

5. Quyền con người

Đông Timor là quốc gia trẻ nhất khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Mới tách ra khỏi Indonesia năm 2002, quốc gia với hơn 1 triệu dân này vẫn đang phải nhận các bảo trợ từ bên ngoài để duy trì đời sống của nhân dân. Hệ thống pháp luật của quốc gia này vẫn chưa được định hình đầy đủ, tuy nhiên trong Hiến pháp 2002 của nhà nước Đông Timor đã có những quy định rõ ràng về các quyền con người mà công dân của đất nước này được hưởng. ở Đông Timor cũng đã hình thành thiết chế bảo vệ quyền con người với tên gọi Văn phòng đáp ứng quyền con người và công lý. Đông Timor đã tham gia khá nhiều Công ước về quyền con người như Công ước về quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (ICESCR), Công ước quốc tế về chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước về chống tra tấn (CAT), v.v… Các nỗ lực bảo vệ quyền con người của Đông Timor đã được ghi nhận trong các báo cáo của Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người, tuy nhiên ở Đông Timor vẫn còn rất nhiều vấn đề về quyền con người cần phải giải quyết.

6. Tìm hiểu về Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị

Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR) là một công ước quốc tế do Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 03 năm 1976, nêu tổng quan các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người. Cụ thể, các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật. Tính tới ngày 19 tháng 12 năm 2010, đã có 72 nước ký vào Công ước và 167 bên tham gia. Trung Quốc, Cuba, Comoros, Nauru, và São Tomé và Príncipe đã ký nhưng chưa thông qua công ước.

Công ước là một phần của hệ thống Luật Nhân quyền quốc tế, cùng với Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được đặt dưới sự giám sát riêng của Ủy ban Nhân quyền, độc lập với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Cơ quan này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện và thẩm định các báo cáo nhân quyền của các nước. Mới đầu, các bên tham gia phải báo cáo định kỳ mỗi năm một lần, nhưng sau đó là bất kỳ khi nào Ủy ban giám sát yêu cầu (thông thường là bốn năm một lần). Ủy ban này họp trụ sở tại Genève hoặc New York và thường có ba kỳ họp mỗi năm.

Tên gọi Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị bắt nguồn từ quá trình soạn thảo trùng với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Một bản “Tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người” đã được đưa ra tại hội nghị thành lập Liên Hiệp Quốc năm 1945, tức Hội nghị San Francisco. Sau đó, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc được giao trách nhiệm soạn thảo và hoàn thiện nó.Mới đầu trong quá trình soạn thảo, bản thảo được chia nhỏ thành một tuyên ngôn về các quyền con người tổng quát và một bộ quy tắc ràng buộc các bên tham gia ký. Cái đầu tiên sau này trở thành Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và được thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948.

Bộ các quy tắc được tiếp tục soạn thảo, nhưng lại nảy sinh nhiều bất đồng giữa các thành viên Liên Hiệp Quốc về sự tương quan mức độ quan trọng của các quyền dân sự và chính trị đối với các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, dẫn đến việc bộ quy tắc bị phân ra thành hai bộ nhỏ, “một cái chứa các quyền dân sự và chính trị, và cái kia chứa các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”. Hai bộ nhỏ này, gọi là hai công ước, tiếp tục được hoàn thiện tới mức bao quát và đầy đủ nhất có thể, và sau đó được đưa ra cho các thành viên ký cùng lúc. Mỗi Công ước đều chứa một điều khoản quy định quyền tự quyết của mọi dân tộc.

Như vậy, Bộ quy tắc thứ nhất trở thành Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, trong khi cái thứ hai trở thành Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Cả hai bản thảo công ước được đưa ra thảo luận tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1954, và được chấp thuận vào năm 1966.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)