Đến 26/5/2016 công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động một lúc cho nhiều người và có hiệu lực từ 01/06/2016. Tuy nhiên trong QĐ thôi việc công ty không giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc một năm 1/2 tháng lương từ năm 2008 về trước cho người lao động. Khi chúng tôi hỏi thì GĐ công ty trả lời do công ty khó khăn về tài chính nên không giải quyết và chỉ chốt sổ hết tháng 5/2016 cho người lao động mà thôi. Việc làm như vậy của GĐ công ty tôi là đúng hay sai và nếu sai thì cơ quan nào đứng ra giải quyết cho chúng tôi. Rất mong sự quan tâm trả lời trong thời gian sớm nhất. Xin chân thành cảm ơn! Trân trọng!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật lao động của Công ty luật LVN Group.

>> Luật sư tư vấn luật lao động trực tuyến, gọi:  1900.0191

Trả lời:

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật lao động năm 2012

Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính Phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một nội dung của bộ luật lao động

2. Nội dung giải đáp

– Căn cứ vào Điều 44 của Bộ luật lao động năm 2012 thì khi chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động có nghĩa vụ như sau: 

“Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế

1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.”

– Phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động năm 2012 như sau:

Điều 46. Phương án sử dụng lao động

1. Phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;

b) Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;

c) Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;

d) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

2. Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.”

– Căn cứ vào khoản 2 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ về trợ cấp mất việc làm:

“Điều 14. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Khoản 10 Điều 36, Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động.”

Vậy khi công ty chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì công ty phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng người lao động. Nếu không giải quyết được việc làm cho người lao động thì công ty phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.

– Giải quyết quyền lợi cho người lao động khi công ty không trả trợ cấp mất việc làm, trả thiếu cho người lao động. Căn cứ vào Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 thì:

“Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.”

Vậy cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là hoà giải viên lao động và toà án nhân dân. Tuy nhiên, đây là tranh chấp lao động cá nhân liên quan đến trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động thì không bắt buộc phải hoà giải, nhưng có thể hoà giải được thì công ty và người lao động có thể thông qua hoà giải viên lao động để hoà giải. 

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  1900.0191  hoặc gửi qua email  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật Đất đai – Công ty luật LVN Group