1. Con sinh ra sau thời kỳ hôn nhân được xác định như thế nào ?

Chào Luật LVN Group, tôi đang có một số vướng mắc cần được giải đáp. Vợ chồng tôi kết hôn được gần 4 năm, nay chúng tôi đang làm thủ tục xin ly hôn, tuy nhiên tôi đang có thai được 1 tháng.

Vậy thì con sau khi sinh ra được xác định như thế nào và tôi có quyền yêu cầu chồng cũ cấp dưỡng sau khi ly hôn không ?

Tôi xin cảm ơn!

Trả lời.

Đầu tiên cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến bộ phận hỗ trợ của Công ty luật LVN Group, với trường hợp của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về việc xác định cha mẹ, quy định cụ thể như sau:

“Điều 88. Xác định cha, mẹ

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Như vậy con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân và là con chung của vợ chồng; chỉ trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và được Tòa án xác định.

Theo quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn cụ thể như sau:

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Theo như quy định trên thì sau khi ly hôn nếu chồng bạn không trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mức cấp dưỡng do hai bên tự thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án khi giải quyết ly hôn.

Việc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nếu không có lý do chính đáng (được tòa án xác định đứa trẻ không phải là con chung; không có thu nhập để cấp dưỡng;….) thì sẽ không được Tòa án chấp nhận.

2. Sống chung mà không đăng ký kết hôn thì có phải ra tòa ly hôn không ?

Thưa luật LVN Group tôi đang gặp vấn đề như sau: Chúng tôi sống với nhau từ năm 1994 đến bay, có 1 đứa con chung nhưng đến hiện tại chúng tôi vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Tài sản của chúng tôi gồm có 1 căn nhà có giấy tờ mang tên tôi, 1 oto, một mảnh đất mua chung với người khác mang tên anh ấy nhưng thực tế đều là tài sản chung. Đến nay chúng tôi phát sinh mâu thuẫn không thể tiếp tục sống chung được với nhau nữa.

Vậy chúng tôi có phải ra Tòa để làm thủ tục ly hôn không, con, tài sản thì chia thế nào?

Cảm ơn Luật sư của LVN Group!

Trả lời

Anh chị sống với nhau từ năm 1994 đến nay không có đăng ký kết hôn căn cứ theo điểm b, khoản 3 – Nghị quyết 35/2000/QH-10 của Quốc hội, anh chị không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Do mâu thuẫn không thể sống chung với nhau được nữa một bên hoặc cả hai anh chị có yêu cầu Tòa án cho ly hôn để giải quyết vấn đề nuôi con và chia tài sản.

Tòa án sẽ áp dụng điểm b, khoản 3 – Nghị quyết 35/2000/QH của Quốc hội, khoản 1, điều 11 Luật Hôn nhân gia đình cũ năm 2000 để tuyên bố anh chị không phải là vợ chồng. Tòa án sẽ áp dụng khoản 2, khoản 3 – điều 17 Luật Hôn nhân gia đình cũ năm 2000 để giải quyết yêu cầu các bên phải chấm dứt quan hệ vợ chồng.

Vấn đề nuôi con, quyền lợi của các con được giải quyết như trường hợp bố mẹ ly hôn, tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai vẫn thuộc về quyền sở hữu của người ấy. Tài sản chung được chia theo nguyên tắc thỏa thuận của các bên, nếu không giải quyết được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (có tính đến công sức của mỗi bên, ưu tiên đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em).

Như vậy những tài sản mang tên chị, tên anh ấy như nhà ở, xe ôtô… chị nói rằng là tài sản chung, nếu anh chị không thỏa thuận chia tài sản được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, anh chị phải chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng độc thân ?

Xin chào công ty Luật LVN Group, giúp tôi tư vấn một việc. Tôi đi du học ở Nhật Bản, đã bị cắt hộ khẩu, nay về được muốn đăng ký kết hôn thì cơ quan nào sẽ xác nhận tình trạng độc thân cho tôi? Thủ tục đăng ký gồm những gì ?

Cảm ơn!

Trả lời:

Thẩm quyền và thủ tục đăng ký kết hôn quy định như sau:

– Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn. Trong trường hợp cả hai bên nam, nữ là công dân Việt Nam đang trong thời hạn công tác, học tập lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, đã cắt hộ khẩu thường trú ở trong nước, thì việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú trước khi xuất cảnh của một trong hai bên nam, nữ.

– Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình giấy chứng minh nhân dân. Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.

– Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó… Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.

– Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì UBND cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

4. Thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tôi là một doanh nhân nhưng do tập trung vào sự nghiệp nên đến nay tuy đã 33 tuổi tôi vẫn chưa lập gia đình. Hiện nay do công việc đã dần ổn định, tôi đang có ý định lập gia đình nhưng vẫn còn ngần ngại, lo sợ trường hợp nếu sau này ly hôn thì sẽ phải phân chia khối tài sản do mình đã khổ công xây dựng. Tôi muốn được thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn.

Vậy tôi cần chú ý những điểm gì khi thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng?

Tôi xin cảm ơn!

Trả lời

Đề đảm bảo quyền lợi của mình, khi thực hiện thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng bạn cần phải chú ý những điểm sau:

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng, chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn (quy định tại Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Điều 48 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về những nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản, cụ thể như sau:

“Điều 48. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan.

2. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định”.

Ngoài các quy định kể trên, khi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, anh H còn cần tuân thủ các quy định chung về chế độ tài sản của vợ chồng được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng đã chọn lựa. Các quy định này bao gồm:

Những nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng quy định tại Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 gồm những nguyên tắc sau:

+ Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

+ Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

+ Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

Quyền, nghĩa vụ của ợ chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình quy định tại Điều 30 Luật hôn nhân gia đình năm 2014. Theo đó vợ chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đing Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.

Về giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng, Điều 31 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

5. Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Quyền sử dụng đất chỉ đứng tên vợ thì khi ly hôn có phải chia không ạ ?

Cảm ơn Luật sư của LVN Group!

Luật sư tư vấn:

Theo Điều 62 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn như sau:

1. Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

2. Việc chia quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:

a) Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

.Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;

b) Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a mục 2 nêu trên;

c) Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn;

d) Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 61 của Luật hôn nhân và gia đình về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hôn nhân – Công ty luật LVN Group