Căn cứ pháp lý:
Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
Nghị định 30/2018/NĐ-CP;
Thông tư 30/2020/TT-BTC;
Điều 1 Nghị định 97/2019/NĐ-CP.
1. Thành phần Hội đồng định giá tài sản
Thành phần của Hội đồng định giá cấp huyện bao gồm:
– Một lãnh đạo của cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực tài chính là Chủ tịch Hội đồng;
– Một chuyên viên của cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực tài chính là thành viên thường trực Hội đồng;
– Đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá là thành viên Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá.
Thành phần của Hội đồng định giá cấp tỉnh bao gồm:
– Một lãnh đạo của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính là Chủ tịch Hội đồng;
– Một lãnh đạo cấp phòng của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính là thành viên Thường trực Hội đồng;
– Đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá là thành viên Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá.
Thành phần của Hội đồng định giá cấp bộ bao gồm:
– Một lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá là Chủ tịch Hội đồng;
– Một cán bộ cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá là thành viên Thường trực Hội đồng;
– Thành viên Hội đồng bao gồm: đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn có liên quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá; đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến tài sản cần định giá (nếu có). Đối với vụ án có nhiều loại tài sản khác nhau nhưng không thể phân loại được tài sản, thành viên của Hội đồng định giá bao gồm thêm đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với các tài sản khác còn lại theo yêu cầu cử người của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì thành lập Hội đồng định giá quy định tại điểm c khoản 4 Điều 6 Nghị định này.
Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá quy định tại điểm a khoản này đề xuất các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá cho từng vụ việc”.
Thành phần của Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ bao gồm:
– Một lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật là Chủ tịch Hội đồng;
– Một lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật là thành viên Thường trực của Hội đồng;
– Thành viên Hội đồng bao gồm: đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn có liên quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá tài sản; đại diện cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài chính liên quan đến tài sản cần định giá (nếu có); đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến tài sản cần định giá (nếu có).
Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với tài sản cần định giá quy định tại điểm a khoản này đề xuất các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá cho từng vụ việc.”
2. Thành viên của Hội đồng định giá có quyền gì?
Thành viên của Hội đồng định giá có các quyền sau:
– Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến tài sản cần định giá;
Việc tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến tài sản cần định giá góp phần nâng cao hiệu quả định giá tài sản, tránh những thiết sót không mong muốn.
– Đưa ra nhận định, đánh giá độc lập của mình về tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá; về cách thức thực hiện nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá và giá của tài sản cần định giá;
– Biểu quyết để xác định giá của tài sản; ghi ý kiến của mình vào biên bản phiên họp định giá tài sản nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá;
– Được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật khi tham gia định giá;
– Từ chối tham gia định giá tài sản nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13 của Nghị định 30/2018/NĐ-CP;
Điều 13. Các trường hợp không được tham gia định giá tài sản
Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được tham gia định giá tài sản:
1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo.
2. Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá.
3. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó.
4. Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
5. Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư trong khi thực hiện định giá.
6. Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Thành viên của Hội đồng định giá có nghĩa vụ gì?
– Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản;
Thành viên của Hội đồng định giá có nghĩa vụ giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản vì trong nhiều trường hợp nếu để lộ bí mật điều tra thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, đánh giá chứng cứ của vụ án. Dẫn đến quá trình điều tra không được thuận lợi.
– Tham gia các phiên họp của Hội đồng định giá khi được yêu cầu;
Phiên họp định giá tài sản chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tham dự. Trường hợp Hội đồng định giá chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên. Chủ tịch Hội đồng định giá điều hành phiên họp định giá tài sản.
Mỗi thành viên của Hội đồng định giá có mặt tại phiên họp phát biểu ý kiến độc lập của mình về giá của tài sản trên cơ sở kết quả thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ và phương pháp định giá tài sản quy định tại Nghị định này.
Trước khi tiến hành phiên họp định giá tài sản, những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về giá của tài sản cần định giá.
Hội đồng định giá tài sản kết luận về giá của tài sản theo ý kiến đa số của những thành viên Hội đồng có mặt tại phiên họp. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình; ý kiến bảo lưu đó được ghi vào Biên bản phiên họp định giá tài sản.
Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể tham dự phiên họp định giá tài sản nhưng phải báo trước cho Hội đồng định giá biết; khi được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng thì có quyền đưa ra ý kiến về việc định giá, nhưng không được quyền biểu quyết về giá của tài sản.
– Tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định 30/2018/NĐ-CP.
Các nguyên tắc trong thẩm định giá là:
+Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.
+ Trung thực, khách quan, công khai, kịp thời
Trình tự, thủ tục thẩm định giá được quy định cụ thể tại chương III nghị định 30/2018/NĐ-CP.
– Chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình.
Thành viên Hội đồng định giá có quyền: Đưa ra nhận định, đánh giá độc lập của mình về tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá; về cách thức thực hiện nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá và giá của tài sản cần định giá; Biểu quyết để xác định giá của tài sản; ghi ý kiến của mình vào biên bản phiên họp định giá tài sản nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá.
Khi thực hiện quyền này thì phải chịu trách nhiệm về những ý kiến nhận định, đánh giá của mình.
Nghĩa vụ này góp phần nâng cao trách nhiệm của thành viên Hội đồng thẩm định giá.
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Quyền của Chủ tịch Hội đồng định giá
Chủ tịch Hội đồng định giá có quyền:
– Chỉ đạo chung hoạt động của Hội đồng; điều hành và phân công nhiệm vụ cho thường trực Hội đồng và các thành viên Hội đồng; quy định nhiệm vụ cho Tổ giúp việc Hội đồng (nếu có) theo các quy định tại Nghị định này; đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đã giao;
– Triệu tập và điều hành phiên họp định giá tài sản, chỉ đạo thành viên Hội đồng chuẩn bị nội dung các vấn đề liên quan đến định giá tài sản để thảo luận tại phiên họp;
– Các quyền khác của thành viên Hội đồng định giá theo quy định tại Điều 11 Nghị định 30/2018/NĐ-CP.
5. Nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng định giá
Chủ tịch Hội đồng định giá có nghĩa vụ:
– Chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá về hoạt động của Hội đồng;
– Thay mặt Hội đồng hoặc ủy quyền cho thành viên Hội đồng giải thích để làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá tài sản và những tình tiết cần thiết khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tố tụng yêu cầu định giá tài sản;
– Các nghĩa vụ khác của thành viên Hội đồng định giá theo quy định tại Điều 11 Nghị định 30/2018/NĐ-C;
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.