1.Quy định về quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

1. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của Bộ luật này.

2. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được giao cho bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ, gửi cho người bào chữa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.

>> Xem thêm: Thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự là gì ? Ý nghĩa, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn ?

Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.

3. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra.

4. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định. Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát.

5. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

2. Một số quy định mới về áp dụng thủ tục rút gọn trong BLTTHS 2015

Ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 với nhiều nội dung sửa đổi một cách toàn diện, trong đó có những quy định mới về thủ tục rút gọn.

– Thứ nhất: Bộ luật tố tụng hiện hành chỉ quy định một trong các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn là “người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang”. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong hai trường hợp là “người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú” khi thỏa mãn 3 điều kiện còn lại (khoản 1 Điều 456BLTTHS 2015).

>> Xem thêm: Khởi kiện vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn ? Quy định về thụ lý vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn ?

– Thứ hai: Bổ sung quy định thủ tục rút gọn được áp dụng cả ở giai đoạn phúc thẩm thay vì chỉ quy định thủ tục rút gọn ở thủ tục xét xử sơ thẩm như hiện nay (khoản 2 Điều 456). Quy định này sẽ giúp cho thủ tục rút gọn được áp dụng rộng rãi hơn trong thực tiễn xét xử, thúc đẩy nhanh quá trình giải quyết án ở cấp phúc thẩm.

– Thứ ba: Mở rộng thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn cho Cơ quan điều tra và Tòa án. Thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn thuộc về 03 cơ quan: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thay vì trước đây chỉ có Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định. Quy định mới này đã tạo sự chủ động và tăng cường trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án tùy vào từng giai đoạn tố tụng cụ thể, các cơ quan này quyết định áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đủ điều kiện.

– Thứ tư: Bổ sung quy định: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, các cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định áp dụng. Quy định này là bắt buộc đã khắc phục tình trạng tùy nghi của Bộ luật tố tụng hình sự cũ, đó là chỉ quy định Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đủ điều kiện (khoản 2 Điều 457).

– Thứ năm: Quy định trách nhiệm của Viện kiểm sát là kiểm sát quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra và Tòa án. Theo đó, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra và Tòa án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp xét thấy quyết định của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận quyết định, Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định của Cơ quan điều tra; Trường hợp quyết định của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Tòa án đã ra quyết định. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát, Chánh án phải xem xét, trả lời (khoản 3, khoản 4 Điều 457).

– Thứ sáu: Bổ sung quy định mới so với Bộ luật tố tụng hình sự cũ về việc hủy bỏ quyết định áp dụng( Điều 458): Khi vụ án không còn một trong các điều kiện quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 456 (sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng) hoặc vụ án đã được đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc vụ án phải trả lại để điều tra bổ sung. Về thẩm quyền hủy bỏ: Tùy theo từng giai đoạn tố tụng, cơ quan có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn sẽ ra quyết định hủy bỏ khi có các căn cứ nêu trên. Ngoài ra, Viện kiểm sát có thẩm quyền hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra ( khoản 3 Điều 457).

– Thứ bảy: Quy định mới về tăng thời hạn điều tra, thời hạn truy tố, thời hạn xét xử. Theo đó cũng tăng thời hạn tạm giam cho tương ứng. Cụ thể: Thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra là 20 ngày ( tăng 8 ngày); thời hạn truy tố và tạm giam để truy tố là 05 ngày ( tăng 01 gày); Thời hạn xét xử sơ thẩm và tạm giam để xét xử là 17 ngày (tăng 03 ngày); Thời hạn xét xử phúc thẩm và tạm giam để xét xử phúc thẩm là 22 ngày( mới được quy định). Việc tăng thời hạn giải quyết vụ án cùng thời hạn tạm giam ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nhằm bảo đảm đủ thời hạn để các cơ quan tố tụng có thời gian giải quyết vụ án một cách chính xác, phù hợp với thực tế và cũng là cơ sở để các cơ quan tố tụng tích cực áp dụng thủ tục rút gọn trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự.

3. Thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Với chức năng là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát có đầy đủ khả năng và điều kiện để quyết định áp dụng thủ tục rút gọn một cách chính xác. Sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự, dựa vào các tài liệu đã thu thập được, Viện kiểm sát xem xét, xác định xem vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn hay không. Thông thường, trong những trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền đã có đủ căn cứ để ra ngay quyết định khởi tố bị can, do đó càng tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát quyết định liệu có áp dụng thủ tục rút gọn hay không bởi lẽ khi đó các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn được xác định đầy đủ trong quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can.

Pháp luật quy định thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thuộc về viện kiểm sát là hoàn toàn phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều phải được khởi tố và việc khởi tố có căn cứ và hợp pháp. Điều này tránh được sai sót hay dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ hình sự. Bởi lẽ Viện kiểm sát có thể đánh giá một cách khách quan, trung thực những vấn đề, tình tiết trong vụ án mà không chịu bất cứ sự chi phối nào, từ đó cân nhắc ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đúng đắn, giúp giải quyết nhanh chóng vụ án hình sự, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm kịp thời, hiệu quả; đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân trong tố tụng hình sự.

4. Quy định của luật

Trong thời hạn 24h, kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, CQĐT – VKS – TA phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Như vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn là bắt buộc và cả 3 cơ quan đều có thẩm quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đủ điều kiện ở giai đoạn tố tụng của mình, chứ không phải chỉ ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn điều tra, CQĐT đề nghị và VKS ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn như quy định cũ.

Khi áp dụng thủ tục rút gọn, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sẽ nhanh hơn, tổng thời gian chỉ trong vòng 42 ngày kể từ ngày khởi tố vụ án. Tuy nhiên, quy định pháp luật là vậy, nhưng thực tiễn cho thấy, hiệu quả của chế định này chưa được như kỳ vọng của các nhà làm luật. Theo số liệu thống kê của ngành Kiểm sát Hà Nội, kể từ khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, số vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn như sau: năm 2018: 22 vụ, năm 2019: 29 vụ, 6 tháng đầu năm 2020: CQĐT có 12 vụ/29 bị can, VKS có 9 vụ/15 bị can, TA có 10 vụ/24 bị can.

Qua số liệu trên ta thấy, số vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn không nhiều. Vậy nguyên nhân tại sao số vụ án hình sự trong thời gian qua được giải quyết theo thủ tục rút gọn không nhiều so với tổng số vụ án hình sự?

Thực tiễn cho thấy, trong 4 điều kiện theo quy định tại Điều 456 để áp dụng thủ tục rút gọn, thì các điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú và Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng là khá rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện. Còn 2 điều kiện: “Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”; thì trong thực tiễn áp dụng pháp luật để điều tra, truy tố xét xử vụ án còn đang có nhận thức và cách áp dụng khác nhau trong một số trường hợp, dẫn đến, ở những vụ án nội dung tính chất tương tự nhau, nhưng có nơi áp dụng và có nơi thì không áp dụng để giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Ví dụ: Trong các vụ án có ít bị can phạm tội quả tang, có nơi cư trú rõ ràng, chứng cứ rõ ràng, là tội phạm ít nghiêm trọng. Nhưng căn cước lai lịch, nhân thân bị can thì đã có tiền án, cần phải xác minh thu thập tài liệu để xác định Bị can đó thuộc trường hợp tái phạm hay không tái phạm. Hoặc như, trong các vụ án phạm tội quả tang, án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng, nhưng vụ án đó lại có nhiều bị can trong vụ án.

Với các vụ án thuộc loại này, thời gian tiến hành các thủ tục điều tra, xác minh thu thập chứng cứ, nhân thân lai lịch… sẽ mất khá nhiều thời gian. Vậy thì các vụ án thuộc loại này có phải là trường hợp: Phạm tội đơn giản – lý lịch rõ ràng hay không? Có làm án rút gọn được không?

Thông thường, để giải quyết một vụ án theo thủ tục rút gọn, trước hết bắt đầu từ CQĐT, sau đó áp dụng tiếp theo để giải quyết ở giai đoạn truy tố của VKS rồi mới đến giai đoạn xét xử của TA. Tuy nhiên, với những quy định mới đã được bổ sung, sửa đổi về thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2015, thì một vụ án có thể không áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn điều tra, do cần nhiều thời gian để thu thập chứng cứ về nhân thân, lai lịch… nhưng vụ án đó sau đó lại có thể áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn truy tố hoặc xét xử, nếu như đáp ứng đủ điều kiện của Điều 456 BLTTHS. Vì vậy, cần có sự nhận thức thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để áp dụng thủ tục đặc biệt này sao cho phù hợp và hiệu quả, để khi có vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn là phải được thực hiện theo thủ tục này.

5. Thực tế áp dụng

Từ thực tiễn do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hiện còn tâm lý “ngại” áp dụng thủ tục rút gọn vì thời gian ít, muốn giải quyết vụ án theo thủ tục chung để có thời gian dài hơn. Trong khi áp lực công việc thì ngày càng nhiều, số lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hiện nay thì mỏng, mà có hàng loạt việc phải làm, phải thực hiện. Hơn nữa, giải quyết các vụ này lại đan xen trong các vụ án khác, cần phải sắp xếp sao cho hợp lý, để giải quyết cho phù hợp.

>> Xem thêm: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn ? Quyết định đưa vụ án ra xét xử rút gọn ?

Hoặc như vụ án đó đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, nhưng lại xảy ra vào các dịp như nghỉ Tết, nghỉ lễ dài ngày, có khi mất tới 9 ngày. Trong khi tổng thời gian điều tra, truy tố, xét xử tối đa theo thủ tục rút gọn chỉ có 42 ngày (điều tra 20 ngày – truy tố 5 ngày – xét xử 17 ngày).

Thứ hai, mặc dù thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam đã được tăng thêm 8 ngày, lên đến 20 ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc điều tra thu thập chứng cứ ở một số vụ án gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để thu thập tài liệu cần thiết như: Để có kết quả định giá tài sản thì nhanh nhất cũng một tuần, có khi kéo dài cả tháng, hoặc như việc xác minh tiền án, tiền sự của bị can, nếu là người trong địa bàn thì còn nhanh, nhưng nếu là người địa phương khác thì mất cả tháng hoặc hơn, nếu vụ án có nhiều bị can thì thời gian giải quyết còn bị tăng lên hơn nữa.

Một nguyên nhân khác cũng được nhìn nhận là, các cơ quan tố tụng “sợ” bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Vì việc điều tra, truy tố, xét xử án theo thủ tục rút gọn thời gian ngắn hơn thì dể xảy ra sai sót hơn.

Thứ ba, nhiều cán bộ của CQĐT – VKS – TA vẫn chưa nắm bắt, chưa nhận thức được những thay đổi, bổ sung của BLTTHS năm 2015 về thủ tục rút gọn nên vẫn cho rằng việc áp dụng thủ tục rút gọn phải từ giai đoạn điều tra, bắt đầu từ CQĐT, còn việc truy tố, xét xử là sự áp dụng tiếp theo. Chính vì vậy, đối với một số vụ án gặp khó khăn, trở ngại nhất định (như đã nêu Ví dụ ở phần trên) thì khi các khó khăn, trở ngại đó đã được giải quyết xong, có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết nhưng VKS hoặc TA không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Luật LVN Group( Sưu tầm và biên tập )