Trả lời:
1. Khái niệm rà soát văn bản pháp luật
Trong những năm qua, nhằm đáp ứng các yêu cầu của quá trình quản lý đất nước trong tình hình mới, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một số lượng rất lớn văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết và hạn chế như: cồng kềnh, khó tiếp cận; nhiều tầng nấc, nhiều hình thức văn bản, thường xuyên thay đổi; văn bản hết hiệu lực và còn hiệu lực đan xen lẫn nhau; có nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo; văn bản cấp dưới trái với văn bản cấp trên; nhiều văn bản, nhiều quy phạm pháp luật lạc hậu hoặc không phù hợp với thực tiễn cuộc sống nhưng chưa được sửa đổi, thay thế kịp thời; chưa đáp ứng được các yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đời sống kinh tế – xã hội và tiến trình hội nhập quốc tế, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế.
Đe khắc phục các hạn chế nêu trên, bên cạnh việc thực hiện đồng thời các biện pháp nhằm đổi mới và nâng cao kĩ thuật lập pháp, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, còn cần phải đặc biệt quan tâm tới việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tiến tới hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được ban hành.
Hiện nay hoạt động rà soát được pháp luật hiện hành quy định và đặt ra yêu cầu bắt buộc, thường xuyên đối với văn bản quy phạm pháp luật.
Rà soát văn bản pháp luật là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế – xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp (Xem: Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
2. Cơ sở tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật
2.1 Cơ sở tiến hành rà soát thường xuyên
Văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ban hành phải được thường xuyên rà soát để kịp thời xem xét, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ khi:
+ Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được ban hành, sửa đổi, bổ sung làm thay đổi nội dung văn bản quy phạm pháp luật của cấp dưới;
+ Đối tượng điều chỉnh của văn bản được rà soát không còn;
+ Quy định cụ thể của văn bản được rà soát không còn phù hợp;
+ Quy định của văn bản được rà soát cần được ban hành bằng hình thức văn bản có hiệu lực pháp lý cao hon;
+ Phát sinh các quan hệ xã hội cần được điều chỉnh nhưng chưa có quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan có trách nhiệm thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật tự phát hiện hoặc nhận được thông tin, yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về văn bản quy phạm pháp luật chứa nội dung có dấu hiệu trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp.
Ngoài ra, rà soát thường xuyên còn được tiến hành khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản mới mà trong văn bản đó chưa chỉ rõ những văn bản nào trước đây bị hủy bỏ, bãi bỏ, thay thế thì cũng phải tiến hành rà soát toàn bộ các văn bản liên quan đến lĩnh vực văn bản mới điều chỉnh đã được ban hành trước đây.
2.2 Cơ sở tiến hành rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực
Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề, lĩnh vực được tiến hành khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện một văn bản mới thuộc một lĩnh vực.
Ví dụ: Trong những năm qua một số chuyên đề và lĩnh vực đã được rà soát, có thể kể đến như: rà soát văn bản để thi hành văn bản liên quan đến biển, đảo; rà soát văn bản liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, ma tuý; rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; rà soát văn bản liên quan đến bình đẳng giới, cơ quan đại diện ngoại giao…
Trên cơ sở kết quả của những đợt rà soát này, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những phát hiện về sự mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp… của các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình và văn bản do địa phương ban hành từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành văn bản mới.
2.3 Cơ sở tiến hành trong rà soát
Căn cứ vào yêu cầu của việc xem xét, đánh giá hệ thống pháp luật trong từng giai đoạn phát triển của đất nước để đề ra chiến lược xây dựng hệ thống pháp luật trong các giai đoạn tiếp theo thì tiến hành tổng rà soát hệ thống pháp luật và tổng rà soát được tiến hành theo quyết định (yêu cầu) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Nội dung rà soát văn băn quy phạm pháp luật
Khi tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật, người thực hiện rà soát cần xem xét, đánh giá những nội dung sau đây:
– Rà soát hiệu lực của văn bản được rà soát, bao gồm xác định rõ các trường hợp văn bản còn hiệu lực, văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Văn bản được xác định hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau:
+ Het thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản được rà soát;
+ Văn bản được rà soát đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
+ Văn bản được rà soát bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền;
+ Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.
– Rà soát phần căn cứ ban hành của văn bản được rà soát
+ Xác định các văn bản thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản là căn cứ ban hành của văn bản được rà soát;
+ Xác định các văn bản khác mới được ban hành có quy định liên quan đến quy định của văn bản được rà soát.
– Rà soát về thẩm quyền ban hành văn bản được rà soát
Xem xét sự phù hợp về thẩm quyền ban hành văn bản được rà soát với quy định của văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát, bao gồm thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung.
– Rà soát phần nội dung của văn bản được rà soát
Xem xét, xác định những nội dung của văn bản được rà soát có quy định trái, chồng chéo, mâu thuẫn với quy định của văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát.
Trường hợp các văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; nếu các văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát do một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thi áp dụng văn bản được ban hành sau.
Sau khi rà soát, cơ quan tiến hành hoạt động này lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, hết hiệu lực, danh mục những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, đình chỉ thi hành, bãi bỏ.
Luật Minh KHuê (sưu tầm & biên tập)