1. Quy định về sáng kiến

Sáng kiến là kết quả của hoạt động sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tăng cường phạm vi triển khai áp dụng.
Ngay từ đầu năm 1981, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31-CP ngày 23/01/1981 ban hành Điều lệ về cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất và sáng chế (viết tắt là Nghị định 31). Theo đó, sáng kiến được hiểu: “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật – hợp lý hoá sản xuất được công nhận theo Điều lệ này là một giải pháp kỹ thuật hoặc giải pháp tổ chức sản xuất mới, có khả năng áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị (kể cả đơn vị kinh tế tập thể) nhận đăng ký” (Điều 1, Nghị định 31).
Nội dung của sáng kiến được Nghị định 31 quy định gồm: (1) Cải tiến kết cấu máy móc, trang bị, công cụ lao động, sản phẩm, cải tiến phương án thiết kế hoặc kết cấu các công trình xây dựng …; (2) Cải tiến tính năng, công dụng, thành phần của nguyên liệu, vật liệu hoặc sản phẩm …; (3) Cải tiến phương pháp khảo sát, thiết kế, công nghệ, thi công, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh…; (4) Cải tiến tổ chức sản xuất nhằm sử dụng hợp lý sức lao động, công cụ lao động, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, tiền vốn,….
Cũng theo Nghị định 31, tác giả sáng kiến được hưởng quyền lợi như: Tác giả được cấp giấy chứng nhận sáng kiến hoặc bằng tác giả sáng chế có quyền nhận khen thưởng khi cơ quan, xí nghiệp áp dụng sáng kiến hay sáng chế của mình. Quyền nhận tiền thưởng được phép chuyển giao cho người thừa kế theo pháp luật Nhà nước; Tác giả của những sáng kiến hay sáng chế có giá trị khoa học kỹ thuật và kinh tế đặc biệt lớn được Nhà nước trao tặng các danh hiệu và giải thưởng quốc gia về khoa học kỹ thuật; Thủ trưởng các cấp có trách nhiệm giải quyết những quyền lợi về khen thưởng cho tác giả sáng kiến hay sáng chế theo đúng quy định,…
Bên cạnh đó, Nghị định 31 cũng có chính sách thưởng khuyến khích những người hỗ trợ tác giả và những người tổ chức vá áp dụng lần đầu sáng kiến, sáng chế, cụ thể: Những người được phân công giúp đỡ tác giả về mặt kỹ thuật trong quá trình nghiên cứu thí nghiệm để tạo ra sáng kiến, sáng chế được nhận tiền thưởng khuyến khích, cao nhất không quá 25% số tiền thưởng cho tác giả; Những người tham gia tổ chức và áp dụng lần đầu sáng kiến hay sáng chế của cơ quan, đơn vị được nhận tiền thưởng khuyến khích, cao nhất không quá 50% số tiền thưởng cho tác giả; Những người chủ động đề xuất, trực tiếp tham gia tổ chức và áp dụng lần đầu sáng kiến, sáng chế của cơ quan, xí nghiệp khác, sau khi áp dụng thành công được nhận tiền thưởng khuyến khích, cao nhất không qúa 50% số tiền thưởng cho tác giả của một sáng kiến hay sáng chế có số tiền làm lợi tương đương.
Có thể thấy, tại thời điểm ban hành, Nghị định 31 được coi là bước đột phá, kích thích việc không ngừng đổi mới, phát huy sáng tạo đối với người lao động. Nhờ đó hình thành nên phong trào sáng kiến trong sản xuất diễn ra trong các nhà máy, xí nghiệp. Từ đó, họat động sáng kiến trở thành tiêu chí chung trong phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt trong hoạt động của tổ chức công đoàn.
Ngày 02/3/2012, Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến kèm theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 13), thay thế Nghị định 31. Theo đó: “Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp)”, được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: (1) Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; (2) Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực; (3) Không thuộc đối tượng bị loại trừ (Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội; Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến).
Bên cạnh hai Nghị định nêu trên thì Luật Thi đua Khen thưởng được ban hành năm 2003 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2005, 2009, 2013), cụ thể ở Điều 23, Văn bản hợp nhất Luật Thi đua Khen thưởng số 16/VBHN-VPQH ngày 13/12/2013 của Văn phòng Quốc hội, có nêu: “Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận”.
So với Nghị định 31 thì quy định về sáng kiến theo Nghị định 13, Luật Thi đua, Khen thưởng được đánh giá là có nhiều điểm mới:
– Sáng kiến được thừa nhận trên nhiều lĩnh vực, ngoài các giải pháp trong lĩnh vực kỹ thuật, sáng kiến còn được công nhận trong lĩnh vực quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, điều đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo trên mọi mặt của đời sống xã hội.
– Nghị định 13 quy định rõ quyền lợi cho tác giả sáng kiến và người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu. Thời hạn được hưởng thù lao là 3 năm đầu tiên áp dụng sáng kiến. Mức thù lao cho tác giả được áp dụng tối thiểu là 7% tiền làm lợi thu được mỗi năm, hoặc tối thiểu 15% giá chuyển giao.
Nếu không tính được tiền làm lợi sáng kiến thì tác giả được trả với mức tối thiểu là 5 lần mức lương tối thiểu chung theo quy định của nhà nước. Những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu được thực hiện cùng lúc với mỗi lần trả thù lao cho tác giả sáng kiến, với mức tối thiểu 20% mức thù lao cho tác giả sáng kiến.
Việc trả thù lao cho những người tham gia tổ chức áp dụng lần đầu là điểm tiến bộ của Nghị định 13 về sáng kiến. Bởi với một giải pháp mới hình thành còn chứa đựng rất nhiều rủi ro, việc đưa giải pháp vào triển khai áp dụng lần đầu đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó quyết định sự thành công của giải pháp. Những cá nhân dám chấp nhận mạo hiểm, đóng vai trò tiên phong cho quá trình lần đầu tiên tham gia tổ chức áp dụng, xứng đáng được thưởng bên cạnh những cá nhân đã đưa ra giải pháp.
– Quy định loại trừ đối tượng không được công nhận sáng kiến. Việc quy định này nhằm hướng đến việc nhân rộng, phổ biến các giải pháp sáng kiến phục vụ cho lợi ích cộng đồng theo cơ chế “phi thương mại” các thành quả nghiên cứu. Tuy nhiên, sáng kiến sau khi được công nhận, nếu đáp ứng điều kiện vẫn có thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như các giải pháp kỹ thuật khác. Nhưng từ thời điểm quyền sở hữu trí tuệ được thiết lập, các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ được áp dụng đối với giải pháp đó thay thế các quy định về sáng kiến.
– Bên cạnh những lợi ích về vật chất, sáng kiến còn có giá trị về mặt tinh thần. Các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua khen thưởng quy định sáng kiến thuộc một trong các tiêu chí để công nhận thi đua như: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Từ đó, vai trò, vị trí của công tác sáng kiến trở nên hết sức quan trọng đối với kết quả làm việc của từng cá nhân.

2. Khái niệm sáng kiến pháp luật

Sáng kiến lập pháp (còn gọi sáng kiến pháp luật hoặc sáng quyền lập pháp) với vị trí là bước đầu tiên trong quy trình lập pháp có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến số phận của một dự luật nói riêng cũng như hiệu quả công tác lập pháp. Có thể nói, xuất phát từ sáng kiến lập pháp mà các hoạt động lập pháp của Quốc hội mới được khởi động. Ở hầu hết các nước, quyền sáng kiến lập pháp được ghi nhận trong Hiến pháp, luật và các quy chế về Quốc hội.

Sáng kiến pháp luật là quyền của một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân trình dự án luật, pháp lệnh hoặc kiến nghị xây dựng pháp luật (hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản luật, pháp lệnh) ra trước cơ quan lập pháp hoặc kiến nghị luật.

Quyền trình dự án luật và quyền trình kiến nghị luật được hiểu như sau:

– Quyền trình dự án luật là quyền của các cơ quan, đoàn thể và quan chức… theo luật định trình văn bản ra trước Quốc hội, Nghị viện để xem xét, thông qua thành một đạo luật. Một dự án luật trình ra trước Quốc hội phải gồm có:

+ Bản thuyết minh của cơ quan trình về những lý do, sự cần thiết phải ban hành, mục đích, nội dung chủ yếu của đạo luật và dự kiến những biện pháp thi hành khi đạo luật được thông qua.

+ Bản dự luật và các dự kiến về các văn bản hướng dẫn thi hành.

+ Bản phúc trình của cơ quan có thẩm quyền (thường là các Ủy ban của Quốc hội, Nghị viện) xem xét, kiểm tra trước về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự luật trong hệ thống pháp luật để Quốc hội xem xét.

– Quyền trình kiến nghị về luật là quyền của các cơ quan, đoàn thể, đại biểu Quốc hội và công dân đề nghị việc xem xét một dự án soạn thảo văn bản luật, bộ luật ra trước Quốc hội, Nghị viện. Quyền trình kiến nghị về luật đơn giản chỉ là việc đề nghị Quốc hội xem xét để quyết định soạn thảo một dự luật mà không bao gồm việc soạn thảo và trình dự án luật đó ra trước Quốc hội.

Như vậy, quyền sáng kiến lập pháp bao gồm hai quyền, đó là quyền trình dự án luật và quyền trình kiến nghị về luật. Ở hầu hết các nước, khi quy định về quyền sáng kiến lập pháp đều thống nhất ở sự phân loại này.

3. Đặc điểm cơ bản của sáng kiến pháp luật

– Quyền sáng kiến lập pháp là quyền năng mà pháp luật chỉ ghi nhận cho một số chủ thể nhất định thực hiện theo các trình tự, thủ tục pháp lý;

– Quyền sáng kiến lập pháp có tính bắt buộc (thể hiện qua việc bắt buộc Quốc hội, Nghị viện phải xem xét và quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận các sáng kiến lập pháp này).

4. Quyền sáng kiến lập pháp ở Việt Nam

Theo quy định tại Điều 84 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Như vậy, ngay tại Hiến pháp đã ghi nhận quyền sáng kiến lập pháp và có sự quy định khác nhau về quyền sáng kiến lập pháp của cá nhân đại biểu Quốc hội với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Cụ thể, đại biểu Quốc hội có hai quyền là quyền trình dự án luật và quyền trình kiến nghị về luật. Còn các chủ thể là các cơ quan, tổ chức chỉ có quyền trình dự án luật. Sở dĩ có sự quy định khác nhau là vì các chủ thể là các cơ quan, tổ chức mới có đủ điều kiện về vật chất cũng như về con người để có thể soạn thảo một dự luật có chất lượng, cũng bởi thế cho nên pháp luật buộc họ phải trình dự luật đầy đủ chứ không cho phép trình ý tưởng soạn thảo một dự luật. Còn, đối với các chủ thể là cá nhân đại biểu Quốc hội thì do họ khó có khả năng về điều kiện vật chất cũng như về con người để có thể thực hiện soạn thảo thành công một dự luật, do vậy, pháp luật trao cho họ quyền trình sáng kiến luật và cả quyền trình dự án luật. Ở Hiến pháp 2013 đã mở rộng quyền hạn của Đại biểu Quốc hội so với Hiến pháp 1992 khi có thể kiến nghị về cả các pháp lệnh.

Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, trong Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định:

“Điều 29. Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh

1. Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.

2. Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật.”

Xét từ góc độ phát triển thì vai trò và quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp ngày càng được khẳng định, nâng cao và mở rộng hơn qua từng bản Hiến pháp Việt Nam. Cụ thể, Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 chưa quy định đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, chỉ tới Hiến pháp 1980 quyền này của đại biểu Quốc hội mới được khẳng định và nêu trong Điều 86 của Hiến pháp 1980 như sau: “Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội”. Như vậy, quyền của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia xây dựng dự án luật cũng ngang bằng với các chủ thể khác. Tới Hiến pháp 1992, như đã phân tích ở trên quyền trình dự án luật của đại biểu Quốc hội tiếp tục được khẳng định và bổ sung thêm quyền kiến nghị về luật mà các chủ thể khác không có và Hiến pháp 2013 đã mở rộng quyền hạn của Đại biểu Quốc hội so với Hiến pháp 1992 khi có thể kiến nghị về cả các pháp lệnh.

– Xét từ góc độ phạm vi các chủ thể tham gia xây dựng dự án luật cho thấy tới Hiến pháp 1992đã giảm bớt một số các chủ thể tham gia trình dự án luật. Cụ thể là Hội đồng quốc phòng và các chỉnh đảng không tham gia vào quá trình này.

– Xét từ góc độ tính chất pháp lý thì quyền trình dự án luật và kiến nghị về luật của đại biểu Quốc hội là quyền hiến định.

5. Điều kiện sáng kiến pháp luật

Sáng kiến pháp luật bao gồm quyền trình dự án luật, pháp lệnh và quyền kiến nghị về luật của đại biểu Quốc hội. Đây là giai đoạn đầu tiên, đặc biệt quan trọng của quá trình lập pháp. Để thực hiện được quyền này một cách có hiệu quả cần có một số điều kiện sau đây:

– Tổng hợp, đánh giá, nắm bắt được nhu cầu của xã hội: những vấn đề bức xúc của xã hội (của người dân) cần phải điều chỉnh bằng luật, pháp lệnh (ban hành luật, pháp lệnh mới hoặc điều chỉnh, sửa đổi các quy định hiện hành);

– Xác định đúng nhu cầu quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, nhận diện đdầy đủ xu hướng phát triển của loại quan hệ xã hội cần được điều chỉnh bằng pháp luật;

– Xác định, làm rõ mức độ và loại văn bản pháp luật (luật, pháp lệnh) cần ban hành…

Để có được sáng kiến pháp luật về vấn đề này cần đánh giá, phân tích:

– Mức độ phổ biến của loại quan hệ xã hội này;

– Khả năng khoa học; công nghệ kỹ thuật, chuyên gia của ngành y;

– Ý thức xã hội về vấn đề này: đạo đức, phong tực, tập quán, truyền thống dân tộc;

– Các hậu quả xã hội có thể xảy ra: quan hệ huyết thống, gia đình, thân tộc, tiến hóa xã hội…

– Đã cần pháp luật điều chỉnh chưa? Nếu cần thì loại văn bản nào (luật, pháp lệnh hay nghị định của Chính phủ), mức độ luật pháp can thiệp tới đâu v.v…

Kết quả cao nhất của sáng kiến lập pháp là khi được Quốc hội chấp thuận đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm hoặc toàn khóa Quốc hội. Tới đây giai đoạn 1 (sáng kiến lập pháp) của hoạt động lập pháp cũng chấm dứt. Như vậy, sáng kiến lập pháp là kết quả của một quá trình tư duy sáng tạo, nhiều khi khá phức tạp đòi hỏi kiến thức tổng hợp, hiểu biết rộng, có trình độ phân tích, tổng hợp…

Qua phân tích trên có thể kết luận:

– Các quy định về vai trò và sự tham gia của đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh được ghi nhận trong các văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước ta: Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

– Đây là các quyền rất quan trọng của đại biểu Quốc hội tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội tham gia vào quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, tham gia vào hoạt động lập pháp.

– Pháp luật của ta đang đi theo hướng nâng cao vai trò và mở rộng quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh.